Đặc điểm nội dung kịch bản cải lương

10:59 | 16/07/2024

1. Sản phẩm của lòng ái quốc, tinh thần dân tộc và trách nhiệm xã hội.

a/ Những định kiến lịch sử

Tại hội nghị văn hóa ở Việt Bắc năm 1950 thời kháng chiến chống Pháp, nghệ thuật Cải lương từng bị một số người coi là sản phẩm tiêu cực, suy đồi của giai cấp tư sản và tiểu tư sản, một thứ thuốc phiện văn hóa được thực dân phong kiến sử dụng làm bạc nhược tinh thần nhân dân để dễ cai trị đất nước. Quan điểm cực đoan thô thiển đó không được đồng tình, nghệ thuật Cải lương vẫn được phục hồi và phát triển tại các vùng kháng chiến cả ở hai miền Nam Bắc, đóng góp đắc lực vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Pháp. Tuy vậy, quan niệm này vẫn là định kiến tồn tại dai dẳng trong một số người và đầu những năm 1960 lại bùng nổ trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa khi tranh luận về việc phục hồi và phát triển nghệ thuật Cải lương như một bộ môn của nền sân khấu cách mạng xã hội chủ nghĩa. Định kiến này biến tướng thành quan điểm coi nghệ thuật Cải lương là loại sân khấu duy cảm, yếu đuối ủy mỵ, bi lụy, u sầu không thích hợp với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa văn nghệ mới con người mới xã hội chủ nghĩa. Song song với định kiến trên là định kiến miệt thị nghệ thuật Cải lương là thứ sân khấu bình dân dễ dãi, lai tạp, đầu ngô mình sở, như một loại melodram tiêu cực trong nghệ thuật phương Tây, thiếu một cơ sở mỹ học, xã hội học dân tộc vững chắc, cấp độ nội dung và nghệ thuật thấp kém.

Thực tế lịch sử phát triển cùng những thành tựu không thể phủ nhận của nghệ thuật Cải lương trong 100 năm qua đã bác bỏ những định kiến sai lạc này.

b/ Sản phẩm của lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và trách nhiệm xã hội

Không phải ngẫu nhiên mà học giả Vương Hồng Sến trong cuốn sách “Năm mươi năm Cải lương” đã nhận định: “Nếu tôi không lầm thì buổi sơ khởi của Cải lương là do lòng ái quốc mà nên” .

Soạn giả Lê Duy Hạnh và các NSND Bảy Nam, Kim Cương, Thanh Tòng.

Cụ Vương Hồng Sến đã không lầm. Đó là một nhận định khách quan. Thực tế hình thành nghệ thuật Cải lương những năm đầu thế kỷ 20 đã minh chứng cho nhận định đúng đắn trên của bậc học giả lớn của đất phương Nam.

Từ đờn ca tài tử phát triển thành ca ra bộ, hát chập rồi những vở Cải lương đầu tiên “Lục Vân Tiên” và “Kim Vân Kiều” của Trương Duy Toản là quá trình các trí thức yêu nước và người dân Nam Bộ sáng tạo một hình thức sân khấu mới có khả năng thu hút quần chúng rộng rãi không chỉ như một hình thức giải trí đơn thuần mà là một công cụ hữu hiệu để truyền bá tư tưởng yêu nước và tinh thần dân tộc. Trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội đã là một thuộc tính của bộ môn sân khấu mới ở vùng đất mới đất nước ngay từ buổi sinh thành. Cần nói thêm là ngay khi nghệ thuật Cải lương vừa hình thành, các thế lực thống trị thực dân phong kiến từng muốn nắm lấy bộ môn sân khấu non trẻ này phục vụ cho chúng như toàn quyền Albert Sarraut đã cho một số công chức trong bộ máy của chúng lập ra một gánh hát dạo từ các rạp hát Tây ở Sài Gòn đến lục tỉnh hát các tuồng như “Gia Long tấu quốc”, “Pháp Việt nhất gia”… nhưng gánh hát tay sai ấy chỉ tồn tại được vài tháng thì tan rã vì không được dân chúng ủng hộ trong khi các gánh hát do các trí thức và nghệ sĩ yêu nước lập nên với các tuồng tích mang tư tưởng yêu nước và tinh thần dân tộc lại đua nhau xuất hiện như nấm sau mưa trong sự ủng hộ nồng nhiệt của người dân Sài Gòn và lục tỉnh.

