Đi làm ôsin xứ Ả Rập

22:11 | 12/05/2019

Chịu cái nóng 50-60 độ C. Làm quần quật mỗi ngày 18 giờ cho đủ thứ việc nhà, nấu ăn, trông trẻ… với mức lương chỉ 8-9 triệu đồng. Đó là hiện trạng chung của không ít phụ nữ Việt phải sang tận xứ Ả Rập làm ôsin.


 

Giúp việc ở Ả Rập thường vất vả vì chủ đông con và thời tiết nóng – Ảnh: N.L.

“Bữa nay cuối tuần, chủ nhà đi chơi rồi. Chỉ khi họ đi vắng, mình mới rảnh để nói chuyện. Tôi qua làm ôsin từ tháng 1-2017 tới giờ” – chị Lê Kim Dung (42 tuổi, quê Nghệ An), giúp việc ở Saudi Arabia, tâm sự.

Ở nhà chủ hiện tại, tôi làm việc nhà, trông trẻ, làm luôn chân luôn tay, nhưng họ cho ăn uống thoải mái, cũng tạm ổn.

Chị Lê Thị Mỹ

Làm ngày làm đêm

Nhà chủ chị Dung to như cung điện mà với người giúp việc thì nhà càng to càng… lo! Gia đình họ có bảy người, mình chị làm “tất tần tật từ A-Z”, gồm lau nhà, rửa chén, đi chợ, nấu ăn, trông trẻ… “Họ chẳng động chân động tay gì.

Mỗi ngày tôi chỉ ngủ sáu tiếng, thức từ 6h sáng rồi làm quần quật đến 12h đêm, nên thèm ngủ lắm. Họ hay ngủ ngày ăn đêm. Lúc họ còn ngủ, mình phải dậy dọn dẹp, nấu nướng. Chiều họ dậy sẽ bắt đầu ăn uống. 6h chiều ăn. 12h đêm ăn. Nhiều khi tới 3h sáng mới xong” – chị Dung kể.

Xứ này, mùa hè nắng nóng có khi lên tới 60 độ C, mùa đông 6-7 độ C, đồ ăn của họ chủ yếu là gà để cả tháng trong tủ lạnh, đến ngửi mùi còn ngán, và bánh mì khô nên chị và nhiều người Việt làm ở đây thường trệu trạo mì gói.

Cũng vì ăn uống không hợp và làm việc vất vả mà mới bốn tháng đi giúp việc, chị Nguyễn Thị Him (48 tuổi, quê Quảng Bình) đã sút 5 ký. Chị là mẹ đơn thân của một con 6 tuổi đang ở với bà ngoại. Bốn tháng xa nhà, chị nhớ con quay quắt và lạc lõng, buồn tủi vì chẳng biết nói chuyện với ai.

“Đâu có rành tiếng Ả Rập để nói chuyện với người ở đây nên thèm tâm sự lắm. Nghe bảo quanh đây có người Việt, một bữa tôi đánh liều ra ngoài gọi to “có ai người Việt không, lên tiếng đi” mà chẳng thấy ai” – chị kể.

Đi chợ là dịp hiếm hoi người giúp việc ở Saudi Arabia được ra khỏi nhà và cũng phải trang phục áo choàng đen, khăn trùm đầu kín mít. Cuối tuần, chủ nhà đi chơi, chị Him cũng theo phục vụ ăn uống, nhưng với chị đi chơi chẳng khác gì cực hình. “Cả nhà đi sa mạc buổi tối, ăn uống ở đó. Ngồi xe leo vèo vèo đồi cát làm tôi sợ rúm người” – chị tâm sự.

Luôn là người thức dậy đầu tiên và là người cuối cùng đi ngủ để phục vụ gia đình bảy người, nhưng chị Võ Thị Thùy Trang (27 tuổi, quê Bình Thuận) lại bị nhà chủ thiếu tiền gần ba tháng.

“Tôi làm 13 tháng rồi nhưng chỉ được trả lương 10 tháng. Tôi hỏi, chủ nhà chỉ bảo không có tiền. Gọi điện thoại báo công ty thì họ chỉ nói cố gắng. Tôi không biết nhiều tiếng Ả Rập, đâu dám trốn ra ngoài.

Lương hợp đồng là 1.500 riyal (khoảng 9,3 triệu đồng) nhưng họ chỉ trả ba tháng đầu, những tháng sau còn 1.000 riyal. 11 tháng nữa hết hợp đồng, tôi chỉ mong họ trả đủ cho mình ngày về” – chị Trang lo lắng.

Chị Lê Thị Mỹ (40 tuổi, quê Thanh Hóa) sang làm việc hơn một năm đã phải ba lần đổi chủ. “Chủ nhà đầu tiên bắt hái chà là, ngày làm 18-19 tiếng ngoài sa mạc, ăn uống chỉ bánh mì với gà đông lạnh. Tôi nói không làm việc nữa thì chủ bỏ tôi ngoài trời nắng nóng không cho vào nhà.

Tôi trèo cổng trốn ra, may mắn nói được tiếng Ả Rập và gặp người tốt bụng nên tìm được về văn phòng công ty xin đổi chủ mới tốt hơn”.

Giúp việc người Việt (thứ hai từ phải sang) chụp ảnh cùng ôsin hàng xóm – Ảnh nhân vật cung cấp

Phải đi vì nghèo

Nhiều người thắc mắc đi làm ôsin xứ này vất vả, khác biệt hoàn toàn văn hóa – lối sống, lương lại chẳng hơn nước khác, sao nhiều người lại chấp nhận sang xứ sa mạc nắng nóng khắc nghiệt? Lý do hầu hết họ đều là những người đang trong cảnh khó.

“Ban đầu tôi tính đi Đài Loan, nhưng nghe nói sang đây nhận được tiền hỗ trợ lại không tốn chi phí nên tôi nhắm mắt đi đại. Đài Loan lương cao nhưng sẽ tốn khoảng 30-40 triệu chi phí ban đầu mà tôi đang nợ chồng nợ” – chị H.T.L. (37 tuổi, quê Nghệ An) kể.

Hoàn cảnh ngặt nghèo khiến chị không nghĩ tới lựa chọn nào tốt hơn dù khoản hỗ trợ chị nhận được chỉ vỏn vẹn 7 triệu đồng.

Chị L. có ba đứa con cùng hai đời chồng, và đang một mình nuôi con với sự giúp đỡ của cha mẹ ruột. “Tôi với chồng thứ hai vay tiền làm ăn, rồi anh quen người khác ôm hết số tiền, để lại khoản nợ 160 triệu đồng. Tôi sang đây để kiếm tiền trả nợ, nuôi con” – chị nghẹn giọng.

Làm việc đã 15 tháng, mỗi tháng lãnh được khoảng 9 triệu chị đều gửi về nhà, nhưng khoản nợ đến giờ vẫn còn đấy. “Chín tháng nữa tôi hết hợp đồng. Chắc lại tiếp tục đi giúp việc nhưng muốn đi Đài Loan” – chị L. buồn bã nói về dự định.

Trang phục ra ngoài của một giúp việc người Việt – Ảnh nhân vật cung cấp

Cùng cảnh khổ phải đi, nhưng trường hợp N.T.Liên (28 tuổi, quê Trà Vinh) đặc biệt hơn. Cô tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP.HCM, biết tiếng Anh. Cha nghiện cờ bạc khiến nhà lâm nợ nần, mẹ lại bệnh nặng, buộc cô đang làm văn phòng phải nghỉ.

Liên buồn bã tâm sự: “Cha tôi nợ cả trăm triệu mà tôi làm văn phòng lương chỉ 4,5 triệu đồng, cố làm ngoài giờ đủ thứ cũng chỉ thêm 2,5 triệu. Công ty tuyển giúp việc hứa hỗ trợ ban đầu 25 triệu, lương 10 triệu/tháng, không phải tốn chi phí nên tôi giấu mẹ để sang đây.

Thấy tôi có học, công ty hứa cho làm văn phòng. Nhưng sự thật tôi được đưa tới một gia đình 10 người với 7 đứa con, đứa nhỏ nhất mới 1 tháng tuổi và cả người già”.

Số tiền cô nhận ban đầu thay vì 25 triệu cũng chỉ 15 triệu. Làm việc vất vả ở xứ người được ba tháng thì Liên nghe tin mẹ mất.

“Tôi vật nài xin về, gọi cho công ty thì họ nói đóng 60 triệu họ mới cho về. Tôi cầu xin chủ nhà cho tôi về bằng tiền lương của tôi, 10 ngày sau tôi sẽ quay lại. Họ đã đóng hơn 100 triệu để thuê giúp việc nên sợ tôi không quay lại, nhưng rồi cũng mủi lòng. Thế nhưng, lúc tôi về tới thì mẹ đã lạnh mồ rồi” – Liên nghẹn ngào kể.

Liên bảo lúc đó cô có thể không quay lại, nhưng vì chủ nhà đã cho cô cơ hội về gia đình lúc ngặt nghèo nên cô không phụ lòng họ. Đến tháng 4-2019, cô hết hạn hợp đồng và chuẩn bị về nước nhưng họ giữ lại để làm việc qua tháng Ramadan.

“Tôi chỉ muốn được sớm về nhà. Tôi đang lên kế hoạch về quê hương sẽ làm hợp tác xã trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap. Tôi nghĩ mình có thể làm được. Tôi đã học đại học bằng cách làm thêm đủ thứ. Tôi đã trải qua đủ mọi khó khăn nên cũng chẳng ngại gì cả” – Liên chia sẻ.

Nhiều ôsin dành dụm được
Chị Lê Huyền Trang Thảo (39 tuổi, quê TP.HCM), từng giúp việc ở Ả Rập, kể ban đầu phụ nữ Việt qua đó thường bị sốc vì khác biệt văn hóa và ngôn ngữ. Do đó, người giúp việc Philippines giỏi tiếng Anh thường có lương cao hơn.

Các ông chủ Ả Rập rất khắt khe nhưng cũng có chủ tốt. Chị Thảo kể sau 5 năm giúp việc với lương 9-10 triệu đồng/tháng, khi về chị được thưởng thêm 4 tháng lương và đồng hồ, điện thoại. Tiền dành dụm giúp chị đủ mở sạp hoa quả ở quận Tân Bình, TP.HCM. Bạn đi chung với chị Thảo sau khi qua một nhà chủ khắc nghiệt cũng may gặp được chủ dễ chịu và mỗi tháng đang gửi được hơn 8 triệu về nuôi con… Q.M.

 

Theo Tuoitre

Video hay


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình