Di tích lịch sử Đền Đô: Tâm linh đất Rồng thiêng

10:58 | 17/06/2022

Đền Đô là ngôi đền đầu tiên thờ 8 vị vua nhà Lý. Nơi đây cũng là nơi duy nhất tại Việt Nam xuất hiện hiện tượng “Bát Đế Vân Du – Long vân hội tụ”. Quần thể di tích này là nơi hội tụ tinh hoa văn dân tộc, là nơi in đậm kiến trúc độc đáo thời nhà Lý, cho thấy sự phát triển vượt bậc của vương triều này.


Đảng, Nhà nước và nhân ta đã tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội thành công, tổ chức ngày Hội Văn hóa Việt Nam thành công. Dấu ấn này đi vào lịch sử nối nghìn năm xưa với ngày nay và mai sau với bao khát vọng “Con Rồng Việt Nam bay lên”, khát vọng đất nước con người Việt Nam phát triển tới đỉnh cao hạnh phúc. Cảm hứng này cho ta tình cảm và sức mạnh hành động yêu Tổ quốc, yêu Đồng bào, ước mơ “Nghìn xưa Đại Việt Thăng Long – Ngày nay sáng đẹp con Rồng Việt Nam “.

Thăng Long – Rồng bay lên là linh khí của đất trời Việt Nam mình, là Tổ quốc dáng Rồng lớn bay lên bên biển Đông của Thái Bình Dương. Đất nước có nhiều vùng “Địa linh, nhân kiệt, xuất nhập hanh thông” (Đất thiêng, người giỏi, ra vào may mắn). Đức Vua Lý Thái Tổ (húy Công Uẩn) – Lý Thuận Thiên, người con của đất thiêng tâm điểm hương Cổ Pháp (nay là Đình Bảng – Từ Sơn – Bắc Ninh) là một Phật tử thuần thánh, là “Người khổng lồ về nhân ái và trí tuệ, một nhà tổ chức vĩ đại, đa năng và toàn diện” đã “đứng lên, vượt qua mây núi Hoa Lư” nhìn rộng và xa mà tìm thấy đất Đại La là chân trời “Trung tâm của trời đất nơi có thế hổ phục, rồng chầu, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ vì thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. xem khắp nước Việt, đó là nơi thăng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sử mãi muôn đời…” mà ban rõ trong “Thiên đô chiếu” để thu năm Canh Tuất – 1010 dời đô từ Hoa Lư ra, định độ Thăng Long “Vì muôn ức đời con cháu…”, vì chính thế hệ chúng ta hôm nay và con cháu chúng ta mai sau.

Thăng Long là “Rồng bay lên”. Đặt tên kinh đô là Thăng Long thật huyền diệu và kỳ bí, nhưng thể hiện bản lĩnh tuyệt vời của lãnh tụ và của cả dân tộc trước một bước ngoặt đổi mới kinh đô để đổi mới đất nước, từ nơi thế thủ Hoa Lư ra nơi thế mở thành Đại La, từ nơi núi non hiểm trở ra nơi đồng bằng thuận lợi cả giao thông thủy bộ, tạo hùng khí phát triển “Rồng bay lên” cho đất nước, tương xứng như một tuyên ngôn đổi mới, là sự đổi mới cả trong tư duy chính trị lẫn kinh tế xã hội, đánh dấu một bước phát triển mới trong lịch sử xây dựng đất nước của dân tộc ta. Ban “Chiếu dời đô” và thực hiện được ý tướng này là Lý Thái Tổ thể hiện sự hiểu biết phong thủy, địa lý sâu sắc, tài trí thao lược, có sức mạnh lớn về tổ chức và sức mạnh lớn về tâm linh, Mắt Lý Thái Tổ đã được nhà thơ Huy Cận ngợi ca: “Mắt chứa thời gian, chứa không gian / Nhìn trước nghìn năm mát địa bàn /Vạn dặm phù sa bồi lịch sử / Dời đô Rồng hiên nước sang trang”. Thật sự là Lý Thái Tổ với việc định độ Thăng Long là có tầm nhìn chiến lược vĩ đại, tầm nhìn thiên niên kỷ. Tầm nhìn của nhà Tiên tri ngoại cảm tâm linh vĩ đại, dự đoán chính xác cho tương lai.