Lục Vân Tiên” của soạn giả Trương Duy Toản.

Như vậy, ngay từ buổi bình minh của mình, những người sáng tạo và công chúng của nghệ thuật Cải lương đã gặp nhau trên cùng một nền tảng: lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Và nền tảng ấy trở thành động lực lớn lao, bền vững giúp Cải lương phát triển mạnh mẽ trong lòng dân tộc cho đến ngày hôm nay.

Trong những năm dưới chế độ thuộc địa, thời kỳ những năm 1920 -1930, các kịch bản Cải lương cổ trang dựa vào tích truyện Việt Nam hay Trung Hoa đều có nội dung ca ngợi những con người tận trung, tận hiếu, vì nghĩa quên thân theo đạo lý truyền thống Việt Nam. Thời kỳ những năm 1930 – 1945, sự xuất hiện các kịch bản tuồng Cải lương xã hội mang tính hiện thực, phản ánh sự hình thành xã hội Âu hóa thuộc địa và những mâu thuẫn tiềm tàng của nó, một mặt phê phán các thói tục mới trái với đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc, một mặt thể hiện ý thức dân chủ mới, công khai đòi quyền sống, quyền hưởng tình yêu và hạnh phúc cho con người,bênh vực những người cùng khổ, chống lại những bất công xã hội, sự thống trị của đồng tiền và cường quyền. Các kịch bản tiêu biểu của soạn giả Nguyễn Thành Châu, nhất là hai kịch bản Đời cô Lựu và Tô Ánh Nguyệt của soạn giả Trần Hữu Trang, tiếng nói phủ nhận quyết liệt xã hội thực dân phong kiến thuộc địa, một xã hội đã cướp hết quyền sống, quyền hưởng tình yêu hạnh phúc của con người, thực sự là những kịch bản Cải lương mang tính cách mạng trong dòng Cải lương tâm lý xã hội thời trước cách mạng tháng Tám.

Truyền thống yêu nước, tinh thần dân tộc sâu sắc đã giúp nghệ thuật Cải lương dễ dàng tiếp nhận ánh sáng lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng, Bác Hồ và hào hứng bước vào hai cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ tổ quốc của toàn dân tộc do Đảng ta và Bác Hồ lãnh đạo. Từ sau cách mạng tháng Tám, cùng với các bộ môn văn nghệ khác, nghệ thuật Cải lương trở thành vũ khí sắc bén của Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp cách mạng. Hiện thực cách mạng, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trở thành nguồn cảm hứng chính và là nội dung chủ yếu của kịch bản Cải lương ở các vùng kháng chiến, giải phóng và trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa thời kỳ từ năm 1945 đến 1975.Ở các vùng tạm bị chiếm, nghệ thuật Cải lương cũng thể hiện sự bất khuất truyền thống, bằng nhiều hình thức vẫn gắn mình vào sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, một số cơ sở Cải lương trở thành thành trì của cách mạng ngay trong lòng địch. Các nghệ sĩ Cải lương luôn tự hào là ngay giữa nanh vuốt và sự o ép mọi mặt của kẻ thù, nghệ thuật Cải lương không hề a dua theo chúng, không hề có một kịch bản Cải lương nào mang nội dung tố cộng phản động suốt mấy chục năm sống trong lòng địch, ngược lại, nhiều kịch bản Cải lương ca ngợi lịch sử chống ngoại xâm, ca ngợi những anh hùng dân tộc vẫn ra đời và những kịch bản Cải lương cổ trang hương xa, đường rừng hay các kịch bản tâm lý xã hội trong chừng mực nào đó vẫn thể hiện được truyền thống yêu nước, tinh thần nhân văn của dân tộc.

