Đằng sau lũy tre xanh đang suy tàn

15:48 | 28/07/2021

Cứ mỗi lần được đi trên sông Hồng, tôi lại mê mải nhìn sang hai bên làng xóm trù phú, và cố tìm những luỹ tre làng đang bị mất dần đi… Thế mà, suốt bao đời nay, luỹ tre làng là một trong những biểu hiện quen thuộc nhất, sinh động nhất của châu thổ Bắc bộ. Nhà thơ dân dã Nguyễn Duy từng thốt lên:

Thân gầy guộc, lá mong manh

Mà sao nên luỹ, nên thành tre ơi!

Nhiều thế kỷ qua, các lũy tre đã bao bọc quanh làng – từ cổng đầu làng tới cổng cuối làng. Các luỹ tre làng dày đặc gần như là thành quách tự nhiên bảo vệ an toàn cho những địa bàn dân cư cổ xưa nhất. Vì vậy, luỹ tre cũng đã từng là biểu tượng của văn hoá làng người Việt. Luỹ tre làng lúc nào cũng xanh tốt và chịu đựng nắng mưa bão tố một cách kỳ diệu! Cổng làng cũng thường làm bằng khung tre hình chữ nhật có thể mở ra đóng vào hoặc giương lên hạ xuống. Vào ban đêm, có thêm những cành tre gai đắp vào cổng cho thêm chắc chắn. Làng châu thổ rất chú trọng bảo vệ các luỹ tre, chúng có tác dụng ngăn trộm cướp. Nhiều hình phạt đã được quy định đối với những ai chặt tre mà không cho phép, kể cả những búp măng. Trong khoản phạt do làng quy định có nói đến tiền thưởng đối với những ai tố giác kẻ chặt tre tuỳ tiện. Cùng với việc bảo vệ chống tai hoạ đến từ bên ngoài, luỹ tre còn là một thứ ranh giới thiêng liêng của cộng đồng làng xã, một cách biểu thị sự độc lập và bảo vệ tính riêng biệt độc đáo của làng. Vào thời loạn lạc, có những làng đã bị triều đình trung ương ra hình phạt: buộc phá bỏ luỹ tre làng, nếu như đã tham gia vào cuộc nổi dậy, hay cho kẻ phiến loạn trú ẩn – hình phạt đó là một vết thương lớn của lòng tự trọng, một dấu hiệu nhục nhã, tựa như người bị lột trần giữa đám đông mặc quần áo!

Cây tre gắn bó với người nông dân Việt Nam.

Rời một lũy tre cằn còn sót lại, đi vào sâu trong làng xóm, tôi vẫn được nghe người già kể về những phong tục thôn quê còn lưu giữ tự bao đời – không ít tập tục lạc hậu, có hại, nhưng cũng có nhiều tập tục đáng trân trọng. Trong một công trình nghiên cứu địa lý nhân văn xuất bản năm 1936, tiến sĩ văn học Pierre Gourou có nhận xét chí lý rằng: nét quan trọng của đời sống xã hội làng Bắc kỳ là sự kiểm soát tuyệt đối của công luận đối với đời tư của mỗi người. Ông viết: “Làng là một cộng đồng mà sự trong sạch về đạo lý đòi hỏi mỗi người phải thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ của người dân và nghĩa vụ tôn giáo, chỉ cần thất hiếu với ông bà cha mẹ là chính quyền có thể can thiệp và phạt vạ”, “sự bình yên của làng xã phụ thuộc vào sự phục tùng của mọi dân làng vào lẽ phải và làng có một niềm hãnh diện tập thể khiến họ muốn cho tên tuổi của làng mình không bị hoen ố” (Người nông dân châu thổ Bắc kỳ)(1).

