Chết đi rồi sống lại, ăn chơi nức tiếng trời Nam, đi chơi đêm bị cướp mất cả ấn tín. Đó là những mẫu chuyện có một không hai về vua ăn chơi Trần Dụ Tông.
Nhà Trần là triều đại phong kiến hùng mạnh bậc nhất sử Việt, với chiến công chói lọi 3 lần đánh bại quân Mông – Nguyên xâm lược, gắn với những vị vua tài giỏi như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông.
Tuy vậy, triều đại này cũng có những ông vua kém cỏi, khiến thế nước suy vong. Tiêu biểu như Trần Dụ Tông.
Ông vua ăn chơi nhất sử Việt
Trần Dụ Tông (1336-1369) là vua thứ 7 của triều Trần, có tên húy là Trần Hạo. Mới 5 tuổi, Trần Hạo được lập lên kế vị, 6 tuổi được lập làm vua, đến năm 1357, Thái Thượng hoàng Trần Minh Tông mất, Trần Dụ Tông chính thức nắm quyền triều chính.
Trong giai đoạn đầu làm vua, Trần Dụ Tông làm được nhiều việc có ích, nhưng sau thì lười nhác chính sự, chỉ thích ăn chơi hưởng lạc, cơ nghiệp nhà Trần suy yếu từ đó. Thói ăn chơi của vua Trần Dụ Tông đã được tất cả các bộ chính sử ghi chép lại.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, cuộc đời trụy lạc của Trần Dụ Tông bắt đầu bằng sự kiện vào năm Kỷ Mão 1339, hoàng tử Hạo suýt chết đuối ở Hồ Tây, nhờ có Trâu Canh dùng phép châm cứu chữa sống lại.
Kể từ đây, vua suốt ngày chỉ lo ăn chơi hưởng lạc, không quan tâm đến việc chính sự. Triều đình ngày càng rối ren, suy yếu.
Để phục vụ thói ăn chơi hưởng lạc, Trần Dụ Tông cho sửa sang vườn Lậu Uyển, đào hồ lớn, chất đá làm núi, bắt dân chở nước mặn từ biển vào nuôi đồi mồi, cá biển, cá sấu về nuôi.
Dù pháp luật nhà Trần quy định xử rất nghiêm tội đánh bạc nhưng Trần Dụ Tông vẫn tổ chức đánh bạc ngay tại cung điện. Thế là từ đây, vua đánh bạc, quan đánh bạc, dân đánh bạc, thành cái tệ xấu không thể nào bỏ được.
Sách Việt sử tiêu án cho biết một lần nghe nói có viên quan đang giữ chức Chánh chưởng phụng ngự cung Vĩnh An tên là Bùi Khoan uống rượu rất giỏi, thế là vua cho gọi vào cùng thi uống rượu. Ai thắng cuộc sẽ được ban thưởng.
Vào một đêm mùa hạ, tháng 6 năm 1366, sau khi đến chơi nhà Thiếu uy Trần Ngô Lang ở hương Mễ Sở (Hưng Yên) đến canh 3 mới trở về kinh, trên đường về bị mất cướp mất cả ấn tín lẫn gươm báu.
Tận mắt chứng kiến thói ăn chơi của vua Trần Dụ Tông sứ thần phương Bắc phải lắc đầu “Thói ăn chơi của Dụ Tông ngay cả hoàng đế phương Bắc cũng không sánh kịp”.
Bài học cho hậu thế
Thấy vua quan ăn chơi hưởng lạc, thế nước ngày càng suy vong, thầy Chu Văn An liền dâng “thất trảm sớ” xin chém đầu bảy tên gian thần, nhưng vua Trần Dụ Tông không nghe theo. Biết không thể khuyên ông vua ham chơi nhà Trần, Chu Văn An treo ấn từ quan lui về Chí Linh (Hải Dương) mở trường dạy học.
Triều đình thời vua Trần Dụ Tông ngày càng thối nát, vua Trần Dụ Tông còn lệnh cho các vương hầu nhà Trần mở hội thi hát tuồng và các trò tạp kỹ, cho gọi nhà giàu ở khắp kinh thành vào kinh đánh bạc làm vui, các quan thi nhau uống rượu, ai uống được nhiều rượu thì được thưởng tiền, thậm chí là vua hứng lên còn thưởng cho cả cung nữ.
Trong cung, vua suốt ngày ăn chơi nhảy múa, trong dân chúng thiên tai mất mùa, hạn hán bắt đầu xảy ra, dân tình đói kém, loạn lạc nổi lên như ong.
Tình hình kinh tế trong nước khó khăn, nhưng về mặt đối ngoại, vua Trần Dụ Tông vẫn sai Trần Thế Hưng và Đỗ Tử Bình đi đánh Chiêm Thành (năm Đinh Mùi 1367), bị thất bại, vì vậy mà tình hình kinh tế nhà Trần lại ngày càng kiệt quệ.
Nhân cơ hội đó, vào năm sau, năm Mậu Thân 1368, vua Chiêm Thành cho người sang đòi đất Hóa Châu, mấy lần đem quân đánh phá kinh thành Thăng Long, khiến vua tôi nhà Trần bỏ chạy tan tác.
Vua Trần Dụ Tông vì ăn chơi vô độ, nên sức khỏe ngày càng suy kiệt, và mất vào năm Kỷ Dậu 1369, hưởng dương được đúng 33 tuổi, tổng cộng ở ngôi được 28 năm.
Cũng vì ăn chơi hưởng lạc, Trần Dụ Tông không có con nối dõi, buộc phải nhận Trần Nhật Kiên (con của anh trai Trần Nguyên Dục) làm con nuôi, làm người nối dõi.
Oái ăm thay, Trần Nhật Kiên lại không phải là con ruột của Trần Nguyên Dục. Bởi mẹ của Trần Nhật Kiên đã mang thai với người chồng họ Dương trước khi trở thành tỳ thiếp của Trần Nguyên Dục. Tên chính thức của Trần Nhật Kiên là Dương Nhật Lễ.
Vậy là từ thân phận con một đào hát, Dương Nhật Lễ trở thành hoàng đế nhà Trần. Đây là trường hợp hy hữu trong nghìn năm sử Việt.
Sau khi làm vua, Dương Nhật Lễ bỏ bê công việc, ham chơi, rượu chè, cho đón cha ruột Dương Khương vào triều giữ chức Lệnh thư gia, có ý đổi sang họ Dương khiến các quan trong triều bất bình. Triều đình nhà Trần càng thêm đổ nát.
May mắn, cuối cùng, các công thần đã ra tay dẹp loạn, phế truất Dương Nhật Lễ, lập Trần Phủ (Trần Nghệ Tông) lên ngôi.