Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” đã mang lại sự động viên, khích lệ tinh thần cho hàng triệu thanh niên Việt Nam “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa nhưng những giai điệu quen thuộc của bài hát này vẫn lan tỏa và sống mãi với thời gian…
1. Đã bước vào tuổi 93 lại thêm căn bệnh hen khiến nhạc sĩ Phạm Tuyên khó thở, không nói được nhiều nhưng đôi mắt ông vẫn lấp lánh niềm vui khi nhắc về thời khắc bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” ra đời. Đó là những ngày cuối hè năm 1967, khi nhạc sĩ cùng một số văn nghệ sĩ đi thực tế ở xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay thuộc TP. Hà Nội). Ở đây, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã được nghe bà con kể về chiếc gậy gắn với những chuyến lên đường tòng quân của thanh niên địa phương…
Cuối chuyến đi, đoàn được bố trí về UBND xã Hòa Xá nghỉ qua đêm. Khoảng 4 giờ sáng, nhạc sỹ Phạm Tuyên bị đánh thức bởi những tiếng chân người chạy rầm rập. Nhìn ra cửa sổ, nhạc sĩ thấy nhiều thanh niên trên lưng đeo ba lô trĩu nặng, tay cầm một chiếc gậy để tập luyện hành quân. Hỏi ra, ông được biết, thanh niên trong làng đang rèn luyện để chuẩn bị lên đường, vượt Trường Sơn ra chiến trường.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên năm nay đã ở tuổi 93.
Hình ảnh những thanh niên Hòa Xá với chiếc gậy đơn sơ hôm ấy là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Phạm Tuyên cho ra đời nhạc phẩm “Chiếc gậy Trường Sơn” đúng kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12/1967. Bài hát được ca sỹ Mạnh Hà thể hiện, phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và ngay lập tức đã được nhiều người thuộc nằm lòng. Bài hát cũng được nhiều lớp thanh niên thời đó chép trong sổ tay và đem theo trong hành trang ra trận…
2. Khởi nguồn câu chuyện về những “chiếc gậy hành quân”, để từ đó nhạc sỹ Phạm Tuyên sáng tác ra bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” chính là cựu binh Phùng Quán. Là người con của quê hương Hòa Xá, ông Quán nhập ngũ năm 1961 và tái ngũ năm 1965. Lần tái ngũ, cùng ông Quán có hai người bạn cùng làng là Đỗ Tít, Lưu Tiến Long.
Ông Quán kể, trên đường hành quân ra chiến trường, mỗi chiến sĩ ngày ấy đều khoác trên vai ba lô nặng 25kg. Đường rừng Trường Sơn hiểm trở, cùng với nhiệm vụ phải khẩn trương nên giữa mỗi chuyến hành quân, bộ đội chỉ được tạm nghỉ tại chỗ, không bỏ ba lô xuống. Từ đó, ông đã nảy ra suy nghĩ làm một chiếc gậy để đỡ ba lô khi tạm nghỉ và cũng giúp bước chân hành quân thêm vững chắc. Thấy sáng kiến hiệu quả, ông Tít và ông Long cũng áp dụng ngay, chặt đoạn trúc bên đường làm gậy. Sau đó, phong trào làm gậy hành quân được hưởng ứng và lan rộng ra các đơn vị bạn.
Cựu binh Phùng Quán và chiếc gậy Trường Sơn năm xưa.
Khi vào đến chiến trường, nhân có hai chiến sĩ là người cùng quê được về phép trở ra Bắc, ba ông gửi 3 cây gậy về cho gia đình để báo tin mình vẫn còn sống mạnh khỏe.
Kỳ diệu thay, 3 chiếc gậy được gửi về không chỉ là tin báo với gia đình ba người lính mà còn làm dấy lên phong trào động viên, rèn luyện sức khỏe của lớp thanh niên xã Hòa Xá, sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào. Phong trào lan tỏa sâu rộng với những khẩu hiệu đầy khí thế: “Tiền tuyến cần 1, Hòa Xá có 2”, “Vai mang 25 cân, chân đi ngàn dặm, vượt núi băng ngàn, sẵn sàng nhập ngũ”… Trong hành trang lên đường đánh giặc của thanh niên Hòa Xá từ đó luôn có một chiếc gậy khắc dòng chữ “Gậy này là gậy Trường Sơn/Của trai Hòa Xá lên đường tòng quân” do các bô lão trong làng trao tặng.
