Kế hoạch di dời thủ đô Indonesia của Tổng thống Joko Widodo đang đến gần hiện thực. Bên cạnh những viễn cảnh đầy hứa hẹn về một thủ đô xanh tại Kalimantan, thay vì một Jakarta luôn dày đặc khói xe, thì sứ mệnh này cũng đối mặt với nhiều thách thức về cả kinh tế lẫn môi trường.
32,5 tỷ USD và còn hơn thế nữa
Tổng thống Joko Widodo mới đây đã bổ nhiệm ông chủ ngân hàng Bambang Susantono làm người đứng đầu mới của Chính quyền Thành phố Thủ đô (IKN), cơ quan chịu trách nhiệm chuyển trung tâm hành chính của Indonesia từ Jakarta đến Kalimantan trong nỗ lực tái cân bằng sự phát triển kinh tế và chính trị của đất nước.
Với những thành tựu về phát triển hạ tầng và công nghiệp trên khắp đất nước trong quá khứ, việc ông Widodo tiếp tục thúc đẩy kế hoạch di dời thủ đô có trị giá 32,5 tỷ USD từng bị trì hoãn vì đại dịch Covid-19 đã nhấn mạnh quyết tâm của ông trong việc biến dự án trở thành di sản hàng đầu của mình.
Là người chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 10 ở Bali, ông Widodo rõ ràng đang muốn tận dụng triệt để 2 năm cuối nhiệm kỳ để thực hiện kế hoạch lớn lao này. Song dù gì, thì nhiệm vụ dời đô rõ ràng là thách thức lớn đối với bất kỳ vị nguyên thủ nào nói riêng, bất kỳ quốc gia nào nói chung trong kỷ nguyên hiện đại.
Theo chính phủ Indonesia, Chính quyền Thành phố Thủ đô (IKN) sẽ là một tổ chức cấp bộ, sẽ chịu trách nhiệm xây dựng và cuối cùng là quản lý thủ đô mới. Dân số của Kalimantan dự kiến sẽ tăng từ 3,7 triệu lên 11 triệu người sau dự án này.
Thực tế, khi đại dịch xảy ra vào đầu năm 2020, nhiều ý kiến cho rằng dự án chuyển thủ đô của ông Widodo có thể sẽ tiêu tan. Nhưng chỉ sau một năm trì hoãn, hạ viện Indonesia đã thông qua đạo luật vào tháng trước, qua đó đặt khung pháp lý cho trung tâm hành chính mới của đất nước.
Điều đó chứng tỏ ông Widodo vẫn quyết tâm vượt qua sự phản đối của giới tinh hoa chính trị để thực hiện giấc mơ mà ông lần đầu nêu ra khi tái đắc cử vào năm 2019. Tất nhiên, còn đó những chỉ trích và phản đối, song rõ ràng nhiệm vụ di dời thủ đô của ông Widodo đang có những bước tiến quan trọng.
Với diện tích 256.000 ha, thủ đô mới có tên chính thức Nusantara của Indonesia sẽ tiêu tốn 32,5 tỷ USD trong vòng ít nhất 15 năm. Khoảng 53,5% số tiền này sẽ đến từ ngân sách nhà nước, tăng 19,2% so với mức ban đầu. Với các quan hệ đối tác công tư, các nhà đầu tư quốc tế và trong nước sẽ cùng các doanh nghiệp quốc doanh được kỳ vọng sẽ tạo ra sự cân bằng về mặt tài chính cho dự án.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyanti Indrawati ban đầu đề xuất sử dụng nguồn vốn từ chương trình phục hồi kinh tế quốc gia (PEN), phân bổ 12,6 tỷ USD trong tổng số 32,3 tỷ USD ngân sách để khởi động dự án. Nhưng ý tưởng này đã bị hạ viện Indonesia từ chối, cho rằng nó vi phạm Chính sách tài chính nhà nước và Luật ổn định hệ thống tài chính được thông qua vào năm 2020 để xử lý hậu quả kinh tế do đại dịch gây ra.
