Chùa Bổ Đà được nhiều người biết đến là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất vùng Kinh Bắc. Tuy nhiên, ít người biết, di tích chùa Bổ Đà còn gắn liền với hai cuộc kháng chiến của đất nước và những đóng góp của các nhà sư trong chùa đã được ghi nhận qua tấm bằng danh dự “Gia đình vẻ vang”…
Từ chú tiểu trở thành… Đại đội phó
Cứ vào ngày Rằm, mùng Một hay mỗi dịp lễ trọng, ông Chung lại lên chùa Bổ Đà lo việc tiếp khách, quán xuyến công việc làm cỗ, hay đơn giản chỉ là thỉnh chuông lễ Phật. Gần tuổi thất thập, hầu như cả đời ông đều gắn bó với Bổ Đà – một trong ba ngôi chùa nổi tiếng nhất ở tỉnh Bắc Giang.
Vào chùa từ năm sáu, bảy tuổi nên những công việc của người xuất gia chẳng lạ lẫm gì đối với ông Chung. Những việc nhà chùa kể cả đơn giản như thỉnh chuông, cầu kinh hay lịch trình sinh hoạt mỗi ngày, người xuất gia đều phải học, phải rèn thường xuyên, đến nay ông vẫn nhớ rõ và thực hành được đầy đủ.
Cựu chiến binh Lê Quang Chung.
Câu chuyện về cuộc đời ông Lê Quang Chung – cựu chiến binh ở thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang – nơi có ngôi chùa Bổ Đà, một trong những ngôi chùa độc đáo nhất vùng đất Kinh Bắc và đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt khá ly kỳ.
Nguyên quán tận Hưng Yên, năm lên 6 tuổi, vì nhà nghèo, bố mẹ cậu bé Chung đã phải gửi con cho sư cụ trụ trì chùa Bổ Đà mang về nuôi. Cậu được sư cụ nuôi ăn học, hằng ngày ngoài giờ học, cậu đảm nhiệm công việc của một chú tiểu, được cụ giao làm các việc vặt trong chùa. Lớn lên thì cùng các sư trong chùa cày cấy hơn 50 mẫu ruộng, tự lấy đó làm kế sinh nhai.
“Học xong lớp 7 (cũ), một hôm sư cụ gọi tôi vào hỏi có muốn đi học tiếp để đào tạo thành sư hay không. Hoặc nếu muốn, thì cụ cho ra ngoài, lập gia đình, lấy vợ sinh con”, người cựu chiến binh 68 tuổi hồi tưởng.
Tấm Bảng Gia đình vẻ vang do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký tặng.
Tuy nhiên, ít lâu sau, được chính quyền địa phương vận động, sư cụ Lê Văn Luân đã đồng ý cho “con” vào quân đội. Nhập ngũ những năm tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, chàng thanh niên Lê Quang Chung không vào miền Nam tham gia chiến đấu mà được giao nhiệm vụ mở tuyến đường lên biên giới phía Bắc – con đường mà nhiều năm sau ông Chung và đồng đội mới nhận ra tầm quan trọng chiến lược của nó.
Cuộc đời binh nghiệp đã đưa ông Chung qua nhiều đơn vị, với chức vụ cuối cùng trong quân đội là Đại đội phó. Năm 1992, ông ra quân với quân hàm Đại úy và quân đội xác định ông là bệnh binh, mất 61% sức khỏe. Nghỉ hưu, ông không chọn về quê gốc Hưng Yên mà ở lại với mảnh đất có ngôi chùa Bổ Đà. Ông được sư cụ cùng chính quyền địa phương giúp đỡ lập gia đình, cấp đất làm nhà, ổn định cuộc sống.
“Về địa phương, tôi tham gia Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân rồi nhiều khóa làm Bí thư Chi bộ. Năm ngoái, do sức khỏe giảm sút, tôi xin rút, nay chỉ còn nằm trong Ban Chi ủy của thôn thôi”, ông Chung nói.
“Gấp cà sa khoác áo chiến bào”
Theo Thượng tọa Tự Tục Vinh – trụ trì chùa Bổ Đà, từ thuở lập chùa cách nay 300 năm, bên cạnh đạo pháp, các nhà sư chùa Bổ Đà đã rất đề cao lòng yêu nước. Điều đó thể hiện qua việc sư tổ đặt tên chùa chính là Tứ Ân, hàm nghĩa răn dạy phật tử phải biết báo đáp bốn ân (ơn): trời đất, đất nước, thầy dạy chữ và cha mẹ. Trong bài minh lưu tại chùa cũng vẫn còn những dòng chữ oai hùng “Gấp cà sa khoác áo chiến bào/Tinh thần vô úy góp vào giang sơn”.
Chùa Bổ Đà hiện còn lưu giữ được nhiều tài liệu, cổ vật quý có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, kiến trúc và mỹ thuật.
Đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp xâm lược, chùa Bổ Đà trở thành địa điểm đặt xưởng quân giới chế tạo vũ khí của quân đội. Có thời kỳ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chọn nhà chùa làm nơi huấn luyện, đào tạo bộ đội đặc công.
“Theo các cụ kể lại, hồi đó trong chùa có nhiều sư rất giỏi võ. Khi Đại tướng mượn sân cho bộ đội tập, sơn môn có 14 sư đã xin đi theo luôn. Các sư đánh trận Đáp Cầu rồi mấy trận ở Bắc Giang, một nhà sư bị trúng đạn, qua đời. Sau đến thời chống Mỹ, có 6 sư nữa đi bộ đội thì 4 người hy sinh, không trở về”, Thượng tọa Tự Tục Vinh cho hay.
Vì có nhiều đóng góp đối với cách mạng, tháng 8/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký tặng nhà chùa, mà sư cụ Lê Văn Luân là người đứng tên, tấm bằng “Bảng gia đình vẻ vang”. Tấm bằng này luôn được nhà chùa trân quý và treo trang trọng nơi nhà khách.
Thượng tọa Tự Tục Vinh cho biết thêm, người nhà chùa thế hệ chống Mỹ, ngoài ông Chung còn có các ông Quang, ông Hiển, ông Huy, ông Thắng… nhưng đều già yếu rồi qua đời cả, duy nhất chỉ ông Chung còn sống. “Sau này, khi các ông về lại với đời đều mang bản chất tốt, riêng ông Chung do ở gần nên tham gia vào nhiều việc của nhà chùa hơn”, Thượng tọa Tự Tục Vinh nói.
Nhà chùa là một gia đình
Đánh giá cao những đóng góp của các sư chùa Bổ Đà, ông Đỗ Danh Nhuận – Bí thư Đảng ủy xã Tiên Sơn cho biết, quan hệ giữa nhà chùa với chính quyền địa phương rất tốt, nhất là việc ủng hộ các phong trào từ thiện nhân đạo hàng năm. Đặc biệt, những công việc liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo như xây dựng đình chùa, giải quyết mâu thuẫn trong thôn xóm, vai trò của sư trụ trì chùa Bổ Đà là rất quan trọng.
Hội thi hát quan họ tại Lễ hội chùa Bổ Đà (từ 15-18 tháng 2 âm lịch hằng năm)
Còn theo ông Nguyễn Đại Lượng – Chủ tịch UBND huyện Việt Yên, hiện chùa Bổ Đà còn lưu giữ được nhiều tài liệu, cổ vật quý có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, kiến trúc và mỹ thuật. Đặc biệt quý giá là bộ Mộc bản kinh Phật cổ nhất Việt Nam được khắc trên gỗ thị, nay đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Gần đây, lại phát hiện thấy một di vật rất thú vị của nhà văn Nguyên Hồng tại chùa, đó là một bản chép tay những quy chế của nhà chùa hồi ông đi tu tại chùa Bổ Đà. “Việc di tích chùa Bổ Đà được gìn giữ, bảo tồn nét kiến trúc truyền thống cùng với nhiều cổ vật có giá trị và kho tàng di sản Hán – Nôm phong phú còn nguyên vẹn, có công sức rất lớn của các thế hệ nhà sư tu hành tại chùa”, ông Lượng đánh giá.
Vẫn theo ông Lượng, sau khi đất nước thống nhất cũng như những năm sau này, truyền thống gần gũi, gắn bó giữa các nhà sư trong chùa và người dân địa phương vẫn được tiếp nối. Người dân vẫn coi công việc của nhà chùa như việc của nhà mình, khi nhà chùa có việc, dân làng đều có hàng chục người đứng ra lo gánh vác.
“Tôi được biết, việc Nhà nước tặng Bảng Gia đình vẻ vang cho một cơ sở tôn giáo như ở chùa Bổ Đà là rất hiếm. Đây chính là ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với sự cống hiến của các nhà sư cho cách mạng. Các nhà sư chùa Bổ Đà đi tu nhưng không thoát tục. Cả Nhà nước và nhà chùa đều coi nhà chùa như một gia đình, gia đình ấy gắn liền với lịch sử của đất nước, gắn liền với vận mệnh của dân tộc…”, ông Lượng nói thêm.
T.Toàn
Nguồn: Congluan
https://www.congluan.vn/chuyen-chua-ke-ve-tam-bang-bang-gia-dinh-ve-vang-o-chua-bo-da-post257986.html