Không ít hương ước của nhiều làng đã quy định rất rõ về sự đoàn kết làng xã này. Một ví dụ tiêu biểu: “Nếu ta thường nghe nói rằng: phải đến sống tại những làng có đạo lý, phải chăng trong các làng đó đã tồn tại tình huynh đệ giữa dân làng?… Trong làng ta cũng vậy, dân cư thuần hậu nhưng vì phong tục biến đổi theo thời đại, sợ rằng một ngày kia thế hệ tương lai đánh mất những tình cảm trung thực của dân làng ngày nay, chúng tôi thấy cần phải thiết lập những quy tắc sau đây…” (Hương ước làng Thọ Đức – Yên Phong, Bắc Ninh). Phải chăng, chính điều đó đã là cái gốc tạo ra tinh thần đoàn kết, tinh thần tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng mà mỗi lần đất nước bị lâm nguy, chúng đã được khơi dậy và trở thành một sức mạnh ghê gớm đè bẹp quân xâm lược? Tình cảm gắn bó với quê hương, với lũy tre, với cây đa bến nước sân đình… từ thuở ấu thơ đã mau chóng trở thành tình yêu Đất Nước. Việc làng là việc nước, việc nước là việc làng. Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều làng đào hào đắp luỹ, trở thành làng chiến đấu, và khi cần, sẵn sàng “vườn không nhà trống” đối phó với địch… Người VN dù đi tới chân trời nào, dù ở trong cảnh ngộ nào mà nhận ra người chỉ cần cùng xã, cùng huyện, cùng tỉnh thì gọi nhau là «đồng hương» (thực ra «đồng hương» theo đúng nghĩa là cùng làng); và lòng yêu nước càng được nhân lên khi tình đồng hương hoà quyện.

Không ít người đến hôm nay vẫn còn lưu giữ trong ký ức hình ảnh kinh hoàng của một thời: tiếng trống ngũ liên, tiếng kẻng canh đê, tiếng quát tháo của tuần đinh, cảnh nhốn nháo như ong vỡ tổ… lúc một quãng đê nào đó bị vỡ. Kèm theo đó là cái cuộc sống đói rách cơ hàn đến tuyệt vọng và bị áp bức đến tàn nhẫn của người dân châu thổ Bắc bộ được miêu tả quá nhiều trong phim ảnh, sách vở. Và đằng sau luỹ tre xanh đã sản sinh ra không ít mặt trái của đời sống làng xã – như tục lệ khao vọng nặng nề, là sự tranh giành chiếu trên chiếu dưới ô nhục mà nhà văn Ngô Tất Tố đã miêu tả sinh động trong tác phẩm “Việc làng”. “Một miếng giữa làng hơn sàng xó bếp”, cái tâm lý cổ hủ đó ăn sâu cả ở trong tầng lớp trí thức! Luỹ tre xanh bao bọc xóm làng cũng là bức tường thành mà trong đó, bọn địa chủ ác bá làm mưa làm gió, hoành hành bóp nặn dân lành cùng khổ. Vì đói rách, bị ức hiếp, nhiều người đã phải buộc đi tha phương cầu thực, bỏ làng tìm đến các đồn điền cao su trong Nam, bên Lào, hoặc bên Tân thế giới làm phu mỏ… P. Gourou còn nêu ra cái “xu hướng của người nông dân muốn họp thành phe nhóm”, sự tranh chấp ngôi thứ trong làng, cái thói quen “phép vua thua lệ làng” và, “theo đúng thói quen đã được xác lập ở đất nước này, các vị chức sắc cai trị bằng đút lót và dành hết công sức vào việc bòn rút của dân: ít ra là với những chức sắc có thế lực” (Người nông dân châu thổ Bắc kỳ). Điều P. Gourou viết cách đây hơn nửa thế kỷ đến nay vẫn còn mang tính thời sự. Những cuốn tiểu thuyết hiện đại viết về châu thổ Bắc bộ gây xôn xao dư luận những năm qua như “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, “Ma làng”, “Thủy hỏa đạo tặc”, v.v, là những minh chứng sống động…

Ngoài ra, nông thôn châu thổ tới nay còn lưu giữ không ít tập tục cổ hủ khác cần phá bỏ: tệ cỗ bàn, cưới xin, ma chay tốn kém (Bộ phim truyện truyền hình “To nhất làng”(2) được phát lại nhiều lần trên các kênh TH Trung ương và địa phương đã miêu tả tệ nạn cưới xin chạy theo tâm lý khoa trương, trả nợ miệng, và một xu thế của thanh niên nông thôn mới phản đối kịch liệt tập tục đó! )

Tới đoạn sông Cái chảy qua một làng cổ, tôi chợt nhớ đến câu chuyện bi thảm về một người con gái “vi phạm lệ làng” vào năm 1911 mà nhà nghiên cứu Toan Ánh tả lại trong bộ sách “Nếp cũ”: cô gái hoang thai, bị làng gọt đầu, bôi vôi đặt trên một cái bè chuối có mấy phong bánh khảo, rồi thả trôi trên sông… Những chuyện như vậy đã trở thành ký ức đau buồn.