Hơn một thiên niên kỷ đã qua, lịch sử bao sự thăng trầm, Thăng Long từng là Đông Đô dưới triều Hồ, Đông Quan khi giặc Minh xâm lược, Đông Kinh thời Lê Sơ – Lê Trung Hưng, Bắc Thành khi Tây Sơn ra và là Hà Nội năm 1831 do Vua Minh Mệnh triều Nguyễn chuyển đô vào Huế, đổi thành Thăng Long là tỉnh Hà Nội. Hà Nội là vùng đất trong khu vực dòng sông Hồng, nhưng hào khí Thăng Long vẫn từng ngày nhân lên trong lòng dân tộc, trong mỗi công dân của Tổ quốc. Rồng vẫn bay lên bên bờ biển Đông. “Thiên đô chiếu” của Lý Thái Tổ là bản tuyên ngôn chính xác về địa lí chiến lược, địa lí chính trị, địa lí quân sự, địa lý kinh tế, địa lí văn hóa… Xây dựng và bảo vệ non sông Đại Việt cường thịnh – Thiên hạ thái bình.

Năm 1945, sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc Lập tại quảng trường Ba Đình – Hà Nội, khai sinh nước VNDCCH. 11 ngày sau đó, ngày 13-9-1945 (hôm đó là 8-8-Ất Dậu, ngày giỗ đức Vua Lý Thánh Tông, Người đã đổi tên nước Đại Cồ Việt thành Đại Việt, gọn lại, vẫn là đề cao tinh thần tự tôn, tự cường, tự chủ của dân tộc), Bác Hồ về Đền Đô lần đầu, cùng nhân dân tưởng niệm Lý Bát Đế, trước khi Người cùng nhân dân bầu cử Quốc hội khóa I thành công, trước khi Người cùng Quốc hội khóa I quyết định lấy Hà Nội là thủ đô của nước VNDCCH, ngày nay là CHXHCNVN để mãi mãi Thăng Long do Lý Thái Tổ khai sáng năm 1010 vẫn là trái tim của Tổ quốc thân yêu. Giờ đây là Hà Nội, thủ đô anh hùng, thủ đô của trí tuệ, niềm tin và hi vọng, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, thủ đô của những phẩm giá con người, thành phố vì hòa bình không riêng của dân tộc Việt Nam và còn của bạn bè quốc tế. Dưới tên VNDCCH xưa và CHXHCNVN nay có dòng chữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” đó là khát vọng của dân tộc, của nhân dân và đó là hào khí Thăng Long, bản sắc dân tộc Việt Nam.

Có nhiều điều tưởng như bí ẩn nhưng là chuyện thực, mang yếu tố lạ lùng. Lý Thái Tổ sinh năm Giáp Tuất (974), chính thức làm lễ đăng quang xuân năm Canh Tuất – 1010 và định độ Thăng Long thu năm Canh Tuất (1010). Triều Lý năm Bính Tuất (1225)… ứng chuyện chùa Ứng Thiên Tâm ( tức Chùa Cổ Pháp Dận nơi Lý Công Uẩn ra đời, trước đó có con chó lưng lông vằn rõ chữ “Tuất thiên tử”. Nhà Lý trị vì đất nước 216 năm (1009 – 1225) với 9 đời Vua, thực quyền chỉ có 8 vua là Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Tông, Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông. 8 đức Vua này trị vì đất nước 214 năm, ứng “ Thiên đô chiếu” của Lý Thái Tổ có 214 chữ.

Bức cuốn thư “Thiên độ chiếu” ở Đền Đô nơi thờ Lý Bát Đế.

