Chuyện về Hoàng thái hậu hiền đức bậc nhất được đặt tên cho bệnh viện Từ Dụ

9:13 | 09/03/2019

Bệnh viện phụ sản lớn nhất TP. Hồ Chí Minh hiện nay được đặt tên theo vị Hoàng thái hậu hiền đức bậc nhất triều Nguyễn – Thái hậu Từ Dụ. “Từ” là nhân từ, từ bi; “Dụ” là khoan dung độ lượng (tên bà bị đọc chệch thành Từ Dũ). Cuộc đời của Thái hậu Từ Dụ thật xứng đáng với tôn hiệu ấy.


Người con hiếu thảo

Hoàng thái hậu Từ Dụ (1810 – 1902) có tên húy là Phạm Thị Hằng, xuất thân từ dòng họ Phạm Đăng thị tại giồng Sơn Quy (Gò Rùa), huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định, ngày nay là thị xã Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang. Bà là trưởng nữ của Lễ bộ thượng thư Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng, mẹ là Đức Quốc phu nhân Phạm thị.

Chuyện dân gian ở Gò Công kể: Khi sinh bà thì nước giếng Sơn Quy trong vắt, lúc sử dụng thì ít bệnh tật nên nhiều người tới đây múc nước uống vào để chữa bệnh. Nước Gò Công vốn là nước mặn, nhưng giếng giồng Sơn Quy thì mỗi ngày càng cao lên như hình mai rùa, làm cây trái ở đây đơm hoa kết trái tốt tươi hơn những nơi khác. Vậy nên mới có câu tương truyền: “Lệ thủy trình trường thụy, Quy khâu trúc phúc cơ” (Tạm dịch: Nước đẹp dâng điềm lành, Gò Rùa xây nền phúc).

Lúc nhỏ bà thích đọc sách, thông kinh sử, có đức hiền. Đến năm 12 tuổi, khi mẹ bà là Phạm Phu nhân lâm bệnh nặng, bà ngày đêm hầu hạ cơm thuốc, không rời bên cạnh. Đến khi Phu nhân chết, bà ngày đêm kêu khóc không thôi, giữ tang thương xót chẳng nghĩ gì thêm, như người đã trưởng thành, xa gần nghe biết đều tấm tắc khen là lạ.

Bà Phi hiền đức

Năm bà 14 tuổi, Nhân Tuyên Hoàng thái hậu nghe tiếng hiền, tuyển bà làm Phủ thiếp cho Hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông, cháu đích tôn của Gia Long. Bà là người có đức trang kính, giữ nết thuận tòng, được Nhân Tuyên Hoàng thái hậu và Thánh Tổ Hoàng đế yêu mến.

Năm 1841, Thiệu Trị Hoàng đế lên ngôi, thứ bậc nội cung chưa định, bà và những thị thiếp khác chỉ được gọi chung là Cung tần. Tới năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), nhân có việc bang giao, Hoàng đế ngự giá Bắc tuần, bà được sung theo hầu. Khi ấy Cung tần theo hầu rất ít, bà ngày đêm hầu hạ bên cạnh, phàm những ấn báu, vật làm tin, đều giao cho giữ cả. Bà là người đoan trang, nhàn nhã, nghiêm túc, cử chỉ độ lượng, lại thường khuyên răn các cung nhân chăm công việc nên được sung chức Thượng nghi, đồng thời nhiếp quản coi sóc Lục thượng.

