Sau cây lúa, chè là loại cây gắn bó đặc biệt với người Việt. Sản phẩm chế biến từ cây chè gọi là trà. Trà có mặt trong mỗi gia đình, mọi nghi lễ từ cưới hỏi, đến ma chay, giỗ chạp… Trà là bạn của người Việt, bất kể sang hèn. Thái Nguyên được xem là thủ đô của trà Việt dù diện tích chỉ đứng thứ 2, sau Lâm Đồng. Ở Thái Nguyên có nhiều vùng trà nhưng chất lượng trà không phải vùng nào cũng giống nhau. Trong đó, vùng trà Tân Cương là nổi tiếng nhất, bởi chất lượng hảo hạng cũng như hương vị đặc biệt mà không ở đâu có được.
Danh bất hư truyền
Vùng chè Tân Cương không chỉ bó hẹp trong xã Tân Cương, mà là cả mênh mông vườn chè của các xã xung quanh như Phúc Trìu và Phúc Xuân. Vùng chè Tân Cương nằm ở lưu vực sông Công, dưới chân Tam Đảo, được trời ban cho chất đất và ánh sáng quý giá cho sự phát triển của loài cây quý hiếm này.
Theo lịch sử vùng chè Tân Cương do người dân ghi lại thì nghề chè đã tồn tại trong đời sống của cha ông họ từ hàng trăm năm về trước (khoảng đầu thế kỷ XX) nhờ ông Nguyễn Đình Tuân (1867 – 1941) thường được gọi là ông Nghè Sổ, quê ở làng Trâu Lỗ, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang, khai phá.
Cuộc đời làm quan của ông Nghè Sổ cũng nhiều phen lên xuống trầm bổng. Trong những năm trước khi nghỉ an dưỡng tuổi già, ông được cử làm quan Án sát tại tỉnh Thái Nguyên. Trong tự truyện của ông Nghè, có kể trong lúc đi nhậm chức Giáo thụ tỉnh Yên Bái, có qua thăm và nghỉ tại nhà ông Cử Đoàn ở Phú Thọ, vốn là bạn đồng khoa thi Hương. Ở vùng đất này, ông đã có dịp tiếp xúc và thưởng lãm trà.
Dạo đó, Tân Cương là vùng đất hoang sơ rừng rú, đêm nằm còn nghe tiếng hổ gầm, vượn hú. Nhân dân khai hoang chỉ biết trồng sắn, khoai nên cái đói còn bám dai dẳng. Lắm khi mấy tháng liền không nhìn thấy hạt gạo, chỉ ăn toàn sắn khoai. Thấy vậy, ông Nghè Sổ nhớ đến cây chè ở Phú Thọ, đem bàn với nhân dân Tân Cương đem giống chè về trồng để có thêm thu nhập. Theo chỉ dẫn và có phần chu cấp của ông Nghè, ông Đội Năm (tên thật là Vũ Văn Hiệt – sinh năm 1883) là tiên chỉ đầu tiên của xã Tân Cương cùng một số trai tráng đã lặn lội lên Phú Thọ để xin giống chè.
Kỳ lạ thay, khi cây chè được đưa về vùng Tân Cương, cây như hợp đất và khí hậu vùng này nên có cho mình một hương vị riêng mà không nơi nào có được, thậm chí thơm ngon hơn chè trên Phú Thọ nhiều lần.
Ngày qua ngày, cứ thế cây chè từ cây cứu đói đã trở thành cây kinh tế chủ lực. Năm 1925, ông Đội Năm dựng xưởng chế biến chè đầu tiên, mở hiệu bán chè ở thị xã Thái Nguyên, rồi đặt địa chỉ giao dịch ở một số tỉnh thuộc 3 kỳ trong nước. Trà Tân Cương Thái Nguyên của cụ nổi tiếng đến mức năm 1935, mang đi thi tại đấu xảo Hà Nội, đoạt giải nhất. Các thương gia Ấn Độ hàng năm đều nhập của cụ hàng chục tấn trà. Chính vì công lao to lớn trong việc phát triển cây chè mà dân làng Tân Cương mới suy tôn ông Đội Năm là ông tổ trà.
Bề ngoài, chè Tân Cương có màu xanh đen, xoăn chặt, cánh chè gọn nhỏ, trên bề mặt cánh chè có nhiều phấn trắng. Nước trà rất trong, xanh, vàng nhạt màu hổ phách, sánh. Nhấp một ngụm, trà có vị chát ngọt, dễ dịu, hài hòa, gần như không cảm nhận có vị đắng. Mùi chè thơm ngọt, bay thoảng mùi cốm dễ chịu. Khi hớp chè qua đi ngọt mãi ở cuống họng.
Chất lượng bao gồm các chỉ tiêu về ngoại hình, màu nước, vị và đặc biệt về mùi thơm của chè Tân Cương không phải xuất phát từ đặc điểm của giống chè mà là kết quả của quá trình chế biến rất tỷ mỷ, công phu.
Chè Thái Nguyên nói chung và chè Tân Cương nói riêng chủ yếu vẫn được chế biến theo phương pháp thủ công, truyền thống theo quy mô hộ gia đình. Chè phải được hái từ tinh sương đến giữa Ngọ. Hái búp chè cũng phải đúng cách ‘một tôm hai lá, một cá hai chừa’ để lấy được đúng phần ngon nhất của búp chè và tạo điều kiện cho lứa sau phát triển nhanh, nhiều búp hơn. Sau khi thu hái, chè búp tươi phải được tải trong bóng râm chừng 3 giờ đồng hồ rồi mới đem chế biến thì chè sẽ cho hương vị tuyệt hảo. Đây là kinh nghiệm quý được đúc kết qua nhiều đời làm chè.
