Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm được coi là người đã nghiên cứu sáng tạo ra mô hình sân khấu múa rối nước thu nhỏ – loại hình độc diễn múa rối nước độc đáo trong làng rối Việt Nam.
Với mô hình thu gọn này, Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đã đưa nghệ thuật múa rối nước đến được với nhiều khán giả hơn, cả ở trong nước và nước ngoài.
Sáng tạo độc đáo
“Sân khấu múa rối nước mini” Phan Thanh Liêm nằm tại nhà riêng của nghệ sĩ, với đường vào là một ngõ nhỏ ngoắt ngoéo trên phố Khâm Thiên (Hà Nội). Dù vậy, nơi đây vẫn là địa chỉ quen thuộc của nhiều du khách.
Tiếp khách trong căn phòng bừa bộn những con rối và những đồ dùng đặc trưng của nghề, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm kể rằng, anh sinh ra trong gia đình có truyền thống rối nước ở làng Rạch, tỉnh Nam Định. Bố anh là nghệ sĩ múa rối nước nổi tiếng Phan Văn Ngải – người đã sáng tạo ra nhà thủy đình đang được sử dụng ở hầu hết các nhà hát, các phường rối nước hiện nay. Ông cũng là chủ nhân của con rối chú Tễu trưng bày tại Bảo tàng Louvre (Pháp). Còn ông nội anh chính là cụ trùm hội Phan Văn Huyên. Là “con nhà nòi” nên Phan Thanh Liêm làm quen với rối từ nhỏ và cũng được theo cha đi nhiều nơi biểu diễn.
Mê nghề rối, Phan Thanh Liêm nhanh chóng nhận ra sự hạn chế khi việc biểu diễn luôn phải cần một sân khấu có mặt nước. Cùng với đó là sự vất vả, hao tổn công sức mỗi khi phải di chuyển những đồ nghề cồng kềnh, bởi vậy, những buổi biểu diễn dù đông khán giả nhưng vẫn không bù lại được chi phí bỏ ra.
Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm chia sẻ về ý tưởng một trò diễn mới do anh sáng tác.
“Từ đó, tôi đã suy nghĩ cần phải thay đổi. Và sau nhiều ngày trăn trở, nhiều lần thử nghiệm, mô hình rối nước độc diễn với nhà thủy đình cải tiến đã ra đời. Nó nhỏ hơn nhiều so với thủy đình truyền thống, mái đình cũng được cải tiến còn một mái”, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm hồi tưởng.
Theo anh Liêm, chất liệu làm thủy đình cũng khác, được anh thiết kế bằng cao su nên bền, không thấm nước, lại có thể gấp gọn và di chuyển dễ dàng. Những con rối cũng được thiết kế nhỏ hơn, để một người có thể điều khiển được nhiều con rối cùng một lúc.
Khi sân khấu rối nước thu nhỏ ra mắt, ngay lập tức nó đã nhận được nhiều sự ủng hộ. Tuy nhiên, việc làm của Phan Thanh Liêm lại vấp phải sự phản đối của chính người cha của mình. Ông Phan Văn Ngải nghi ngờ bởi ông cho rằng, rối nước là một môn nghệ thuật biểu diễn tập thể, việc một người cùng lúc điều khiển mấy con rối là việc không khả thi. Phải mất một thời gian, anh Liêm chứng minh bằng thực tế, “ông cụ” mới gật gù, đồng ý.
Sân khấu rối không chỉ có con rối
Hai cơ sở rối nước thu nhỏ của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm ở Hà Nội đều có diện tích rất khiêm tốn. Toàn bộ không gian sân khấu rối nước chỉ gói gọn trong vài chục mét vuông, nổi bật là một thủy đình mini chiếm chừng 1/4 diện tích, vài chiếc ghế dài đủ cho vài ba chục khách ngồi. Không có bài trí gì trong phòng, ngoài tấm phông nền in hình ảnh cây đa, khóm trúc, gợi lên không khí của làng quê Việt Nam.
Phan Thanh Liêm cho biết, phần lớn khách đến sân khấu của anh là người nước ngoài. Đến đây là những người không chỉ muốn xem biểu diễn rối nước mà còn muốn tìm hiểu “ngọn ngành” của môn nghệ thuật độc đáo này, từ việc tự tay điều khiển rối, làm con rối; giao lưu, trải nghiệm cuộc sống của một nghệ sỹ múa rối nước… Bởi vậy, những gì anh mang đến cho khán giả đều thật sự khác biệt, họ không chỉ xem rối xong rồi về.
Một tour xem rối nước bắt đầu bằng âm thanh của làng quê, tiếng gà gáy, tiếng ếch kêu ộp oạp… và rồi chú Tễu xuất hiện. Những tích trò như: “Chăn trâu thổi sáo”, “Lê Lợi trả gươm”, “Vinh quy bái tổ”, “Múa lân”… được thể hiện sinh động, hấp dẫn. Khán giả ngoại quốc lạ lẫm ngạc nhiên trước cách tạo hình con rối sống động, ngộ nghĩnh, rồi bất chợt la hét thích thú khi bị mấy con rối mải đuổi nhau khiến nước tung tóe vào người. Sân khấu nhỏ đến mức khán giả có cảm giác dường như không còn khoảng cách nào với những chú rối, ai thấy cũng như mình đang tham gia vào màn diễn. “Chưa bao giờ thấy rối nước hay như thế”, đó là cảm nhận của nhiều du khách chia sẻ với nghệ sĩ Phan Thanh Liêm.
Khách du lịch trải nghiệm điều khiển con rối tại “sân khấu mini” Phan Thanh Liêm. Ảnh: NSCC
Chưa hết, sau khi được xem những trò diễn, khách sẽ được trực tiếp điều khiển con rối. Nhiều du khách ngoại quốc rất hào hứng, thích thú với màn trải nghiệm này. Họ tò mò vì không biết con rối nặng hay nhẹ, làm sao mà hoạt bát, lanh lợi, chuyển động một cách có thần thái như vậy. Và việc tự tay điều khiển con rối sẽ đưa ra cho mỗi người một câu trả lời.
Cũng rất ấn tượng đối với du khách đó là sự thân mật, gần gũi, sự chu đáo của chủ nhà. Khách đến được đón tiếp nồng hậu ngay từ ngoài ngõ, sau đó được mời lên tầng 2 để giới thiệu về lịch sử múa rối nước truyền thống Việt Nam, giới thiệu đôi nét về gia đình nghệ sĩ. Du khách rất thích thú khi chỉ trong một tour ngắn nhưng họ được thụ hưởng nhiều giá trị văn hóa như vậy.
“Chúng tôi tiếp đón khách bằng văn hóa Việt, bằng sự thân tình, gần gũi. Ngoài việc xem rối, trải nghiệm điều khiển con rối, khách còn được nghe giới thiệu và trải nghiệm kỹ thuật làm con rối cùng nghệ sĩ. Nếu khách có nhu cầu đặt ăn các món truyền thống và đi chợ cùng với gia đình thì cũng sẽ được đáp ứng bằng một bữa cơm với những món ăn đặc trưng Bắc bộ. Bởi vậy nên các cuộc chia tay, họ đều bày tỏ tình cảm rất thân thiết”, anh Liêm chia sẻ.
Ước mong mình không phải người “độc diễn”
Theo nghệ sĩ Phan Thanh Liêm, sân khấu múa rối nước truyền thống đường kính thủy đình có thể lên tới 10m, cộng với rất nhiều phông bạt trang trí nên khó cơ động. “Nhà hát múa rối phải cần đến 5 tấn đạo cụ và hơn 10 diễn viên để trình diễn thì tôi chỉ cần khoảng 100kg đạo cụ, tất cả chỉ gói gọn trên một chiếc xe ba bánh. Hơn nữa, với thiết kế con rối nhỏ gọn sẽ đem lại nhiều thuận lợi khi biểu diễn”, anh Liêm so sánh.
Lợi thế của sân khấu gọn nhẹ và một mình độc diễn khiến Phan Thanh Liêm có thể đáp ứng những lời mời lưu diễn đến từ khắp mọi nơi… Anh từng đến biểu diễn ở các trường học, ở nơi nuôi dưỡng trẻ em tàn tật, đến cả những vùng sâu vùng xa, thậm chí là nơi chưa có điện; ở đâu rối nước của anh cũng được đón nhận nồng nhiệt. Không những thế, cho đến nay, anh đã có hàng chục lần “xuất ngoại” biểu diễn theo lời mời của nhiều tổ chức trên thế giới. Những chuyến lưu diễn kéo dài hàng tháng trời ở các nước như Ý, Ba Lan, Canada, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia… đã góp phần không nhỏ trong việc giới thiệu và quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam với bạn bè thế giới.
Đi diễn nhiều nơi, nhận được nhiều sự cổ vũ nhưng Phan Thanh Liêm vẫn còn những trăn trở, anh lo một ngày nào đó nghệ thuật truyền thống và cả rối nước bị mai một. “Rối nước bây giờ chỉ hấp dẫn các bé mẫu giáo và khách nước ngoài, trong khi giới trẻ lại thờ ơ. Rất nhiều khách nước ngoài sau khi xem diễn xong đều động viên tôi phải làm sao bảo tồn, giữ cho được rối nước. Đáng buồn là ở trong nước chưa có được sự quan tâm như vậy”, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm trăn trở.
Từ tâm sự ấy, Phan Thanh Liêm tiết lộ, anh sẽ không giữ “bí quyết gia truyền”. Anh khẳng định chỉ cần có lời đề nghị, anh sẵn sàng đem hết những “bí kíp” của mình để truyền lại cho người có tâm với nghề. Anh vẫn mong mỏi mình không phải là người “độc diễn” trong làng múa rối Việt.
T.Toàn
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/cung-san-khau-thu-nho-con-roi-viet-chinh-phuc-the-gioi-post255972.html