Đến với Phật là để tu, để chừa bỏ những thói xấu. Nhưng đến với Phật lâu mà những thói xấu không giảm, ngược lại càng tăng, đó là tu theo Phật hay là gì? Lỗi tại đâu? Tại vì chúng ta không chịu tu mà chỉ có xin.
Khi cúng rồi, quý vị quỳ xuống nguyện Phật cho gia đình con bình an, cho con cháu con thi đậu, cho tất cả trong gia quyến đều gặp may mắn… như thế là xin hay tu?
Quý Phật tử xét thật kỹ xem từ trước đến giờ, chúng ta đi chùa là vì cầu xin hay để tu học theo Phật? Đa số đều cầu xin, phải không? Mỗi khi đến chùa, Phật tử hoặc là cúng hoa quả hoặc là cúng nhang đèn. Khi cúng rồi, qúy vị qùy xuống nguyện Phật cho gia đình con bình an, cho con cháu con thi đậu, cho tất cả trong gia quyến đều gặp may mắn … như thế là xin hay tu?
Như vậy chúng ta đi chùa cầu xin Phật cho điều này, cho điều kia, cho đủ thứ hết. Nhưng rốt cuộc rồi tất cả những gì chúng ta xin có được như ý hết không? Điều này tôi không khẳng định là được hay không được. Có thể một số người xin được, nhưng đa số người xin không được, phải không?
Thí dụ, khi con cái thi cử, cha mẹ là phật tử thế nào cũng tới chùa xin Phật gia hộ cho con mình thi đậu. Như vậy các Phật tử được cha mẹ cầu xin đều đậu hết hay vẫn có người rớt? Tại sao cùng xin với nhau, Phật lại cho người đậu, kẻ rớt? Vậy là Phật không công bằng rồi. Đức Phật đối với chúng sanh chỉ một lòng từ bi bình đẳng, thương như con một, không bỏ người nào, tại sao có người xin Phật cho, có người xin Phật không cho? Như vậy, vấn đề này chưa thể khẳng định đúng hay sai.
Chúng ta tự nghiệm xét những gì chúng ta xin đó, nếu được hết thì chắc rằng Phật tử đều giàu, đều vui vẻ, không ai khổ phải không? Nhưng kiểm lại trong giới phật tử có giàu hết chưa, có hết khổ hoàn toàn chưa? Nếu Phật cho thì phải cho đều, người này cho thì người kia cũng phải cho. Sao có người xin được, có người xin không được? Chúng ta nghĩ sao về điều này? Tôi gợi ý để rồi qúy Phật tử tự nghiệm tự xét.
Cũng như những người gặp tai nạn, cầu nguyện đức Quan Thế Âm cứu độ, tất cả đều cầu được hay có người được, có người không được? Như vậy Phật và Bồ-tát hình như thương người này, không thương người kia. Nhưng thật ra Phật, Bồ-tát có như vậy không?
Tất cả chúng ta do yếu lòng, nhẹ dạ nên gặp tai nạn, gặp khó khăn thì lúc nào cũng ỷ lại. Ỷ lại Phật, ỷ lại Bồ-tát. Cầu xin Phật, Bồ-tát an ủi cứu giúp mình bớt khổ. Nhưng sự thật việc cầu xin đó đâu có gì bảo đảm được trăm phần trăm. Vậy mà tất cả Phật tử chúng ta đi chùa tới đâu cũng xin, cũng cầu. Nếu xin cầu thì không phải là tu, còn tu thì không có cầu xin.
Nên kết luận lại, Phật tử chúng ta đi chùa là để tu theo Phật hay để xin Phật cho mình được phước đức?