Tháng 4 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), bà được phong làm Thành phi, đứng đầu các tước Phi thuộc hàng nhị giai. Sách văn có đoạn:

“…Cung tần Phạm thị, văn phép vốn nếp nhà dòng dõi, phong tư như chất ngọc trắng trong, kính sửa túi khăn, khi tiềm để đã lâu tin tức tốt, đông nhiều con cháu, chốn khuê phòng đều mát mẻ gió hòa. Đoan trang nối sánh tiếng hay, chăm kính thêm dày nết tốt. Kịp khi trẫm lên ngôi báu, gây khuôn mẫu cho phong hóa buổi đầu tiên, đến nay định lại cung giai, cần nêu khen người đức hiền thêm rạng rỡ…”

Tháng 1 năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), bà được phong làm Quý phi, đứng đầu các tước Phi thuộc hàng nhất giai. Vua sai các đại thần Vũ Xuân Cẩn, Tạ Quang Cự dâng kim sách đến tuyên phong. Sách văn có đoạn:

“…Thành phi Phạm thị, nghi lễ nhà dòng, đoan trang nết tốt, như ngọc trong sáng, nên khuôn hòa kính, cung giai 9 bậc đứng đầu, đông nhiều con cháu, đầm ấm khí hòa, phong hóa nhị nam gây mới. Phụng dưỡng giữ đạo trong khuê khổn, hòa vui hả dạ cung Từ Ninh, tuổi hoa bốn chục xanh tươi, phần hưởng thụ còn nhiều phúc lớn, đức tốt sáu cung tiêu biểu, điển bao phong xứng vẽ áo thêu…”

Bấy giờ, khi có quan lại gì tâu lên vua Thiệu Trị, bà đều ghi nhớ, đến khi ông hỏi đến bà đều y thế mà thuật lại, không sai một chữ. Bà được Thiệu Trị yêu quý lắm, không gọi tên của bà mà chỉ gọi là Phi. Khi Hoàng đế ngự ở điện Khâm Văn nghe chính sự cùng các cơ mật đại thần, Quý phi được lệnh ở sau rèm nghe những lời tâu của các quan. Khi rảnh rỗi, Thiệu Trị cũng thường hay nghe lời bà khuyên giải mà đưa ra quyết định.

Trong Hậu cung, Quý phi chăm nom yêu mến tất thảy các Hoàng tử, Hoàng nữ của bà và các phi tần khác, không phân biệt ai là con ai, tất cả đều xem bà là mẹ đích. Tiếng hiền trong cung đồn xa, ai nấy đều nể phục bà.

Chân dung hoàng thái hậu Từ Dụ. (Ảnh: wikipedia.org)

Dạy bảo hoàng đế

Một đêm kia, Quý phi mộng thấy một thần nhân áo rộng đai to, đầu tóc bạc, lông mày trắng, mang một tờ giấy vàng viết chữ son có đóng dấu và một chuỗi minh châu trao cho, bảo là: “Xem đây để nghiệm về sau”. Bà nhận lấy, rồi có thai.

Ngày 25 tháng 8 năm Kỷ Sửu (tức 22 tháng 9 năm 1829), Phạm Quý phi khai hoa nở nhụy, sinh ra hoàng tử Nguyễn Phúc Thì, sau đổi là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, tức vua Tự Đức sau này. Quả nhiên giống giấc mộng, người ta cho rằng hoàng đế là thần nhân phái xuống làm con bà vậy.

Bà vừa là mẹ, vừa là người nuôi nấng, dạy bảo cho vua Tự Đức trong suốt cuộc đời. Đương thời, ngày lẻ thì vua nghị triều bàn bạc việc nước với quần thần, còn ngày chẵn thì vào chầu thái hậu.

Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép:

“Đức Từ Dụ thuộc sử sách đã nhiều mà biết việc đời cũng rộng. Khi Đức Từ Dụ ban câu chi hay, thì ngài biên ngay vào một quyển giấy gọi là “Từ Huấn Lục”.

Một hôm rảnh việc nước, ngài ngự bắn tại rừng Thuận Trực, gặp phải khi nước lụt. Còn hai ngày nữa thì có kị đức Hiến Tổ, mà ngài chưa ngự về. Đức Từ Dụ nóng ruột, sai quan đại thần là Nguyễn Tri Phương đi rước. Nguyễn Tri Phương đi được nửa đường, vừa gặp thuyền ngự đương chèo lên, mà nước thì chảy mạnh, thuyền không đi mau được. Gần tối thuyền ngự mới tới bến. Khi ấy trời đang mưa, mà ngài vội vàng lên kiệu trần đi thẳng sang cung, lạy xin chịu tội. Đức Từ Dụ ngồi xoay mặt vào màn, chẳng nói chẳng rằng chi cả. Ngài lấy một cây roi mây, dâng lên để trên ghế trát kỷ rồi ngài nằm xuống xin chịu đòn. Cách một hồi lâu, đức Từ Dụ xoay mặt ra lấy tay hất cái roi mà ban rằng: “Thôi, tha cho! Đi chơi để cho quan quân cực khổ thì phải ban thưởng cho người ta, rồi sớm mai đi hầu kị”.

Ngài lạy tạ lui về, nội đêm đó ngài phê thưởng cho các quan quân đi hầu ngự…”

Đối với sở thích săn bắn của vua Tự Đức, bà nhắc nhở rằng:

“Vật cũng như người, bắn chết con trống thời (thì) con mái thương nhớ, bắn con thời con mẹ thảm buồn, rứa thời bắn mà làm chi? Muốn tập bắn thời bắn súng điểu thương cho quen, bắn bia hay hơn. Tự hậu phải bớt bớt đi, chẳng nên sát hại sanh vật”.

Đối với những kẻ dựa vào quyền thế gia tộc của bà để cầu vinh, hoặc che chở kẻ phạm pháp, bà đều phê phán gắt gao. Bà bảo vua Tự Đức rằng:

“Người trong dòng họ chớ lo việc không được làm quan, phải chuyên cần học hỏi, thi đậu vẻ vang gia tộc; chỉ lo là bất tài mà thôi. Ngoài ra, kẻ làm điều trái phép, Hoàng đế nên triệu về kinh, nghiêm trị để làm gương cho người ta biết”.

Sau này, hoàng thái hậu tuổi ngày một cao, nhưng bà vẫn luôn là người mẫn tuệ. Có những việc đã qua rất lâu, những lời ai nói lúc nào, năm nào, sử sách kinh điển thế nào, nói gì bà đều nhớ như in, nên vua Tự Đức có rất nhiều chuyện phải nhờ tới mẹ.

Tượng đài hoàng thái hậu Từ Dụ tại Bệnh viện Từ Dụ, TP.HCM. (Ảnh: Bảo tàng lịch sử TP.HCM)

Thái hậu kiệm ước, thương dân như con

Nhân lễ ngũ tuần, vua Tự Đức cùng đình thần dâng sớ khẩn thỉnh tấn tôn mỹ hiệu, bà dụ rằng:

“Ta đã được thiên hạ phụng sự, thì nên lo những việc thiên hạ đương lo. Năm nay chưa đặng mùa, nhân dân đều chưa được vui sướng, chính lúc Hoàng đế phải chăm lo, lòng ta nào nỡ thản nhiên.

Vả lại tánh ta vốn kiệm ước chẳng chuộng phù hoa, không ngờ ngày nay hưởng được tôn vinh, ta thường e sợ, tu tỉnh chẳng rồi, huống chi còn gia thêm cho hư danh để ta còn nặng cái lỗi thất đức hay sao? Vậy thì sớ thỉnh ấy nên bãi đi, chỉ nguyện chư công và quần thần lo giúp chính trị, giáo dục thế nào cho ta được thấy thạnh trị thái bình, thì không chi vui bằng”.

