Chuyện ông Khả

18:08 | 26/01/2022

Ông Khả là lính thông tin tiểu đoàn 9, trung đoàn 3, sư đoàn 341, hay còn được gọi là sư Quả Đấm Thép.

Ông nhập ngũ tháng 7 năm 1977. Tháng 2 năm 1981, ông xuất ngũ, là thương binh hạng 2/4, phục viên với 3 tờ giấy: Chiến sỹ vẻ vang, Huân chương chiến công hạng 3 và Chứng nhận thương binh. Tiền nhận được thời ấy mua được tấm vải 2 mét và mấy gói kẹo.

CHUYỆN 1. TÒNG QUÂN

Như bao thanh niên khác, theo tiếng gọi thời chiến, chàng trai Khả gia nhập đoàn quân tình nguyện Việt Nam – chiến trường K lúc tròn 20 tuổi. Chiến trường với chàng lúc bấy giờ chỉ biết là nơi xa xăm lắm. Từ mạn ngược xuống miền xuôi cơ mà.

6 tháng đầu, ông Khả tham gia huấn luyện tân binh tại tỉnh đội Tuyên Quang, tập điều lệnh đội ngũ, bắn các loại súng cả to cả bé với đủ tư thế nằm, ngồi, đứng bắn, vừa chạy vừa bắn. Làm thế nào để khi thấy địch, đếm 1 2 3 là bắn. Không thì một là địch chạy, hai là mình xơi đạn.

6 tháng tươi đẹp qua nhanh, đám tân binh dồn lên tầu hoả thẳng tiến chiến trường K. Tới Sài Gòn, tăng bo bằng xe tải tới Tây Ninh, xe có thùng sau rào như chuồng cọp, ông Khả biết đó là để đề phòng lính trốn, mà trốn cũng nhiều!

 

CHUYỆN 2. TRẬN ĐÁNH ĐẦU TIÊN

Kí ức trận đầu, ông Khả đánh thua, mà cũng không biết thua thế nào. Chỉ biết đại đội trưởng hô rút, cả cánh quân chỉ biết quay đầu, chạy ngược. Đội hình lùi chạy tản mác, người cách người 20m (đứng xa nhau để lỡ địch nã cối thì không chết hết).

Ông Khả mất phương hướng, đến hôm sau mới mò được về đội hình tiểu đoàn. Cả đại đội kiểm quân số, đầu trận có 65 lính, kiểm lại còn 24 người.

Những ngày sau đó, kí ức chỉ toàn chạy… Chạy thục mạng, cắm cổ chạy, vừa chạy vừa nấp, cõng bạn bị thương để chạy.

Nguyên lý đánh trận rất đơn giản: thắng thì chạy lên, thua thì chạy về, ban ngày chạy ngược xuôi, tối đào hố. Mỗi người 1 hố…. thay phiên nhau gác, ngủ, ngồi. Và liên miên là cái đói, đói đến vàng mắt. Buổi tối, anh nuôi gánh cơm lên chia. Mỗi người được nắm cơm, trong có tí muối, hôm thì túi gạo sấy, cứ đổ nước vào, đợi trương lên rồi ăn.

Đói nhưng chạy rất khoẻ. Đầu tháng 1 năm 1979, tiểu đoàn họp, ông Khả được nghe thông báo: lệnh đúng ngày 7/1 phải kéo được vào Phnompenh. Cả đội hình chạy 6 ngày 6 đêm. Quân chủ lực và khí tài chạy đường nhựa, còn lại bằng mọi giá chạy ruộng, lội mương, chạy dầm dưới sình lầy… Cả đoàn quân dàn hàng ngang tổng lực tiến về thủ đô Phnom Pênh.

CHUYỆN 3. CÁI CHẾT VÀ NỖI SỢ HÃI

Trong thâm tâm, ông Khả hồi đó không biết sợ, vì ông chưa có gia đình. Những người có gia đình mới biết sợ. Như đại đội trưởng của ông, tên Thuận, đến bữa nhưng hắn cứ ngồi thẫn thờ, không ăn uống gì. Ông Khả mang nắm cơm đặt tận tay: “Đại trưởng ăn đi”. Nắm cơm dằn vào tay lại rơi xuống đất 3, 4 lần. Đại trưởng không nói không rằng, ánh mắt vô hồn ném vào hư ảo, tay buông thõng. Ba ngày liên tiếp, đại trưởng không ăn gì, nắm cơm lên tay lại rơi xuống, trong một trận đánh sau đó, đại trưởng hy sinh.

