Bị cụt đôi tay và một chân, mắt phải bị mù nhưng hàng ngày người chồng vẫn nhận đào hố cà phê, làm cỏ, bón phân, phun thuốc để có tiền chữa bệnh cho vợ và nuôi con ăn học.
Nuôi vợ con bằng… đôi tay cụt
“Tàn nhưng không phế”, câu chuyện xót xa nhưng đầy tình nghĩa vợ chồng của gia đình ông Ngô Văn Hồng và bà Đỗ Thị Tuyết Mai (trú tại thôn 4, xã Hòa Phú, huyện Chư Pah, Gia Lai). Năm 1985, trong một lần khai hoang đất sản xuất, ông Bình cuốc phải bom mìn thời chiến tranh để lại nên bị cụt đôi tay, cụt một chân và bị mù mắt phải. Không chịu khuất phục trước số phận, sau khi lành vết thương ông bắt đầu đi kiếm việc làm. Vì tàn tật, chỉ còn một chân và một mắt trái nên đi đến đâu cũng không có ai thuê vì nghĩ ông không làm được việc.
May mắn thay, cuối cùng ông cũng được một doanh nghiệp sản xuất cà phê nhận vào làm. Ông nhận làm tất cả công việc từ đào hố, bón phân, phun thuốc, đặc biệt hơn ông còn làm thêm công việc kế toán với đôi tay “cụt lủn”, tất cả mọi việc ông đều dùng cùi tay, từ viết lách, làm cỏ, phun thuốc…
“Tôi làm được mấy năm thì gặp bà Mai, làm được một thời gian thì 2 người cảm mến nhau, bà Mai thương tôi lắm, đến năm 2006 thì chúng tôi lấy nhau và có một cậu con trai. Bị tàn tật nhưng tôi vẫn làm được tất cả mọi việc. Nhưng rồi chuyện tệ hại bắt đầu khi bà ấy bị tai biến và bị liệt cả người. Lúc ấy tôi đã bán hết đất đai và gia tài trong nhà nhưng vẫn không chạy chữa được, mà bệnh tình của vợ tôi thì mỗi lúc một nặng hơn…”, ông Hồng ngậm ngùi kể lại.
Tin vợ sẽ khỏi bệnh
Dù đã dốc hết sức lực và tài sản trong nhà để chạy chữa cho vợ nhưng tất cả đều vô vọng, không những không thuyên giảm mà bệnh tình của vợ ông mỗi lúc một nặng hơn. Mặc dù vậy, người đàn ông này vẫn tin rằng rồi vợ sẽ khỏi bệnh, vậy là ông lại ra sức làm, làm để lấy tiền chữa bệnh cho vợ và nuôi cậu con trai ăn học.
Cứ như vậy, buổi sáng ông ở nhà chăm sóc vợ cho con trai đi học, buổi chiều ông bắt đầu đi làm. Ông làm quần quật từ 12h cho đến 6h tối. Trời nắng ông làm cỏ, đào hố cà phê, phun thuốc, trời mưa ông bón phân.
Nhìn dáng người gầy gò, thấp bé, tay chân không lành lặn, mắt cũng bị mù nhưng mọi công việc với ông đều dễ dàng, chỉ cần người khác thuê làm để có tiền chữa bệnh cho vợ.
Ông Hồng tâm sự: “Phải làm khoán cô, chú à! Chứ làm công không đủ tiền lo thuốc thang cho vợ và con ăn học đâu. Từ giờ đến khi bước sang năm học mới là được đi làm cả ngày vì có con trai ở nhà chăm sóc bà ấy. Những ngày hè như này phải làm gấp 3, gấp 4 lần bình thường mới đủ tiền trang trải chi phí đấy”.
Nếu như một ngày làm công bình thường được 160.000 đồng thì ông có thể kiếm được 300.000 đồng/ngày từ việc nhận làm khoán. Theo ông Hồng, làm khoán có thể kiếm được nhiều tiền hơn vì ăn theo sản phẩm mình làm ra, còn làm công người dân sẽ không thuê, vì họ sợ ông làm ít hơn khi nhìn thân hình tàn tật của ông.
Giờ đây tài sản duy nhất của gia đình ông chỉ còn ngôi nhà bị mối đã ăn gần hết cột và bộ đồ nghề chuyên dụng của ông. Vì bị cụt tay, chân nên mỗi chiếc cuốc hay cái dao, rựa đều phải gắn một cái quai để mỗi khi ông làm là gắn chặt một cùi tay vào lấy lực. Đôi tay cụt lủn của ông cứ thoăn thoắt làm hết việc này đến việc khác mà không hề biết mệt.
Theo Danviet