Cùng mâm

10:21 | 23/05/2022

Đôi lúc ngồi chống cằm chờ đủ mặt người mới ăn bên mâm cơm dọn sẵn lâu quá cũng bực bội, nghĩ sao không bới mỗi người mỗi tô, muốn ăn giờ nào thì ăn, khỏi chờ khỏi đợi. Bới tô, tức cơm ém vô đầy một lần, thức ăn các kiểu xếp trên mặt, xong bưng ra góc nào đó tùy thích vừa coi ti vi, đọc báo hoặc vừa quẹt điện thoại vừa ăn. Xúc ăn mà không cần nhìn vô tô cơm, không cần biết mình vừa bỏ cái gì vô miệng, no bụng xong bữa, rửa đúng 1 cái tô, 1 cái muỗng. Như thế thì khỏe quá còn gì.


Ảnh: G.C

Không ít người tôi quen biết buộc phải chịu hoặc tự chọn kiểu cơm nước đơn giản tự do này, tất nhiên là với cơm nhà, không phải ra ngoài hàng quán. Mới đầu nghe bạn kể cũng lấy làm ngạc nhiên, thì nhà nào cũng thường có từ hai người trở lên, không tính trẻ con, mỗi người làm mỗi công việc, vậy mà một mâm cơm đúng giờ giấc với tất cả thành viên nghe ra lại bất khả thi. Bạn nấu nướng xong để nguyên trên bếp, ai ăn tự động bới mang ra góc ưa thích, chẳng phiền ai.

Lạ, bởi có lúc nhà chỉ có hai vợ chồng nhiều khi giận nhau không thèm nhìn mặt cũng phải đúng giờ tới bữa hì hụi dọn bàn cho ra mâm ra bát, ăn thì ăn, không ăn thì dẹp, chớ không có chuyện chuyển qua bới tô, như đã thành quán tính. Nhớ đến mâm cơm ngày bé khi còn ở với cha mẹ. Nhà con đông, thêm hai bà ngoại, quây quần bên mâm cơm bao giờ cũng trên dưới mười người. Không có bàn ăn riêng, cả nhà ngồi hết lên cái phản lai giường kê ngoài hiên, mâm đặt ở giữa. Gọi là phản cũng được vì có bộ khung bốn chân, mặt trên thay vì thả ván thì lại đóng từng thanh như vạt giường. Cái chiếu để trải lên nó luôn là loại chiếu cũ nằm đã đời rồi thải ra, tơ tớt quanh mép. Ăn cơm xong quét dọn sạch sẽ rồi mới trải lại cái chiếu tốt khác lên để nằm.

Mâm cơm má nấu ngày ấy bao giờ cũng đủ món canh, xào, kho mặn, nước mắm chấm và luôn nóng sốt. Ngày hai bữa đúng giờ đủ người, họa hoằn thiếu ai cũng được để lại cho một mâm riêng nho nhỏ. Chỉ có người lớn mới được ngồi vô mâm, còn trẻ con phải tản bớt ra thềm. Của không ngon đông con cũng hết, huống hồ chi qua tay đầu bếp Huế như má mình. Lũ con xúm lại gắp thức ăn một tua là chén sau quay lại chỉ có chan nước mắm. Tôi nhớ, bà ngoại không bao giờ đụng đũa vô mấy món thức ăn mới làm trong mâm, bà luôn dồn thức cũ còn thừa của mấy ngày trước vô một chén riêng, hâm đi hâm lại rồi tới bữa để ngay trước mặt mình. Ai nói gì cũng kệ, tau thích ăn như rứa kệ tau, tau ăn chi kệ tau… Mấy mươi năm sau, mâm cơm hàng ngày của má chỉ còn lại 2, 3 người cũng được má chỉn chu cần mẫn, nhứt quyết chờ đủ mặt mới dọn, chưa bao giờ có một buổi bới tô mạnh ai nấy ăn.

Cùng mâm mỗi ngày là những người gần gũi thân yêu nhất hiện nay của mình. Giữa bữa ăn gia đình đông đủ có thể chuyện trò bất cứ đề tài gì. Có thể khoe khoang, than thở, thậm chí công kích phản biện nhau không giới hạn. Có thể ầm ĩ vì một scandal chẳng hề liên quan tới mình. Bữa ăn nào mà chỉ có tiếng nhóp nhép chén bát khua lanh canh, muỗng đũa va vào nhau là coi như bão sắp nổi lên.

Gia đình nhỏ của mình chỉ mới xẻ làm hai. Tới giờ ăn mà nghe âm báo có messenger trong group là mười phần hết chín cái đứa xa nhà ở đầu bên kia gởi cho coi hình mâm cơm của nó, có hai đứa mà cũng bày đặt rình rang đủ thứ…

 

Theo Báo Khánh Hòa

https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202205/cung-mam-8251775/

Video hay


Cùng chuyên mục

Quảng Bình đề xuất sắp xếp 145 đơn vị hành chính cấp xã còn 23 đơn vị

Quảng Bình đề xuất sắp xếp 145 đơn vị hành chính cấp xã còn 23 đơn vị

Huyền thoại Tứ kiệt và Tứ kiệt Cổ Miếu

Huyền thoại Tứ kiệt và Tứ kiệt Cổ Miếu

Diễn viên Tiến Luật: Tôi không chỉ muốn kinh doanh mà còn mong muốn mang đến những sản phẩm chất lượng, phục vụ người tiêu dùng tốt hơn

Diễn viên Tiến Luật: Tôi không chỉ muốn kinh doanh mà còn mong muốn mang đến những sản phẩm chất lượng, phục vụ người tiêu dùng tốt hơn

Đại hội Chi bộ Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc nhiệm kỳ 2025 – 2027

Đại hội Chi bộ Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc nhiệm kỳ 2025 – 2027

Quảng Bình bổ nhiệm các Giám đốc sở sau sáp nhập

Quảng Bình bổ nhiệm các Giám đốc sở sau sáp nhập

Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng giúp dân vượt khó, xây dựng biên cương vững mạnh

Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng giúp dân vượt khó, xây dựng biên cương vững mạnh

Nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng: Người viết nhạc cho tuổi thơ đã về cõi vĩnh hằng

Nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng: Người viết nhạc cho tuổi thơ đã về cõi vĩnh hằng

Rạng rỡ Việt Nam

Rạng rỡ Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và  tặng quà tại Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và tặng quà tại Hà Giang