Lý Thái Tổ khi chính thức làm lễ đăng quang, chính Ngọ đắc tâm linh – Rằm tháng Ba năm Canh Tuất – 1010 đã đặt niên hiệu là Thuận Thiên, làm theo ý trời. Vương hiệu Lý Thuận Thiên thiêng liêng thực tiễn. Đền Đô vốn là Thái miêu của nhà Lý do Thái tổ cho xây dựng vào năm 1019 ở thế “Đất dáng 8 đầu của tám con Rồng” (lời trong “Cổ Pháp điện tạo bi” do Tiến sĩ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan soạn dựng năm 1604), nên từ thời Trần, nhân dân thờ 8 đức Vua triều Lý ở Đền Đô xây dựng như cung kinh thành. Vì vậy, Đền Đô cũng gọi là Đền Lý Bát Đế. Trong Đền, từ xưa đã có bức hoành phi ghi bốn chữ “Cổ Pháp triệu cơ” (Cổ Pháp là đất dựng cơ nghiệp – hiểu trong văn cảnh này là cơ nghiệp nhà Lý). Riêng Lý Chiêu Hoàng, Vua thứ 9 của nhà Lý làm Vua 2 năm cuối khi mới 8 tuổi, rồi nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh nên người xưa thờ riêng ở Đền Rồng nhỏ xinh ở phía tây của Lý hương Cổ Pháp, nơi ấy chiều về hoàng hôn xuống, trái với Đền Đô ở phía đông của làng nơi sáng ra mặt trời lên.

Đền Đô thờ Lý Bát Đế trên đất Lý hương Cổ Pháp xưa Đình Bảng ngày nay.

Đền Rồng thờ Lý Chiêu Hoàng trên đất Lý hương Cổ Pháp Đình Bảng ngày nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thời là Nguyễn Ái Quốc hoạt động cách mạng giải phóng dân tộc có nhiều bí danh, trong đó có bốn bí danh họ Lý (Lý Thụy, Lý Mỗ, Lý Phát, Lý An Nam). Sau ngày nước nhà giành được Độc lập, Người đã bốn lần về thăm làng Đình Bảng, quê hương nhà Lý: Lần đầu Người về Đền Đô ngày 13-9-1945, lần hai ngày 5-2-1946 và lần ba ngày 30-10-1946, Người về thăm đình làng Đình Bảng và lần bốn ngày 17-12-1955, Người về thăm Đền Đô.

Bác Hồ nói chuyện với đồng bào và đồng chí ở Đền Đô ngày 17-12-195.

Bác Hồ khi hoạt động cách mạng giải phóng dân tộc đã rất coi trọng bồi dưỡng thế hệ trẻ. Bác cho tám thiếu niên được mang tên họ Lý để tạo ra một dòng họ Lý cách mạng. Đó là: Lý Tự Trọng, Lý Văn Minh, Lý Thúc Chất, Lý Anh Tự, Lý Nam Thanh, Lý Trí Thông, Lý Phương Đức, Lý Phương Thuận. Những người này đã trở thành những thanh niên yêu nước, phẩm chất tuyệt vời. Lý Tự Trọng tên khai sinh là Lê Văn Trọng quê ở Hà Tĩnh đã để lại cho đời câu nói bất hủ: ” Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng, không có con đường nào khác”. Lý Anh Tự là Nguyễn Sơn quê ở Hà Nội trưởng thành là lưỡng quốc tướng quân, tướng của Việt Nam và tướng của Trung Quốc.

Đền Đô nơi thờ tám đức vua triều Lý mãi mãi in dấu chân Bác Hồ. Nơi đây huyền diệu tâm linh, lấp lánh hồn nước, tình quê, tình người. Nơi đây khí thiêng hội tụ, có sự lôi cuốn tiềm ẩn. Đền Đô bị chiến tranh phá hủy hoàn toàn năm 1952, được xây dựng lại từ năm 1989 trên nền Đền cũ, là một bằng chứng về sức sống của nhân dân Việt Nam anh hùng. Người về Đền Đô ngày nay, trong tình cảm lớn uống nước nhớ nguồn, như là được gặp các vĩ nhân định độ Thăng Long – Hà Nội: Lý Thái Tổ – Hồ Chí Minh, vui cùng nhau nối nghìn xưa với ngày nay, ngày mai và mãi mãi. Vinh danh hào khí Thăng Long – vinh danh thời đại Hồ Chí Minh, mỗi người đều cùng gắng làm một người chân chính sống say ước mơ và hành động. Sự thanh thản tâm linh cho ta niềm tin sức mạnh, thương quí nhau, giúp nhau cùng sống đẹp tình người. Đất giàu yêu nhiều nghèo thương lắm. Đất thiêng chính ở lòng mình quí trọng, gắn bó. Dù đi khắp chân trời – góc biển, góc tâm hồn vẫn gửi gắm nơi quê, nơi chôn nhau cắt rốn của bao kiếp người.