Tôi thường thí dụ, qúy Phật tử có bệnh đi tới phòng khám của bác sĩ. Khi tới phòng khám, lẽ ra phải để cho bác sĩ khám, cho toa, mua thuốc uống. Nhưng có người tới phòng khám chỉ chấp tay nói rằng: “Thưa bác sĩ, bác sĩ cứu giùm tôi cho hết bệnh.” Đó, cứ nằng nằng đòi như vậy. Bác sĩ biết nói làm sao đây? Chắc cũng đầu hàng luôn, không biết sao cứu được. Nếu là người bệnh thì yêu cầu bác sĩ xem bệnh, rồi cho toa chúng ta mua thuốc uống, bệnh mới lành. Chúng ta không chịu cho xem bệnh, không chịu xin toa, mà cứ đòi bác sĩ cho hết bệnh, như vậy bác sĩ biết nói sao đây? Đó là điều hết sức lầm lẫn.
Kế nữa, có người được bác sĩ khám bệnh, cho toa, bảo phải về mua thuốc uống. Nhưng người không chịu mua thuốc, cứ cầm toa đọc hoài, đọc thuộc lòng. Thuộc lòng cái toa hết bệnh không? Chắc rằng không hết. Chỉ khi nào mua thuốc uống thì mới lành bệnh.
Chúng ta ngày nay đến với Phật giống hệt như những người bệnh đến với bác sĩ. Không cần bác sĩ khám, không cần bác sĩ cho toa mà cứ chắp tay cầu bác sĩ cứu cho tôi hết bệnh thôi. Điều này bác sĩ cũng bó tay. Quí vị đến chùa, cứ xin Phật cho con cái này, cho con cái nọ… thì Phật sẽ làm sao? Phật đã từng tuyên bố: “Ta không có quyền ban phước xuống họa cho ai.” Mà không ban phước xuống họa thì Ngài cho được không? Nên có người xuyên tạc, như vậy thì Phật bất lực quá, Phật không có khả năng, xin Phật không có kết quả.
Trong đạo Phật luôn luôn dạy rằng “Phật là một bậc Đạo sư”, là vị thầy chỉ đường cho chúng ta ra khỏi nẻo luân hồi đau khổ, giúp cho chúng ta tránh những hiểm nguy trong cuộc đời này. Phật là người chỉ đường nhưng nếu chúng ta không chịu đi thì lỗi tại chúng ta, chớ không phải lỗi tại Ngài. Ngài không thể cho chúng ta hết khổ đâu. Vì thế có người cho Phật bất lực, nhưng với người biết nghĩ suy, biết nhận định thì chính lời nói đó là lời nói chân thật.
Như chúng tôi bây giờ, thật tình chỉ hiểu Phật pháp, chỉ tu để tâm được yên tịnh và chỉ dẫn lại cho qúy phật tử cùng tu. Chứ tôi cũng đâu có quyền cho phật tử được hết bệnh, đâu có quyền cho phật tử gặp cảnh khổ được hết khổ. Tôi chỉ giảng dạy lời Phật cho quý phật tử hiểu, ứng dụng, dẹp hết các phiền não, đó là Phật tử tu. Nếu tu được thì phiền não sạch, chớ tôi đâu có giúp gì cho quý vị.
Quý vị nghĩ kỹ, chúng ta là Phật tử tức là con của Phật. Phật là bậc giác ngộ mà con của Phật có giác ngộ chưa? Nếu không giác ngộ trăm phần trăm như Phật, thì ít ra chúng ta cũng giác ngộ được một phần trăm, tí xíu vậy đó. Phật trăm phần, chúng ta được một phần cũng tạm gọi là con của Phật. Chớ Phật thì trọn vẹn còn mình thì không có chút nào, làm sao gọi là con Phật. Cái giác ngộ nhỏ nhất, gần nhất là giác ngộ được lý nhân quả.
Đức Phật dạy, tất cả chúng ta muốn được quả lành thì phải gieo nhân lành. Chúng ta muốn quả dữ, quả ác thì gieo nhân ác. Nhân lành sẽ đưa đến quả lành, nhân ác sẽ đưa đến quả khổ. Như vậy cái khổ, cái vui đều do chúng ta tạo mà ra, chớ Phật không làm thế được. Phật dạy rất thực tế.
Tôi thí dụ, một anh nông phu muốn làm ruộng trúng thì phải lựa giống, mua giống tốt. Giống tốt đó là nhân khiến sẽ được quả tốt là những bông lúa chín vàng, no đầy. Những bông lúa chín vàng, no đầy có được là nhờ những hạt giống tốt. Nhân đã có thì quả sẽ có. Có anh nông phu nào ngây ngô đến nỗi không chịu gieo giống lúa mà cứ ra ngoài đồng chấp tay cầu Phật cho con lúa đầy đồng không? Có ông Phật nào trên trời, trên mây rải giống xuống cho lúa mọc được không? Hay là chính tay mình gieo giống, rồi mình mới gặt được kết quả do công phu của mình làm ra.
Rõ ràng lẽ thật của cuộc sống này là chúng ta tự tạo nhân tốt hay tạo nhân xấu, từ nhân đó đưa tới quả tốt hay xấu, chớ không ai có quyền chen vô hết. Đó là một chân lý, một lẽ thật mà chúng ta không chịu tin, cứ đòi Phật cho không thôi, đòi thế này, đòi thế kia.
Như khi tôi lên Châu Đốc thấy một số phật tử, nhất là từ tháng giêng tới tháng ba, nhằm thời gian vía Bà, người ta đi đông là đông. Từ các tỉnh, thành phố lên, để làm gì? Để vay tiền Bà về làm ăn cho phát đạt. Họ cứ quan niệm rằng mượn của Bà chừng năm ba chục ngàn, về làm ăn sẽ giàu. Quí vị thấy nghĩ vậy đúng hay sai? Tôi chỉ cần nói đơn giản rằng nếu Bà thương người tới vay tiền, Bà cho làm ăn phát đạt giàu có, thì từ Châu Đốc tới Long Xuyên, ai cũng giàu hết. Tại sao vậy? Vì ở gần Bà, tốn ít chục bạc tiền xe là đã tới rồi, tiếc gì mấy chục mà không đi vay? Còn những người ở xa như thành phố Hồ Chí Minh hay dưới Cà Mau lên vay xa quá. Vậy thì người ở gần vay nhiều nên phải giàu nhiều, nhưng nhìn lại dân ở gần đó vẫn nghèo, vẫn có những người rất khổ sở, rách trước rách sau. Sao họ không tới vay cho được giàu? Hay họ vay hoài không giàu nên phải chịu nghèo. Như vậy có đúng là Bà cho vay thì được giàu không?
Có những điều rất thực tế mà không ai dám nói. Thí dụ khoảng trăm người lên vay tiền của Bà, về có chừng năm mười người làm ăn phát tài, họ liền khoe: “Tôi nhờ năm nay vay tiền của Bà về làm ăn phát tài.” Còn tám chín chục người vay, nhưng làm ăn lỗ lã, thua thiệt lại làm thinh, không dám nói. Vì họ không dám nói nên đâu có ai biết. Thiên hạ chỉ biết người phát tài mà không biết những người không có gì. Đó, lẽ thật ở chỗ nào?
Trong một trăm người, có người phước nhiều, có người phước ít. Người có phước làm ăn phát tài, lấy cớ vay tiền Bà được phát tài. Còn người vô phước làm ăn thất bại, sao lại làm thinh không đổ thừa tiền Bà không có giá trị? Tại không dám nói. Nên người ta cứ nghe đồn đằng kia, đằng nọ có người vay tiền Bà về làm ăn khá. Thế là ùa nhau kéo đi vay. Chúng ta không chịu nghiệm, không chịu xét nên rồi bị rơi vào mê tín. Mê tín là lòng tin mù quáng, không có lẽ thật, không đúng chân lý.
Chúng ta là Phật tử hiểu Phật pháp thì phải thực hành theo lời Phật. Chúng ta muốn làm ăn khá thì chúng ta phải biết ăn ở tốt với mọi người, xử sự công bằng với mọi người. Trong cuộc sống chúng ta đừng giành phần hơn về mình mà luôn luôn biết nhường nhịn nhau. Nhờ có phước chúng ta làm ăn mới tốt. Người không chịu thực hành như vậy, cứ đi vay chỗ này, xin chỗ kia, rốt cuộc không được gì hết mà chỉ chuốc khổ. Hiện tại không được mà vị lai cũng không có chút phước đức nào. Nên quý Phật tử phải tin tưởng đức Phật là một vị đã giác ngộ, chỉ cho chúng ta những lẽ thật trong cuộc đời để chúng ta ứng dụng tu, ứng dụng thực hành thì chúng ta sẽ đạt kết quả tốt.