Có rủi nhưng có may, đại trưởng lấy được xác về. Ông Khả tính cứ 10 tử sỹ, thu lượm được về hậu cứ tập kết giỏi lắm được một nửa. Còn lại phải đào hố chôn tại chỗ hoặc cứ để vậy, phơi xương trắng.

Đại trưởng được đội tử thương tập kết, cho vào ni lông chuyên dụng. Xe tải cấp nilon đựng xác tới mặt trận hàng ngày. Nhiều nilon lắm, cứ hàng thếp dày. Nilon dày và dai, cứ nhét xác vào, túm chặt một đầu, không thể thối được. Cứ 3 xác 1 lượt, xếp cạnh nhau, tập kết lên thùng xe. Nilon rỗng được hạ xuống, bao khác trương phồng được chở đi.

Những chuyến xe của tử thần, lầm lũi và nặng ọc ạch, oằn mình trên đường đất.

 

CHUYỆN 4. BẮT SỐNG 1 MẠNG BẰNG 6 NGÀY PHÉP

Cấp trên phổ biến chính sách ai bắt sống được 1 tù binh thì cho nghỉ phép 6 ngày. Trong một trận giáp lá cà, đồng đội của ông Khả rút lựu đạn ném địch. Lựu đạn trúng ngay người tên địch nhưng khoảng cách gần quá, bật ngược lại đúng chỗ người đồng đội vừa ném, nổ tại chỗ.

Ông Khả ở đằng sau, quét một lượt AK. Mấy tên địch nhảy xuống hố. Cả tiểu đội lại gần vây quanh hố, chiêu đầu tiên là dụ hàng: “Các bạn Campuchia, chúng tôi là quân bộ đội tình nguyện Việt Nam, sang đây tình nguyện, giúp các bạn thoát khỏi Khơ Me Đỏ. Những người khỏe mạnh đều bị bắt đi lính, ở nhà bố mẹ các bạn không còn khoẻ nữa, đều bị đưa vào trại tập trung, đi lao động tập thể, ai yếu đều bị giết hại. Vậy hãy nghe chúng tôi, ra hàng, chúng tôi đảm bảo đối xử tốt đẹp với các bạn, cho các bạn ăn, uống, huấn luyện lại cho các bạn. Chúng tôi chỉ có một nhiệm vụ, giải phóng Campuchia, giải thoát cho người dân Campuchia, và cho chính chúng tôi. Khi các bạn hoà bình, chúng tôi rút về lập tức…”

Chiêu hàng bằng tiếng Khơ Me khản cổ, nhưng mấy tên địch vẫn im re. Đội lính quyết định ra tay, màn quạt khói bắt đầu. Lính đốt lửa tống thẳng xuống hố, lấy lá cây ra sức quạt. Thấy đằng xa có khói lên, cử người chốt chặn, lại quạt tiếp. Mãi thấy không ăn thua, lính Việt lại tiếp tục dụ hàng, từ sáng tới tận chiều, nhưng vẫn không ai lên.

Cò cưa tới 3 giờ chiều. Quân ta quyết định thả lựu đạn, 3 quả thả đồng thời một lúc.

Uỳnh uỳnh uỳnh.

Ông Khả vì phần thưởng 6 ngày phép, thò một chân xuống hố nghe ngóng động tĩnh, nghĩ thầm nếu nó bắn cùng lắm bị thương chân. Êm, không thấy gì. Thò 2 chân. Vẫn êm..

….Thò hẳn mặt xuống, vẫn không tên nào bắn.

Ông phi cả người xuống hố, hoá ra hố là một cái hang đất, đào rộng. Ba xác người nằm vật cạnh nhau. Họ đã tự vẫn trước khi lựu đạn được quăng xuống. Một cái xác tóc bạc trắng, ngón tay vuông như khúc gỗ, súng lục trong tay, trong cốt sắc có bản đồ. Phát súng tự tử làm cả mảng trán của lão bay mất, vạt nửa đầu. Hai xác còn lại bắn xuyên thái dương theo lối thông thường.

