Khu vực châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng đe dọa tới sự tồn tại của họ, chỉ 6 năm sau khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra khiến cho khối đồng tiền chung (Eurozone) gần như bị sụp đổ.
Trong tuần qua, nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 trong khu vực Eurozone – Italy và Tây Ban Nha – đã chứng kiến cơn địa chấn chính trị. Italy giờ có một chính phủ theo trường phái dân túy và bài Liên minh châu Âu (EU).
Trong khi, Tây Ban Nha có một liên minh cầm quyền được thành lập chỉ với mục đích lật đổ Thủ tướng Mariano Rajoy. Cử tri Tây Ban Nha có thể sẽ sớm đi bỏ phiếu lần thứ ba chỉ trong vòng 3 năm.
Trở lại năm 2012, châu Âu từng có vấn đề lớn viết tắt là “PIGS” – Bồ Đào Nha, Ireland, Hy Lạp, Tây Ban Nha – trong đó ám chỉ hệ thống ngân hàng suy yếu, khoản nợ công lớn và thường xuyên thâm hụt ngân sách của các nước này. Giờ đây, trong năm 2018, họ lại có “PHIGS”: Ba Lan, Hungary, Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha.
Italy và Tây Ban Nha
Tình hình ở Italy hiện được xem là mối đe dọa trực tiếp tới Liên minh châu Âu (EU). Trong ngày bầu cử 4/3 năm nay, cử tri nước này đã trao chiến thắng cho 2 đảng có tư tưởng dân túy và hoài nghi EU, gồm Phong trào 5 Sao (M5S) và Liên minh phương Bắc.
Hai đảng này nhận được sự ủng hộ từ các bộ phận cử tri rất khác nhau.
M5S mang tư tưởng dân túy, hứa hẹn rằng người nghèo ở Italy sẽ có cuộc sống tốt hơn. Trong khi Liên minh phương Bắc thu hút lá phiếu nhờ tư tưởng bài người nhập cư và bài EU.
Đầu tuần trước, Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã ngăn chặn việc 2 đảng trên đề cử một chính trị gia có tư tưởng hoài nghi châu Âu làm Bộ trưởng Tài chính.
Hậu quả kéo theo là 2 đảng nọ đòi luận tội Tổng thống. Nhưng đến cuối tuần, M5S và Liên minh phương Bắc tạm thời hài lòng sau khi ông Mattarella chấp nhận một đề xuất nội các mới.
Trong bối cảnh châu Âu đang chứng kiến sự trỗi dậy nguy hiểm của các đảng có tư tưởng bài EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker lại tỏ ra hết sức bình thản, chỉ nói rằng Italy cần “nỗ lực hơn, bớt tham nhũng và sự nghiêm túc”.
Các thị trường tài chính trên toàn cầu đã tăng trở lại khi Italy cuối cùng cũng có một chính phủ sau gần 90 ngày chờ đợi. Nhưng thách thức thực sự vẫn còn ở phía trước.
Chính sách mới mà M5S và Liên minh phương Bắc cùng đưa ra hồi cuối tuần trước cho Italy là tăng chi tiêu công và giảm thuế – một chiến lược đầy rủi ro đối với một quốc gia đang ngồi trên khoản nợ 2,1 tỷ Euro.
Ngược lại, Tây Ban Nha đã đạt bước tiến bộ lớn so với 6 năm trước đây, khi các ngân hàng của họ đang chìm dần và bị hàng loạt hãng xếp hạng uy tín đánh tụt hạng xuống mức gần đáy.
Ngày nay, nền kinh tế nước này đang tăng trưởng trở lại, tỷ lệ thất nghiệp giảm (dù vẫn ở mức khá cao), xếp hạng tín nhiệm được phục hồi. Quan trọng nhất là người dân trong nước ủng hộ EU.
Nhưng đáng lo chính là vấn đề chính trị ở Tây Ban Nha – vốn được thống trị bởi đảng Nhân Dân (PP) có tư tưởng bảo thủ và đảng Xã hội – nay bắt đầu có dấu hiệu bất ổn.
Ngoài làn sóng ly khai ở Catalonia, hiện nay 2 đảng gồm Podemos và Ciudadanos đã trỗi dậy để thách thức các đảng truyền thống. Podemos có nguồn gốc từ tư tưởng dân túy không khác gì M5S ở Italy, trong khi Ciudadanos có tư tưởng chống tham nhũng trong chính phủ hiện tại.
