Dâng sao giải hạn có cấm được không?

8:40 | 21/02/2019

“Nghi lễ dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ của Phật giáo mà là tư tưởng triết học của Lão giáo đã hòa nhập với Phật giáo trong truyền thống Tam giáo đồng nguyên. Phật giáo tôn trọng và đã đã dùng phương pháp tiện để tập hợp mọi người mà giảng về giáo lý nhân quả, hoằng dương Chính pháp,” – Đó là ý kiến của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.


Ai cũng có một góc tâm linh của lòng mình để an ủi, để giãi bày và chia sẻ. Nó hoàn toàn khác với mê tín dị đoan.

Hàng năm, sau dịp Tết Nguyên đán, nhiều người dân lại tìm đến các ngôi chùa, đền, phủ điện để làm lễ dâng sao giải hạn. Tại Hà Nội, những ngôi chùa như Phúc Khánh, chùa Hà, đền Quán Thánh… dịp này có hàng chục nghìn người từ khắp nơi đổ về làm lễ.

Người dân đứng hàng dài hàng trăm mét trên đường, cầu gần chùa cùng gương mặt lo âu, thấp thỏm, chen lấn để được vào làm lễ, xin lộc là cảnh tượng quen thuộc nhiều năm. Tại những ngôi chùa này, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, mặt ai cũng nghiêm trang, thành kính; người nào cũng chắp tay trước ngực, miệng lẩm nhẩm những câu gì đó, chỉ bản thân họ mới biết. Trong số những khuôn mặt “thành kính” kia, không ai dám chắc là không có những người chỉ mới hôm qua thôi, còn mắng chửi hàng xóm thậm tệ chỉ vì một xích mích nhỏ, thậm chí có kẻ còn làm những việc thất đức nữa.

Nói như thế không có nghĩa là tất cả những người đến đây đều ác tâm, nhiều người trong số họ vẫn thành tâm đấy nhưng khấn nguyện để tìm kiếm sự an lành cho mình mà phải chen lấn nhau, thậm chí giẫm đạp lên nhau thì liệu có còn thiêng nữa không? Nhất là điều ấy lại diễn ra nơi cửa Phật, chốn linh thiêng không dành cho những kẻ thiếu thiện tâm.

Đám đông kia làm gì nơi cửa Phật? Họ cúng dâng sao giải hạn đấy! Người ta quan niệm rằng, mỗi năm của một người sẽ ứng với một ngôi sao chủ nào đó. Năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, người ấy sẽ gặp phải những chuyện chẳng lành, cả về công việc lẫn sức khỏe.

Trước đây, lễ cúng dâng sao giải hạn được thực hiện tại nhà, hoặc tại các ngôi đình trong làng do các thầy pháp thực hiện. Thế nhưng, không biết từ bao giờ, việc cúng dâng sao giải hạn lại được thực hiện trong các chùa, lại do một số sư sãi tiến hành.

Đây là điều trái với giáo lý nhà Phật. Nhiều vị đại đức uy tín trong Hội Phật giáo Việt Nam đã không ít lần lên tiếng bất bình với việc cúng dâng sao giải hạn tại các chùa vì nó trái với triết lý của đức Phật.

Đặc biệt, việc cúng bái và hành lễ do các sư chủ trì và nhận tiền “công đức” từ những người đến tham dự lễ là một sự biến tướng khó có thể chấp nhận. Nó thương mại hóa ngay nơi cửa Phật như thế thì khác nào núp bóng chốn thiền môn để kinh doanh lòng tin của đám đông cuồng tín!

Ai cũng có một góc tâm linh của lòng mình để an ủi, để giãi bày và chia sẻ. Nó hoàn toàn khác với mê tín dị đoan. Cần phân biệt rõ khái niệm này để có cách hành xử chuẩn mực và có văn hóa. Không một kẻ khuất mặt nào có thể can dự vào đời sống tinh thần lẫn vật chất của người đang sống.

Rất tiếc là, xã hội ngày càng phát triển về khoa học kỹ thuật, có thể giải mã nhiều bí ẩn các hiện tượng tự nhiên thì không ít người lại đi ngược lại quy luật đó. Cúng dâng sao giải hạn vừa diễn ra ở nhiều ngôi chùa không những không làm tôn nghiêm thêm sự thiêng liêng nơi cửa Phật mà còn làm méo mó đời sống tâm linh của mỗi người.

Trao đổi với PV về hiện tượng người dân đi cúng dâng sao giải hạn đầu năm, GS Trần Lâm Biền, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã có những ý kiến thẳng thắn về vấn đề này. GS Trần Lâm Biền: Muốn giải được hạn, trước tiên con người ta phải thiện tâm. Nhờ cái thiện tâm, mà những cái ác nghiệt được hạn chế đi, tự nó sẽ hết. Đó là con đường đi đến bình an theo tinh thần của thần thánh, đạo Phật. Nhà chùa, đền là nơi của thần thánh, để chúng sinh đến đó học tập, thực hiện những điều thiện trên nền tảng trí tuệ. Trên nền tảng ấy sẽ đi đến bản chất của thiện tâm. Phải có tuệ mới đi được vào bản chất của tâm thiện mà đi đến những điều tốt lành.

Cũng theo GS Trần Lâm Biền việc Dâng sao giải hạn vốn không phải của người Á Đông mà gắn với chiêm tinh học ở Trung Cận Đông. Cư dân ở đây thường theo dõi những ngôi sao và liên tưởng rằng trong mỗi thời khắc, trật tự của các ngôi sao sẽ chi phối số phận của con người… Mỗi người sinh ra ở các giờ khác nhau, thời khắc khác nhau sẽ bị chi phối bởi những ngôi sao khác nhau, từ đó mà hình thành tử vi.

Nhưng đi xa dần khỏi trung tâm của nơi nảy sinh, đến tới các nước phương Đông, tư tưởng này dần bị sai lệch. Dâng sao giải hạn tại Việt Nam tồn tại lâu đời trong dân gian thực chất ảnh hưởng từ Trung Hoa. Theo quan niệm của Đạo giáo, trên trời có 24 ngôi sao, do 24 vị thần chủ có ảnh hưởng đến số phận con người, trong đó có 9 ngôi sao sáng nhất sẽ luân phiên chiếu mệnh các năm.

Đó là các sao La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức. 9 sao này có sao tốt và có cả sao xấu, phối trí theo các phương, sắp xếp theo 12 chi và ngũ hành. Năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, tai nạn, ốm đau, bệnh tật… gọi là vận hạn, là sao chiếu mạng (nặng nhất là “Nam La Hầu, nữ Kế Đô” là loại ám hư tinh vì 2 sao này chẳng thấy được mặt trời).

Từ đó dân gian mới có tục dâng sao giải hạn để tránh những sao xấu chiếu rọi, đi vào cung chiếu của những sao tốt. Nhưng thực tế đây lại là điều không tránh được. Con người đã bịa ra những cái đó, dùng uy lực của thánh thần để dâng sao giải hạn.

Dâng sao giải hạn suy cho cùng chỉ là do con người bịa ra để an ủi chính bản thân mình, rồi bị những kẻ hoạt đầu tôn giáo tín ngưỡng lợi dụng kiếm lợi riêng dựa trên sự hiểu biết chưa đầy đủ của quần chúng.

Mới đây, Ban thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu tăng ni, nhất là lãnh đạo giáo hội cần gương mẫu trong việc tổ chức nghi thức cầu an đầu Xuân tại các chùa bằng các pháp hội Dược Sư cầu quốc thái dân an. Việc tổ chức phải đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không để xuất hiện yếu tố dịch vụ, trục lợi.

Hàng nghìn người tại nghi lễ dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh, Hà Nội

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của Công văn số 033/CV-HĐTS của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố về việc tổ chức nghi lễ nguyện cầu bình an cho các Phật tử và nhân dân tại các chùa dịp đầu Xuân.

Cũng theo Công văn nêu rõ, nguyện cầu bình an, mong muốn sức khỏe, hạnh phúc, an lạc là nhu cầu của con người. Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn của nhân loại, chỗ dựa tinh thần tâm linh cho con người. Việc các chùa tổ chức nghi lễ cầu quốc thái dân an, mong muốn đem lại bình an cho người dân là việc làm có ý nghĩa đem lại sự lạc quan trong cuộc sống.

Tuy nhiên, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng thừa nhận, trong những năm gần đây, tại một số chùa, cách tổ chức nghi lễ cầu an có sự sai lệch. Việc dâng sao giải hạn cũng được tổ chức tại nhiều ngôi chùa

“Nghi lễ dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ của Phật giáo mà là tư tưởng triết học của Lão giáo đã hòa nhập với Phật giáo trong truyền thống Tam giáo đồng nguyên. Phật giáo tôn trọng và đã đã dùng phương pháp tiện để tập hợp mọi người mà giảng về giáo lý nhân quả, hoằng dương Chính pháp,” công văn do Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký nhấn mạnh.

Công văn số 033/CV-HĐTS của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố về việc tổ chức nghi lễ nguyện cầu bình an cho các Phật tử và nhân dân tại các chùa dịp đầu Xuân.

Trước đó, Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng đã có Công văn số 73/VHCS-NSVH (gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương), yêu cầu có giải pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động lễ hội đầu Xuân.

Một trong những hiện tượng tiêu cực đó là biến tướng trong hoạt động dâng sao giải hạn, lợi dụng nhu cầu chính đáng của người dân để trục lợi. Những ngày đầu Xuân Kỷ Hợi, nhiều di tích, điểm thờ tự… liên tục ở trong tình trạng quá tải do lượng người đến làm lễ dâng sao giải hạn quá lớn. Ví dụ như, tối 12/2 (tức mùng 8 tháng Giêng), hàng ngàn người đã đổ về chùa Phúc Khánh (Hà Nội) dự lễ cúng giải hạn sao, xếp hàng dài từ sân chùa ra khu vực quanh cầu vượt Ngã Tư Sở, gây mất an toàn giao thông…

Để khắc phục những biến tướng trong việc thực hành những nghi lễ, tập tục truyền thống, lợi dụng niềm tin của người dân để trục lợi, bà Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, các cơ quan quản lý, nhà văn hóa… cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa thực sự, tránh sự lệch lạc khi thực hành.

Việc lợi dụng đám đông cuồng tín để kinh doanh, thu lợi bất chính tại các chùa không những trái với giáo lý của đạo Phật mà còn vi phạm pháp luật. Đáng tiếc là, “dịch” mê tín này đang lan nhanh hằng năm trong đời sống của người dân. Cần có một cuộc đại phẫu về các loại lễ lạt nặng tính dị đoan này để trả lại sự thiện lành trong đời sống tâm linh đã song hành cùng dân tộc hàng ngàn năm nay.

Quang Tới/VHVN

Video hay

Cùng chuyên mục

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