Trái Đất di chuyển đến “điểm viễn nhật” trên quỹ đạo vào ngày 4-7.
Theo nhà thiên văn Chris Vaughen của SkySafari Software, người giám sát Lịch bầu trời đêm của tờ Space, Trái Đất hôm 4-7 sẽ đi vào điểm viễn nhật cách Mặt Trời tận 152,1 triệu km, là điểm xa nhất trên quỹ đạo vòng quanh ngôi sao mẹ.
Các tính toán cho thấy thời điểm chính xác mà Trái Đất đi vào điểm viễn nhật là 7 giờ sáng theo giờ GMT, tương ứng với 14 giờ chiều 4-7 theo giờ Việt Nam.
Bản đồ vị trí Trái Đất hiện tại so với Mặt Trời và 3 hành tinh Sao Thủy, Sao Kim, Sao Hỏa. Tuy nhiên đây chỉ là bản đồ tương đối vì quỹ đạo của địa cầu hình elip – Ảnh: SPACE
Tại điểm viễn nhật, Trái Đất sẽ cách xa ngôi sao mẹ nhiều hơn 1,67% so với khoảng cách trung bình Trái Đất – Mặt Trời. Khoảng cách trung bình Trái Đất – Mặt Trời chính là thước đo chuẩn cho cái gọi là “đơn vị thiên văn” (AU), tương đương 149,6 triệu km.
Tuy cách xa Mặt Trời, nhưng do hướng nghiêng của Trái Đất so với sao mẹ, người dân Bắc Bán cầu vẫn sẽ phải chịu đựng một ngày hè nóng nực. Góc nghiêng mới là thứ ảnh hưởng lớn đến nhiệt lượng Trái Đất thu được từ sao mẹ, chứ không phải khoảng cách.
Lý do Trái Đất có những điểm cận nhật (gần Mặt Trời nhất) và điểm viễn nhật là vì quỹ đạo của hành tinh chúng ta quanh sao mẹ là một hình elip rõ ràng. Trong cả hệ Mặt Trời, chỉ có Sao Kim sở hữu quỹ đạo gần như tròn hoàn hảo.
Các nhà thiên văn khuyến cáo bạn không nên thử quan sát Mặt Trời, bởi độ xa này mắt thường không thể nhận biết. Hơn nữa tia Mặt Trời rất có hại cho mắt, có thể gây tổn thương dù bạn nhìn nó bằng mắt thường, ống nhóm hay kính thiên văn. Ngay cả nhật thực cũng chỉ có thể quan sát bằng một loại kính đặc biệt nhằm bảo vệ mắt.
Thu Anh
Nguồn báo điện tử Người lao động
https://nld.com.vn/khoa-hoc/chieu-nay-trai-dat-bo-roi-sao-me-2022070408373896.htm