Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, ngành thông tin và truyền thông cần ưu tiên nghiên cứu công nghệ cao, công nghệ đột phá; xây dựng hoặc đề xuất cơ chế mở đường, hỗ trợ cho các doanh nghiệp của ngành vươn ra thị trường thế giới hay tham gia vào những lĩnh vực mới.
Chiều 14/7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tới thăm, làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi làm việc.
Đang lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, từ tháng 7/2022, Bộ đang quản lý nhà nước đối với hơn 10 lĩnh vực, trong đó có 4 lĩnh vực mới được Chính phủ bổ sung thêm là chuyển đổi số quốc gia, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, công nghiệp công nghệ số.
Hiện, Bộ TT&TT đang lập hồ sơ đề nghị xây dựng 2 dự án luật trình Chính phủ: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản năm 2012; đồng thời đang nghiên cứu, xây dựng mới Luật Công nghiệp công nghệ số và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Bưu chính năm 2012.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền xem xét xây dựng mới Luật Chính phủ số/Luật Chuyển đổi số.
Báo cáo cũng cho biết, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành TT&TT trong 5 năm vừa qua là 12,4%, gấp 2-3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước.
Năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành là 3.893.595 tỷ đồng (khoảng 168 tỷ USD), nộp ngân sách 98.982 tỷ đồng (khoảng 4,3 tỷ USD).
Về chính phủ số, tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 có sự tăng trưởng đột phá. Nếu như năm 2019, tỉ lệ này mới chỉ ở mức 10% thì đến hết năm 2021 đã đạt trên 96%.
Đến nay, 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đã lên mức độ 4. Tỉ lệ hồ sơ nộp trực tuyến cũng tăng từ 23,52% lên đến 43%. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước cũng có sự tăng trưởng đột phá. Nếu như năm 2019, dưới 10% các cơ quan, tổ chức Nhà nước có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, thì đến hết năm 2021, tỉ lệ này đã đạt 100%.
Số lượng giao dịch kết nối, chia sẻ dữ liệu không ngừng tăng trưởng bùng nổ (năm 2019 là 2 triệu giao dịch, năm 2020 là 11 triệu giao dịch, năm 2021 là 180 triệu giao dịch, năm 2022 là 570 triệu giao dịch).
Tại buổi làm việc, lãnh đạo, đại diện các đơn vị và doanh nghiệp thuộc Bộ TT&TT nêu những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, kinh doanh những ngành nghề mới trên môi trường số.
Cùng với đó, mong Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính bằng chuyển đổi số; có cơ chế, chính sách để giúp Việt Nam khai thác tiềm năng cung cấp dịch vụ số cho thị trường thế giới; tập trung xây dựng một số lĩnh vực dịch vụ số để tạo nền tảng đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin; thúc đẩy đầu tư và kết nối doanh nghiệp toàn quốc để phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo IA; thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT Việt Nam đầu tư ra nước ngoài…
Phó Thủ tướng cho rằng nhiệm vụ của ngành TT&TT rất khó khăn do yêu cầu của cuộc sống đặt ra nhanh hơn, đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới mang tính đột phá.
Từng bước sửa đổi, bổ sung những quy định còn chồng chéo
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận, biểu dương ngành TT&TT ngày càng đạt được kết quả tốt hơn, kinh nghiệm hơn, giải pháp tích cực và hiệu quả hơn, đặc biệt đã nỗ lực đưa một số chỉ số vượt trên mức trung bình của thế giới, góp phần tô đẹp hình ảnh Việt Nam.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ TT&TT cần tích cực, quyết liệt, kiên nhẫn trong việc rà soát để từng bước sửa đổi, bổ sung những quy định, nhất là những quy định còn chồng chéo, bằng lộ trình, đề án cụ thể nhằm loại bỏ rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành, trong đó có các doanh nghiệp công nghệ thông tin.
Phó Thủ tướng nêu rõ Bộ cần hoàn tất việc xây dựng các dự thảo 5 luật được giao, trong đó có Luật Viễn thông sửa đổi, Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Giao dịch điện tử, Luật Tần số vô tuyến điện, cùng một loạt nghị định, thông tư kèm theo.
“Ngành TT&TT cần ưu tiên nghiên cứu công nghệ cao, công nghệ đột phá; xây dựng hoặc đề xuất cơ chế mở đường, hỗ trợ cho các doanh nghiệp của ngành vươn ra thị trường thế giới hay tham gia vào những lĩnh vực mới”, Phó Thủ tướng đề nghị.
Ghi nhận các ý kiến, đề xuất của ngành, Phó Thủ tướng khẳng định sẽ cùng đồng hành với ngành TT&TT, đồng thời mong muốn ngành luôn sàng đón nhận cái mới, vượt qua thử thách để hoàn thành tốt trọng trách được giao.
Quốc Trần
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/de-xuat-co-che-mo-duong-cho-cac-doanh-nghiep-nganh-thong-tin-va-truyen-thong-vuon-ra-the-gioi-post256243.html