Đại biểu trẻ nhất Quốc hội Khóa I

16:03 | 22/05/2021

Nhà văn Nguyễn Đình Thi là một nhân vật lịch sử mang nhiều tư cách. Là nhà văn, ông cũng là nhà thơ, nhà viết kịch, đồng thời là một nhạc sĩ xuất sắc. Là nhà chính trị, ông từng là Ủy viên Ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam, đại biểu trẻ nhất Quốc hội Khóa I, và trong nhiều năm liền là người lãnh đạo văn nghệ…


Nhà văn Nguyễn Đình Thi.

Đại biểu trẻ nhất Quốc hội Khóa I

Nhà văn Nguyễn Đình Thi là một nhân vật lịch sử mang nhiều tư cách. Là nhà văn, ông cũng là nhà thơ, nhà viết kịch, đồng thời là một nhạc sĩ xuất sắc. Là nhà chính trị, ông từng là Ủy viên Ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam, đại biểu trẻ nhất Quốc hội Khóa I, và trong nhiều năm liền là người lãnh đạo văn nghệ…

Thời kỳ tiền khởi nghĩa, có thể nói, là những tháng ngày hoạt động sôi nổi nhất của nhà cách mạng trẻ tuổi Nguyễn Đình Thi. Ông nhận nhiệm vụ của đoàn thể, cùng Văn Cao, Hoàng Quý sáng tác ca khúc cho phong trào cách mạng đang dâng trào, và đã có ngay bài Diệt phát xítnổi tiếng. Cùng với các đồng chí trong Hội Văn hóa cứu quốc, ông tham gia biên soạn báo Tiên phong, cơ quan của hội, khi ấy còn trong bí mật. Tháng 7.1945, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, cũng là thành viên Hội Văn hóa cứu quốc, đã đưa Nguyễn Đình Thi cùng một số đồng chí về quê mình làm số báo Tiên phong đầu tiên. Chính tại căn nhà của Nguyễn Huy Tưởng ở bên kia sông Đuống, nay thuộc xã Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội, Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Hữu Đang đã thay mặt mọi người, thảo báo cáo về vấn đề văn hóa để trình bày tại một sự kiện quan trọng dự kiến tổ chức thời gian sau đó.

Tháng 8 năm ấy, trước diễn biến của tình hình thế giới và trong nước, Việt Minh quyết định tổ chức Đại hội quốc dân ở Tân Trào, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Văn hóa cứu quốc được cử 5 đại biểu đi dự họp, trong đó có Nguyễn Đình Thi. Theo bút ký Ở chiến khu của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cùng một số nguồn tài liệu khác, Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Hữu Đang lên đường sau đã không kịp dự hội nghị. Nguyễn Đình Thi và Khuất Duy Tiến đi trước may mắn đến kịp. Trong hành trang của Nguyễn Đình Thi có bản báo cáo để trình bày trước hội nghị như trên đã nói.

Các đại biểu là văn nghệ sĩ dự Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa I tháng 12.1953 (từ trái sang): Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Nguyễn Đỗ Cung, Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng

Báo cáo Quốc dân đại hội về văn hóa

Nguyễn Đình Thi đến Tân Trào đúng trưa ngày 15.8. Đó là một thời khắc không thể quên với tác giả Diệt phát xít, khi ông được gặp nhiều đại biểu khác, tất cả cũng như ông, đều rất trẻ. Như Võ Nguyên Giáp, một trong những nhân vật quan trọng nhất của Tổng bộ Việt Minh, người chỉ huy trực tiếp lực lượng Giải phóng quân mới 34 tuổi; cử nhân luật Dương Đức Hiền, Tổng bí thư đảng Dân chủ Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam – 29 tuổi; Hoàng Văn Đức, kỹ sư canh nông, người ít lâu sau là Phó bí thư Tổng bộ Việt Minh – 27 tuổi… Nhưng Nguyễn Đình Thi vẫn là người trẻ nhất, mới 21 tuổi! Trẻ thế nhưng đã được nhiều người biết đến, vì là tác giả bài Diệt phát xít nổi tiếng, khi ấy đang được phổ biến khắp nơi…

Nhà thơ Văn Thao, con trai của nhạc sĩ Văn Cao có một bài viết cho biết nhiều điều thú vị về ca khúc này cùng bản Tiến quân ca – hẳn anh đã được nghe chuyện từ thân phụ mình. Sáng 16.8, trước khi vào hội nghị, Nguyễn Đình Thi mang lên trình lãnh tụ Hồ Chí Minh 3 bài hát để chọn một bài làm Quốc ca của nước Việt Nam mới mà Đại hội quốc dân sẽ bầu ra. Đó là các bài Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi, Chiến sĩ Việt Nam và Tiến quân ca của Văn Cao. Sau khi nghe Nguyễn Đình Thi hát, Bác nhận xét, đại ý: Bài Diệt phát xít hay, ngắn gọn dễ hát. Nhưng chủ nghĩa phát xít đã tan rã rồi nên không phù hợp với tình hình hiện nay nữa. Cân nhắc giữa hai bài của Văn Cao, cuối cùng Người đã chọn Tiến quân ca, vừa ngắn gọn vừa hùng tráng, lại dễ hát, dễ phổ cập. Và Bác đã giao Nguyễn Đình Thi chuẩn bị cho đội đồng ca tập ngay để buổi chiều báo cáo trước hội nghị…

Ta có thể hình dung, chiều hôm ấy, vào hội nghị, Nguyễn Đình Thi bận rộn như thế nào. Ngoài nhiệm vụ lãnh tụ Hồ Chí Minh giao, ông còn được cử làm thư ký của Đại hội do là đại biểu trẻ nhất. Và cũng đại biểu trẻ tuổi ấy là một trong mấy báo cáo viên trình bày trước hội nghị những vấn đề cách mạng trọng yếu: bên cạnh báo cáo của Hoàng Quốc Việt về phong trào công nhân, của Trần Đức Thịnh về nông dân, của Hoàng Đạo Thúy về hướng đạo, là báo cáo của Nguyễn Đình Thi mang tên Một nền văn hóa mới. Mặc dù hội nghị chỉ diễn ra một ngày do tình hình gấp gáp, nhưng phần trình bày của đại biểu Văn hóa cứu quốc vẫn được giữ nguyên trong chương trình nghị sự – điều này đủ thấy vấn đề văn hóa khi ấy được đặt ra bức thiết nhường nào, và Nguyễn Đình Thi đã hoàn thành trọn nhiệm vụ được anh em giao phó.

Dấu ấn trẻ trung

Ngày 6.1.1946, Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là một sự kiện lớn của dân tộc, được mọi người dân náo nức đón chào. Và cũng như nhiều hoạt động cách mạng khác khi ấy, trong những ngày diễn ra cuộc bầu cử, người ta lại hát vang bài Diệt phát xít, với những lời rộn rã thúc giục lòng người: Diệt phát xít giết bày chó đê hèn của chúng, tiến lên nền dân chủ cộng hòa. Được chứng kiến tác động của bài hát đối với phong trào, tác giả Nguyễn Đình Thi hẳn càng thêm tự hào khi ông trúng cử Quốc hội, đại diện cho Kiến An, khi ấy là một đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Ngày 2.3.1946, Quốc hội tiến hành lễ khai mạc trọng thể. Nếu như tại Quốc dân Đại hội Tân Trào, sự kiện được coi như tiền thân của Quốc hội Việt Nam, Nguyễn Đình Thi là người trẻ nhất trong số hơn 60 đại biểu dự họp, thì đến Quốc hội Khóa I, ông cũng lại là đại biểu trẻ tuổi nhất, cho dù lúc này con số đại biểu đã lên tới 333 vị. Và giống như lần trước, ông lại được cử làm thư ký kỳ họp, cũng với lý do là đại biểu ít tuổi nhất. Nhưng, như sau đây chúng ta sẽ thấy, vai trò “thư ký” của đại biểu “trẻ nhất” tại Quốc hội khi ấy không hề nhỏ. Trong phiên họp đầu tiên, sau diễn văn khai mạc của Hồ Chủ tịch, là diễn văn đáp từ của đại biểu Nguyễn Đình Thi. Rồi tiếp đến cụ Ngô Tử Hạ, người được bầu làm Chủ tọa kỳ họp, đọc lời Tuyên ngôn của Quốc hội. Đây quả là những nghi thức long trọng của một kỳ họp Quốc hội quan trọng vào bậc nhất của nước ta, được Quốc hội “chọn mặt gửi vàng” giao cho những người xứng đáng.

Một sự việc nữa cho thấy kỳ vọng của Quốc hội đối với Nguyễn Đình Thi, nhà cách mạng – trí thức trẻ tuổi: ông được bầu vào ban dự thảo Hiến pháp (Tiểu ban Hiến pháp) gồm 11 thành viên, thuộc nhiều phe phái, trong đó Nguyễn Đình Thi là đại diện Việt Minh, bên cạnh đại diện một số đảng khác như Việt Nam Quốc dân đảng, Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội… Hẳn Tiểu ban Hiến pháp, trong đó có Nguyễn Đình Thi đã phải rất nỗ lực để bản Hiến pháp đi tới sự đồng thuận và được Quốc hội thông qua đầu tháng 11 cùng năm, với đa số phiếu thuận.

 Xin lại được dẫn một ý trong bài của nhà thơ Văn Thao, con cố nhạc sĩ Văn Cao, tác giả Tiến quân ca. Tại phiên họp bàn về Quốc ca, các đại biểu của Quốc dân đảng đưa ra bài Việt Nam minh châu trời đôngcủa nhạc sĩ Hùng Lân, đòi thay thế bài Tiến quân ca. Lập tức một đại biểu Quốc hội đứng lên bắt nhịp và hát vang bài Tiến quân ca. Tiếng hát mạnh mẽ, quyết liệt đã khiến cả hội trường đứng dậy hát theo, trừ nhóm đại biểu thuộc Quốc dân đảng. Người hát ấy chính là nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, đại biểu đã để lại dấu ấn trẻ trung đặc biệt trong Quốc hội nước ta…

 

 

Nguồn: Báo Đại biểu Nhân Dân

 

Video hay


Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