Trong cuộc sống hằng ngày, bà rất tiết kiệm tiêu dùng và nghiêm khắc đối với sự lãng phí, xa hoa. Bấy giờ có lệ tiến sáp vàng (tức đèn cầy tốt, làm bằng thứ sáp quý) vào cung, nhưng Thái hậu đốt rất hà tiện. Bà nói:

“Ta còn nhớ gia tư ta hồi ta còn nhỏ cũng chẳng dư dả gì, dầu đèn chẳng đủ để thắp thâu đêm. Nay nhờ trời và nhờ phúc ấm của các bậc tiên đế mà có bốn biển, mà trở nên sang giàu đó thôi. Một sợi tơ, một hạt thóc cũng đều là máu mỡ của dân, nếu lãng phí thì trước đã không ích lợi gì, sau lại mang điều xấu rất đáng tiếc, chi bằng cất giữ để nhà nước chi dùng”.

Vua vào trong cung, thấy trong các thứ ngự dụng của Thái hậu, có cái quạt giấy nan tre đã cũ, chén bát ăn cơm thì dùng đã lâu ngày, có cái rạn vỡ, bèn sai người hầu đi đổi cái khác, nhưng Thái hậu không cho. Vua lại thấy cái túi đựng hạt thủy tinh để xoa mắt đã cũ (Thời ấy, người ta quan niệm rằng, nếu lấy hạt thủy tinh, loại như hòn bi trẻ con chơi đem xoa đều vào mắt thì mắt sẽ sáng ra), xin đem đổi cái túi mới, Thái hậu nói rằng:

“Cái hạt thủy tinh để xoa mắt chỉ làm cho mắt hơi mát mà thôi, việc chữa trị không công hiệu lắm. Nếu đem đổi cái mới thì để lâu nó cũng cũ đi, chi bằng cứ để nguyên cái cũ đổi mà làm gì?”

Lo lắng đến cuộc sống nhân dân, bà thường hỏi vua Tự Đức về việc đắc thất và dạy bảo những điều thiết thực về chính trị. Năm 1874, khi hay tin Pháp xâm chiếm toàn cõi Nam Kỳ và buộc triều đình Huế ký hòa ước nhượng địa, bà bỏ cả ăn uống, mặt ủ mày chau theo vận nước khuynh nguy…

Tạm kết

Trong bài “Tượng đài sông Hương: Thái hậu Từ Dũ”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết:

“Bà là người con gái đất Gò Công, lúc ban đầu vào Huế làm cung nữ hầu vua Thiệu Trị. Nhà vua ngự giá Bắc tuần, nàng theo giúp việc hàn mặc, nổi tiếng thông minh và linh hoạt… Nghe nói bà Từ Dũ còn là người đưa giống cá thát lát từ quê nhà ở Nam Bộ ra gây giống ở thành phố Huế; cá sinh sôi đến ngày nay đầy hồ đầy sông. Ở Huế bà nổi tiếng là một bà thái hậu rất thương dân. Hằng năm đến lễ mừng thăng cấp, mừng thọ của bà, bà đều tìm cách thoái thác hoặc trì hoãn, thực chất là sợ khổ dân…

Hồi ấy người Pháp cho bắc lại cây cầu Trường Tiền bằng sắt và bắt dân phải nộp thêm thuế, nói là lấy kinh phí làm cầu. Bà Từ Dũ tự nguyện thay mặt cho dân viết một lá đơn xin quan Tây miễn thuế… Trước đây, dân Huế có lưu hành bài vè “Bà Từ Dũ xin thuế cho dân”. Nhân đức của bà đã đi vào lòng người là vậy…”

Hoàng thái hậu Từ Dụ quả là người phụ nữ Công, Dung, Ngôn, Hạnh vẹn toàn, là tấm gương sáng cho phụ nữ muôn đời noi theo.

 

 

Tổng hợp

 

Video hay

Cùng chuyên mục

TRƯỜNG ĐH LUẬT HÀ NỘI: Ngày hội Hiến máu nhân đạo “Bão Hồng 27”

TRƯỜNG ĐH LUẬT HÀ NỘI: Ngày hội Hiến máu nhân đạo “Bão Hồng 27”

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội