Trong số các Bảo vật quốc gia của Việt Nam, tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn và bộ cửa gỗ chùa Keo là những kiệt tác mỹ thuật phản ánh đỉnh cao nghệ thuật điêu khắc của người Việt.
Tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc vốn là tượng thờ tại chùa Mật Sơn (Bố Vệ, Đông Sơn, Thanh Hóa) nội dung tái hiện chân dung Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (1595 – 1660) thời vua Lê Thần Tông, một nhân vật lừng lẫy cả nhân đức và học thức uyên thâm trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Pho tượng được các nhà nghiên cứu mỹ thuật đánh giá là đại diện xuất sắc cho phong cách nghệ thuật điêu khắc tượng chân dung hậu Phật Việt Nam thế kỷ 17, hiện vật này đã được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013, đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội.
Một Bảo vật quốc gia khác được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Hội Hạ, niên đại thế kỷ 16, vốn là tượng thờ của chùa Hội Hạ (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).
Bảo vật quốc gia Hai cánh cửa chạm rồng, niên đại thế kỷ 17, vốn là bộ cánh cửa chính ở tam quan chùa Keo, huyện Vũ Thư (Thái Bình). Bộ cửa được coi là đẹp nhất trong các kiến trúc cửa cổ của Việt Nam.
Mỗi cánh của bộ cửa gỗ chùa Keo cao 2,2 mét, rộng 1,3 mét, được ghép từ bốn tấm gỗ nhỏ hơn. Khi khép lại, hai cánh cửa tạo thành một bức phù điêu hoàn chỉnh khắc họa đề tài “lưỡng long mẫu tử chầu nguyệt”. Với những đường chạm khắc khéo léo và điêu luyện, hai cánh cửa chạm rồng của chùa Keo được các nhà nghiên cứu đánh giá là một trong những kiệt tác chạm khắc gỗ xuất sắc bậc nhất của Việt Nam thế kỉ 17.
theo ĐCSVN