Cổ nhân dùng cờ vây để dưỡng ‘tĩnh khí’

13:56 | 14/03/2022

Cổ nhân cho rằng thường xuyên chơi cờ vây có thể hun đúc ra khí phách bình tĩnh, không sợ hãi. Điều này là có quan hệ rất mật thiết với bối cảnh ra đời của cờ vây.


Tranh minh họa: Tranh thời Minh, Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan.

Có rất nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của cờ vây, trong đó có một thuyết được ghi chép trong khá nhiều cổ thư, cho rằng cờ vây khởi nguồn từ thời Nghiêu Đế.

Trương Hoa thời nhà Tấn đã chép trong sách “Bác vật chí” rằng: “Vua Nghiêu nghĩ ra cờ vây để dạy dỗ con trai Đan Chu của mình”. Ngoài ra còn chép rằng vua Thuấn cảm thấy con trai mình là Thương Quân không được thông minh lắm, cũng dạy dỗ con bằng cờ vây.

La Bí thời Tống chép trong “Lộ sử hậu ký” rằng phi tần của vua Nghiêu là Phú Nghi Thị sinh được một hoàng tử, đặt tên là Đan Chu. Hành vi của Đan Chu không được tốt, thích tranh giành, nên vua Nghiêu đã đi tìm các vị đạo sĩ để hỏi về cách dạy con.

Một hôm, ở gần bờ sông Phấn, vua Nghiêu nhìn thấy hai vị đạo sĩ đang ngồi đối diện nhau dưới gốc cây tùng. Ông nhìn thấy họ vạch những đường ngang dọc trên cát, rồi đặt những miếng đá đen trắng phía trên như đang bày trận đồ. Nhà vua tiến đến hỏi cách làm thế nào để có thể sửa đổi tính tình của Đan Chu.

Một vị nói: “Đan Chu hay tranh giành mà lại ngu ngốc, hãy dùng những phương diện là sở trường của nó mà uốn nắn tính tình của nó theo con đường tốt”.

Còn vị kia lấy tay chỉ những đường kẻ trên cát và các viên đá đen trắng rồi nói: “Cái này gọi là bàn cờ vây. Bàn cờ này có bố cục hình vuông mà yên tĩnh, trong khi những quân cờ hình tròn mà chuyển động. Nó đi theo cách vận chuyển của Trời và Đất. Từ khi bàn cờ vây được lập đến nay, chưa có ai có thể hoàn toàn phá giải được nó.”

Từ đó vua Nghiêu dạy Đan Chu chơi cờ vây, và quả thật tính nết của Đan Chu cũng thay đổi. Bởi vậy có thể thấy, người xưa sáng tạo ra cờ vây để tu thân dưỡng tính, làm tăng thêm trí tuệ chứ không chỉ để làm trò vui thú, sát phạt thông thường.

Nếu bàn cờ tượng trưng cho vũ trụ, như vậy hai người đánh cờ có thể thông qua quan sát bố cục của bàn cờ, quan sát đường đi của quân đen và trắng mà ngộ ra dịch lý biến hóa của thiên tượng.

Cờ vây nhìn như một bàn cục nho nhỏ nhưng lại có thể dựa vào đó mà toán quái ra hiện tượng thiên văn, âm dương dịch lý, bày trận binh pháp. Cổ nhân thông qua cờ vây có thể câu thông với sự ảo diệu vô cùng của Trời Đất, dựa vào đó để suy ngẫm lại bản thân mình, đạt tới cảnh giới thiên nhân hợp nhất.

Trong trận chiến Phì Thủy, quân Đông Tấn với 10 vạn binh sĩ đã chiến thắng 100 vạn binh sĩ quân Tiền Tần. Đây là kỳ tích “lấy ít thắng nhiều”. Theo ghi chép trong tư liệu lịch sử thì sự huyền diệu đằng sau kỳ tích này là có liên quan đến cờ vây.

Bấy giờ, Tiền Tần vương Phù Kiên dẫn đầu 100 vạn đại quân đánh chiếm Đông Tấn. Vương triều nhà Tấn lâm vào nguy hiểm khiến cả vua và dân đều hoang mang lo lắng. Quân Đông Tấn ít ỏi phải chống cự lại 100 vạn binh sĩ quân Tiền Tần, tình thế không thể nói là không nguy kịch.

Trong tình cảnh này, Tạ An với thân phận là đại đô đốc phụ trách quân sự lại không một chút hoang mang lo sợ. Ông mời người bạn thân nhất của mình đến, lên núi thản nhiên chơi cờ vây.

Hoàn Xung, người được xưng là “Giang Biểu vĩ tài”, nhìn thấy Tạ An hoàn toàn không quan tâm đến quân tình thì lo lắng nói với tướng sĩ: “Tạ An là người hiểu biết rộng nhưng lại không biết đánh giặc. Nhìn thấy đại quân đang ở vào tình thế vô vàn nguy hiểm mà vẫn có thể nhàn rỗi, thản nhiên chơi cờ. Triều đình phái một người không có kinh nghiệm gánh vác trọng trách lớn như thế, quả là dùng người sơ suất.” Hoàn Xung còn quả quyết rằng sự chênh lệch quá xa về binh lực như vậy chắc chắn khiến quân Tấn đại bại trong giây lát.

Nhưng không ai ngờ, khi Tạ An đang du sơn ngoạn thủy, chơi cờ với bạn, ông lại bình tĩnh triệu tập tướng lĩnh, bố trí quân sự cơ mật. Đồng thời, ông còn thông báo cho Hoàn Xung tăng mạnh binh lực, phòng thủ phía Tây.

Quân Đông Tấn và Tiền Tần đại chiến ở Phì Thủy, Tạ An bố trí sách lược đánh địch, khiến Đông Tấn chiến thắng Tiền Tần trong thế “lấy ít thắng nhiều”, thực sự là kỳ tích. Sau khi tin tức quân Đông Tấn chiến thắng truyền về, Tạ An vẫn đang thản nhiên chơi cờ. Ông nhìn lướt qua tin chiến thắng rồi tiện tay đặt tờ cấp báo sang bên cạnh, tiếp tục chơi cờ với vẻ mặt không đổi sắc.

Trái lại, người khách đang chơi cờ với ông lại vội vàng hỏi: “Tình hình chiến sự thế nào rồi?”

Tạ An chậm rãi nói: “Là bọn trẻ đã đánh thắng rồi!”

Người đời sau cho rằng phong thái bình tĩnh, không loạn của Tạ An được tôi luyện ra từ việc ông thường xuyên chơi cờ vây để tĩnh tâm. Thảnh thơi chơi cờ, không biến sắc mà bày trận, khiến 10 vạn binh lực quân Đông Tấn chiến thắng 100 vạn quân Tiền Tần, ẩn sau kỳ tích này chính là một loại công phu, một loại bản lĩnh cao thượng.

 

Theo Trithucvn

Video hay


Cùng chuyên mục

Trường THCS Thân Nhân Trung: Lá cờ đầu trong khối trung học cơ sở của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang

Trường THCS Thân Nhân Trung: Lá cờ đầu trong khối trung học cơ sở của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang

Tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

Tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

TRƯỜNG ĐH LUẬT HÀ NỘI: Ngày hội Hiến máu nhân đạo “Bão Hồng 27”

TRƯỜNG ĐH LUẬT HÀ NỘI: Ngày hội Hiến máu nhân đạo “Bão Hồng 27”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn