Như mọi dân tộc khác, với người Cơ Tu, hôn nhân không chỉ là sự kiện quan trọng cả đời cô dâu, chú rể mà còn là của cả buôn làng. Nghi thức cưới hỏi của người Cơ Tu là một tập tục thể hiện sự tinh tế và độc đáo của những người con của đại ngàn Trường Sơn.
Việc cưới xin được bắt đầu bằng lễ dạm hỏi (Ganoo) và thường hay do “bà mối” thực hiện. Sau lễ chạm ngõ là đến lễ cưới (lễ Bhrớ Bhiếc).
Lễ cưới thường được tổ chức vào ngày trăng tròn, thường là mùa trồng cây sắn. Đây là loại cây cho nhiều củ, với ước nguyện đôi vợ chồng sống hòa thuận, gắn bó và sinh con khỏe mạnh.
Khác với người Kinh, sau lễ Bhrớ Bhiếc, khoảng 2 – 3 năm sau, gia đình hai bên tổ chức lễ Pa Zùm (lễ trưởng thành) cho cô dâu, chú rể. Chỉ khi tổ chức lễ này, đôi vợ chồng có thể sinh con đẻ cái và cô dâu mới được về ở hẳn bên nhà chồng.
Khi định được ngày cưới, hai bên gia đình cùng nhau chọn ra những người lớn tuổi, có kiến thức, nhất là biết đối đáp đến nhà trai để giao lưu. Với lối “nói lý, hát lý”, họ sẽ thương lượng để đi tới sự thống nhất về tổ chức lễ cưới và cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ. Sau bữa tiệc linh đình, trước sự chứng kiến của người dân hai thôn bản, cô dâu và chú rể sẽ nói “lời hứa hẹn” để trọn đời gắn bó.
Cũng trong ngày cưới. Bên nhà gái sẽ mang sang nhà trai những lễ vật đã chuẩn bị như cơm lam, bánh sừng trâu, cơm gạo nếp, rượu Trơ’đin,… Ngược lại, bên nhà trai sẽ chuẩn bị thịt heo, ché, chiếu…
Việc chuẩn bị lễ vật cho ngày cưới được cả làng góp lại. Kết thúc buổi lễ, ngoài những thứ được dọn lên đãi tiệc, nhà trai sẽ chuyển giao tất cả lễ vật đã chuẩn bị cho nhà gái. Bên nhà gái cũng như vậy. Sau chuyển giao, toàn bộ lễ vật sẽ được chia đều cho bà con thôn bản.
Ba năm sau ngày cưới, “lễ Pa Zùm” sẽ được tổ chức tại nhà gái. Mâm cỗ được chuẩn bị gồm “một đĩa xôi; một con gà; hai chén rượu Trơ’đin” được đặt trước bàn thờ. Với nghi lễ này, họ mong cầu cho đôi vợ chồng trẻ khỏe mạnh, tự làm ra được cái ăn, sanh nhiều con cái. Từ đây, người con gái chính thức về nhà chồng và được phép sinh nở.
Ông Bhling Bríu – già làng thôn Z’Rượt, xã Ch’Ơm – chia sẻ: “Ngày trước, trong đám cưới của người Cơ-tu có tổ chức lễ hội đâm trâu. Từ năm 2010, tục này được bỏ hẳn vì theo quy định của Nhà nước. Ngoài ra, cách đây khoảng 50 năm, các gia đình giàu có thường tổ chức tục “cướp vợ”. Ngày nay, tập tục ấy đã mất hẳn”.
Theo Laodong