Là Người trực tiếp tổ chức, lựa chọn, đào tạo và sử dụng cán bộ cho cách mạng Việt Nam từ những thế hệ đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tầm quan trọng của vấn đề cán bộ: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vậy Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”.
Để sử dụng cán bộ đúng đắn và hiệu quả, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu mấy phương pháp cần được áp dụng trong công tác cán bộ như sau:
– Hiểu biết cán bộ: “Người ở đời, ai cũng có chỗ tốt và chỗ xấu. Ta phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chỗ xấu cho họ”. Tháng 9-1945, đồng chí Nguyễn Văn Lưu được cử đến Bắc Bộ Phủ làm công tác văn thư. Lúc đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn đồng chí cách viết bài trả lời phỏng vấn của các phóng viên báo, đài và soạn thảo công hàm ngoại giao. Sau đó, Người đặt vấn đề, nêu chủ đề và yêu cầu đồng chí soạn thảo văn bản để Người xem, sửa lại. Cuối cùng, Người để đồng chí tự soạn thảo các văn bản hoàn chỉnh, Người chỉ ký vào rồi chuyển.
Năm 1956, lực lượng Cảnh sát nhân dân soạn thảo điều lệ đăng ký hộ khẩu để trình Ban Bí thư duyệt, trong đó Điều 8 viết: “Chủ khách sạn, quán trọ hằng ngày phải ghi sổ danh sách khách trọ và mỗi buổi tối trước 11h đêm đem sổ trình đồn công an sở tại kiểm soát”. Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay gạch hai chữ kiểm soát để có ý nhắc công an tránh cửa quyền, hách dịch và phải gần gũi với nhân dân.
Tối 30 tết năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh vào phòng trực của công an vũ trang bảo vệ Phủ Chủ tịch. Người chủ động pha trà cho anh em. Nước trà đầu loãng, nước thứ hai đặc, rồi nước thứ ba nhạt hơn, Người đều đổ vào chiếc ca tráng men, đậy nắp lại, sau đó mới rót trà ra chén. Những nước sau, Người cũng làm như vậy. Cuối cùng, Người mới nói: “Bác nghe nói các chú đầu tháng trung nông, giữa tháng bần nông, cuối tháng cố nông! Như thế là các chú chi tiêu thiếu kế hoạch. Mấy chú cứ chi tiêu theo kiểu pha trà của Bác thì từ đầu tháng đến cuối tháng vẫn đủ tiền tiêu, khỏi phải nợ!”.
Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm khu tập thể Nhà máy cơ khí Hà Nội. Vì trời vừa mưa to nên có một vũng nước ngay trước hội trường. Đồng chí phụ trách công đoàn vội lấy tấm ván đặt lên vũng nước để Người không bẩn chân. Nhưng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xắn quần lên, lội qua vũng nước cùng anh chị em công nhân. Sau đó, Người nhắc đồng chí cán bộ đó cần quan tâm hơn đến nơi ăn ở sinh hoạt của công nhân chứ không phải chỉ lo nhiệm vụ bắc ván cho Chủ tịch đi.
– Khéo dùng cán bộ: “Muốn cán bộ làm được việc phải khiến cho họ yên tâm, vui thú làm việc. Phải khiến cho cán bộ có gan nói, đề ra ý kiến. Năng lực con người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có, một phần lớn do công tác, học tập mà hình thành. Nếu biết lãnh đạo khéo, tài nhỏ cũng hóa thành tài to, lãnh đạo không khéo thì to cũng hóa nhỏ. Phải chú ý tìm nguồn cán bộ để phát triển hợp lý”.
Năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp lãnh đạo phong trào Tây Nguyên Aleo ra thăm miền Bắc và đề xuất xin Người nhiều cán bộ giỏi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy ví dụ việc đồng bào dân tộc nuôi gà đẻ trứng, rồi cho gà ấp ra nhiều gà con và chỉ những con gà con sinh ra tại đấy mới thích hợp với hoàn cảnh sống của địa phương. Đó cũng là quan điểm và tầm nhìn về việc đào tạo, sử dụng cán bộ tại chỗ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
– Cất nhắc cán bộ đúng: “Nếu cất nhắc, nâng đỡ cán bộ không phải vì tài năng và đạo đức mà chỉ vì cảm tình riêng hoặc quan hệ nhờ vả hai chiều thì cán bộ đó không bao giờ đủ khả năng làm việc, sẽ làm quần chúng dị nghị, gây mất uy tín cho tổ chức và cán bộ”.
– Thương yêu cán bộ: “Là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm. Giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn sinh hoạt, ngày thường thì điều kiện dễ chịu, khi đau ốm được chăm nom, gia đình họ khỏi khốn quẫn”. Cuối năm 1945, khi làm việc ở Bắc Bộ Phủ buổi tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy các chiến sĩ cảnh vệ ngủ dưới nhà, nóng, Người bảo anh em lên gác nằm cho thoáng mát nhưng một hôm các chiến sĩ vật nhau làm vỡ mặt chiếc bàn đá nên đồng chí phụ trách bực mình bắt tất cả chiến sĩ xuống dưới nhà ngủ. Biết chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mở cửa cho anh em lên ngủ trên gác và gọi Thứ trưởng Bộ Nội vụ đến chất vấn xem cái bàn quý hay chiến sĩ quý. Vấn đề là cần nhắc anh em chú ý giữ gìn của công chứ không phải cấm đoán.
– Giữ gìn cán bộ: Chính là phê bình đúng và giúp cán bộ sửa chữa khuyết điểm vì: “Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Và càng sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm”. Năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm lớp chỉnh huấn chính trị cán bộ trung, cao cấp, Người đố anh em học viên bằng cách vạch mấy vạch xuống đất. Ba vạch đầu thì anh em đoán ra, đến vạch thứ tư thì ngoằn ngoèo như con giun. không ai đoán được.
Người giải thích rằng: chủ trương đường lối của Đảng đúng đắn, đến tỉnh thì hơi cong, đến huyện đã tả hữu, đến xã thì sai lệnh vì cán bộ không chịu làm đầy tớ nhân dân mà chỉ muốn làm quan cách mạng, cho nên chữ đó là chữ quan liêu. Năm 1955, khi thăm Nhà máy cơ khí Gia Lâm, thấy trước cổng nhà máy căng một biểu ngữ to, đẹp nhưng chữ không có dấu, Chủ tịch Hồ Chí Minh bèn hỏi anh chị em công nhân xem nhà máy có nuôi khỉ không. Tất cả đồng thanh trả lời là nhà máy không có khỉ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cười nói vì chữ viết không có dấu nên Người đọc nhầm thành: Nhà máy có khỉ già lắm(!).
Năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê lần thứ hai. Khi đến nhà khách, nhìn thấy bên đường có nhiều hoa nở rực rỡ trồng hai hàng ngay ngắn, Người bước tới nhấc nhẹ một cành lên thì ở dưới thân hoa không có rễ! Người gọi đồng chí bí thư tỉnh ủy đến phê bình vì một việc làm không trung thực và lãng phí, một căn bệnh phô trương hình thức.
Qua hơn 90 năm tôi luyện và phát triển trong đấu tranh cách mạng làm sáng danh lịch sử dân tộc, Đảng ta luôn tiếp thu, kế thừa và tự chỉnh đốn theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, thực trạng công tác tuyển chọn, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ đảng viên còn nhiều hạn chế, khuyết điểm như Đại hội XII của Đảng đã thẳng thắn chỉ ra: “Việc đổi mới công tác cán bộ chưa có đột phá lớn. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp… chưa được ngăn chặn, đẩy lùi…”.
Trước tình hình đó, Đảng ta đã đề ra những biện pháp không có vùng cấm, vừa kiên quyết, nghiêm minh xử lý cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất, sai phạm về kinh tế, thiếu trách nhiệm, vừa đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền kết hợp với công tác đào tạo, bồi dưỡng và lựa chọn cán bộ đủ Tâm-Tài-Tầm đảm đương trách nhiệm trước Đảng, trước Tổ quốc và Nhân dân.
Bởi vậy, chúng ta càng thấm thía lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nói đến cán bộ trước hết, vì “cán bộ là tiền vốn của đoàn thể”. Có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”.
Đỗ Hoàng Linh – Nguyên Phó Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch