Con nuôi Lưu Bị rất thiện chiến, vì sao Gia Cát Lượng nói một câu đã bị ban cho cái chết!

8:29 | 26/03/2022

Cuối thời Đông Hán, các thế lực cường hào trỗi dậy, quần hùng phân tranh. Năm Kiến An thứ 6 (năm 201), Lưu Bị buông tha Nhữ Nam, vào Kinh Châu nương nhờ Lưu Biểu. Lúc này Lưu Bị đã hơn 40 tuổi mà chưa có con trai nối dõi, nên đã nhận nuôi Khấu Phong – con trai của một La hầu (chức quan) họ Khấu – làm con nuôi. Bởi vì mẹ của Khấu Phong họ Lưu, có dòng dõi hoàng tộc nhà Hán, nên Lưu Bị nhận nuôi và đổi tên là Lưu Phong.


Ảnh: Soundofhope

Năm Kiến An thứ 16 (năm 211) thời Hán Hiến Đế, Lưu Bị được Lưu Chương mời nhập Thục, để trợ giúp ông tiêu diệt Thái thú Trương Lỗ ở Hán Trung. Sau đó, bởi vì Lưu Bị và Lưu Chương bất hòa, Lưu Bị sai Gia Cát Lượng và Trương Phi tấn công Ích Châu. Lúc này Lưu Phong hơn 20 tuổi, bởi vì “có võ nghệ, khí lực hơn người”, đi theo quân sư Trung lang tướng Gia Cát Lượng, Chinh lỗ tướng quân Trương Phi vào Thục, dọc đường đi, đánh đâu thắng đó, sau khi đánh chiếm được Ích Châu, được Lưu Bị phong làm Phó quân trung lang tướng. Về sau lại lập được chiến công nên được phong làm Phó quân tướng quân.

Năm Kiến An thứ 22 (năm 217), Pháp Chính thuyết phục Lưu Bị, dùng đại quân đánh chiếm Hán Trung; nói ra 3 lợi ích của việc lấy được Hán Trung: Thứ nhất là có thể thảo phạt quốc tặc (chỉ Tào Tháo), tôn sùng nhà Hán; thứ hai là có thể chiếm lấy 2 châu Ung – Lương, mở rộng quốc thổ; thứ ba là có thể cố thủ địa điểm quan trọng, giúp tính kế lâu dài. Lưu Bị tán đồng, vì vậy bắt đầu trận chiến chiếm lấy Hán Trung.

Đến tháng 5 năm Kiến An thứ 24 (năm 219), Tào Tháo cuối cùng cũng lui binh trở về Trường An (nay là Thiểm Tây, Tây An), Lưu Bị lấy được Hán Trung. Chiếm được Hán Trung là thành tựu đỉnh cao trong sự nghiệp của Lưu Bị, không chỉ vì Hán Trung là vị trí chiến lược quan trọng, mà còn vì lực lượng quân sự đã trực tiếp đánh bại Tào Tháo, khiến danh tiếng của Lưu Bị tăng cao.

Tháng 7 năm đó, 120 người gồm Mã Siêu, Bàng Hi, Xạ Viên, Gia Cát Lượng, Quan Vũ, Trương Phi, Hoàng Trung, Pháp Chính, Lý Nghiêm… đã cùng nhau dâng biểu để Lưu Bị làm Hán Trung Vương. Lưu Bị sau khi đoạt được Hán Trung thì tự xưng là Hán Trung Vương, phong Quan Vũ làm Tiền tướng quân, ban cho cờ tiết, làm đô đốc Kinh Châu. Cùng năm đó, Quan Vũ dẫn quân từ Giang Lăng ra Bắc, phát động chiến dịch Tương-Phàn.

Quan Vũ dẫn quân tấn công Phàn Thành ở phía bắc Kinh Châu, lúc đó Phàn Thành là do bộ hạ Tào Nhân của Tào Tháo đóng giữ, Tào Tháo phái tả tướng quân Vu Cấm ứng cứu. Kết quả gặp phải mưa to gió lớn, lũ bất ngờ ập tới, nước sông Hán Thủy dâng cao, nước ngập bảy quân, Vu Cấm bó tay chịu trói, bộ hạ dường như đã đầu hàng hết, phó tướng Bàng Đức bị bắt sống không hàng, cuối cùng bị Quan Vũ giết chết. Quan Vũ đã làm rúng động Hoa Hạ (Trung Hoa) một thời.

Sau đó Quan Vũ bao vây Tương-Phàn, xin chi viện từ Mạnh Đạt và Lưu Phong. Nhưng cả Lưu Phong và Mạnh Đạt đều lấy lý do quận Thượng Dung mình trấn giữ trong vùng núi còn nhiều người chưa quy phục nên không ai chịu ra quân. Sau đó Quan Vũ bị Lã Mông đánh úp sau lưng. Quan Vũ thua chạy, lúc đến Mạch Thành, thủ hạ chỉ còn lại mấy trăm người. Quan Vũ đột phá vòng vây, quân đội ở trên đường tán loạn. Trong “Tam quốc chí. Ngô thư. Ngô chủ truyện” ghi lại: “Quân đội đều giải tán, còn hơn mười kỵ binh”. Quan Vũ bị bộ tướng Mã Trung của quân Ngô làm bị thương tại Giáp Thạch, sau đó thì bị bắt tại Chương Hương, cuối cùng bộ hạ của Mã Trung đã hành quyết Quan Vũ.

Năm Kiến An thứ 25 (năm 220), Mạnh Đạt và Lưu Phong bất hòa, Lưu Phong cướp lấy đội nhạc diễn tấu cổ nhạc của Mạnh Đạt, Mạnh Đạt một mặt sợ Lưu Bị trị tội, một mặt lại hết sức căm hận Lưu Phong, vì vậy đã viết một phong thư gửi cho Lưu Bị, sau đó dẫn quân đầu hàng Tào Ngụy. Sau khi Mạnh Đạt đầu hàng nước Ngụy, Ngụy Văn Đế Tào Phi phái Hạ Hầu Thượng, Từ Hoảng, Mạnh Đạt… bất ngờ đánh chiếm phía đông của quận Thượng Dung. Mạnh Đạt viết thư cho Lưu Phong, khuyên ông đầu hàng, nhưng bị Lưu Phong từ chối.

Sau khi Lưu Phong trở về Thành Đô, Lưu Bị trách ông là khi dễ Mạnh Đạt, lại còn không cứu viện Quan Vũ, nhưng cũng không định xử Lưu Phong tội chết. Gia Cát Lượng cân nhắc Lưu Phong kiên cường dũng mãnh, sau khi Lưu Bị chết thì khó mà chế phục điều khiển, khuyên Lưu Bị nhân cơ hội này mà diệt trừ ông đi. Vì vậy Lưu Bị mới ban cho Lưu Phong tội chết, để cho ông ta tự tử. Sau khi Lưu Phong tự sát, Lưu Bị rất đau buồn và khóc thương cho Lưu Phong.

 

Theo: Tịnh Âm – Soundofhope

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