CHUYỆN VẶT VỀ THƠ VÀ ĐỜI VỚI THI SĨ CÙ HUY CẬN

14:25 | 20/02/2024

Mình không nhớ ở lớp mấy phổ thông, khi đọc bài thơ “Anh tài Lạc” của Cù Huy Cận với những câu mở đầu: “Tôi là tài Lạc, tôi đã chết rồi/Tôi chết ngày tháng chạp, chiểu hai mươi…”, mình chán quá và chả muốn đọc tiếp nữa. Nhưng rồi, khi đọc “Lửa thiêng” của ông thì mình như phát hiện ra một Cù Huy Cận khác hẳn. Tác phẩm gồm những bài thơ về tuổi trẻ, tình yêu, vẻ đẹp thiên nhiên và nỗi buồn nhân thế. Vốn mộng mơ, buồn vẩn vơ, mình bị cuốn hút ngay vào “Tràng giang”, “Ngậm ngùi”, “Áo trắng”, “Buồn đêm mưa”… và chỉ ước ao được gặp tác giả của những vần thơ bất hủ ấy.

Hai chục năm sau… Hôm ấy, mình đang trực ở cơ quan thì sếp bảo mang gấp một phong bì lớn đến 24, Điện Biên Phủ giao tận tay nhà thơ Cù Huy Cận. Mình bỗng thấy xốn xang lạ. Cứ như sắp đi gặp người yêu ấy. Không thể tin được ước mơ năm xưa bỗng nhiên lại được thực hiện. Nhà thơ thâm thấp, đậm người, mặc chiếc áo len, đầu đội mũ bê rê, niềm nở tiếp mình. Mình gọi ông là bác, xưng cháu. Nhưng ông bảo cứ anh em cho dễ làm việc. Mình trao phong bì tài liệu cho ông. Ông cảm ơn và hỏi chuyện mình. Mình đánh bạo thổ lộ rất mê thơ ông. Ông mỉm cười, rồi, như để kiểm chứng, bảo mình đọc một bài xem sao. Quá bất ngờ, nhưng mình bình tâm lại rồi đọc “Ngậm ngùi” từ đầu đến cuối: “Nắng chia nửa bãi chiều rồi/ Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu… Tay anh em hãy tựa đầu/ Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi”. Mình đọc xong, mắt ông vẫn còn lim dim, đầu gật gù. Vài phút sau ông mới bảo: “Không sai từ nào và đặc biệt cậu còn phát âm đúng từ “rầu” trong “lá rầu”, mà rất nhiều người đọc thành “dầu”, mà “lá dầu” thì chả có nghĩa gì cả”. Mình đang sướng âm ỉ thì ông có khách nên đành chào ông và ra về. Đấy là lần đầu tiên mình “ra mắt” ông. Sau đó, thỉnh thoảng mình cũng gặp ông, nhưng chỉ trong chốc lát. Mình cảm nhận ông có đôi chút cảm tình với mình vì khi trao cho ông thiếp mời đám cưới ông vui vẻ bảo sẽ đến dự. Và không những ông đến mà còn tặng bọn mình quà cưới đặc biệt là cuốn “Ngôi nhà giữa nắng”. Rồi ông còn nói đôi lời chúc phúc cho cô dâu chú rể. Cả hai họ và khách mời rất vui về sự kiện đặc biệt này. Đó thực sự là kỉ niệm đáng nhớ của bọn mình.

Những năm 1983-86, khi sang công tác tại Phái đoàn thường trực VN tại UNESCO (Paris), mình mới có dịp thường xuyên gặp và trò chuyện với ông, một nhà thơ lớn, một nhà văn hóa và một chính khách nổi tiếng nhưng vô cùng bình dị, rất xuề xòa cả trong ứng xử lẫn ăn mặc. Hồi ấy, là Ủy viên Hội đồng chấp hành UNESCO và Ủy viên Hội đồng cấp cao Pháp ngữ, năm nào cũng vậy, xuân thu nhị kì, ông sang Paris họp và là thượng khách của Phái đoàn. Mình là trợ lí kiêm sốp phơ-tạp vụ cho ông. Bao giờ cũng vậy, ông luôn ngồi ghế bên cạnh cậu sốp phơ và buôn chuyện thoải mái, chứ không quan cách như đa số các vị chức sắc ở xứ ta.

Ông luộm thuộm lắm nên hôm nào cũng vậy, trước khi ra khỏi nhà mình đều “duyệt” xem ông ăn mặc có chỉn chu không. Một lần, mình bảo ông để bàn là nóng quá nên cháy cổ. Ông soi gương rồi tủm tỉm bảo mình: “Cậu bảo mình ở bẩn chứ gì?” Ông liền thay ngay áo sơ mi. Một “đặc sản” nữa của ông là hắt hơi: to, vang, rung chuyển cả mấy tầng. Mình bảo giá có ai phát minh ra một thiết bị tận dụng được năng lượng của những cú hắt hơi thì hay biết mấy! Ông hiểu ngay và lại tủm tỉm cười, không hề tự ái. Mình cũng chưa thấy ông giận dữ, gắt gỏng bao giờ. Giống như các sếp luống tuổi, khi ngồi họp, ông hay gà gật. Thi thoảng mình phải hích hích. Ấy thế mà khi đến lượt, ông tỉnh như sáo, phát biểu đâu ra đấy chả giấy tờ gì cả, mà rất cuốn hút bằng lời lẽ khúc chiết, giàu hình ảnh pha chút dí dỏm. Hỏi ông bí quyết, ông bảo về cơ bản, chủ đề luôn như thế, dự nhiều cuộc nội dung na ná nên mọi thứ cần nói đã nằm sẵn trong đầu chỉ việc lôi ra, gia giảm thêm tí, bớt tí cho hợp ngữ cảnh. Mình ngộ ra, giống như nấu ăn, bí quyết nằm ở nghệ thuật “gia giảm” : mắm, muối, hành, tỏi, tiêu, ớt… Tưởng dễ nhưng không phải ai cũng làm được.

Chủ nhật ấy, ông không hẹn hò với ai, mình rủ ông đi cà phê vỉa hè đại lộ Montparnasse gần Phái đoàn. Ngắm nhìn các cô mũi lõ, mắt xanh qua lại, ông buột miệng khen đàn bà, con gái Paris đẹp quá. Nhưng, ông lại thêm kể từ khi có gia đình thì vợ vẫn là nhất. Mình phản ứng tức thì, bảo chả liên quan, nếu vậy thì thi hứng tiêu luôn, làm sao mà có được những câu thơ tình tuyệt cú mèo như “Tay anh em hãy tựa đầu/Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi” (Ngậm ngùi), rồi “Em lùa gió biếc vào trong tóc/Thổi lại phòng anh cả núi non” (Áo trắng). Mình viện dẫn Trịnh Công Sơn, nhờ có các bóng hồng luôn cặp kè mà để lại cho đời bao ca khúc làm say đắm lòng người. Còn đại văn hào V. Hugo viết nên những tác phẩm bất hủ từng có rất nhiều tình nhân, có thời điểm ông có 9 nàng cùng một lúc cơ mà… Mình nói một thôi một hồi, còn ông ngẫm nghĩ, không nói gì.

Mấy hôm sau ông bảo mình nói cũng phải, nhưng đính chính “Ngậm ngùi” không phải nói về tình yêu nam nữ như người ta tưởng mà về anh em ruột. Ông đi học xa. Cô em út mà ông rất mực thương yêu ốm và mất. Khi về nhà, ông ngồi trước mộ em ở góc vườn có những cây trinh nữ và thế là bao nỗi niềm nhớ thương em được chuyển tải vào “Ngậm ngùi”. Cả hai lặng im vài phút, ngậm ngùi tưởng nhớ em gái vắn số của ông. Rồi, mình dồn ông : “Còn “Áo trắng” chắc chắn là về chàng nàng, phải không ạ? Ông nhắm mắt, nghiêng đầu như thể đang phiêu du về quá khứ.

“Ngày ấy, mình thanh mảnh, cũng đẹp trai phết, chứ không béo như bây giờ, ông chậm rãi kể. Có nhiều người hâm mộ lắm. Đặc biệt, có một cô thường xuyên gửi thư cho mình nhưng lại giấu tên. Thư cô viết thật hay. Mình đọc thích lắm và thấy cô là người rất am hiểu văn chương, thơ phú. Sau đó ít lâu, vào ngày nghỉ, bọn sinh viên cùng trọ đang tụ tập thì có một cô mặc áo trắng tinh đến. Cô chuyện trò rôm rả với mọi người, trừ mình. Linh tính mách bảo đây chính là Nàng. Khi nàng ra về, mình đi theo. Nàng khẽ hỏi : “Anh nhận được thư của em không?”. Mình gật đầu. Rồi nàng chào mình và đi mất. Mấy hôm sau, mình nhận được thư nàng hẹn đi chơi vào Chủ nhật. Thế là Chủ nhật ấy, từ sáng đến tối, đôi trẻ ở bên nhau, kể đủ thứ chuyện, cười vì vui, khóc vì xúc động, rồi còn hát tình ca nữa. Nàng là sinh viên Y khoa, xinh xắn và duyên dáng. Hai chúng mình đúng là có tâm hồn đồng điệu, nhưng rồi hoàn cảnh kháng chiến khiến cho mối tình dang dở. Mãi sau này, mình biết nàng đang ở miền Nam nước Pháp. Mình có số phôn nhưng đắn đo mãi rồi quyết định không liên hệ vì mối tình xưa đẹp thế, trong trắng thế, bây giờ, già cả rồi, gặp nhau sợ…vỡ mộng.”

Ông kể xong, mình ngẫu hứng đọc “Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong/ Hôm xưa em đến, mắt như lòng…” như để phụ họa cho một thiên diễm tình hầu như chỉ có trong mơ. Khuya, ông hỏi mình có cái các nào không. Mình đưa ông cái các chúc Tết của Phái đoàn. Sáng hôm sau, ông xuống phòng mình sớm, đưa mình cái các hôm qua và bảo : “Mình chép lại bài “Áo trắng” tặng cậu làm kỉ niệm.”

Một hôm, nhân nói về ảnh hưởng văn hóa Pháp đến văn thơ Việt, mình mạo muội bảo khi đọc “Lệ lòng” của Paul Verlaine : “Il pleure dans mon coeur/ Comme il pleut sur la ville/ Quelle est cette langueur/ Qui pénètre mon cœur ?…” (VĐT dịch: Trái tim tôi nhỏ lệ/Như mưa rơi phố buồn/Nỗi sầu nào đây nhỉ/Thấm tận đáy lòng tôi?), mình liên tưởng tới “Buồn đêm mưa” của ông (và ngược lại) : “Đêm mưa làm nhớ không gian/Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la/Tai nương nước giọt mái nhà/Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn…” Ông nói ngay ảnh hưởng qua lại giữa các nền văn hóa mà bây giờ người ta gọi là giao lưu hoặc tiếp biến văn hóa (acculturation) là một qui luật trong sự vận động và phát triển văn hóa. Ngoài ra, nhà thơ, nhà văn không phân biệt màu da, đều được Trời phú cho tính đa sầu đa cảm hơn người nên họ yêu đời, đồng thời cũng đau đời da diết và mãnh liệt hơn. Cùng dưới một bầu trời, vạn vật vần xoay, họ có cùng cảm xúc cũng là lẽ thường, giống như “tư tưởng lớn gặp nhau” ấy mà. Lí lẽ của ông quả là hay “hết nước chấm”, phải không bạn?

Năm 1981-82 rầm rộ cuộc vận động sáng tác quốc ca mới. Trưởng ban là ông Xuân Thủy, còn ông là Phó trưởng ban. Rất nhiều nhạc sĩ tham gia trong đó có cả những “cây đa, cây đề” như Huy Du, Đỗ Nhuận, Hồ Bắc, Hoàng Vân… Có vị còn phổ thơ Xuân Thủy mới “khôn” chứ! Hồi ấy, mỗi lần gặp, mình đều hỏi ông về quốc ca mới. Lần nào ông cũng bảo nhiều bài hay lắm nên khó chọn quá. Tuy nhiên, mặc dù có sự ủng hộ mạnh mẽ của ông Trường Chinh và nhiều vị khác, sau nhiều cuộc tranh luận, có lúc rất căng, Quốc hội đã quyết định không thay đổi quốc ca. (Hoan hô Quốc hội thời ấy!) Chắc có nhiều vị mừng hụt và tẽn tò. Biết rất tế nhị, nhưng vì tò mò mình đánh bạo hỏi ông lí do. Ông ngẫm nghĩ giây lát rồi chỉ nói ngắn gọn : “Không ai vượt được Văn Cao”. Thế thôi cũng đủ để chứng tỏ Văn Cao thực sự là ông Hoàng âm nhạc (T.C.S.), là cây đại thụ không dễ gì đốn hạ được. Ấy thế mà phải gần 20 năm sau, năm 2000, 5 năm sau khi Văn Cao qua đời, “Mùa xuân đầu tiên” mới được phổ biến rộng khắp. Năm ngoái, nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông, một đêm nhạc rất hoành tráng đã được tổ chức tại Nhà hát lớn. Thế nhưng, không hiểu tại sao ở hàng ghế đầu, bên cạnh ông Võ Văn Thưởng lại là vợ chồng ông nguyên Chủ tịch nước và tại sao lại để cho ca sĩ Thanh Lam hát “Thiên thai” cơ chứ???

Một lần khác, nhân lúc trà dư tửu hậu, mình thổ lộ chỉ yêu “Lửa thiêng” thôi, chứ những tập thơ của ông từ khi “mặt trời chân lí chói qua tim” (T.H.) thấy khiên cưỡng và hình như vận với hai câu thơ vui của ông : “Thơ này là của Cù Huy/Cận ta sáng tác phòng khi túng tiền.” Rồi mình táo bạo nhận xét có lẽ tạng ông không hợp với thể loại ca ngợi. Thay vì “sửa gáy” mình, ông tâm tình, cuộc sống luôn thay đổi, con người không thể ì ra mà phải thích nghi để tồn tại và vì vậy, thơ ca cũng phải “vị nhân sinh” nữa chứ. Hơn nữa, ông nhấn mạnh, cuộc sống đang ngày một tốt đẹp lên, đáng sống lắm chứ. Rồi ông bảo chủ trương xây dựng CNXH bỏ qua giai đoạn TBCN là vận dụng rất sáng tạo, tài tình của ta và sẽ viết một chuyên luận về đề tài này. Mình không dám “cãi” mà bảo sẽ đón đọc. Nhưng rồi, mãi chả được đọc…

Hai chục năm nữa trôi qua…Năm 2005, đang ở Paris thì mình nhận được tin ông đã cưỡi hạc về chốn bồng lai. Hội người VN tại Pháp tổ chức tưởng niệm ông. Mình đến dự, nói đôi điều về cuộc đời và thơ của ông rồi bồi hồi đọc bài thơ “Ngậm ngùi”, mà mình đã đọc cho ông nghe trong lần đầu gặp mặt. Ám ảnh về cái chết khiến mình nhớ đến bài “Bãi biển cuối hè” của ông mô tả sự nuối tiếc của đời người hữu hạn trước thiên nhiên vô hạn:

Bãi biển cuối hè dần vắng lặng

Vô tâm biển vẫn đẹp tưng bừng

Mai đây ta vắng, đời không vắng

Vũ trụ điềm nhiên đẹp dửng dưng.

Anh Cận ơi, hôm nay, 19/02/24, đúng 19 năm anh rời cõi tạm. Nhưng, chỉ với “Lửa thiêng”, thậm chí vài viên ngọc trong đó thôi, cũng đủ để anh không hề “vắng” mà bất tử trong lòng vô vàn độc giả, trong đó có “cậu trợ lí kiêm sốp phơ – tạp vụ” năm xưa của anh đấy!


Hà Nội, 19/02/24 – Vũ Đức Tâm

Cùng chuyên mục

Lễ hội “Mục Đồng làng Phong Lệ”

Lễ hội “Mục Đồng làng Phong Lệ”

Gia Lai: Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya đón nhận bằng Di tích Lịch sử quốc gia

Gia Lai: Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya đón nhận bằng Di tích Lịch sử quốc gia

Thành phố Đông Hà chú trọng công tác bảo tồn và tôn tạo di tích

Thành phố Đông Hà chú trọng công tác bảo tồn và tôn tạo di tích

Lễ hội “Thống nhất non sông”

Lễ hội “Thống nhất non sông”

TRỊNH CÔNG SƠN – HÀ THỊ CẦU, HAI KẺ HÁT RONG VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC!

TRỊNH CÔNG SƠN – HÀ THỊ CẦU, HAI KẺ HÁT RONG VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC!

Tượng đài N’Trang Lơng – Niềm tự hào của người dân Đắk Nông

Tượng đài N’Trang Lơng – Niềm tự hào của người dân Đắk Nông

Ngôi làng 600 năm tuổi với 3 di sản Ký ức thế giới

Ngôi làng 600 năm tuổi với 3 di sản Ký ức thế giới

Đặc sắc Lễ hội làng cổ Siêu Quần

Đặc sắc Lễ hội làng cổ Siêu Quần

NGHỆ AN: Du khách nô nức tham dự Khai hội Đền Cuông 2024

NGHỆ AN: Du khách nô nức tham dự Khai hội Đền Cuông 2024