Chất quan họ “nguyên bản” tại bảo tàng tư nhân Sang Thềm

15:11 | 12/05/2022

Bảo tàng – thư viện quan họ Sang Thềm, một không gian đậm chất văn hóa quan họ gốc ở Bắc Ninh, đang định hình rõ nét. Đây là minh chứng cho thấy sức sống mãnh liệt của quan họ trong cộng đồng, khẳng định nghệ thuật quan họ luôn trường tồn và lan tỏa.


Nghề “chơi” quan họ

Tiếng là phường nhưng văn hóa làng xã vẫn hiện diện rõ nét ở khu phố Viêm Xá, phường Hòa Long, TP. Bắc Ninh. Điều này cũng dễ hiểu, bởi Viêm Xá xưa là làng Diềm, vốn nổi tiếng là đất quan họ cổ. Nay tuy đã nhập về thành phố nhưng vẫn cách khu phố cũ của Bắc Ninh cả một cánh đồng rộng; dù đường đã rộng, đã thoáng nhưng tính ra thì vẫn là xa. Có lẽ cũng vì vậy, ngay từ đầu làng, hỏi từ người già đến con trẻ, hầu hết đều biết đến bảo tàng – thư viện quan họ của hai nghệ nhân Nguyễn Thị Sang, Nguyễn Thị Thềm.

Là hai chị em ruột, con của chị hai Nguyễn Thị Các nổi tiếng trong nghề “chơi” quan họ làng Diềm xưa, hai chị Sang, Thềm đã được nghe những canh hát quan họ từ đêm này sang đêm khác tại chính ngôi nhà của mình từ năm 7-8 tuổi. Không chỉ có mẹ “chơi” quan họ, bố của hai chị cũng là một liền anh có tiếng. Cứ như vậy, ngày qua ngày, những làn điệu quan họ “ngấm” dần qua từng lời hát, qua những đêm giao lưu, qua những sinh hoạt đúng chất quan họ cổ của các liền anh, liền chị.

Tủ sách với những cuốn sách tư liệu quý về quan họ được nhiều cá nhân đóng góp.

Lớn hơn chút nữa, chừng 14-15 tuổi, khi Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh về địa phương sưu tầm, tìm lại những làn điệu cũ, hai chị Sang, Thềm lại được theo bố mẹ trong những buổi truyền dạy cho người của Đoàn dân ca. Cũng từ đó, hai chị được cha mẹ chính thức truyền dạy những làn điệu quan họ của quê hương và cả những lề lối, luật tục nghiêm khắc trong nghề “chơi” quan họ.

Có lẽ vì năng khiếu, sự say mê cộng thêm việc được truyền dạy bài bản, cả hai chị Sang, Thềm đều sớm khẳng định được “chất” của mình, điều mà ngay ở mảnh đất thủy tổ của quan họ cũng ít người làm được. Giọng hát của hai chị được bà con chòm xóm ưa thích, thành ra các chị đôi khi trở thành “diễn viên” trong những hoàn cảnh thật đặc biệt.

“Thời 19-20 tuổi, nhiều buổi cấy ruộng HTX gần xong, mấy bác mấy cô bảo, thôi cháu để mạ đó, lên hát vài câu cho cả đồng nghe. Thế là chúng em lại hát, hát mộc thôi mà các bác thích lắm”, chị Sang kể.

Đến bây giờ, khi đã là nghệ nhân (riêng chị Thềm là nghệ nhân ưu tú), hai chị vẫn trung thành với lối “chơi” quan họ cổ. Theo chị Sang, mặc dù có lối hát đối đáp trai gái nhưng quan họ cổ mang một đặc điểm rất khác biệt. Người quan họ tổ chức theo từng nhóm khoảng 5 người, gọi là “bọn” và chỉ có “bọn” quan họ kết nghĩa mới hát đối đáp với nhau. Nếu không cùng “bọn” kết nghĩa, các liền anh, liền chị chỉ có thể hát cùng nhau trong các cuộc vui ở hội làng.

“Làng Diềm xưa có nhiều “bọn” quan họ “kết chạ” (kết nghĩa) với làng Hoài Thị ở Tiên Du, nên thường tổ chức hát đối. Em với cô Thềm hợp giọng nhau, đủ chất vang, rền, nền, nảy nên ở trong một bọn”, chị Sang nói.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Sang giới thiệu về “cỗ ba tầng” quan họ.

Chia sẻ thêm về lề lối quan họ xưa, nghệ nhân Sang cho biết, mỗi “bọn” quan họ được lập sau một quá trình học hát dưới sự dìu dắt của các thế hệ đi trước. Tùy vào thứ tự nhập bọn trước sau, họ sắp xếp nghệ danh của mình bằng tên anh Cả, anh Hai, anh Ba… hay chị Cả, chị Hai, chị Ba… Rồi tùy vào chất giọng, lại phối hợp với nhau thành từng cặp hát, một người hát dẫn, một người hát luồn. Sau khi đã hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết, “bọn” quan họ mới bắt đầu đi tìm nhóm “kết chạ”. Nguyên tắc “kết chạ” là “bọn” nam bao giờ cũng phải chủ động tìm đến “bọn” nữ và hai “bọn” kết nghĩa không được cùng làng, tuổi tác không quá chênh lệch… Sau khi được các cụ nghệ nhân có uy tín ở làng công nhận mối quan hệ, hai bên mới tổ chức những canh hát đối đáp trong một không gian gọi là “nhà chứa”.

“Khi hát, nam nữ không ngồi đối diện nhau như bây giờ mà ngồi ở hai gian nhà khác nhau. Ánh sáng chỉ có một chiếc đèn dầu nên hai bên không nhìn rõ mặt nhau. Nhưng ngay cả khi đó, các liền anh liền chị vẫn phải ngồi nghiêng, không nhìn thẳng vào người hát đối và luôn lấy tay che miệng khi hát”, nghệ nhân Sang mô tả.

Điểm đặc biệt là các liền anh liền chị đi hát quan họ để “chơi” chứ không phải để tìm bạn đời. Các liền anh, liền chị đã kết nghĩa với nhau thì không được phép lấy nhau. Người quan họ kết nghĩa coi nhau như anh em thân tộc nhưng mối quan hệ của các “bọn” quan họ cũng hết sức đặc biệt. Trong giao tiếp, người quan họ gọi nhau bằng anh, bằng chị và xưng em, bất kể tuổi tác. Cách xưng hô này là một nét văn hóa độc đáo và được coi như một phần trong phép ứng xử của người quan họ.

Không gian quan họ cổ

Cùng với niềm đam mê quan họ, hai nghệ nhân Nguyễn Thị Sang và Nguyễn Thị Thềm đã thành lập bảo tàng – thư viện quan họ Sang Thềm để lưu giữ, bảo tồn những giá trị quan họ. Từ năm 2010, hai chị đã đến các gia đình trong làng xin, mua hoặc đổi những bộ quần áo, khăn vấn, giày dép của liền anh, liền chị thế hệ trước; sau đó hai chị đến cả những làng quan họ cổ khác để sưu tầm. Rồi biết tin, nhiều người cũng xin góp sức.

Đến bây giờ, thư viện quan họ đã có hàng trăm đầu sách, hơn chục bộ trang phục cùng nhiều loại giày dép, khăn vấn và các vật dụng truyền thống khác liên quan đến những canh hát quan họ. Hướng đến việc bảo tồn, phục dựng quan họ gốc nên hai nghệ nhân cố gắng sưu tầm những hiện vật “nguyên bản” nhất. Hiện trong bộ sưu tập có những bộ quần áo quan họ tuổi đời tới hơn 70 năm với kiểu dáng và chất liệu mà ngày nay rất khó phục dựng được.

Với sự am hiểu sâu sắc về quan họ, nghệ nhân Sang giới thiệu rằng, bộ trang phục hoàn chỉnh của liền chị xưa gồm chiếc yếm sồi, chiếc bao thắt ngang lưng màu hồng hoặc xanh, khăn vấn tóc. Thêm nữa là một chiếc áo cánh trắng cộc, áo cánh gụ dài tay và áo dài 5 thân cùng chiếc váy. Một vật dụng không thể thiếu là chiếc dây bằng sồi để đeo xà tích, trong xà tích có con dao nhỏ, vôi, trầu cau, kim chỉ. Trầu cau là để ăn, còn kim chỉ là phòng trường hợp áo xổ chỉ sẽ có đồ khâu lại luôn.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Sang và bộ trang phục hát quan họ xưa cùng với chiếc xà tích làm bằng bạc.

“Người không biết nhìn vào quần áo quan họ ngày nay thấy có vẻ cũng cổ nhưng thật ra khác nhiều so với trước. Trong đó rõ nhất là không còn chiếc xà tích và cách phối hợp trang phục, phối màu. Ngoài ra, chất liệu may trước đây chủ yếu là sồi, sa tanh, lụa tơ tằm hoặc bình dân hơn thì là vải gụ nâu”, nghệ nhân Sang giải thích.

Trong khuôn viên bảo tàng – thư viện chừng hơn 30m2, ngoài những bộ trang phục xưa, những chiếc dây xà tích và những đôi hài, đôi dép mũi cong, dép xỏ ngón đậm chất quan họ thì còn có rất nhiều vật dụng khác phục vụ cho các canh hát quan họ. Chỉ vào chiếc mâm gỗ mộc, nghệ nhân Sang giải thích: “Nói quan họ cỗ ba tầng không phải món ăn xếp cao ba tầng để hiểu là cỗ sang trọng, nhiều món đâu mà ngược lại, cỗ quan họ chỉ vừa đủ. Trong lòng mâm bày 4 bát nấu trong đó thường gặp nhất là miến măng; vành mâm sẽ bày những món như thịt gà, giò và phía ngoài vòng quanh mâm sẽ bày xôi chè, bánh trái, vậy là đủ ba tầng”. Mâm cỗ ba tầng chính là để các liền anh, liền chị dùng bữa giữa những canh hát thâu đêm suốt sáng.

Thấy khách để ý đến chiếc nồi đồng, mấy chiếc bát chiết yêu, cơi trầu, bình vôi, đèn bão… nghệ nhân Sang “khoe” rằng, hiện các chị đã sưu tầm được đủ bát đĩa, đồ dùng cho 10 mâm cỗ quan họ. Cùng với các hiện vật khác, giờ đây, bảo tàng – thư viện quan họ có thể tổ chức những canh hát đúng nguyên bản phong cách xưa.

“Tới đây, sau khi chính thức ra mắt, “chúng em” sẽ tổ chức những buổi giao lưu quan họ tại đây theo đúng lối cổ, mỗi tháng độ một hai buổi. Gìn giữ, bảo tồn thì đã đành rồi, “chúng em” làm vậy còn để thỏa đam mê”, nghệ nhân Nguyễn Thị Sang chia sẻ.

Theo Công luận

https://congluan.vn/chat-quan-ho-nguyen-ban-tai-bao-tang-tu-nhan-sang-them-post194126.html

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