Bởi vậy, việc phân bổ kinh phí cho dự án tới đây sẽ tuân theo Kế hoạch Tổng thể Nusantara hoặc Kế hoạch Phát triển Trung hạn của chính phủ. Như vậy, những vướng mắc về mặt chính sách, chính trị và kinh tế trong dự án dời đô của ông Widodo rõ ràng cũng không hề ít.
Giấc mơ về một thủ đô xanh sẽ thành hiện thực?
Ban đầu, ông Widodo muốn chuyển dinh tổng thống và 4 bộ – ngoại giao, quốc phòng, nội vụ và tài chính – đến Kalimantan ngay vào năm 2024. Tuy nhiên, cuộc cuộc bầu cử tổng thống cũng diễn ra trong năm này (tháng 2/2024) có thể sẽ ảnh hưởng không nhỏ thời thời hạn nói trên.
Bởi vậy, nhiều khả năng sẽ chỉ một số cơ quan chức năng cốt lõi của Indonesia sẽ di chuyển vào thời điểm đó, để lại một số phòng ban ở Jakarta – ít nhất là trong tương lai gần. Ngay cả khi thủ đô đã được định vị lại, Jakarta vẫn giữ vai trò là trung tâm thương mại và kinh doanh chính, có nghĩa vẫn cần sự hiện diện đáng kể của chính phủ.
Dự án xây dựng thủ đô mới của Indonesia phần lớn được xây dựng trên các khu vực mà nay đang là những cánh rừng hay các đồn điền. Chính vì vậy, thách thức lớn nhất trong kế hoạch chuyển thủ đô đến Kalimantan của ông Widodo được cho rằng không phải các vấn đề về chính sách hay kinh tế, mà chính là nhiệm vụ bảo vệ hệ sinh thái cực kỳ đa dạng và môi trường thiên nhiên còn đầy hoang sơ tại hòn đảo này.
Đúng là Tổng thống Widodo từng nói rằng: “Đây sẽ là một thành phố thông minh, với công nghệ xanh và thân thiện với môi trường” khi thông báo về kế hoạch di dời thủ đô với giới truyền thông. Tuy nhiên, nguy cơ môi trường tự nhiên bị phá hủy ở Kalimantan vẫn là một vấn đề đáng lo ngại đối với nhiều người. Lưu ý rằng, Kalimantan vốn là một vùng đất gần như được bao phủ bởi rừng rậm, có một hệ sinh thái đa dạng không chỉ quan trọng nhất Indonesia, mà còn hàng đầu trên thế giới.
Chính phủ Indonesia từng cam kết sẽ không có khu rừng được bảo vệ nào bị đụng đến trong siêu dự án trị giá 32,5 tỷ USD. Nhưng thống đốc tỉnh Kalimantan cũng từng thừa nhận với báo chí rằng có một số cánh rừng phải được đốn hạ để nhường chỗ cho khu đất rộng 256.000 ha (2.560 km vuông), gần gấp bốn lần diện tích của Jakarta.
“Tất nhiên, sẽ có một vài thứ cần phải hy sinh, nhưng sau đó chúng tôi đặt mục tiêu hồi sinh các cánh rừng. Khi hoàn thành, thủ đô sẽ tự hào có ít nhất 70% không gian xanh mở”, ông nói với các báo địa phương. Chính phủ Indonesia cũng hứa hẹn sẽ tạo ra một thủ đô xanh để thu hút khách du lịch, để tạo ra một thủ đô sinh thái khổng lồ và hầu hết du khách sẽ đến để xem động vật hoang dã.
Rõ ràng, việc di dời thủ đô từ một Jakarta dày đặc khói bụi bởi tắc nghẽn giao thông và đặc biệt có nguy cơ bị nước biển xâm lấn, đến Kalimantan cao ráo và đầy màu xanh là một kế hoạch hứa hẹn của ông Widodo. Song cũng không thể phủ nhận rằng bên cạnh những viễn cảnh tươi đẹp, thì còn đó nhiều thách thức và nguy cơ đối với hệ sinh thái và môi trường tại hòn đảo hoang sơ Kalimantan.
Theo Công luận