Tây Ban Nha từng tổ chức 2 cuộc bầu cử trong năm 2016, cả hai đều cho thấy sự bế tắc, và cuối cùng Thủ tướng Mariano Rajoy buộc phải dẫn dắt một chính phủ thiểu số.
Hồi tuần trước, các cáo buộc tham nhũng nhằm vào nhiều thành viên của đảng PP của ông Rajoy đã khiến ông mất chức sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.
Giờ Tây Ban Nha có một vị Thủ tướng thuộc đảng Xã hội, ông Pedro Sanchez, trong khi đảng của ông chỉ nắm giữ có 84/350 ghế trong Quốc hội.
Hàng loạt vấn đề trỗi dậy
Một vấn đề nghiêm trọng khác nằm trong cái gọi là “PHIGS” chính là Hy Lạp, quốc gia có khủng hoảng kéo dài suốt gần 1 thập kỷ. Năm 2012, có thời điểm nhiều người từng nghĩ rằng Hy Lạp chắc chắn phải rời khỏi Eurozone.
Hiện nay, Hy Lạp đang có thặng dư ngân sách, nhưng khoản nợ của họ lên tới 180% GDP (trong khi khoản nợ của Italy chỉ 133% GDP). Ngày 20/8 năm nay, Hy Lạp sẽ rời khỏi chương trình cứu trợ của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhưng châu Âu sẽ phải quyết định về việc cắt giảm thêm khoản nợ 280 tỷ USD của nước này.
Trong khi đó, Đức và nhiều nước thành viên EU hiện không mặn mà gì với việc “làm từ thiện”, và không có gì đảm bảo rằng một thỏa thuận sẽ cho phép Hy Lạp tiếp tục đóng băng khoản nợ này khi mà các Bộ trưởng Tài chính EU nhóm họp để đưa ra quyết định vào cuối tháng này.
Cuối cùng là Ba Lan và Hungary. Nền kinh tế của hai nước này hiện vẫn tốt nhưng lại xung đột với EU về hàng loạt vấn đề: Từ vấn đề nhập cư, tự do báo chí cho tới “các giá trị dân chủ”.
Cả hai nước đều đang có chính phủ dân túy cánh tả dẫn dắt, và đều có tư tưởng tách rời EU. Chính phủ hai nước này đều bác bỏ các kế hoạch của EU trong việc đặt hạn ngach tiếp nhận người nhập cư nhằm chia sẻ gánh nặng, khiến cho EC phải đưa ra những động thái mang tính pháp lý.
Ông Viktor Orban, hiện đang giữ chức Thủ tướng Hungary và là lãnh đạo của đảng cầm quyền Fidesz, còn kêu gọi một sự thay thế cho sự đồng tâm của EU.
Trong khi đó, Ba Lan lại có quan điểm ủng hộ chính quyền Mỹ và rời xa các đối tác châu Âu về hàng loạt vấn đề: Thỏa thuận hạt nhân Iran, đường ống dẫn dầu từ Nga tới châu Âu.
Để đối phó với một số thành viên đang có tư tưởng tách xa khỏi khối, giới chức EU đang cân nhắc tới biện pháp cắt giảm hỗ trợ tài chính. Ngân sách của EU chắc chắn sẽ suy giảm khi Anh rời khỏi khối này, trong khi Ba Lan (hiện nhận được 1/10 ngân sách EU) và Hungary có thể bị rút nguồn viện trợ.
Ngoài ra thì EU cũng đang phải đối mặt với Brexit – Anh rời khỏi EU – khi mà các vòng đàm phán đang ngày càng trở nên khó khăn.
Một khi Anh rời khỏi EU, Đức và Pháp sẽ một lần nữa đóng vai trò dẫn dắt toàn khu vực, như thời điểm mà thị trường chung của khối được hình thành. Có nhiều hy vọng rằng trục Merkel-Macron sẽ dẫn dắt EU tới một kỷ nguyên mới, nhưng tham vọng tăng cường hội nhập sâu hơn trong khối của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại không nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
EU cũng đang phải đối diện với thách thức lớn khi đang ở vị trí đối đầu với Mỹ trong vấn đề thương mại, rất có khả năng dẫn tới một cuộc chiến thương mại giữa hai đối tác truyền thống.
Theo Daidoanket