Ông Khả lột quần đùi hai tên trẻ nhất, ồ một tiếng: chim hau tên này không có lông. Ông mới biết lính Khơ Me rất nhiều trẻ con. Hai cái quần đùi lúc đó cũng là chiến lợi phẩm quý giá. Lúc ông Khả lấy đi, quần còn nguyên mùi hồ vải. Lính Khơ Me Đỏ hồi đó sướng lắm, quân trang nhu yếu phẩm được Trung Quốc viện trợ không thiếu cái gì. Quân mình thì đói kém.

Nhưng Khơ Me đỏ rất ác, bắn chết đối phương rồi còn lấy báng súng dậm cho nát mặt. Vì vậy, ông Khả được cấp trên phổ biến tự khâu vào quần đùi chữ SL. Nếu bị nát mặt, đồng đội nhặt xác còn nhận dạng được đơn vị. Còn sống thì chúng hành hạ quá bằng chết. Chết sướng hơn nhiều.

Mà cũng đừng tưởng đạn bắn vào người là đau. Thực ra mát lắm, không có cảm giác, lúc sau thấy người xỉu dần, máu chảy loang mới biết là mình trúng đạn…

Ông Khả đến giờ vẫn còn cái lỗ đạn bên sườn, bắn xuyên từ sườn phải sang trái, trúng cánh tay, chia rời nó ra và lúc đó còn níu được vào nhau vì một mảnh da lòng thòng níu lại.

#########

Một vụ khác, đánh quét trúng ổ, địch chạy loạn đội hình. Có ba nữ địch chậm nhất, lính mình soi ống nhòm thấy bên hông có đeo túi hình chữ Thập, biết là dân quân y. Cả đội xung phong rượt bắt sống bằng được. Ngờ đâu, ngoài đeo túi quân y, bên hông ba cô còn đeo thêm quả lựu đạn to bằng ngón tay cái.

Biết chạy không nổi, mỗi cô nắm lựu đạn dí sát bụng, giật mỏ vịt. Lại uỳnh uỳnh. Bụng nát cả.

CHUYỆN 5. VỀ MIỀN HẬU CỨ

Năm 1980, lúc này quân ta đi bình định và quét Khơ Me Đỏ lên tận sát biên giới Thái Lan. Hoá ra, khi vào thủ đô mới là lúc thương vong nhiều. Truy kích rồi lại bị phục kích, rồi lại truy kích… thương vong nặng nề không kể xiết.

Một lần hành quân quét địch, tiểu đoàn của ông Khả bị phục kích. Ông Khả chạy cạnh ông Tùng – tiểu đoàn phó. Ông Tùng chạy dấp xuống bờ ruộng, gọi lính mang khẩu DKZ 72, tự tay ông nắm hoả lực. Vừa nhô người ngắm bắn, một viên đạn dính ngay giữa trán, đổ vật người vào ông Khả. Chờ thêm một lúc, thấy tiếng đại liên của mình bắn quét và có tiếng xung phong, ông Khả bật dậy cơ động theo hướng địch chạy.

Và bỗng rồi, ông Khả thấy mát mát. Người lịm dần và tự dưng đổ gục, mặt cắm xuống, đất vào đầy mồm. Ông Khả chỉ biết tự ý thức nghiêng mặt sang một bên để thở, rồi sau bất tỉnh hẳn.

Ông được đồng đội cứu, nhưng cũng chẳng tìm đâu ra quân y. Lúc đó, ông Khả được băng tạm và gánh đi theo đội hình. Đi đến đêm, lại đào hố, cho thương binh xuống hố tránh đạn, sáng sờ mũi còn thấy thở thì lại gánh đi, rồi đêm lại đào hố. Sau ba ngày như thế, xe mới xuất hiện để chở ông về trạm phẫu trung đoàn.

Ông Khả được cho nằm trên võng, treo trên thùng xe tải tử thương, xác chết nằm đầy dưới sàn. Đường xóc, võng vật bên này qua bên nọ, cái tay bị gãy đập bộp bộp vào thành xe, lúc này ông mới biết đau.

Ông Khả về bãi tập kết của trạm phẫu, nhưng chưa có thuốc nên cứ mê man nằm đó. Chỗ vết thương thịt thối, thối như cóc chết, đến bản thân ông còn không ngửi được. Một tuần sau mới có thuốc. Tay y sỹ tiêm cho ông Khả liều thuốc tê, xong lão ra ngoài hút thuốc, quay vào hỏi:

– Nhà cậu ở đâu?

– Giáp biên giới trung quốc. – Ông Khả trả lời

– Có mấy anh chị em?

– Nhà 8 đứa: 4 trai 4 gái.

Tay bác sĩ lại tiêm cho ông Khả thêm liều nữa, đợi một lúc lại vào hỏi:

– Nhà cậu ở đâu?

– Giáp trung quốc….

Bác sĩ hỏi câu nào, ông Khả trả lời câu ấy. Ông thấy mình tỉnh quá, không hiểu dây thần kinh có vấn đề hay thuốc không có tác dụng.

Thế là y sỹ quyết định mổ sống ông Khả….Đến giờ ông vẫn không quên được cái cảm giác đấy, thất kinh, đau đến ị đùn ra quần. Cắt thịt thì đã đành, xương ông bị gãy, mà gãy không ngọt nên phải tỉa những chỗ xương nham nhở đi.

– Chịu khó cắt thế này , sau về ông còn đi xe đạp được. – Tay y sỹ vừa nói vừa cắt tách tách như cắt xương gà.

– Mà giờ phẫu xong chưa nối xương được vào ngay đâu, để 8 tháng nữa xương nó dài ra, mới bó được vào. Thế có chịu không? Nếu không thì giờ cắt gọn tới sát nách, băng được luôn?

Ông Khả chọn 8 tháng, đâu ngu gì. Đến giờ ông vẫn còn hể hả vui với quyết định của mình.

Sau vụ phẫu đó, ông được chuyển xuống quân y sư đoàn, nằm 4 tháng. Đối với ông, đây là tiên cảnh, có lẽ là giai đoạn yên bình nhất. Người ở đó ân cần, không biết cáu là gì. Ông về đấy ốm vật vã, ba tháng trời không ăn gì được, cái gì vào đến miệng là nôn. Người ta cứ truyền nước thay cơm. Ven nát bét. Hết ven hai tay thì lại lấy ven háng, ven đùi. Ba tháng chỉ có sống bằng thứ nước đó.

Và rồi ông khoẻ lại, mà triệu chứng của khoẻ là ăn được mỳ tôm.

###

Xơi vài bữa mỳ tôm, ông Khả được chuyển về Biên Hoà, nằm ở đấy thêm 6 tháng và được nhận giấy xuất ngũ về quê. Nhà nước lo tầu xe, được một khoản tiền nhỏ đi đường, đại khái mua được tấm vải 2 mét với mấy gói kẹo.

CHUYỆN 6. LÀM KINH TẾ CŨ KIỂU MỚI

Xuất ngũ đầu năm 82, cuối năm ông Khả lấy vợ. Năm 83 ông sinh thằng cu Khoa là đứa đầu tiên. Ông bà thân sinh và toàn thể chị em trong nhà góp lại cho 2 vợ chồng mới cưới 2 cái nồi (một cái không có vung), 1 con gà mái cùng 3 gà con mới nở, 1 con dao.

Nồi không vung nấu canh, cái còn vung nấu cơm.

Cái đói là chung, sổ gạo tiêu chuẩn thương binh như ông Khả được 11kg/ tháng. May mắn là cái tay của ông bị khèo nhưng vẫn lao động được. Ông Khả quyết tâm thoát đói. Ông bắt đầu làm cối xay.

Cối xay gạo hồi đó làm bằng khung rào đan bằng tre, trong lót đất, mặt cối đan những miếng gỗ so le nhau để xát thóc ra gạo. Làng ông Khả có lão Đằng phó cối, nhưng cối lão ấy nặng, khó bán.

Ông Khả mượn lão Đằng một cái về để nghiên cứu, bỗng phát hiện ra: cối nặng vì hai mặt trên dưới tiếp xúc không đều nhau. Lão phó cối cứ lật lên lật xuống, thấy dày chỗ này lão ấy lại lấy vồ đập đất cho bằng. Ông Khả nhận định lão đó dốt, vì lão không hiểu đập chỗ này nó lồi chỗ kia.

Nghĩ vậy, ông lấy dầu luyn xát vào mặt dưới, úp mặt xoay lên trên, rồi xoay đều, nhấc r , chỗ nào dính dầu luyn ở mặt trên tức là chỗ đấy lồi, mà đích thị chỗ lồi này làm cối nặng. Bí kíp của ông Khả là đập những chỗ lồi như lão phó cối, mà ông bào đất, chỗ nào dày là bào.

