Chút tản mạn về những giếng cổ ở Đường Lâm

9:03 | 11/11/2021

Nhiều người tin rằng Đường Lâm tại Sơn Tây, Hà Nội, là đất sinh ra Đế Vương, mặc dù vẫn có những tranh luận cho rằng Đường Lâm này không phải là Đường Lâm được nhắc tới trong sử sách. Đường Lâm trong lịch sử là nơi xuất sinh ra hai vị Vua là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và Ngô Quyền, vì thế mà nơi đây được mệnh danh là “làng hai Vua”.


Đường Lâm có thế đất “tọa sơn vọng thủy”, tức lưng dựa và núi Tản Viên, phía trước có sông Hồng, sông Cái, sông Mẹ. Theo truyền thuyết dân gian, xưa kia Cao Biền lĩnh chỉ vua Đường Ý Tông đến trấn yểm nước nam, nhận thấy nơi đây có nhiều vùng đất phát lớn, liền tập hợp viết trong cuốn “Cao Biền tấu thư địa lý kiểu tự” rồi trình cho vua Ý Tông. Trong đó có viết rằng “Sơn Tây có 36 huyệt chính và 85 huyệt bàng. Riêng đất Đường Lâm có huyệt đế vương”.

Cũng có người kể rằng khi xưa Cao Biền cho đào 100 cái giếng quanh chân núi Ba Vì, trong đó có Đường Lâm để trấn yểm long mạch. Nhưng có những giếng đào xong thì sập nên đành bỏ cuộc. Vì Đường Lâm không bị trấn yểm nên chỉ vài chục năm sau đã sinh ra Ngô Quyền, người anh hùng đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt thời kỳ nghìn năm bắc thuộc, mở ra thời kỳ tự chủ lâu dài cho dân tộc.

Kiến trúc giếng cổ làng Đường Lâm, Sơn Tây. (Ảnh: Phương Huy, Wikipedia, Public Domain)

“Cây đa, giếng nước, sân đình” là biểu tượng cho làng quê Việt từ ngàn xưa. Trong “sơn thủy” thì sơn là dương, thủy là âm, giếng nước được cho là cầu nối giữa trời, đất và con người. Giếng là nơi sâu nhất trong làng, cũng là nơi chứa đựng nhiều nhất, lòng giếng cũng là lòng làng, lòng người.

“Trời tròn đất vuông”. Giếng đầu làng có hình vuông là âm, tượng trưng cho đất mẹ, nguồn nước nuôi nấng con người. Giếng ở giữa làng hình tròn là dương, tượng trưng cho mặt trời. Giếng ở cuối làng hình bầu dục như tấm gương soi sáng cho cả làng. Hòa khí của âm dương làm con người hạnh phúc.

Không riêng giếng ở Đường Lâm, mà giếng ở khắp các làng quê Việt đều có ý nghĩa thiêng liêng như vậy.

Hiện Đường Lâm có 9 làng là: Mông Phụ, Cam Lâm, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Đông Sàng, Hà Tân, Hưng Thịnh, Phụ Khang, Văn Miếu. Trong đó làng Mông Phụ có vị trí đặc biệt đối với phong thủy ở Đường Lâm. Người ta cho rằng đình làng ở vị trí đầu rồng, hai mắt là hai giếng cạnh đình, đuôi vắt về xóm Sải.

Giếng nằm ở phía đông của đình làng được gọi là giếng Đình, là một con mắt rồng. Giếng đào ở nơi đá ong nên nước rất mát và quanh năm trong vắt, người dân dùng nước ở đây để ăn chứ không tắm và giặt giũ. Giếng Đình rất ngọt và khi nào cũng đầy ắp, không bao giờ cạn, kể cả những năm hạn hán.

Giếng phía tây của đình là con mắt còn lại của rồng, vì ở địa phận xóm Miễu nên gọi là giếng Miễu. Nhưng giếng Miễu lại không trong như giếng Đình nên được xem là con mắt bị mờ. Giếng này được sử dụng chỉ để giặt chứ không để ăn.

Các giếng cổ ở các làng Đường Lâm đều có đặc điểm là miệng giếng ghép bằng những tảng đá ong sần sùi, màu nâu trầm, rất bền và vững chãi.

Ở Mông Phụ, mỗi xóm đều có một giếng của mình. Các giếng xóm Hè, xóm Giang xưa kia nổi tiếng nước ngon đi vào tục ngữ: “Nước giếng Hè, chè Cam Lâm” hay “Nước giếng Giang, khoai lang đồng Bường”.

Người Đường Lâm xưa thường lấy nước giếng Hè đun sôi, pha với búp chè xanh trồng được ở làng Cam Lâm bên cạnh, cho ra một loại trà rất ngon. Ngày nay nhiều gia đình vẫn lấy nước “giếng Hè”, “giếng Giang” dùng trong tiệc cưới với niềm tin vợ chồng trẻ sẽ trăm năm hạnh phúc.

Bên cạnh làng Mông Phụ là làng Cam Lâm nổi tiếng với “giếng Chuông Sa”, còn gọi là “giếng Sữa”. Tương truyền từ xưa kia, nhiều bà mẹ sinh con bị tắc sữa, dùng giếng nước này lại có được sữa nuôi con. Vì thế mà rất nhiều khách thập phương cũng đến uống nước nơi đây với hy vọng có sữa tốt nuôi con khôn lớn.

Mỗi năm người dân Đường Lâm đều tát giếng, thau giếng để tiếp nhận sinh khí thịnh vượng mới cho làng. Vào ngày đầu năm mới các gia đình gánh nước giếng về nhà với hy vọng một năm mới đầy đủ hạnh phúc.

Chiều chiều những phụ nữ mang gánh nước giếng ngọt lịm về đặt ở gốc cau đầu nhà. Khi mặt trời lặn sau rặng núi xa xa, các cụ trong làng thảnh thơi trải chiếu ngồi hóng mát, bàn chuyện làng chuyện nước. Bên cạnh là đám trẻ con chạy lăng xăng nô đùa.

Những người làng quê khi ra thành phố lập nghiệp, vẫn khắc khoải những kỷ niệm về làng quê chiếc giếng làng ngày ấy:

“Giếng làng ơi! Giếng làng ơi!
Trong tôi lắng tiếng gàu rơi… Giếng làng”.

Nguyễn Xuân Tư

Sự thay đổi của cuộc sống hiện đại đã khiến nhiều làng quê không còn dùng giếng làng nữa. Tuy nhiên Đường Lâm vẫn nổi tiếng là nơi có những làng cổ còn “nguyên bản” với đầy đủ “cây đa, giếng nước, sân đình”, cổng làng, bến nước cùng những ngôi nhà cổ. Những chiếc giếng cổ tạo nên nét văn hóa đặc sắc của vùng đất “hai Vua”, để lại ấn tượng cho du khách khi đến nơi đây.

 

Theo VisionTimes

Video hay

Cùng chuyên mục

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê