Sau hơn 25 năm tái lập, từ một huyện thuần nông, đến nay Giao Thủy đã có những chuyển biến rõ nét, đột phá ở nhiều lĩnh vực phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, công tác quy hoạch và thu hút đầu tư,…
Diện mạo mới Trung tâm huyện Giao Thủy hơn 25 năm tái lập
Giao Thủy nằm ở hữu ngạn sông Hồng, là huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Nam Định với đường bờ biển dài 32 km, diện tích tự nhiên là 238,2 km2 và dân số 230 nghìn người. Con người Giao Thủy được biết đến là cần cù, chịu khó và sáng tạo, đây cũng là mảnh đất có truyền thống hiếu học của tỉnh Nam Định.
Hơn nữa, Giao Thủy được thiên nhiên ưu đãi nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội. Trong đó, nổi bật nhất đó là Vườn quốc gia Xuân Thủy – đây là vùng lõi khu dự trữ sinh quyển Châu thổ đồng bằng sông Sồng với diện tích rộng gần 15.000 ha, với nhiều loài động, thực vật quý hiếm nằm trong sách đỏ thế giới, là điểm du lịch sinh thái, nghiên cứu của du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, Giao Thủy còn có khu du lịch tắm biển Quất Lâm đang được cải tạo, đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại, bền vững để phục vụ du khách. Giao Thủy còn là địa phương đứng đầu trong tỉnh về sản xuất các con giống thủy hải sản.
Ngoài tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế biển, Giao Thủy còn là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là sau khi tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn huyện sắp hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian và khoảng cách từ huyện đến Cảng Hải Phòng còn 60 km, đến sân bay Cát Bi còn 70 km.
Giao Thủy đã và đang tích hợp vào quy hoạch liên vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch quốc gia 06 Khu công nghiệp (KCN) với diện tích trên 2.000 ha, trong đó KCN Hải Long với khoảng 1.100 ha đang được Tập đoàn VSIP khảo sát, nghiên cứu, đầu tư và 13 Cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 1.000 ha…
Kể từ ngày 01/4/1997, sau 25 năm tái lập, từ một huyện thuần nông, điểm xuất phát kinh tế còn nhiều khó khăn, đến nay Giao Thủy đã xây dựng được một nền kinh tế phát triển với tốc độ khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng, dịch vụ. Giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp năm 2022 đạt 7.127 tỷ đồng, tăng 152 lần so với năm 1997; thu ngân sách năm 2022 đạt trên 348 tỷ đồng, tăng 61 lần so với năm 1997.
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân Giao Thủy ngày càng được quan tâm.
Sau hơn 25 năm tái lập, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của Giao Thủy đã tạo được những đột phá quan trọng, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, trường học, trạm y tế, chợ,… nhiều công trình, dự án trọng điểm đang được triển khai như: Dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định, đoạn qua huyện Giao Thuỷ với chiều dài khoảng 25km (hiện đã hoàn thành trên 90% khối lượng); tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – đường bộ ven biển (TL484) với chiều dài trên địa bàn huyện Giao Thuỷ khoảng 4,5 km đang triển khai giải phóng mặt bằng. Huyện cũng đang quy hoạch và làm các thủ tục đầu tư để hoàn thiện các tuyến đường giao thông, như: Tuyến đường Cồn Nhì – Giao Thiện (Hữu sông Hồng); tuyến đường Thiện Lâm, Lạc Lâm, đường tả sông Sò,…
Huyện Giao Thủy cũng đã và đang thực hiện đồng bộ tất cả các loại quy hoạch, như: Quy hoạch đô thị thị trấn Ngô Đồng đã được điều chỉnh tổng thể năm 2020; Đã lập xong quy hoạch chung xây dựng xây dựng 16 xã trên địa bàn huyện; Triển khai lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung đô thị thị trấn Quất Lâm; Quy hoạch Vùng liên huyện Hải Hậu – Giao Thuỷ đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tỉnh Nam Định đang được triển khai.
Trong đó, điển hình như: Quy hoạch không gian phát triển biển của huyện Giao Thuỷ; Khu du lịch, dịch vụ tổng hợp (có sân golf) nghỉ dưỡng sinh thái biển Giao Thuỷ khoảng 5.000 ha vùng biển thuộc thị trấn Quất Lâm, Giao Phong; Quy hoạch Khu dịch vụ giải trí thể thao vui chơi cao cấp và sân golf Giao Phong (khu ven biển thị trấn Quất Lâm và xã Giao Phong); Khu dịch vụ giải trí thể thao vui chơi cao cấp và sân golf Bạch Long; Tổ hợp dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cây xanh thể dục thể theo và logictics huyện Giao Thuỷ (khu bãi bồi sông Hồng xã Hồng Thuận và xã Giao Hương, diện tích 170 ha); Quy hoạch phát triển điện gió ngoài khơi, điện gió gần bờ khu vực biển Giao Thuỷ,…
Về lĩnh vực thu hút đầu tư trên địa bàn huyện cũng đạt được những kết quả tích cực, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã đi vào hoạt động, giải quyết lực lượng lớn công nhân, lao động trên địa bàn: Công ty May ProSport Giao Thủy, Giao Yến, Hồng Thuận với hơn 4.000 công nhân; Công ty TNHH Giày Sunshai Bình Hòa trên 500 công nhân; Công ty Nice Power Giao Tiến với tổng giá trị đầu tư 500 tỷ đồng; CCN Thịnh Lâm tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng và nhiều dự án đang được triển khai xây dựng.
Hơn 25 năm tái lập, cùng với những đột phá về phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, công tác quy hoạch và thu hút đầu tư, các lĩnh vực về văn hóa xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, toàn huyện có 17 xã/thị trấn đạt NTM nâng cao; 01 xã Giao Phong đạt NTM kiểu mẫu theo tiêu chí mới – là xã đầu tiên và duy nhất trong tỉnh có được vinh dự này.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm, chú trọng và phát triển; đến nay, Giao Thủy có 85 sản phẩm OCOP, đạt từ 3 sao cấp tỉnh trở lên (là huyện có số sản phẩm nhiều nhất tỉnh), các sản phẩm đều có chỗ đứng trên thị trường, có sản phẩm xuất khẩu đến thị trường Nhật Bản.
Để đạt được những kết quả đáng trân trọng đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Giao Thủy luôn nỗ lực vượt khó, đoàn kết và sáng tạo, ban hành những Nghị quyết gắn với thực tiễn. Những kết quả đạt được này sẽ là động lực và là nền tảng vững chắc để Cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Giao Thủy quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXVI.
Thế Hiếu (VHVN)