Các chuyên gia cho rằng cần đánh giá lại nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 tại nước ta trong bối cảnh dịch bệnh có chiều hướng phức tạp ở nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Nguy cơ lớn dịch COVID-19 quay trở lại
Hiện nay, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, trong đó có các quốc gia ở châu Á. Đơn cử, trong những ngày qua tình hình dịch tại Hàn Quốc có chiều hướng phức tạp hơn khi số ca nhiễm mới COVID-19 theo ngày đã lần đầu tiên tăng lên mức trên 40.000 người sau hai tháng và có chiều hướng gia tăng mạnh.
Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết trong ngày 13/7 đã ghi nhận 40.266 ca nhiễm mới COVID-19, đa phần là lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu đại dịch lên 18.602.109 ca. Đây là lần đầu tiên số lượng ca nhiễm mới theo ngày vượt mức 40.000 kể từ ngày 11/5.
Dịch COVID-19 đang trở lại tại nhiều quốc gia, Việt Nam đúng trước nguy cơ lớn!
Tại Nhật Bản, số ca nhiễm COVID-19 mới còn phức tạp hơn. Ngày 16/7, Nhật Bản ghi nhận hơn 110.000 ca mắc mới COVID-19, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay. Người mắc COVID-19 chủ yếu là do dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron gây ra. Số ca mắc mới nói trên cao hơn con số kỷ lục trong làn sóng lây nhiễm thứ sáu, với 104.000 ca bệnh vào ngày 3/2.
Tại Ấn Độ cũng đang ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới tăng. Trong ngày 16/7 đã có 20.044 ca nhiễm mới. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp, quốc gia này có số ca nhiễm mới vượt 20.000 ca/ngày. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, nước này hiện ghi nhận tổng cộng 43.730.071 ca COVID-19. Với số ca mắc mới tăng cao, số người đang phải điều trị hiện là 140.760 trường hợp. Ngoài ra, trong 24 giờ qua, Ấn Độ cũng có thêm 56 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi vì dịch bệnh trên cả nước lên 525.660 người.
Diễn biến tình hình dịch COVID-19 tại nhiều quốc gia trên cho thấy dịch đang phức tạp trong khi nước ta duy trì chính sách mở cửa với các quốc gia. Hiện tại, nước ta cũng đã ghi nhận sự xuất hiện của các ca bệnh mang biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron. Bộ Y tế đã tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur tổ chức điều tra và giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 cũng như các biến thể khác.
Trước thực trạng trên, để đánh giá về nguy cơ dịch COVID-19 có thể bùng phát trở lại ở Việt Nam, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với Phó Giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Theo chuyên gia này thì cần thiết phải đánh giá nguy cơ dịch lần này đối với Việt Nam để có biện pháp phòng bệnh hữu hiệu. Tuy nhiên, ông Trần Đắc Phu nhận định, do vừa qua người dân nước ta đã tiêm vắc-xin phòng COVID-19 hơn nữa có nhiều người mắc nên đang có kháng thể trong cộng đồng.
Trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 quay trở lại và diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh: “Thời điểm này người dân không nên chủ quan mà phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang ở những nơi nguy cơ cao, môi trường kín, rửa tay khử khuẩn… Đặc biệt chú ý bảo vệ nhóm đối tượng có nguy cơ cao như người già, người mắc bệnh nền… để hạn chế tử vong nếu như mắc bệnh”.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, hiện những con số về ca mắc COVID-19 thông báo hằng ngày của Bộ Y tế cập nhật là không chính xác. Bởi vì thực tế hiện không tổ chức xét nghiệm đại trà nên không biết số người mắc bệnh nhưng không có triệu chứng. Hơn nữa, có những người có triệu chứng nhưng không chịu xét nghiệm hoặc xét nghiệm rồi không báo cáo. “Vì thế cần phải để ý tới thực trạng trên” – ông Trần Đắc Phu băn khoăn.
Đánh giá về dịch bệnh COVID-19 tại các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản theo vị chuyên gia này, các ca bệnh chủ yếu mắc nhẹ, số người nhập viện không gây quá tải cho bệnh viện, chưa phải là con số đáng báo động.
Ngại tiêm chủng sẽ là rào cản trong chống dịch
Ở nước ta hiện nay dịch sốt xuất huyết, dịch cúm A trái mùa đang diễn biến phức tạp, nếu COVID-19 cũng “hoành hành” như tại Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ tạo nên áp lực lớn đối với hệ thống khám, chữa bệnh.
Tuy nhiên, điểm đáng lo ngại hiện nay là tình trạng người dân ngại tiêm vắc-xin COVID-19. Ngay cả như ở Hà Nội thì tỷ lệ tiêm chủng vẫn chưa đúng kế hoạch. Đến ngày 17/7, Hà Nội có tỷ lệ tiêm mũi 2 cho trẻ 5 đến 11 tuổi mới chỉ đạt gần 13%. Cả nước hiện số lượt tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) mới có 47.087.754 mũi tiêm đạt 70,3%. Tiêm nhắc lần 2 (mũi 4) đạt 6.986.300 mũi tiêm chiếm 38,8%. Nhiều tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 2 thấp như: Bắc Kạn, Nghệ An, Quảng Bình, Bình Định, Đồng Tháp chưa đạt 10%.
Trước thực trạng người dân ngại tiêm vắc-xin COVID-19, ông Trần Đắc Phu cho rằng mọi người không nên chủ quan. “Tiêm vắc-xin thì mới phòng bệnh được” – ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh. Theo chuyên gia này, kể cả miễn dịch tự nhiên nếu như người bệnh mắc COVID-19 thì sau 4 tháng đến 6 tháng miễn dịch sẽ bị suy giảm. Do đó, đối với đối tượng cần phải bảo vệ như người già, người mắc bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch có những nguy cơ chuyển nặng, đi bệnh viện thì nên tiêm vắc-xin COVID-19.
“Vào thời điểm này người dân không được chủ quan mà cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang ở những nơi nguy cơ cao, rửa tay khử khuẩn, có triệu chứng là phải cách ly không được tiếp xúc với người khác. Trong lúc này khi bị sốt, ho, đau họng thì nên xét nghiệm để biết và điều trị kịp thời” – ông Trần Đắc Phu cho biết.
Ông Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định, qua tra cứu các y văn, thấy rằng vắc-xin COVID-19 không những có tác dụng giúp tránh mắc hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ (MIS-C) mà còn bảo vệ, làm giảm mức độ nặng khi trẻ mắc MIS-C.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương vừa qua đã điều trị cho gần 300 ca mắc MIS-C trên tổng số 800 lượt bệnh nhi hậu COVID-19, chủ yếu là nhóm trẻ từ 5-12 tuổi chưa tiêm vắc-xin. “Dù đại đa số các bé diễn biến nặng, nguy kịch đều được điều trị thành công nhưng chi phí rất tốn kém. Điều này có nghĩa là nếu trẻ mắc COVID-19 thì không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe, tính mạng mà còn ảnh hưởng đến cả gánh nặng chi phí điều trị nữa” – ông Trần Minh Điển nhấn mạnh.
WHO khẳng định vắc-xin COVID-19 có tác dụng bảo vệ tránh bệnh trở nặng
WHO khẳng định các vắc-xin được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể virus SARS-CoV-2 (bao gồm cả biến thể phụ BA.4, BA.5). Do đó, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc-xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ bệnh trở nặng.
Trinh Phúc
Nguồn Báo Công Luận
https://www.congluan.vn/dich-covid-19-bung-phat-tro-lai-tai-nhieu-quoc-gia-nguoi-dan-khong-the-chu-quan-post205562.html