Mấy chục thập kỷ qua, dòng sông Cái đã được chứng kiến sự thay da đổi thịt từng ngày của những làng quê châu thổ Bắc bộ. Hơn 70 năm trước, tiến sĩ P. Gourou dự báo về mức độ tăng dân số gấp đôi vào cuối thế kỷ XX tại châu thổ Bắc Bộ và lo lắng: “Vùng châu thổ vốn dĩ hiện nay đang không nuôi được đầy đủ 430 người trên một cây số vuông, làm sao mà lại có thể cung cấp cho những nhu cầu của một dân số đông gấp đôi!” – “Có thể coi như chắc chắn là người nông dân sống ở giới hạn của đói kém và nghèo khổ” (Người nông dân châu thổ Bắc kỳ). Dự báo về tăng dân số thì đúng, nhưng mối lo ngại của ông lại không hề xảy ra, vì châu thổ sông Hồng không những giải quyết được đủ ăn mà còn dư thừa để xuất khẩu !

Sở dĩ châu thổ sông Hồng đã và đang giải quyết được vấn đề sản xuất nông nghiệp của mình vì đã thực hiện được một điều mà P. Gourou từng mong mỏi đề xuất: “Công việc bổ ích nhất đối với người nông dân sẽ là đình chỉ sự phát triển của sở hữu lớn mà thậm chí xoá bỏ những sở hữu lớn đang tồn tại, nếu cân bằng những đạo luật về ruộng đất nhằm tránh cho những nguồn lợi nghèo nàn của người nông dân trên mảnh đất quá nhỏ bé còn bị thu hẹp hơn nữa bởi việc phải nộp tô” (Người nông dân châu thổ Bắc kỳ). Như vậy là, sau khi đã thử trải qua nhiều mô hình sản xuất khác nhau, châu thổ sông Hồng đã quay trở về với nền kinh tế gia đình, tạo tiền đề cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp thành công. Và sự quan tâm thích đáng cùng những chính sách ngày một phù hợp với thực tiễn của Nhà nước đối với nông thôn nói chung, đối với châu thổ sông Hồng nói riêng đã góp phần quan trọng đưa nông thôn VN bước vào thời kỳ phát triển mới. Tiến sĩ Salvatore Diglio của trường Đại học phương Đông Naples Italia đã tổng kết trong bài “Vai trò của Nhà nước trong chính sách nông nghiệp của VN”: “Không còn nghi ngờ gì nữa, vai trò của Nhà nước đối với nền nông nghiệp VN trong những năm qua đã có những thay đổi quan trọng. Kể từ cuối thập niên 1980, các hộ nông dân đã nổi lên như là các đơn vị sản xuất nông nghiệp chủ yếu, và thị trường đã trở thành động lực quan trọng quy định giá cả nông phẩm. Nhà nước vẫn là người đóng vai trò chính trong khu vực kinh tế nông thôn (về sở hữu đất đai, hệ thống tiêu thụ nông phẩm và tín dụng) và… đang duy trì ảnh hưởng to lớn của mình trong quan hệ giữa nông dân với thị trường trong và ngoài nước” (Các nhà VN học nước ngoài viết về VN)(3)

Nhưng khi trở lại với nền kinh tế gia đình, đồng thời một loạt vấn đề mới của cuộc sống đã nảy sinh tại châu thổ. Trong bài viết: “Kinh tế hộ gia đình: 10 năm đổi thay ngành nghề tại các xã nông thôn đồng bằng Bắc bộ”, nhà khoa học Christophe Gironde (thuộc viện nghiên cứu phát triển Genève, chương trình sông Hồng Hà Nội – Thuỵ sĩ) đã mở đầu như sau: “Sự phục hồi nhanh chóng kinh tế hộ gia đình đã đem lại các thay đổi lớn lao trong nông nghiệp cũng như trong các nghề phi nông nghiệp… Đối với các hộ gia đình, việc phi tập thể hoá có nghĩa là có các cơ hội mới nhưng cũng cả các ràng buộc mới”. Sau khi đã khảo sát ba xã gần nhau trong huyện Châu Giang (tỉnh Hưng Yên) và các nhóm kinh tế tại đây, nhà khoa học Thuỵ Sĩ đã đưa ra những kết luận cần thiết giúp các nhà hoạt động chính sách, pháp luật… có thể tham khảo nhằm hỗ trợ sản xuất ở nông thôn châu thổ tiếp tục phát triển (Các nhà VN học nước ngoài viết về VN).