Cối xay thương hiệu ông Khả với đặc điểm nhận diện “xay ngủ tít”. Bà con thích lắm nên chuyển sang mua cối thương hiệu mới. Ông Đằng mất nghiệp nhưng đành chịu, không làm gì được.

Vụ cối ông Khả kiếm được khá thóc. Ông không đổi lấy tiền, vì tiền vô dụng lúc đó. Ông cần thóc, thóc được nhiều việc nên cái gì cũng quy ra thóc. Cứ một cối xay ông lấy 15 cân thóc.

Thóc nhiều lên từng ngày nên cần chỗ chứa. Ông Khả lên rừng kiếm gỗ, đóng một cái nhà kho. Nhà kho cao gần như nhà 2 tầng bây giờ, xếp lớp lớp những bao thóc đầy.

Nhưng giống cối xay mỗi nhà cũng chỉ cần có một cái, mà cối ông Khả tốt, biết bao giờ mới hỏng để thay. Ông Khả phải xoay ra làm cái khác. Hồi năm 88, nhà nước chưa cấm súng kíp. Súng kíp của bà con dân tộc rườm rà, để bắn được phải mất thời gian nén thuốc, nhồi đạn rồi mới nhả đạn được. Lúc đó con nai chắc chạy từ đời nào. Mấy năm ông Khả cầm súng bảo vệ tổ quốc, nay sống trở về, giờ đã phát huy tác dụng. Ông lên rừng, kiếm những cây tre nhỏ nhưng chắc, chặt và tiện thành nhưng đoản khúc, nhồi sẵn đạn và thuốc nổ vào ống tre ấy.

Có đạn rồi thì phải chế súng. Ông Khả hì hụi cải tiến súng kíp, gập nòng xuống cũng là lên đạn cho kim hoả, nhét viên đạn ca tút bằng tre vào đít nòng. Súng ông Khả ngắm bắn ngon như súng trận, thiếu mỗi liên thanh. Cứ hết đạn lại bẻ nòng nhét ca tút đạn tre vào, bắn con nai con hoẵng không trượt một phát.

Súng làm tốt, ông bán một khẩu lấy 30kg thóc, khuyến mãi thêm 5 viên đạn cho bà con trong xóm. Ai ở xa, ông bớt cho người ta 2 cân thóc nhưng ông ko cho đạn, vì đạn của ông mới là quý. Đạn khô thuốc, bắn phát nào giòn giã phát đó.

Tiếng dữ đồn xa. Vụ này ông không chỉ đủ ăn, ông bắt đầu có của để dành. Ông mở rộng thị trường, không chỉ giới hạn trong bản làng, có những người từ Chiêm Hoá, Na Hang cũng xuống đặt súng của ông, đỉnh điểm ông còn xuất hàng lên tận Đồng Văn, Mèo Vạc.

Súng bán chạy, đồng nghĩa với chim muông thú dữ ít đi. Sau đó, luật nhà nước siết chặt súng ống vũ khí. Súng không bán được nữa. Nhưng không sao, ông Khả thấm nhuần một điều: Tích lũy mới là điều quan trọng. Sau khi bán cối với súng , ông tích được hàng chục tấn thóc. Nhiều quá, ông tính phải xây nhà.

Công cuộc đổi thóc lấy vật liệu, gạch, xi măng, sắt thép tiến hành rất nhanh chóng. Kho thóc vơi đi nhưng nhà ông cao lên. Trời cho ông sống trở về và trời cho ông cái sự thông minh hiếm có. Ông hay tự nhận mình như con khỉ, có biệt tài là bắt chước và làm tốt hơn người khác.

Ông lên Việt Trì nhìn người ta xây nhà. Nhìn 3 ngày, ông thấy thấy đủ vốn liếng thì về.

Ông tự vẽ, tự xây, vợ phụ hồ, mấy đứa con còn lít nhít, chưa giúp được gì, cứ lẽo đẽo thế một năm sau thì thành cái nhà đang ở bây giờ. Ngôi nhà đầy đủ ngang dọc, vườn cây, chuồng trại, ao cá, đủ các loại. Thế mới thấy sức lao động của con người có thể làm nên được tất cả.