Lễ hội Đền Đô năm Đinh Hợi 1997, khi Bắc Ninh vừa tái lập, theo tâm của người dự lễ hội thì tám đức Vua triều Lý đã hiển linh, vì họ cùng nhìn thấy “Bát đế vận du” trên bầu trời Đền Đô vào chính ngọ ngày Rằm tháng Ba, đại lễ đăng quang đắc tâm linh, khi hàng nghìn người đang cùng thành kính lễ Vua và đội tế thì hành tế. Đông đảo nhân dân đã vui reo. Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hoàng Tuấn Đại từ Hà Nội trẩy hội Đền Đô đã có cơ duyên chụp được khoảnh khắc tâm linh đó. Tôi, người viết sử Đền Đô thì quay phim thu được hình đó, rồi làm thơ cho lời bình của phim “Bát diệp trùng quang – Bát vân long / Hiển linh giây phút rộn muôn lòng / Bát Đế vân du ngày lễ hội / Cổ Pháp triệu cơ Lý đăng quang / Địa linh Thiên ứng tâm nguồn cội / Nhân kiệt định đô đất Thăng Long / Hậu duệ ơn Vua thêm hùng khí / Đại Việt – Rồng lên rạng núi sông”, là trong khoảnh khắc tám vầng mây hiện trên đỉnh Đền Đô nhưng là sự giao cảm giữa trời và đất, giữa thiên nhiên và con người, giữa xưa và nay. Cuộc sống có tâm linh.

“Bát Đế vân du” Hoàng Tuấn Đại người con của Hà Nội về dự Lễ hội Đền Đô chụp được vào lúc 12 giờ 10 phút ngày Rằm tháng Ba năm Đinh Sửu – 1997.

Ngày 5-7- Mậu Dần (26-8-1998), giỗ đức Vua Lý Anh Tông 8 giờ bắt đầu khởi lễ, tôi đã chụp được chùm ảnh ghi hình những vầng mây bay từ Thọ lăng Thiên Đức nơi yên nghỉ của các đức vua triều Lý trước Đền Đô một cây số bay về Đền Đô, tụ trên đỉnh Đền đến 45 phút trong thời gian Ban tế hành tể tưởng niệm Lý Bát Đế, khi tế xong những vầng mây này tản tại chỗ. Từ các vị trí khác nhau, tôi đã ghi hình, rồi đặt tên cho những ảnh in ra như “Tiếng vọng cội nguồn”, ” Bát Để hiển linh”…

Khoảng trời Đền Đô Khí thiêng hội tụ.

Âm vang “Tiếng vọng cội nguồn” Trong Nam ngoài Bắc tình dồn về đây.

Tôi cũng đã chụp được ảnh “Hoàng long linh kiện” một dải mây rồng vàng từ Thăng Long – Hà Nội bay về Đền Đô, đến đỉnh Đền thì tản lúc 4 giờ 45 phút ngày 1-91998, khi bắt đầu khởi rước từ Đền Đô ra thủ đô mừng Ngày Hội non sông, chào mừng 300 năm Sài gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh này gợi nhớ chuyện xưa mùa thu năm 1010 khi Thái Tổ Lý Công Uẩn dời kinh đô từ Hoa Lư ra thành Đại La. Thuyển đỗ dưới chân thành, có Rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự bay lên, cho là điềm lành, đức Vua đã đặt tên kinh đô là Thăng Long. Khoảnh khắc lạ kỳ rất thực tâm linh và hiện hữu này đã được ghi kịp vào phim nhựa của chiếc máy cơ để tốc độ 30, ống kính 4, vô cực, có đèn phát sáng cũng chẳng tới. Thật là “Đền Đô một thoáng Rồng vàng hiện / Trời đất ân tình tụ khí thiêng / Đình Bảng – Người về tâm đức thiện / Rồng hồ tương phùng thỏa tâm linh “. Ảnh “Hoàng long linh hiện” chụp vào giờ Dần ngày 1-9 của năm Mậu Dần (1998), tôi sinh giờ Dần ngày 1-9 của năm Canh Thìn (1940), thật là cơ duyên. Vẫn là Rồng – Hổ tương phùng. Cát tường! Hàng chục bạn đồng nghiệp có máy ảnh lúc ấy ở đó không kịp chụp được đã rất tiếc.