Sau năm 1975, cách mạng giải phóng dân tộc toàn thắng, đất nước thống nhất cùng bước vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, tư tưởng yêu nước, tinh thần dân tộc và trách nhiệm xã hội của nghệ thuật Cải lương được nâng cao thêm một bước. Ca ngợi lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng qua nghìn năm lịch sử cùng các chiến công vĩ đại, chủ nghĩa anh hùng của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ cũng như công cuộc xây dựng đất nước đầy khó khăn, gian khổ, thách thức là nội dung chính của nghệ thuật Cải lương cả nước giai đoạn này.

Như vậy, chúng ta hoàn toàn có quyền khẳng định: về cơ bản nghệ thuật Cải lương được sản sinh ra từ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và trách nhiệm xã hội, là sản phẩm tuyệt vời của lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và trách nhiệm xã hội của một bộ phận trí thức tiến bộ và nhân dân Nam Bộ từ trong lòng chế độ thực dân phong kiến, trong hành trình xây dựng phát triển đã tích tụ trong nó nội dung yêu nước dân tộc phong phú và sâu sắc, trở thành một bảo tàng sống của lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, của sự nghiệp dựng nước và giữ nước, luôn song hành và đóng góp đắc lực cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước, trở thành di sản văn hóa văn nghệ hết sức quý giá, góp phần làm nên hồn cốt dân tộc, cần được bảo vệ gìn giữ cho hôm nay và mai sau.

2. Có khả năng thể hiện mọi đề tài, mọi loại nhân vật nhưng ưu thế vượt trội là thể hiện đề tài tâm lý xã hội đương đại và các nhân vật đương đại.

Lịch sử phát triển của nghệ thuật Cải lương cho thấy đây là bộ môn sân khấu dân tộc có khả năng thể hiện tốt mọi đề tài, mọi giai tầng, mọi nhân vật trong đời sống xã hội “hôm qua và hôm nay, của người và của ta” như nhận định của nhà nghiên cứu Cải lương Trương Bỉnh Tòng.

Cho đến nay, chưa có đề tài nào mà kịch bản Cải lương chưa từng thể hiện và chưa từng có thành cộng. Đề tài lịch sử chẳng hạn, đây được coi là thế mạnh của nghệ thuật Tuồng truyền thống với nhiều vở diễn bất hủ thể hiện đầy sức hấp dẫn những anh hùng phục quốc. Cải lương đã cho thấy mình không hề thua kém với hàng loạt vở diễn thành công khá nổi bật qua các thời kỳ phát triển của mình. Tuy chưa đạt được đỉnh cao trong việc xây dựng nên những hình tượng kỳ vĩ như Đổng Mẫu, Khương Linh Tá, Tạ Ngọc Lân, Phương Cơ, Tiết Cương, Lan Anh, Triệu Khánh Sanh, Trương Phi… của nghệ thuật Tuồng truyền thống nhưng nghệ thuật Cải lương thực tế đã ôm trùm trên bình diện rộng lịch sử dân tộc từ Bà Trưng, Bà Triệu cho đến Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Bùi Thị Xuân, Trương Định, Nguyễn Trung Trực… Hầu như các giai đoạn lịch sử, các nhân vật lịch sử đáng ghi nhớ của dân tộc đều đã được Cải lương đưa lên sân khấu biểu diễn của mình. Về đề tài này, thành công đáng tự hào của kịch bản Cải lương có thể kể đến Quang Trung, Thái hậu Dương Vân Nga của Trúc Đường, Câu thơ yên ngựa của Hoàng Yến – Thanh Tòng – Ngọc Vân, Rạng ngọc Côn Sơn của Xuân Phong, Trời Nam, Tâm sự Ngọc Hân của Lê Duy Hạnh, Một đời trung hiếu với Thăng Long của Phạm Văn Quý… Thành công ở mảng đề tài này, nghệ thuật Cải lương cho thấy bi kịch anh hùng ca không chỉ là độc quyền của nghệ thuật Tuồng. Nghệ thuật Cải lương vốn bị định kiến là nghệ thuật ủy mỵ, sầu thương vẫn có khả năng cất cao các giai điệu của chủ nghĩa anh hùng, tạo nên các tấn bi kịch anh hùng ca của riêng mình khi biết học hỏi và vận dụng sáng tạo các thành tựu của nghệ thuật Tuồng truyền thống. Hơn thế, trong việc thể hiện đề tài lịch sử, nếu nghệ thuật Tuồng mạnh hơn trong khai thác các khía cạnh sử thi, tập trung thể hiện nhân vật trong mối quan hệ quân quốc thì nghệ thuật Cải lương lại mạnh hơn trong khai thác khía cạnh đời thưởng, mô tả nhân vật trong nhiều mối quan hệ xã hội chân thật, sinh động.

Soạn giả Viễn Châu, Soạn giả Trương Duy Toản, Soạn giả Trần Hữu Trang, Soạn giả Năm Châu

Ngoài đề tài lịch sử, nghệ thuật Cải lương rất thành công trong các đề tài dã sử, cổ tích dân gian, tâm lý xã hội hiện đại, hiện thực cách mạng. Dàn kịch mục của nghệ thuật Cải lương trong các đề tài này phong phú và giàu màu sắc không bộ môn sân khấu dân tộc có thể sánh nổi. Đặc biệt, với tính chất trữ tình, lãng mạn như là một ưu thế đương nhiên của mình, sân khấu Cải lương được coi là thánh đường của tình yêu và hạnh phúc lứa đôi với những biểu hiện nồng cháy, phức tạp và tinh tế nhất trong cuộc sống đau khổ, xích xiềng dưới chế độ thực dân phong kiến và trên bước đường cách mạng theo Đảng và Bác Hồ. Các thiên tình ca Cải lương như Đóa hoa rừng, Hồn bướm mơ tiên của Nguyễn Thành Châu, Lan và Điệp, Khi người điên biết yêu của Trần Hữu Trang, Nàng tiên Mẫu đơn, Dệt Gấm của Lưu Chi Lăng, Kiều Nguyệt Nga của Ngọc Cung… có sức sống lâu bền, được nhiều thế hệ khán giả sân khấu cả nước yêu thích…

Khả năng ôm trọn mọi đề tài của hiện thực cuộc sống còn thể hiện ở khả năng đưa lên sàn diễn mọi nhân vật thuộc mọi giai tầng xã hội của nghệ thuật Cải lương, từ hình tượng các vua chúa, các nguyên thủ quốc gia, vương tôn công tử, trí thức, kỹ sư bác sĩ, nghệ sĩ đến người nông dân, người làm thuê, kẻ ở đợ… Có thể nói hình tượng nhân vật trong sân khấu Cải lương phong phú hơn bất kỳ bộ môn sân khấu dân tộc nào. Không bị bó buột bởi các trình thức biểu diễn dành cho các loại nhân vật mẫu như nghệ thuật Tuồng, Chèo truyền thống, soạn giả Cải lương có thể đưa vào kịch bản mọi nhân vật có thật ngoài cuộc đời khi cần thiết. Khả năng đó lý giải vì sao Cải lương là bộ môn sân khấu dân tộc sớm nhất thể hiện hình tượng Bác Hồ với kịch bản Người công dân số 1.

Khả năng phản ánh hiện thực rộng lớn ấy phải được coi là một ưu thế, một đặc điểm nổi bật cần phát huy của nội dung nghệ thuật Cải lương.

Tuy vậy, cần phảỉ thấy rằng ưu thế vượt trội của nghệ thuật Cải lương so với các bộ môn kịch hát dân tộc khác là khả năng thể hiện đề tài tâm lý xã hội đương đại, các nhân vật, các vấn đề mới mẻ nhất, gai góc nhất của cuộc sống đương đại.

Có thể thấy, ngay trong giai đoạn hình thành từ những năm 1920 – 1930, nghệ thuật Cải lương đã sớm đi vào phản ánh những mâu thuẫn trong cuộc sống đương thời và hình thành nên loại tuồng tâm lý xã hội có giá trị hiện thực cao. Các vở tuồng tâm lý xã hội với các tích truyện dường như đang diễn ra trong xã hội, trên đường phố hay trong các gia đình với các nhân vật mà người xem có thể trực tiếp gặp gỡ ngoài đời hay tìm thấy bóng dáng mình đã có sức hút mạnh mẽ với khán giả hơn bất kỳ loại tuồng nào khác.

Đề tài tâm lý xã hội đương đại được tiếp tục khẳng định là thế mạnh vượt trội của nghệ thuật Cải lương qua tất cả các thời kỳ phát triển đến cuối thế kỷ 20. Trước mạng tháng Tám, soạn giả, bậc thầy Cải lương Nguyễn Thành Châu đã sáng tạo ra cả một dòng Cải lương với tên gọi là Việt kịch Năm Châu với hàng loạt vở diễn phản ánh một cách trực diện những vấn đề của xã hội mình đang sống. Soạn giả lớn Trần Hữu Trang cũng tạo ra tên tuổi mình từ các kịch bản tâm lý xã hội chống lại các bất công xã hội, bênh vực các tầng lớp cùng khổ như chúng ta đã biết.

Đề tài tâm lý xã hội đương đại tiếp tục đem đến sức sống mới cho nghệ thuật Cải lương sau cách mạng tháng Tám và sau năm 1954.

Trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nghệ thuật Cải lương được khuyến khích thể hiện thực đấu tranh cách mạng với giai điệu lạc quan và cảm hứng anh hùng ca. Cuộc sống và chiến đấu của quân và dân ta cả hai miền Nam Bắc bảo vệ độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã được thể Soạn giả Viễn Châu, Soạn giả Trương Duy Toản, Soạn giả Trần Hữu Trang, Soạn giả Năm Châu. VĂN HIẾN VIỆT NAM – SỐ 5+6 (352+353) 2024 77 hiện khá đa dạng va sinh động trên sân khấu Cải lương trong các kịch bản Người nữ diễn viên miền Nam, Máu thắm đồng Nọc Nạn, Người con giá đất đỏ, Bà mẹ sông Hồng, Dấu chân người trước, Đốm lửa núi Hồng, Hương tràm, Hòn đất, Đường phố Sài Gòn rực lửa…

Tại Trung tâm Cải lương Sài Gòn, dù các loại tuồng màu sắc, hương xa mang tính giải trí rất phát triển để thu hút khán giả, hầu hết các soạn giả tài năng tên tuổi và các gánh hát lớn đều có các kịch bản tâm lý xã hội phản ánh cuộc sống xã hội miền Nam thời Mỹ Ngụy vừa nóng bỏng tình thời sự vừa có chiều sâu nhân văn như Sân khấu về khuya, Bọt biển, chuyện tình tuổi 17, Tấm lòng của biển, Con gái chị Hằng, Những con cò trắng, Tướng cướp Bạch Hải Đường, Cho trọn cuộc tình, Nửa đời hương phấn, Tuyệt tình ca, Đôi mắt người xưa, Bông hồng cài áo…

Trong thời kỳ này, nếu chủ nghĩa anh hùng, tính cách anh hùng, sự xả thân vì sự nghiệp cách mạng của con người Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ được tập trung miêu tả trong các kịch bản đề tài đương đại trên sân khấu Cải lương miền Bắc thì thân phận bi kịch, sự tha hóa nhân cách đạo đức khát vọng hướng thiện của con người Việt Nam dưới chế độ Mỹ ngụy trong sự chi phối của thế lực ngoại bang và sức mạnh đồng tiền là trung tâm chú ý của các vở tâm lý xã hội đương đại trên sân khấu Cải lương miền Nam.

Bước vào thời kỳ đất nước thống nhất cùng xây dựng chủ nghĩa xã hội xây dựng cuộc sống mới, nghệ thuật Cải lương vẫn là bộ môn sân khấu kịch hát dân tộc đi đầu trong việc thể hiện sự nghiệp xây dựng cuộc sống mới, con người mới. Kịch bản đề tài đương đại vẫn chiếm số lượng đáng kể trong kịch mục của hơn 60 đoàn nghệ thuật Cải lương cả nước. Trong đó có nhiều kịch bản vừa nóng bỏng ý nghĩa thời sự vừa giàu tính nhân văn truyền thống để lại ấn tượng khá lâu bền trong lòng công chúng cả nước như Pha lê và cát bụi, Xa thành phố yêu dấu, Dòng sông đỏ, Huyền thoại tình yêu, Đất lở, đêm khuya về với mẹ, Cổ tích thời hiện đại, Anh lính của đất, Người trong cõi nhớ, Khúc ly hương… Đặc biệt là sự xuất hiện một số kịch bản khá xuất sắc trực diện đi vào những vấn đề gai góc của cuộc sống như vấn đề dân chủ và lòng tin, sự tha hóa về đạo đức, phẩm chất của một bộ phận cán bộ có chức có quyền, có giá trị phát hiện và thức tỉnh cao như Chuyện bên vỉa hè, Chuyện ngày thường, Trở về miền nhớ…

Số lượng mang tính áp đảo và chất lượng khá cao của các vở cải lương đề tài đương đại tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc những năm 1980 – 1985 – 1990 và các hội diễn chuyên ngành Cải lương toàn quốc 2000, 2005, 2009 cho thấy nghệ thuật Cải lương ý thức rõ thế mạnh truyền thống của mình trong sứ mệnh quang vinh làm người thư ký, người phát ngôn của thời đại, bám sát phản ánh cuộc sống hôm nay để nói được với khán giả hôm nay những vấn đề thật thiết thân với họ, giúp họ tìm câu trả lời cho những câu hỏi nan giải đang đặt ra trong cuộc đời.

Tuy vậy, những năm gần đây, có vẻ như nghệ thuật Cải lương đang dần xa rời thế mạnh vượt trội này của mình khi rất ít kịch bản đề tài đương đại được đưa lên sàn diễn. Nếu trong hội diễn Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2005, kịch bản đề tài đương đại chiếm ưu thế tuyệt đối với 19/21 vở diễn tham gia thì trong hội diển Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009, trong số 27 vở diễn tham gia, thật đáng buồn khi số vở diễn đề tài đương đại chỉ dăm bảy vở và hầu hết có chất lượng thấp.

Dẫu biết rằng thể hiện đề tài đương đại luôn đòi hỏi khả năng khám phá, phát hiện, khả năng sáng tạo cao để tạo ra những vở diễn có khả năng hấp dẫn công chúng, nhưng nếu không quyết tâm và kiên trì theo đuổi đề tài này, xa rời thế mạnh vượt trội của mình trong việc thể hiện đề tài đương đại, những nhân vật đương đại, nghệ thuật Cải lương sẽ tự làm mất đi nguồn sống và lý do tồn tại và phát triển lớn nhất của mình, tự từ bỏ sứ mệnh quang vinh nhất mà bản thân lịch sử hình thành và phát triển của bộ môn đã tạo nên

3. Tính kỳ và tính thương cảm, đặc trưng hay “chất Cải lương” trong nội dung kịch bản Cải lương.

Lý do nào làm cho nghệ thuật Cải lương, bộ môn sân khấu non trẻ nhanh chóng phát triển thành bộ môn sân khấu được công chúng cả nước ưa thích nhất chỉ trong vòng vài chục năm? Người ta đã nhiều lần đặt ra câu hỏi này khi nghiên cứu nghệ thuật Cải lương. Trả lời câu hỏi, ta có thể viện câu tuyên ngôn được ghi trên đôi liễn trước rạp hát của gánh hát Tân Thinh đầu những năm 1920 “Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh” để nói tới khát vọng và khả năng không ngừng cải cách đổi mới “theo tiến bộ, sánh văn minh” để không bao giờ lạc hậu, lỗi thời trước thời cuộc của nội dung và nghệ thuật Cải lương, bộ môn sân khấu được coi là gạch nối giữa sân khấu kịch hát truyền thống Việt Nam và kịch nói phương Tây. Cũng có thể nói tới sức hấp dẫn khó cưỡng của âm nhạc Cải lương với hệ thống bài bản làn điệu phong phú và khả năng đi vào lòng người kỳ diệu của bản Dạ cổ hoài lang và Vọng cổ. Và tất nhiên, không thể không nói đến tính kỳ và tính thương cảm, những đặc tính thẩm mỹ nổi bật trong nội dung bộ môn sân khấu này.

Thực ra, từ lâu, một số nhà nghệ thuật học phương Tây đã coi tính kỳ và tính duy cảm là hai đặc trưng thẩm mỹ của sân khấu truyền thống phương Đông và Việt Nam để phân biệt và tính thực và tính duy lý của sân khấu phương Tây. Trong sân khấu truyền thống phương Đông và Việt Nam, hiện thực được thể hiện không phải là hiện thực thông thường mà là một hiện thực đã được kỳ lạ hóa, lãng mạn hóa, huyền thoại hóa, một hiện thực phi thường. Sân khấu phương Đông và Việt Nam từ lâu cũng mang chức năng giáo huấn nhằm “giữ gìn cái phải, ngăn ngừa cái trái” như cụ Đào Tấn nói nhưng không quá chú trọng thỏa mãn trí tuệ mà tập trung chinh phục trái tim, tình cảm người xem. Nội dung thể hiện trên sân khấu phải làm sao tạo ra hiệu quả thương cảm nơi khán giả thì chức năng giáo huấn mới hoàn thành. Hai bộ môn kịch hát truyền thống dân tộc Tuồng và Chèo có thể cho ta thấy rõ đặc điểm này.

Nghệ thuật Cải lương không những đã tiếp thu, phát triển mạnh mẽ, làm phong phú thêm mà nhiều khi đã khai thác tận cùng, triệt để những đặc điểm thẩm mỹ này của sân khấu truyền thống dân tộc nhằm tạo nên sức hấp dẫn của bộ môn sân khấu mình.

Tính kỳ được các soạn giả Cải lương hết sức chú ý trong chọn lọc tích truyện, phát triển tình huống, tổ chức cao trào, xây dựng tính cách nhân vật không chỉ trong các kịch bản lịch sử, dã sử, màu sắc, hương xa với sự tham gia của các yếu tố thần linh, huyền thoại, cổ tích mà ngay cả trong các kịch bản tâm lý xã hội đương đại với câu chuyện kịch đầy những éo le, ngẫu nhiên, bất ngờ khó đoán định trước. Đặc biệt, nghệ thuật Cải lương phát hiện tính kỳ không chỉ trong các hiện thực phi thường như ta thấy trong sân khấu truyền thống mà ngay trong hiện thực đời thường đương đại. Khác với sân khấu truyền thống thường kết có hậu với các kết quả như chính nghĩa thắng hung tàn, người ngay thắng kẻ gian, trung khuất phục nịnh, thiện hóa giải ác, kịch bản Cải lương thường kết không có hậu với các kết quả ngược lại. Các mô típ thường thấy trong cốt truyện văn học và kịch hát truyền thống như hồng nhan bạc phận, tài mệnh tương đố, người ngay gặp nạn, anh hùng sa cơ… khi vào kịch bản Cải lương, số phận các nhân vật người đẹp, người ngay, anh hùng thường trải qua những hoàn cảnh đầy bi kịch và kết thúc rất bi thương. Hiệu quả thương cảm của nghệ thuật Cải lương được tạo ra chủ yếu từ các yếu tố này.

