PGS. TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, việc điều chỉnh giá nước sạch tại thời điểm này là cần thiết nhằm nâng cao năng lực, chất lượng cung cấp nước sạch trên địa bàn Thủ đô, nhất là trong những ngày nắng nóng.
Theo dự thảo quyết định của UBND TP Hà Nội về phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn TP, giá nước được tăng theo lộ trình trong năm 2023 và 2024.
Ảnh minh họa: Nguồn: Minh Sơn/Vietnam+
Cụ thể, giá bán lẻ nước sinh hoạt ở mức 10m3/hộ/tháng sẽ tăng từ 5.973 đồng/m3 lên 7.500 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024; từ trên 10 – 20m3/hộ/tháng tăng từ 7.052 đồng/m3 lên 8.800 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 9.900 đồng/m3 vào năm 2024; từ trên 20 – 30m3/hộ/tháng tăng từ 8.669 đồng/m3 lên 12.000 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 16.000 đồng/m3 vào năm 2024. Và đến năm 2024, mức giá cao nhất với nước sinh hoạt sẽ là 27.000 đồng/m3 khi sử dụng trên 30m3/ hộ/tháng.
Theo lý giải của Sở Tài chính, việc điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết thực tế, phù hợp với chủ trương của nhà nước về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước, tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất kinh doanh nước sạch.
Ngoài ra, việc điều chỉnh giá nước còn có tác dụng khuyến khích ý thức sử dụng nước tiết kiệm trong các tổ chức, cá nhân đang sử dụng nước sạch, đảm bảo an sinh xã hội và tạo sự tự chủ về tài chính cho các doanh nghiệp cấp nước để hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước cho nhân dân Thủ đô.
Liên quan đến quyết định của UBND TP Hà Nội về phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn TP. Tại Hội nghị phản biện xã hội do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức, một số chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, việc dự kiến điều chỉnh tăng giá nước sạch sinh hoạt từ 1/7/2023 chắc chắn sẽ tác động đến cuộc sống của người dân. Song, những tác động đó sẽ là rất nhỏ so với việc tạo động lực để nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cung cấp nước sạch cho Thủ đô.
PGS. TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, việc điều chỉnh giá nước sạch tại thời điểm này là cần thiết nhằm nâng cao năng lực, chất lượng cung cấp nước sạch trên địa bàn Thủ đô, nhất là trong những ngày nắng nóng.
Còn ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam cho biết, qua nghiên cứu các phương án giá của Hà Nội, chúng tôi thấy phương án đã được tính toán, áp dụng về nguyên tắc, phương pháp xác định giá, thẩm quyền quyết định giá theo đúng quy định tại Thông tư số 44/2021/TT-BTC quy định về khung giá, nguyên tắc, phương án xác định giá.
Tuy nhiên, tăng giá nhưng vẫn phải cam kết triển khai tốt các giải pháp đáp ứng đòi hỏi chính đáng của người dân. Điều chỉnh giá nhưng phải cung ứng nước sạch đáp ứng liên tục, đủ nhu cầu cũng như chất lượng nước phải đảm bảo đúng quy chuẩn của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, phải làm thật tốt chính sách phục vụ khách hàng, chống gian lận trong đo đếm lượng nước sử dụng và tính tiền nước.
Ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng thành viên (HĐTV) Dân chủ – Pháp luật nhấn mạnh, tăng giá nước sạch nhưng cũng cần quan tâm đến việc kiểm tra, thanh tra toàn bộ các khâu trong đầu tư xây dựng các nhà máy, các trạm sản xuất nước sạch trên địa bàn thành phố và khu vực; đảm bảo chất lượng nước sạch đúng tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu, không để xảy ra lãng phí, tiêu cực.
Ở góc độ khác, TS Đinh Hạnh, Chủ nhiệm HĐTV về kinh tế lại cho rằng, cần theo dõi biến động về tiền lương, thu nhập của các đối tượng trong thời gian tới để kịp điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, vừa đảm bảo ổn định đời sống của người dân, vừa khuyến khích thu hút đầu tư để phát triển sản xuất kinh doanh nước sạch, nâng cao hơn nữa sản lượng nước sạch ở cả thành thị và nông thôn.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, dự thảo quyết định đã bám sát các căn cứ pháp lý, pháp luật của Nhà nước và nhất là đáp ứng yêu cầu thực tiễn nâng cao chất lượng cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân Thủ đô. Tuy nhiên, để quyết định có hiệu lực, hiệu quả cao sát với thực tế, các cơ quan chuyên môn trong quá trình xây dựng dự thảo quyết định cần rà soát, tính toán kỹ các nội dung liên quan, để vừa đảm bảo an sinh xã hội, vừa tạo sự tự chủ về tài chính cho các doanh nghiệp cấp nước để hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước cho nhân dân Thủ đô.
“Với những nội dung mà Sở Tài chính chuẩn bị và tham mưu cho HĐND TP đều là nội dung nhạy cảm được nhân dân quan tâm. Quá trình chuẩn bị chặt chẽ, khoa học, lấy ý kiến đa chiều với các đối tượng liên quan. Sự chuẩn bị kỹ này dựa trên căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn, phương pháp xây dựng khoa học và cần thiết phải có sự điều chỉnh về giá nước sinh hoạt trong thời điểm này”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh.
Minh Chí
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/dieu-chinh-gia-nham-nang-cao-nang-luc-chat-luong-cung-cap-nuoc-sach-tren-dia-ban-thu-do-post254341.html