Bây giờ, người cựu binh Phùng Quán đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm”, chiếc gậy Trường Sơn sau quãng thời gian thất lạc cũng đã trở về với chủ và luôn được ông nâng niu, quý trọng. Đối với ông, kỷ niệm về bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” vẫn luôn tươi mới như ngày nào.
“Một lần đang ở trong rừng, tôi tình cờ nghe được bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” qua đài phát thanh. Biết bài hát nói về quê hương mình và biết chiếc gậy đã về đến quê nhà, tôi vui sướng chạy khắp đơn vị khoe với đồng đội. Bây giờ, mỗi lần nghe lại bài hát đó, tôi tưởng như mọi chuyện chỉ mới ngày hôm qua”, ông Quán kể.
3. Theo ông Đỗ Văn Tuyên, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Xá, đối với người dân địa phương, bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” đã trở thành niềm tự hào, niềm kiêu hãnh gắn với một thời kỳ gian lao mà hào hùng. Bài hát được chính quyền coi là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong ngày giao quân, ngày lễ…
Còn đối với nhạc sĩ Phạm Tuyên, người dân Hòa Xá coi ông như người nhà, mỗi khi có sự kiện quan trọng, xã đều mời ông về dự. Trong những dịp này, nhạc sĩ Phạm Tuyên lại cùng những người chiến sĩ Trường Sơn năm xưa và những bạn trẻ ca vang những giai điệu của “Chiếc gậy Trường Sơn”.
“Ở Hòa Xá hiện có hẳn một bảo tàng mang tên “Chiếc gậy Trường Sơn”. Ngoài ra, các nhà trường đã đưa bài hát vào giờ dạy nhạc nên ở địa phương, ai cũng biết đến bài hát này. Ngay cả trong đám cưới, nhiều người cũng hát “Chiếc gậy Trường Sơn” một cách rất tự nhiên”, ông Tuyên cho biết.
Là người luôn đồng hành trong các sự kiện âm nhạc của cha, chị Phạm Hồng Tuyến – con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết, sau ca sĩ Mạnh Hà thì bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” đã được rất nhiều ca sĩ thể hiện rất thành công. “Trong đêm nhạc “Phạm Tuyên – Nhớ và quên” tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia năm 2017, bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” đã được chọn đưa vào chương trình. Hôm đó, ca sĩ Mạnh Hà đã biểu diễn rất nhiều cảm xúc nhưng một ca sĩ lứa sau là Việt Hoàn cũng thể hiện rất hay”, chị Phạm Hồng Tuyến kể lại.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên và con gái cùng bức ảnh chụp chung với cán bộ, nhân dân xã Hòa Xá.
Theo chị Phạm Hồng Tuyến, bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” cũng được rất nhiều cuộc thi ca hát, hội diễn văn nghệ, các chương trình văn nghệ lựa chọn đưa vào, đặc biệt là các chương trình của thanh niên, đoàn viên. Cho tới nay, “Chiếc gậy Trường Sơn” vẫn nằm trong list bài hát mà mọi người quan tâm nhất; khi nói đến tên bài hát thôi là mọi người đã biết ngay tác giả chính là nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Nhạc phẩm “Chiếc gậy Trường Sơn” với bút tích của tác giả – nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Con gái nhạc sĩ cho biết thêm, mấy năm gần đây, do tuổi già sức yếu, bố chị đã ủy quyền cho chị làm việc với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam – VCPMC. Trong đó “Chiếc gậy Trường Sơn” luôn nằm trong danh sách top đầu những bài hát được trả tác quyền hàng quý.
“Như vậy là “Chiếc gậy Trường Sơn” vẫn hiện diện ở đâu đó, vẫn được hát, được các nhà sản xuất karaoke đưa vào sản phẩm, được in sách, được phát hành trên nền tảng mạng xã hội. Điều đó chứng tỏ là bài hát này vẫn tràn đầy sức sống trong ngày hôm nay”, chị Phạm Hồng Tuyến chia sẻ.
T.Toàn
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/chiec-gay-truong-son–hon-nua-the-ky-van-cang-tran-suc-song-post244308.html