Sử cũ kể rằng khi “Thuyền Rồng về tới chân thành Đại La, nhận thấy Rồng vàng hiện ở thuyền ngự bay lên, Lý Thái Tổ liền đặt tên kinh đô là Thăng Long”. Tôi trộm nghĩ, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra đến chân thành Đại La, lúc đó là ngày đầu mùa Thu, giờ Dần năm 1010. Rạng động bình minh ló lên ở phương Đông. Trong làn hơi nước sông Hồng bay lên, gặp tia nắng sớm huyền diệu lung linh đến lạ kỳ. Đức vua Lý Thái Tổ với nhãn quan của một lãnh tụ thiên tài, mang tầm nhìn chiến lược với sự phát triển của đất nước, của dân tộc, tinh thần hứng khởi, tâm linh khát vọng với sự đổi mới kinh đô để đổi mới đất nước, từ nơi thể thủ Hoa Lư ra nơi thế mở Đại La, “ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi. Đã đúng nơi nơi Nam Bắc Đông Tây, lại tiện hướng nhìn sống, dựa núi. Địa thể rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng, Dân cư khỏi chịu cảnh thống khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa, thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cùng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời…” (theo Đại Việt sử ký toàn thư). Người đặt tên kinh đô là Thăng Long (Rồng bay lên) huyền diệu, kỳ bí, thể hiện bản lĩnh của lãnh tụ, của toàn dân tộc mong muốn sự phát triển mạnh mẽ thế Rồng bay lên cho “Đại Việt Cường thinh – Thiên hạ thái bình”.

“Hoàng long linh hiện” Đền Đô 4 giờ 45 phút ngày 1-9-1998 Ảnh: NGUYỄN ĐỨC THÌN.

Về Đền Đô cùng nhân dân tưởng niệm Lý Bát Đế ngày 21-1-2009, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư) đã thân tình nói với đồng bào, đồng chí “Những sự tích và những đám mây ở đây là rất xúc động, rất linh thiêng. Nó bảo hiệu một cái gì đó vừa lung linh trong truyền thống của dân tộc mình, vừa sáng chói các triển vọng của non sông đất nước ta. Nó thể hiện một cái bề sâu và sự bền vững văn hóa Việt Nam ta…”

Đền Đô thiêng/ Thiên Địa Nhân vi mĩ/ Người dâng hương/ Khói tỏa ấm nhân tình.

Chúng ta đang sống những ngày vẻ vang của sự đổi mới. Tâm linh làm cho ta thanh thản lòng, nhân ước mơ đẹp. Tâm thiện đôn hậu thành kính tưởng nhớ tiền nhân cho lòng giàu nhân ái và trí tuệ. Tôi đã gặp được bao người nhân nghĩa về Đền Đô và chụp được những ảnh ngời sáng tình người, tình quê. Đó là hình đẹp của thiên nhiên – đất nước – con người Việt Nam dâng lên Tổ quốc mừng trái tim Thăng Long – Hà Nội đã trên một thiên niên kỷ.

Đền Đô, tháng 3 năm Nhâm Dần

Tháng 4/2022

 

Nhà giáo Nhân dân, anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn

 


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Trường THCS Thân Nhân Trung: Lá cờ đầu trong khối trung học cơ sở của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang

Trường THCS Thân Nhân Trung: Lá cờ đầu trong khối trung học cơ sở của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang

Tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

Tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

TRƯỜNG ĐH LUẬT HÀ NỘI: Ngày hội Hiến máu nhân đạo “Bão Hồng 27”

TRƯỜNG ĐH LUẬT HÀ NỘI: Ngày hội Hiến máu nhân đạo “Bão Hồng 27”

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu