Tôi cố tìm hiểu vì sao quê tôi gọi là cội. Mà chưa có thỏa đáng cho ý nghĩ này. Những có lẽ cội là một cánh đồng nhô cao và rộng rãi hơn các thửa đồng khác. Cội rộng hơn nhưng không cao không dốc xuôi bằng dộc. Tôi tạm hài lòng như thế để viết về tràn Cội Đồng và những cái tết ấu thơ của mình.
Mang tiếng là quê đồng rừng nhưng cánh đồng chạy qua tràn Cội Đồng xã tôi dài đến 7 cây số. Nó bắt đầu từ xã Hậu Bổng cũ chạy qua xã Đan Hà , qua Đan Thượng , qua Lệnh khanh về tới tận đồng trũng làng Khánh cũ ( mà người xưa đọc trại thành đồng lũng Khánh) Tuy vậy cánh đồng này dài thế nhưng hẹp như một lòng sông, nó chỉ vài trăm mét chiều ngang. Mà có thể đây là lòng con sông Hồng cổ đại cũng nên. Dấu tích chuyển dòng của nó từ đê cầu Lau chảy vòng cong về phía tây đó thôi. Lẽ ra nó vẫn còn chảy thẳng thì con sông Hồng sẽ chảy giữa làng tôi. Tôi cứ nghĩ tràn Cội Đồng là lòng sông cổ và đồng Ngòi quê tôi xuống Đồng Gianh cũng là lòng sông.
Cội Đồng được bồi đắp lên cao bất thường sau cơn hồng Thủy Ất Dậu 1945. Năm ấy đê Cầu Lau trên Hậu Bổng bị vỡ và dòng nước dội thẳng bung qua đường tàu Hà Nội Lào Cai, xói sâu thành cái hồ Hậu Bổng bây giờ. Có chỗ sâu tới 4,5 mét. Những tràn ruộng càng gần nơi vỡ đê càng nhiều cát. Chỉ khi nào cách xa dòng chảy mạnh thì phù sa mới lắng lại. Cội Đồng được bồi lên toàn cát là cát. Vài năm sau cánh đồng này chưa thể cấy lúa được vì bị bồi lên cao thiếu nước. Hơn nữa mất vài vụ dân quê phải cày xới lên nên đất ở đầy là đất cát pha cấy lúa còi cọc chỉ được một vụ. Được cái cánh đồng bây giờ bằng phẳng nhìn từ đường cầu Ván lên Hậu Bổng như một cái sân bay dã chiến. Năm này qua năm khác cứ sau vụ lúa tháng 5 là Cội đồng bỏ hoang. Trên mặt ruộng phẳng lì mọc lên toàn những loại cây rau dại. Tôi đi chăn trâu về vặt cái lá khoai ở ao nhà ông Sửu Bàn lên Cội Đồng hái rau rêu, rau chôn chén, rau cải thông. Kì lạ là ở đây rất nhiều rau cải thông, rất nhiều rau diếp cá. Ngày ấy quê tôi không ai ăn rau diếp cá nên tránh cho xa khỏi tanh. Chiều mùa đông áp tết, cả tràn cội đồng thành sân chơi cho trẻ chăn trâu. Chúng tôi buông trâu cho nó gặm cỏ rồi đào hang hun chuột. Cánh đồng ngả nghiêng khói hun chuột và tiếng reo hò. Chán hun chuột chuyển sang đánh khẳng đánh đáo, đào trộm khoai lang bẻ cọc rào nhà bà Lân Hoạch đốt lửa nướng khoai. Những ngày tết ở quê, ngoài gốc đa đồng điếm chúng tôi chỉ tụ tập ở tràn cội đồng. Tết se se lạnh, trời khô khô chơi trên những ruộng cỏ rẽ thật là tuyệt. Những thửa ruộng rộng như cái sân đá bóng , cỏ cội động hệt như cỏ ở sân Hàng Đẫy vậy. Thích lắm.
Riêng tôi, Cội Đồng có một nỗi tưởng tượng nỗi nhớ sâu sắc. Bố tôi kể , tháng 11/1948 sau khi ông trẻ Nguyễn Văn Soạn của tôi hi sinh vào tháng 8/1948 ở trận đánh quân Nhật ở Châu Quế Yên Bái, đơn vị có hành quân về Khu 10 và nhân thể làm lễ truy điệu cho ông tôi ở tràn Cội Đồng. Đại đội trưởng đại đội 526 Đoàn Khánh Ngọc và Tiểu đoàn trưởng 115 Trần Quân cưỡi ngựa đến nhà tôi mời cụ tôi ra ngồi đài danh dự. Bố tôi bảo, đây là cuộc truy điệu sớm nhất cho Liệt sĩ ở làng và ông tôi là người liệt sĩ sớm nhất của quê hương. Bố tôi có học là người thay mặt gia đình nói lời cám ơn với đơn vị của ông trẻ.
Con đường qua Cội đồng giờ đây toe toét nham nhở chia lô bán thửa. Tràn ruộng Cội Đồng kể từ 1945 còn thêm hậu quả của hai lần vỡ đê nữa. Cuộc vỡ đê năm 1966 ngoài Đan Thượng nước tràn vào khiến phù sa phủ dày đến 15 phân trên mặt ruộng, lúa tốt vù vù. Nhưng chỉ 2 năm sau vào 1968 đê Cầu Lau lại vỡ y hệt năm 1945 và Cội Đồng lại đè lên một lớp cát trắng. Cát trắng nhức mắt suốt 2 ki lô mét. Phải mất vài chục năm dòng dân quê tôi cải tạo Cội Đồng thành đồng lúa tươi tốt. Không còn cảnh cấy một vụ còn một vụ bỏ hoang nữa. Cội Đồng thành đồng 3 vụ. Lúc nào cũng xanh, cũng ngút ngát thoáng đãng và cò trắng lại bay về
Về quê, đi trên đường kênh nước mát nhìn xuôi về Cầu Ván mà lòng những miên man nhớ ngày tết xưa chăn trâu trên tràn Cội Đồng thanh bình êm ấm.
Nguyễn Trọng