Những bức tranh ký họa từ chiến trường là tư liệu quý giá của giai đoạn đạn bom khốc liệt trong lịch sử dân tộc, được họa sĩ Trang Phượng lưu giữ hơn 60 năm.
Trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm từ Phòng Hội hoạ Giải phóng đến Hội Mỹ thuật TP HCM (1962-2022), ngày 28-5, Hội Mỹ thuật TP HCM kết hợp với Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM giới thiệu tới công chúng các tác phẩm ký họa kháng chiến của họa sĩ Trang Phượng qua triển lãm “Hoạ sĩ – chiến sĩ Trang Phượng” đồng thời giới thiệu cuốn sách ảnh cùng tên.
Cuốn sách “Họa sĩ – chiến sĩ Trang Phượng” tổng hợp gần 100 bức ký họa chiến trường cùng hơn 70 tác phẩm sơn dầu với đề tài kháng chiến chống Mỹ và đất nước trong thời bình. Xuyên suốt là sự hiện diện của phòng Hội Họa Giải Phóng mà hoạ sĩ Trang Phượng là một trong những thành viên sáng lập và gắn bó trong suốt 60 năm.
Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM, nhận xét họa sĩ Trang Phượng không chỉ là một chiến sĩ chiến đấu trên các mặt trận hết sức cam go ở miền Nam mà còn là một nhà lý luận phê bình, một trong những người có công lớn trong việc sáng lập, xây dựng và phát triển nền mỹ thuật cách mạng từ năm 1962 đến nay.
Hoạ sĩ – chiến sĩ – tiến sĩ Trang Phượng (SN 1939, tại Bình Dương) đã đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong lĩnh vực mỹ thuật và văn hoá của Việt Nam như: Viện trưởng Viện Mỹ thuật Việt Nam, Phó Tổng thư ký hội Mỹ thuật TP HCM, Phó trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Thành uỷ TP HCM, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM….
Sau năm 1975, họa sĩ Trang Phượng vẽ nhiều tranh sơn dầu về cảnh đẹp quê hương ngày độc lập, thể hiện qua các tác phẩm như: Bến Nhà Rồng, Sông Hương núi Ngự, Tràm chim Đồng Tháp, Hoàng hôn Mũi Né….
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/van-nghe/chiem-nguong-nhung-buc-ky-hoa-chien-truong-duoc-luu-giu-hon-60-nam-20220528154533299.htm