 

CHUYỆN 7. ĐÚC RÚT BÀI HỌC KINH DOANH

Chiến tranh đã lùi dần, cuộc sống khá hơn từng ngày. Sự thông minh của ông Khả không chỉ nằm ở cái cối xay, khẩu súng, ngôi nhà tự xây… Ông vẫn miệt mài lao động và tâm niệm: Dùng cơ bắp mà sống, không lo chết đói. Nhưng nhiều người cũng nhìn ra, ông Khả không chỉ sống bằng cơ bắp, với cái dáng người cao chưa tới 1m6, nặng tầm 45 Kg. Ông còn sống bằng cả trí óc.

Trung Quốc có máy tuốt lúa, nhưng bàn đạp nặng, đạp oằn lưng. Ông mua về cải tiến cái bánh đà, đạp rất nhẹ. Máy tuốt của ông kèm theo một cái quạt, lúa tuốt xong có thêm cái quạt, loại thẳng cổ những tên thóc lép. Máy ông làm lại bán chạy. Thương hiệu make in ông Khả bấy giờ nổi tiếng khắp vùng.

Thóc lúa ông không thiếu, nên đổi máy lấy tiền, lấy vàng. Năm 9 , ông đeo lọc xọc túi vàng bên hông xuống Việt Trì mua hẳn chiếc Giấc Mơ – Honda Dream. Hồi đó đừng nói ở quê ông, mà ngay tại Thủ Đô, đó vẫn là một món hàng xa xỉ.

Song ông mua, vì thấy cứ đạp xe lẽo kẽo thì “không ra người”. Ông có xe “giấc mơ”, đi về một ngày bán kính hơn 100 cây số, mở mang thị trường. Người ta thấy ông giàu có, tin tưởng hẳn, làm ăn thuận lợi dần lên.

Ông chuyển sang làm tài chính, vì dân vay ngân hàng rất lâu la, bà con cần vốn lưu động làm ăn. Họ nếu đợi ngân hàng và các quỹ giải ngân thì “tới Tết Congo”. Ông cho vay, lấy lãi hơn ngân hàng một chút, vay đầu vụ, cuối vụ họ trả ông cả vốn lẫn lời. Ông rút ra kinh nghiệm làm ăn thế này:

  1. Buôn bán dứt khoát phải có lời, song nhất định không được gian lận, tốt thì bảo là tốt, không tốt thì bảo là không tốt.
  2. Bên cạnh tích của cải, phải tích đức, mà đức tức là không làm việc gì có hại cho người khác.
  3. Sòng phẳng là quan trọng nhất. Mình nhận 1 thì trả họ 1,5. Sòng phẳng với ông là không nợ ai và không để ai nợ mình mà không trả không có lí do.

Có những kiểu khách hàng “lộ cộ” mà ông Khả không bao giờ ông làm ăn cùng:

  1. Khách hàng không biết nguồn gốc: chẳng biết đất đai, nhà cửa, ruộng vườn ở đâu, bố mẹ, họ hàng, anh chị em là ai.
  2. Khách hàng sử dụng tài chính vào mục tiêu cờ bạc, không phải làm ăn chân chính.
  3. Khách hàng vay đi vay lại quá nhiều. Ông Khả không thích những khách hàng trung thành với việc vay nợ như vậy. Cái máy móc có thể mua đi mua lại, còn cái hạng vay xong , vừa trả được lại vay tiếp, không thể bền.

 

CHUYỆN 8. DẠY CON – THẾ HỆ KẾ THỪA

Ông Khả có ba đứa con trai. Người ta hay nói “tam nam bất phú”. Câu này không áp dụng được với ông, vì ông giầu có, các con đều giỏi, ngoan và sung túc.

Ba đứa con trai mang gien bố, đều thông minh. Không sáng tạo trời đất gì ghê gớm, nhưng bắt chước thì khó có ai bằng. Ông Khả tuyệt đối không cho con cơ hội ăn bám, mà yêu cầu tự nuôi thân được khi tới mốc 18 tuổi. Ông nghĩ xã hội muốn giàu có phải cơ giới hoá, không gì bằng máy móc. Ông hướng ba người con đi học: Một đứa học tiện, một đứa học điện tử, một đứa học điện lạnh. Ông tính ghép ba cậu này với nhau, ông có thể chế tạo được một cỗ máy, nhà không bao giờ lo chết đói.

Ông lặn lội tìm trường cho con, phải tìm bằng được trường vừa dạy nghề, vừa phải dạy chữ. Thầy giáo phải tốt, ông thẩm tra, ông nói chuyện, thấy ổn về nhân cách ông mới đội mâm xôi gà lên gửi con cho thầy.

Ba đứa con, đứa nào cũng bị thầy trả về trước hạn.

Vì… chúng nó học nhanh quá.

Thằng Khoa học tiện. Đầu óc bình thường cần học 3 năm, Khoa học hết 15 ngày. Bố vừa dẫn con xuống thầy, trăng chưa tròn thầy dẫn con về tận cửa nhà: “Tôi hết chữ để dạy con ông”

Giờ ba đứa đều có cơ ngơi lớn, ngay mặt lộ 2 đường đi Hà Giang. Làm ăn đều khách và nghe lời bố: tuyệt nhiên không thằng nào dám động tới cốc bia, điếu thuốc.

Có một chuyện ông Khả dạy con khi chúng nó đến tuổi dựng vợ, tiêu chuẩn vợ của con ông Khả như sau:

  1. Nhà vợ cách nhà mình không quá 20km. Nếu lấy vợ cách trên 20km, đất đai nhà cửa bố mua cho mày sẽ bán sạch, để tiền mua thịt bò ăn dần.
  2. Lấy vợ xong, đẻ con ra. “Con của mày nhưng là cháu tao”. Ông Khả trông cháu 5 ngày, ông bà ngoại cũng trông cháu 5 ngày. Không ai hơn, không ai kém.
  3. Vợ xấu đẹp do con quyết, song phải biết nghe lời. Ông Khả là thương binh, trái gió trở trời người đau lung tung nên chỉ nói một lần. Lần hai là vợ lẫn chồng ra khỏi nhà lập tức.

Ba đứa con ông lấy vợ theo đúng ba điều bố dặn. Không lệch vào đâu.

Ông Khả thích ru và chơi với cháu. Ông chẳng nặng lời với cháu bao giờ. Ông coi chúng như của báu.

Chuyện ông Khả còn dài, như cái phích đựng nước nóng, pha trà uống dần cũng được ba mùa trăng. Đời sống tới đây, ông Khả thương binh đã đủ sung sướng và thoả mãn.

Ông Khả trong buổi gặp gỡ cùng anh Nguyễn Hoàng Phương.

 

*************

Người viết ký sự nhỏ này không đi tìm kiếm những gì huyễn hoặc, cũng không thêm, không bớt gì trong câu chuyện. “Có thế nào là thế đó”, như lời các cụ bảo.

Trên đường đời thiên lý, gặp ai cũng có thể học được, ít hay nhiều. Họ là những con người của đời thường, dung dị, bản năng, mãnh liệt.

Chịu khó quan sát, mở rộng lòng tiếp nhận thấy cuộc sống dễ chịu, đẹp biết bao.

 

Nguyễn Hoàng Phương

Chuyên gia trưởng Tổ chức giáo dục – đào tạo PTI

Cố vấn trưởng của một số các DN

 


Cùng chuyên mục

Quảng Bình đề xuất sắp xếp 145 đơn vị hành chính cấp xã còn 23 đơn vị

Quảng Bình đề xuất sắp xếp 145 đơn vị hành chính cấp xã còn 23 đơn vị

Huyền thoại Tứ kiệt và Tứ kiệt Cổ Miếu

Huyền thoại Tứ kiệt và Tứ kiệt Cổ Miếu

Đại hội Chi bộ Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc nhiệm kỳ 2025 – 2027

Đại hội Chi bộ Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc nhiệm kỳ 2025 – 2027

Quảng Bình bổ nhiệm các Giám đốc sở sau sáp nhập

Quảng Bình bổ nhiệm các Giám đốc sở sau sáp nhập

Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng giúp dân vượt khó, xây dựng biên cương vững mạnh

Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng giúp dân vượt khó, xây dựng biên cương vững mạnh

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và  tặng quà tại Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và tặng quà tại Hà Giang

Cửa ngõ Cao nguyên đá Đồng Văn vào Xuân

Cửa ngõ Cao nguyên đá Đồng Văn vào Xuân

Đền Truông Bát Hà Tĩnh: Đìu hiu chờ ngày xử lý

Đền Truông Bát Hà Tĩnh: Đìu hiu chờ ngày xử lý

Đắk Lắk thanh tra những đơn vị nào trong năm 2025?

Đắk Lắk thanh tra những đơn vị nào trong năm 2025?