Quy y: Khi chiều chúng tôi đã làm lễ quy y cho một số Phật tử. Trong lễ quy y có những vấn đề mới nghe quý Phật tử thấy hơi lạ một chút. Như nói rằng, quy y Phật rồi khỏi đọa địa ngục, quy y Pháp rồi khỏi đọa ngạ quỉ, qui y Tăng rồi khỏi đọa súc sanh. Trong nhà Phật nói ba đường khổ là địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Nếu quy y Phật rồi khỏi rơi vào địa ngục, quy y Pháp rồi khỏi rơi vào ngạ quỉ, quy y Tăng rồi khỏi rơi vào súc sanh. Nếu quy y là chỉ hứa suông thôi mà thành công liền thì dễ quá! Ở đây tôi sẽ giải thích thứ tự cho quý vị hiểu.
Như chúng ta đã biết Phật là bậc giác ngộ sáng suốt. Quy y Phật tức là trở về con đường sáng suốt. Trở về con đường sáng suốt thì chúng ta không rơi vào chỗ u minh, tối tăm. Địa ngục là chốn u minh cho nên Bồ-tát Địa Tạng phát nguyện xuống địa ngục để độ chúng sanh. Vì vậy, Ngài làm Giáo chủ ở cõi địa ngục, gọi là U Minh giáo chủ. Chúng ta đi con đường sáng thì không rơi vào chỗ tối, nhưng phải đi chớ không chỉ hứa. Nếu Phật tử hứa rằng tôi qui y Phật rồi khỏi đọa địa ngục, ngang đó không tu tập thì có khỏi địa ngục không? Chắc chưa khỏi.
Tôi lặp lại ví dụ anh nông phu, anh được hạt giống tốt và gieo xuống. Biết rằng nhân tốt thì quả sẽ tốt, đó là lẽ thật. Nhưng từ ngày gieo giống cho tới ngày cây lúa đơm bông kết quả, phải làm sao? Gieo giống rồi chúng ta phải chăm sóc, nhổ cỏ, bón phân, chúng ta còn phải theo dõi sâu rầy. Cuối cùng đủ điều kiện thì bông lúa mới được tốt, được no đủ, được chín vàng.
Cũng như vậy, khi chúng ta nguyện quy y tu theo Phật, đó là nhân để đi tới quả giác ngộ. Nhưng từ nhân tới quả đòi hỏi chúng ta phải liên tục theo dõi, phải cố gắng tu hành mới được kết quả như vậy. Chớ không phải qui y rồi nói: “Ngang đây tôi khỏi đọa địa ngục”, đó là sai lầm.
Quy y Pháp khỏi đọa ngạ quỷ, ngạ quỷ tức là loài quỷ đói. Bởi vì, Phật dạy chúng ta tu phải có lòng từ bi thương yêu mọi người. Có lòng từ bi thì ai khổ chúng ta giúp. Chúng ta không nỡ gian lận, hiểm độc, bòn rút người khác mà phải mở lòng từ bi thương xót, cứu độ người ta. Vì có lòng từ bi nên không có tâm bỏn xẻn, tâm keo kiệt, tâm hiểm độc. Vì vậy không đọa làm loài quỷ đói. Không bao giờ chúng ta tạo nhân tốt mà lại có kết quả xấu được.
Cho nên qui y Pháp rồi thì tránh khỏi làm loài quỉ đói. Vì vậy khi đã quy y rồi, chúng ta phải tập tâm từ bi. Mỗi ngày mỗi mở rộng, mỗi ngày mỗi thực hành đúng như vậy, thấy ai khổ ai đói chúng ta dùng phương tiện giúp. Thực hành đúng pháp Phật dạy tránh khỏi loài ngạ quỷ, nhất định không sai chạy.
Quy y Tăng rồi khỏi đọa làm súc sinh. Tại sao? Vì súc sanh là si mê. Bây giờ mình theo chư Tăng, chư Tăng dạy cho mình biết đây là thiện, đây là ác, đây là tội, đây là phước, đây là chánh, đây là tà. Giản trạch cho mình biết rõ, nhờ biết rõ nên mình tránh tội làm phước, tránh ác làm lành, tránh tà làm chánh. Kết quả mình không đọa làm súc sanh. Như vậy từ nhân đến quả không sai chạy nếu chúng ta làm đúng. Nhưng có nhân mà không săn sóc, không chăm bón thì kết quả không bao giờ đúng hết.
Chúng ta đến với đạo Phật là đến với tâm hồn chân thật, phải dụng công tu hành, không phải đến với đạo Phật bằng cách cầu xin. Nếu quý Phật tử ngẫm kỹ, nhớ cho rõ ràng, từ hồi biết đi chùa cho tới bây giờ, mình tu theo Phật hay là cầu xin Phật? Chắc tu ít, cầu xin thì nhiều. Đó là điều đáng buồn mà cũng rất đáng thương. Nếu phật tử cứ đi cầu xin hoài thì đạo Phật đã mất rồi. Dầu còn chùa, còn Phật tử cũng không còn đạo Phật, vì Phật dạy tu mà mình có tu gì đâu? Nên nhiều người đi chùa mười năm, hai mươi năm nhưng phiền não ngày càng tăng chớ không giảm. Đi chùa nhiều mà sân cũng lắm, giận cũng nhiều thì có hiệu quả gì đâu.
Đến với Phật là để tu, để chừa bỏ những thói xấu. Nhưng đến với Phật lâu mà những thói xấu không giảm, ngược lại càng tăng, đó là tu theo Phật hay là gì? Lỗi tại đâu? Tại vì chúng ta không chịu tu mà chỉ có xin. Xin không được rồi đâm ra chán, mà chán rồi thì nghe ai đồn đại đằng kia miếu Bà, miếu Ông gì đó xin chi cũng được, linh lắm. Thế là Phật tử liền mang bó hương, đĩa quả tới xin. Vì xin cho nên dễ lạc đường tà. Còn nếu chúng ta biết tu, hiểu lời Phật dạy, ứng dụng tu thì chúng ta hết khổ. Hết khổ bằng lẽ thật chứ không phải hết khổ bằng tưởng tượng.
Chúng ta đến với đạo Phật là để tu, mà tu thì phải làm sao? Phật dạy lấy nhân quả làm căn bản. Chúng ta gieo nhân tốt rồi còn phải cố gắng duy trì, bảo vệ thì sẽ được quả tốt. Nếu chúng ta gieo nhân xấu thì phải rơi vào cảnh khổ, không nghi ngờ. Như vậy người phật tử là người biết chọn nhân để gieo, tránh nhân dữ không cho nó sanh khởi, đó là chúng ta tu.
Biết như vậy, hiểu như vậy, thấy như vậy, đó là chúng ta có tỉnh có giác. Còn không hiểu như vậy là không có tỉnh, không có giác. Biết được, nhận chân được lý nhân quả của Phật đó là chúng ta đã giác một phần rồi. Nếu biết nhân quả do mình gây, mình chịu thì chúng ta có kêu trời kêu Phật gì nữa không? Gặp khổ có kêu trời, gặp vui có tạ ơn trời không? Tất cả những điều đó là do nhân mình gây, quả mình hưởng. Biết rõ như vậy thì chúng ta là người tỉnh.
Hơn nữa người tin nhân quả là người gan dạ, can đảm, còn người không tin thì không gan dạ, không can đảm, tại sao vậy? Bởi vì tin nhân quả nên việc gì tốt là do mình tạo thì mình thành công. Mình thành công là do nhân mình làm nên quả mình hưởng, không có gì ngạo mạn cho mình là hơn. Nếu mình gặp điều xấu là do nhân mình không khéo tạo cho nên quả xấu đến với mình. Như vậy là cũng tại mình chứ không trách ai hết.
Hòa thượng Thích Thanh Từ