Có thể nói, nội dung kịch bản nghệ thuật Cải lương từ những năm 1920 đến trước cách mạng tháng Tám thường được xây dựng trên hai lựa chọn thẩm mỹ là tính kỳ và tính thương cảm. Không thể phủ nhận chính tính kỳ và tính thương cảm đã góp phần đặc biệt quan trọng cho sức thu hút công chúng mạnh mẽ của nghệ thuật Cải lương và có thể coi là “chất Cải lương” về mặt nội dung. Tuy vậy, việc tuyệt đối hóa hai lựa chọn thẩm mỹ này, thay vì coi chúng như phương tiện lại biến chúng thành mục đích thu hút và lấy nước mắt người xem trong rất nhiều trường hợp, không coi trọng tính tư tưởng, tính hiện thực, lô gich của cuộc sống và tâm hồn, quan hệ biện chứng giữa ngẫu nhiên và tất yếu… đã làm nghệ thuật Cải lương thiếu một nền tảng xã hội vững chắc và xa rời đời sống dân tộc. Chính đặc điểm này khiến cho một số nhà nghiên cứu đã gọi nghệ thuật Cải lương là loại sân khấu Melodram, một thuật ngữ đến từ phương Tây dùng chỉ loại sân khấu hư cấu tùy tiện bất chấp sự thật khách quan, quy luật cuộc sống, chạy theo thị hiếu thấp kém của người xem, coi hiệu quả gây thương cảm nơi người xem là mục tiêu tồn tại.

Thời kỳ từ sau cách mạng tháng Tám và sau năm 1954 cho đến trước 1975, kịch bản Cải lương ở các vùng tạm bị chiếm và Sài Gòn trong khi chú ý phát triển tính kỳ và tính thương cảm như một đặc sản nội dung của nghệ thuật Cải lương để chinh phục công chúng cũng còn vướng vào nhược điểm này khá nặng nề. Trong khi đó, Cải lương ở miền Bắc và các vùng kháng chiến, giải phóng nhiều khi do quá chú trọng đến tính hiện thực, tính tư tưởng, không quan tâm đúng mức đến tính kỳ và tính thương cảm trong xây dựng nội dung kịch bản đã làm nghệ thuật Cải lương phần nào khô cứng, nhạt nhẽo, giảm nhiều sức hấp dẫn với công chúng.

Sau năm 1975, sự kết hợp hài hòa nhuần nhụy, ở trình độ cao tính hiện thực, tính tư tưởng với tính kỳ và tính thương cảm trong xây dựng nội dung kịch bản đã góp phần quan trọng làm nên những vở diễn Cải lương vừa có giá trị hiện thực và tư tưởng lớn lại vừa có sức chinh phục công chúng mạnh mẽ.


NGUYỄN THẾ KHOA

Cùng chuyên mục

Trời Tây xa lắc

Trời Tây xa lắc

Về một bài thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên tặng hai người phụ nữ Bình Định

Về một bài thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên tặng hai người phụ nữ Bình Định

Lê Khánh Mai và hành trình nhà thơ nữ bứt phá

Lê Khánh Mai và hành trình nhà thơ nữ bứt phá

Thu Bồn – Tráng sĩ hề… dâu bể

Thu Bồn – Tráng sĩ hề… dâu bể

Nhà văn anh hùng Nguyễn Ngọc Tấn

Nhà văn anh hùng Nguyễn Ngọc Tấn

Bạn bè một thuở

Bạn bè một thuở

Thành Chương Việt Phủ – bức tranh quê hương

Thành Chương Việt Phủ – bức tranh quê hương

Lục bát LÊ THỊ MÂY

Lục bát LÊ THỊ MÂY

Nước mắt Lệ Thuỷ trước biển Nha Trang

Nước mắt Lệ Thuỷ trước biển Nha Trang