Cội đa thiêng ở đền Vạn Lộc

15:44 | 10/12/2023

Trải qua biết bao thăng trầm, biến thiên của thời gian, miền đất biển Cửa Lò – Cửa Hội xưa vẫn còn vẹn nguyên những thế núi, dáng biển và địa danh uy linh một thủa. Trong quần thể di chỉ ngàn năm, đền Vạn Lộc vẫn được nhắc đến như là một chốn thiêng, neo giữ tâm linh của người xứ biển Tân Lộc, Vạn Lộc với ngôi đền và những cội đa đã 500 năm có lẻ dãi dầu tuế nguyệt.

Cội đa thiêng còn lại của đền Vạn Lộc

Huyền sử kể rằng, cách nay hơn 500 năm, Đức Thái uý Phò mã Tổng đô đốc hải binh Nguyễn Sư Hồi (1444 – 1506) con trai trưởng của Thái Sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí – đã về vùng đất Vạn Lộc xưa (Nghi Tân – Thị xã Cửa Lò nay) lập nên trại Cây Bàng, chiêu lính và dân nhiều nơi về khai phá, mở mang ruộng đất, phát triển kinh tế nhiều ngành nghề, mạnh nhất là đánh bắt hải sản.

Trại Cây Bàng được định danh bởi chốn Thái uý Nguyễn Sư Hồi lập đồn tiền tiêu trấn biển vốn dĩ có nhiều cây bàng, loại cây cho bóng mát, chịu được gió mặn từ con sông Cấm thổi vào. Ông được Vua Lê Thánh Tông tin dùng phong làm Nhập nội Thái uý, tham dự triều chính, Phò mã đô uý tước quận công, trấn thủ nhập nhị hải môn (coi giữ 12 củă biển từ Sầm Sơn Thanh Hoá đến Cửa Tùng Quảng Trị).

Ông Phùng Bá Điểm (Trưởng Ban quản lý đền Vạn Lộc) chỉ lối vào “hang” cây bàng của đền

Năm 1506, Nguyễn Sư Hồi mất tại Cửa Xá, nhân dân tiếc thương ông đã xây mộ ở Lùm Cò (sau được cất về xã Nghi Hợp, nơi vùng đất có đền thờ Cương Quốc Công Nguyễn Xí). Đền thờ Sư Hồi được xây năm 1508, qua nhiều lần trùng tu và tôn tạo, nay đền vẫn giữ được nét uy nghi, cổ kính.

Đền hướng mặt về phía Bắc, soi bóng dòng sông Cấm và nằm giữa một quần thể núi non sống động “Nhân Sơn quần tụ”. Núi Bảng Nhãn án ngự trước mặt; bên phải có núi Đầu Rồng; bên trái có núi Voi, sau lưng là núi Lò (Lô Sơn); phía Đông và Nam có đảo Lan Châu và Song Ngư, đảo Mắt; phía Tây có núi Mão, núi Cờ, núi Kiếm. Ông Phùng Bá Điểm, Trưởng ban quản lý đền cho hay rằng, bờ đá xưa của Thái uý lập nên từng cao ngang những ngọn cột buồm của tàu thuyền hôm nay. Nhưng rồi, năm 1976 do hút cát mở lạch làm cảng nên đá xưa cũng bị vùi lấp sâu trong lòng sông.

Uy linh chốn đền thiêng thời có nhiều giai thoại, câu chuyện như trầm tích của cả vùng biển, xứ chài nơi đây. Chứng nhân cho hơn nửa thiên niên kỷ ấy là những cội bàng thiêng. Cụ Phùng Nghĩa Lung, một lão ngư hơn 80 tuổi cho hay rằng, cách nay hơn 10 năm vẫn còn 3 “cụ” bàng. Nhưng rồi mưa bão đã làm gãy đổ hết, nay duy nhất chỉ còn 1 “cụ”, trấn giữ bên hông toà thượng điện, giữa vườn cây trái xanh mướt sạch sẽ.

Từ trong thân bàng cổ thụ nhìn ra, là cặp “cổ mộc nhãn” của cụ bàng

Khuôn viên của đền Vạn Lộc xanh mát quanh năm, có nhiều loài cây lạ, đẹp luôn rì rầm toả sắc khoe hương điệp cùng hàng dừa chạy dăng dăng dọc con đường bê tông trước đền, giáp con sông Cấm xanh trong, khoáng đạt nước trời. Đền còn có cây chộp, cho quả như quả sung, quanh năm ra trái để người dân quanh vùng đến hái về ăn. Nơi đây còn có đền thờ 3 cha con Quận công họ Nguyễn, có bia đá 4 mặt được dựng từ thời Lê Trung hưng; có bia ghi công của danh y Phạm Đức Dụ; có mộ cá Ông và cây bàng cổ thụ hơn 500 tuổi.

Riêng chốn “cụ” bàng còn lại toạ lạc, xung quanh là những ngôi miếu nhỏ, ban thiên thờ thập loại chúng sinh, ông hổ, có cả một gộp đá cổ hàng mấy trăm năm. Những cánh hoa sứ rơi vào hũm nhỏ trong gộp đá, giữa rêu phong ngàn năm như gợi nên thoáng chốc sao dời, vật đổi thời gian.

Giữa không gian trầm mặc ấy, “cụ” bàng thanh thản ẩn mình, làm chứng nhân cho câu chuyện thời gian. Thân bàng nay đã rỗng ruột lên tới tận đỉnh, trở thành một cái hang lộ thiên dựng hướng phía trời xanh. Trong thân bàng, có thể chứa được đến 2- 3 người lớn. Từ trong nhìn lên, thấy trời xanh, lá biếc qua những “cổ mộc nhãn” (Mắt cây cổ thụ). Bên ngoài là u cục sần sùi muôn hình vạn dạng với dáng đầu lân, nét đuôi rồng ẩn hiện giữa bao bọc rêu phong, địa y trùng điệp như là được bàn tay của người thợ tài hoa ngàn năm thời gian chạm khắc. Bà Đinh Thị Oanh, người chuyên lo việc hương khói, nhang đèn chốn đền đã rủ rỉ kể rằng: Ngày nào cũng ra đây để thắp hương cho “cụ” bàng. Nhưng cứ dịp ngày rằm, ngày mùng Một hàng tháng, thoảng tiếng lá rì rào nghe cứ như “cụ” đang trò chuyện. 

Đền Vạn Lộc

Ngước nhìn lên, “cụ” bàng không cao lắm, bởi lẽ trải qua biết bao mưa gió, thân cành, ngọn của “cụ” đã bị gãy đổ không biết bao nhiêu lần. Nhưng dẫu có vậy, thì những thân cành xanh mướt vẫn cứ đâm chồi mọc lên, xoè tán mà đỡ đần, chở che cho cả một vùng cây trái xanh um và một phía mái toà thượng điện.

Diện kiến “cụ” bàng ở đền Vạn Lộc, lại chợt thoảng nghe câu đối cổ còn lưu chốn này “Hoan miếu thiên thu lưu thánh bút; Hải trình nhất mộng hiến thần công”. (Miếu ở Hoan Châu ngàn năm lưu thánh bút; Đường biển một giấc mộng hiến thần công).

TRẦN HẢI

Cùng chuyên mục

Festival Huế 2024: “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển”

Festival Huế 2024: “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển”

Lễ hội “Mục Đồng làng Phong Lệ”

Lễ hội “Mục Đồng làng Phong Lệ”

Gia Lai: Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya đón nhận bằng Di tích Lịch sử quốc gia

Gia Lai: Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya đón nhận bằng Di tích Lịch sử quốc gia

Thành phố Đông Hà chú trọng công tác bảo tồn và tôn tạo di tích

Thành phố Đông Hà chú trọng công tác bảo tồn và tôn tạo di tích

Lễ hội “Thống nhất non sông”

Lễ hội “Thống nhất non sông”

TRỊNH CÔNG SƠN – HÀ THỊ CẦU, HAI KẺ HÁT RONG VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC!

TRỊNH CÔNG SƠN – HÀ THỊ CẦU, HAI KẺ HÁT RONG VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC!

Tượng đài N’Trang Lơng – Niềm tự hào của người dân Đắk Nông

Tượng đài N’Trang Lơng – Niềm tự hào của người dân Đắk Nông

Ngôi làng 600 năm tuổi với 3 di sản Ký ức thế giới

Ngôi làng 600 năm tuổi với 3 di sản Ký ức thế giới

Đặc sắc Lễ hội làng cổ Siêu Quần

Đặc sắc Lễ hội làng cổ Siêu Quần