Trong thời gian chờ đợi, búp chè sẽ được rũ tơi và rải đều trên các nong bằng tre, quá trình này được gọi là ‘quá trình héo lá chè’. Sau đó chè sẽ được đưa đi xào diệt men, và trong quá trình này, phải có sự đồng đều giữa lượng nhiệt ở đáy chảo và lượng nguyên liệu, đảo đều và nhịp nhàng. Nếu thực hiện quá trình xào diệt men đúng quy trình, nước sẽ thoát ra khỏi lá chè đều và toàn bộ lá chè trở nên mềm dẻo và không bị quá khô hay quá ướt, là chè vẫn giữ được màu xanh. Sau đó, chè sẽ lại được tãi ra nong thành lớp mỏng để làm nguội và sau đó lại tiếp tục đến công đoạn vò. Quá trình vò được thực hiện rất cẩn thận để lá chè xoăn chặt mà các tế bào ít bị dập. Sau khi vò xong, chè được đưa đi sao để làm khô, số lần sao và thời gian sao tùy thuộc yêu cầu của chất lượng chè sản phẩm. Thông thường chè được sao từ 2 đến 4 lần.
Chè Tân Cương đã được người dân nơi đây chế biến thành nhiều loại cho giá trị kinh tế cao như chè xanh, chè đen, chè đinh, chè nõn, hồng trà, bạch trà… Cũng tùy từng sở thích mà người ta cũng có thể ướp chè búp với hoa sói, hoa ngâu, hoa lài, hoa sen…
Cây chè kén đất, kén cả khí hậu, nhưng đã bén rễ ở đâu thì thủy chung bền bỉ. Người Tân Cương cũng như những cây chè, bên ngoài là phong trần sương nắng, nhưng bên trong muôn đời đôn hậu, ấm áp.
“Thả hồn vào tách hãm
Rót mình ra nhâm nhi.
Cuộc đời bao đắng, ngọt
Đối ẩm – Độc một ly”. – Nguyễn Minh Khiêm
Phát triển cây chè gắn với du lịch
Tháng 2 năm 2017, việc UBND tỉnh Thái Nguyên ra quyết định công nhận điểm du lịch địa phương với vùng đặc sản chè Tân Cương đã đáp ứng mong đợi và kỳ vọng của nhiều người về một điểm đến độc đáo, có khả năng thu hút khách du lịch gần xa.
Đến Tân Cương, bất kể mùa nào cũng có thể thấy ngút ngàn những đồi chè, nhấp nhô màu xanh như những chiếc bát úp xuống. Đến vùng chè đặc sản này, du khách có thể ghé thăm chùa Y Na, ngôi chùa cổ duy nhất của xã Tân Cương; đến với ‘Không gian văn hóa trà Tân Cương’ là nơi trưng bày hiện vật bảo tồn lưu giữ văn hóa trà; Khu du lịch sinh thái Hồ Núi Cốc và đặc biệt được trải nghiệm các công đoạn sản xuất chè tại vùng chè nổi tiếng Tân Cương. Cuộc sống đời thường, nét tính cách hồn hậu chân chất của người Thái Nguyên, cái yên bình, xanh mát của những đồi chè bát ngát, cái thú của việc tự tay hái, sao, vò chè như một người nông dân thực thụ, sẽ thật khó quên đối với du khách.
Đến nay, cả xã Tân Cương có hơn 360 ha diện tích trồng chè; với thu nhập bình quân của người dân hơn 40 triệu đồng/người/năm. Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm, giúp bà con trong xã trồng và chế biến chè bằng việc hỗ trợ hệ thống tưới tiêu hiện đại; khuyến khích người dân đưa giống chè mới vào canh tác thay thế giống chè cũ kém năng suất. Các hộ trồng chè ở đây đều bảo rằng: Phát triển cây chè là một nghề, nhưng cũng phải dựa vào cây chè để phát triển du lịch. Kết hợp phát triển du lịch thì thương hiệu của chè Tân Cương mới bay xa hơn.
Tại Tân Cương có nhiều cơ sở sản xuất chè tham gia hoạt động du lịch đón khách như: Hợp tác xã Tâm Trà Thái, cơ sở sản xuất chè Tiến Yên, cơ sở chè Thắng Hường, Hợp tác xã chè Hảo Đạt…
Ngồi giữa vùng Tân Cương, xung quanh là bạt ngàn những đồi chè, chiêu một ngụm trà nóng, nhâm nhi trong miệng từ từ mới cảm nhận được hết được sự tinh túy của đất trời trong từng búp chè. Một mùi thơm cốm nống nàn tỏa xa, sự ấm nóng của ly trà ngấm dần vào cơ thể, hương vị của thứ đặc sản quê mùa xoắn cả lưỡi. Vị chát rất nhanh chóng rời đi để vị ngọt hiện lên, chậm rãi những rất rõ ràng. Có lẽ đây là giây phút hạnh phúc nhất của mỗi người thưởng trà.
Nhìn những lá chè khô va vào nước sôi nhảy múa như vui đùa, ngẫm về cuộc sống, ngẫm về danh hiệu ‘đệ nhất danh trà’ quả là không sai.
Đình Tuyến – Hồng Phú