Đặc biệt, trong xu thế phát triển xã hội, khi cơ cấu làng xã cổ truyền đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ, bị xoá nhoà, thì có rất nhiều nhà khoa học với tầm nhìn xa của mình đã đưa ra những ý kiến, những đề xuất đầy tâm huyết và xác đáng. Tiêu biểu hơn cả là tiến sĩ Nguyễn Tùng (thuộc trung tâm nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp) với công trình nghiên cứu: “Phân tích so sánh sự biến đổi nông thôn vùng châu thổ sông Hồng”. Sau khi tiến hành khảo sát nhiều năm ở xã Mông Phụ (Đường Lâm) đồng thời so sánh với ba xã khác: Tả Thanh Oai, Mộ Trạch và Đông Ngạc (thuộc Hà Nội và Hải Dương), ông đã rút ra những kết luận khá quan trọng: “Một làng không thể có đời sống khá giả nếu chỉ dựa duy nhất vào nghề nông… Làm sao để có thể tạo ra việc làm ở nông thôn?… Nếu những người nông dân tìm thấy việc làm cho mình, mặc dù được trả công thấp, họ vẫn có thể ở lại trong làng, ngay trong nhà của họ… Như vậy sẽ phát huy được mối đoàn kết truyền thống và sẽ có cuộc sống tốt hơn ở thành phố…” Và nhà khoa học Pháp gốc Việt đã có một đề nghị mang giá trị thực tiễn sâu sắc: “những khả năng của tính đồng nhất của làng xã được biểu hiện qua lòng tự hào về quá khứ, về việc gắn bó với đình làng và với một số nét đặc trưng của dân làng… Vậy thì phải làm gì để cho làng vẫn tồn tại và giữ được bản sắc trong cơ cấu làng xã? Đây là vấn đề cốt lõi vì như kinh nghiệm của lịch sử đã chỉ ra rằng, tính đoàn kết gắn bó của dân làng đã là gốc rễ để người dân Việt gắn sâu vào đất nước và đã tạo nên những ngôi làng VN trong suốt hai nghìn năm, đó là những thành trì thật sự có thể bảo tồn các bản sắc của đất nước trước quân xâm lược” (Các nhà VN học nước ngoài viết về VN). Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi mà “các cuộc xâm lăng văn hoá đang thay thế cho những cuộc xâm lăng diệt chủng” – theo cách nói của một chính trị gia quốc tế (4)!

Nhưng, điều mà những trí thức VN thật sự cảm thấy lo lắng hơn cả, chính là sự vững bền trong tương lai của các gia đình truyền thống VN tại nông thôn – có thể coi là cái gốc của bản sắc dân tộc. Cách đây hơn hai phần ba thế kỷ, học giả người Pháp Léopold Cardière trong chuyên luận công phu “Gia đình và Tôn giáo người Việt” đã có những dòng viết đầy tâm huyết và đáng trân trọng: “Quả là có nhiều nguyên nhân giải thích sự suy thoái luân lý hiện nay; nhưng một trong những nguyên nhân mãnh liệt nhất đó là việc buông lỏng những mối dây liên kết của gia đình; đó là việc cá nhân thoát khỏi ảnh hưởng giáo hoá của gia đình được hình thành như một cơ chế mà ở đó người sống noi gương kẻ đã chết, ở đó mỗi thành viên đều có trách nhiệm với danh dự chung của mọi người”. Kết thúc chuyên khảo, ông thốt lên như một lời kêu gọi: “Xin đưa ra một ước nguyện là xin đừng sử dụng bất cứ biện pháp nào có nguy cơ làm yếu gia đình tại xứ Việt này, trái lại hãy củng cố nó bằng mọi cách! Than ôi! liệu có được chăng?” (5)

Nông thôn Bắc bộ với những vấn đề nóng bỏng cho đến hôm nay càng có sức hấp dẫn đối với các nhà văn, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá, xã hội học, dân tộc học… trong nước cũng như nước ngoài. Trong công trình “Các nghiên cứu về làng VN”, tiến sĩ Hà Lan John Kleinen của trường Đại học Amsterdam có nhận xét lý thú có thể mở ra một khoảng rộng cho việc tìm hiểu những gì đang diễn ra đằng sau luỹ tre xanh: “… làng thường được coi như là nơi sống ẩn dật của những người dân quê sau luỹ tre làng từ thời xa xưa, các truyền thống được giữ nguyên vẹn, người nông dân thì được mô tả như những người mộc mạc, thẳng thắn và bảo thủ. Văn hoá làng và các phong tục làng được coi là mang tính nội tại và tính truyền thống sâu sắc. Các ấn tượng như vậy là sai lầm… Làng VN đang trải qua những thay đổi sâu sắc. Đôi khi các thay đổi này diễn ra chậm đến mức mà để biết nó, người ta phải xem xét một khoảng thời gian rất dài cùng với vô vàn các sự kiện của lịch sử…” (Các nhà VN học nước ngoài viết về VN).

Song, những thay đổi sâu sắc này lại đang đứng trước những hệ lụy đau lòng do việc mất đất để làm khu công nghiệp, sân golf… (Xin tham khảo bài viết xúc tích và thời sự của nhà văn Nguyễn Quang Thiều: “Tiền bạc, ruộng đồng, và… thân phận của người nông dân” – lethieunhon.com). Những điều này đang cấp thiết đòi hỏi phải có một chính sách vĩ mô thích hợp và nhân đạo về chế độ ruộng đất…

Và đằng sau lũy tre xanh ngàn đời kia hiện đang diễn ra những chuyện khiến ta choáng váng được kể lại đầy rẫy ở bất kỳ tờ báo chính thống hàng ngày nào: cha giết con, chồng chém vợ, thầy giáo bị học trò làm hại, gia đình bệnh nhân đánh thầy thuốc, tội phạm vị thành niên ngày càng tăng, nông dân bị chiếm đất ồ ạt đi khiếu kiện… Các vùng quê yên tĩnh đang tràn lan sự dối trá, lừa đảo; chuyện chạy chức chạy quyền, cúng bái cầu tài cầu lộc, mê tín dị đoan tràn ngập; tệ chặt chém người tiêu dùng và khách du lịch trở thành bệnh kinh niên; cán bộ xã, tỉnh đánh bạc mỗi ván ăn thua từ hàng trăm triệu tới hàng tỉ đồng… Sự thao túng của các nhóm lợi ích ngày một trắng trợn, và hố sâu phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn, tới mức độ rất dễ dàng bùng nổ xung đột gay gắt trong lòng nông thôn của xã hội đương đại Việt Nam! Những lũy tre làng đang dần mất đi để thay vào đó là “hào lũy” của chủ nghĩa cá nhân cực đoan nhất được kích thích bởi kinh tế thị trường không kiểm soát – hoặc kiểm soát một cách hình thức! Có dư thừa thóc lúa để xuất khẩu thì cũng sẽ trở nên vô nghĩa – nếu như cứ mãi ở trong cái “hào lũy” đó, nhân tính sẽ bị mòn mỏi, những giá trị tinh thần tốt đẹp được kết tinh ngàn đời sẽ dần phân hủy, nát rữa, mọi thứ luân lý đạo đức mới đưa vào nhằm “giáo hóa” dân chúng sẽ chỉ tạo thêm sự mệt mỏi và góp phần nuôi dưỡng tâm lý giả dối phát triển thành căn bệnh ung thư ác tính… Điều quan trọng giờ đây là phải phá bỏ cái “hào lũy” đó đi bằng mọi giá!

Nhưng trước hết cần phải tháo dỡ, dù là một cách đau đớn – những rào cản trói buộc quyền tự do dân chủ thực sự, xây dựng một chế độ pháp quyền lành mạnh mà trong đó tất cả mọi người – không từ bất kỳ ai đều bình đẳng trước Pháp Luật. Song, những điều đó đang bị vướng víu bởi muôn vàn quy định không viết thành văn bản, chúng có sức mạnh ma quái còn hơn mọi hương ước từ xưa trong các làng quê – bởi các nhóm lợi ích cố kết với nhau hình như đã bắt đầu mang màu sắc của “Mafia”…

Tôi đành mượn lời của Léopold Cardière: “Than ôi! liệu có được chăng?”

___________________________

  1. Người nông dân châu thổ Bắc kỳ, Nxb Trẻ, Tp. HCM, 2003
  2. Hãng phim THVN (VFC) sản xuất năm 2003, Kịch bản & Đạo diễn: MA NAT
  3. Các nhà VN học nước ngoài viết về VN, Nxb Thế giới, Hà Nội 2002 ( Hai tập)
  4. Dẫn theo Phan Ngọc : Một cách tiếp cận văn hoá, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1999
  5. Léopold Cardière, Văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng VN , Nxb Thuận Hoá, Huế, 2006

 

 

Mai An Nguyễn Anh Tuấn


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả