Hiện nay, nhiều lễ hội truyền thống ở các địa phương đã được tổ chức trang trọng và thiết thực, khơi dậy những giá trị văn hóa tốt đẹp vốn có. Một số lễ hội mang sắc thái bạo lực, phản cảm cũng được chấn chỉnh. Tuy nhiên, theo bạn đọc phản ánh, tại một số lễ hội vẫn tồn tại những hành vi phản cảm như đốt quá nhiều vàng mã; các trò chơi dân gian bị núp bóng để đánh bạc; đặt tiền lễ vào tượng Phật; mua thuốc phiện để cúng lễ thánh, thần…
Hiện nay, nước ta có khoảng 8.000 lễ hội truyền thống. Trung bình mỗi ngày có khoảng 20 lễ hội và thời gian tổ chức thường tập trung những tháng đầu năm. Trong đó, không ít lễ hội bị thương mại hóa, lợi dụng để trục lợi. Qua đó, nhiều hành vi không đẹp, phản cảm cũng phát sinh tại các lễ hội gây bức xúc cho du khách đi trảy hội…
Vừa qua, tại công viên Thương Bạc (TP Huế, Thừa Thiên – Huế) diễn ra lễ hội chọi gà năm 2019, thu hút hàng trăm du khách tham gia. Ðây là một trò chơi dân gian mang đậm tinh thần thượng võ và thể hiện ước vọng ấm no, hạnh phúc của cha ông ta. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức chọi gà, nhiều người đã tham gia cá độ và đặt cược với số tiền lớn. Kết thúc mỗi trận đá gà người mất ít thì năm đến bảy triệu đồng, mất nhiều thì hàng chục triệu đồng. Ðể tiện thanh toán và che mắt các cơ quan chức năng, những người cá độ thường cam kết bằng hình thức viết ra giấy hoặc vào bàn tay.
Tại xã Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ), vừa qua có rất nhiều du khách đổ về xã để tham gia Hội phết Hiền Quan năm 2019. Ðể ngăn chặn tình trạng đánh nhau khi tranh cướp phết như các năm trước, Ban tổ chức lễ hội đã ban hành thể lệ đánh phết và tăng cường bảo đảm an ninh – trật tự.
Khi những quả phết vừa được đưa vào sân đánh thì hàng trăm người đã lao vào tranh giành nhau để cướp phết, tạo nên cảnh tượng hỗn loạn. Trước đề nghị của lãnh đạo xã Hiền Quan, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ yêu cầu tạm dừng phần tranh cướp phết tại Hội phết Hiền Quan do có những vi phạm thể lệ đánh phết.
Mới đây, nhiều bạn đọc phản ánh khi đi lễ chùa Bà Ðanh, ở xã Ngọc Sơn (Kim Bảng, Hà Nam) phải mua vé. Tại chùa Ðồng ở Khu di tích Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh), nếu du khách đi từ tỉnh Bắc Giang sang tỉnh Quảng Ninh thì cũng phải mua vé. Việc làm này khiến nhiều người dân địa phương và du khách bất bình.
Anh Nguyễn Văn Trường, ở huyện Thường Tín (Hà Nội), chia sẻ: Ngày 9-2, cả gia đình tôi đi lễ chùa Bà Ðanh. Trên đường vào chùa thì gặp một trạm thu phí, bán vé. Giá vé dành cho người lớn là 30.000 đồng/người; 10.000 đồng/ trẻ em; người già và người khuyết tật là 15.000 đồng/người.
Trong khi đó, sau ngày khai hội chùa Hương (Mỹ Ðức, Hà Nội), lực lượng Công an TP Hà Nội đã phát hiện, xử lý nhiều đối tượng có hành vi chèo kéo, gây phiền hà các du khách đi lễ chùa… Ðiển hình, ngày 11-2, các đối tượng Nguyễn Văn Thắng, Bùi Quang Thắng, Lê Cao Thức,… đều ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Ðức, Hà Nội, đã bị bắt quả tang vì có hành vi chèo kéo, bám theo xe chở khách đi lễ chùa Hương.
Du khách có thể bắt gặp những hành vi phản cảm khác như đốt quá nhiều vàng mã ở đền Bà Chúa Kho (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh); đặt thuốc phiện lên các mâm lễ tại đền Bảo Hà (Bảo Yên, Lào Cai); tiền lễ được gài vào tay, chân… tượng Phật tại chùa Bái Ðính (Gia Viễn, Ninh Bình); xả rác bừa bãi hay mặc quần áo không phù hợp khi đi lễ chùa Hương (Mỹ Ðức, Hà Nội)…
GS, TS Bùi Xuân Ðính, Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), cho biết, những hành vi không đẹp, phản cảm trong một số lễ hội truyền thống xuất phát từ những nhận thức sai, lệch lạc của một bộ phận đông những người đi dự hội không hiểu những nguyên tắc tối thiểu của việc đi lễ ở từng loại di tích.
Một số đông người thì “cuồng tín”, tham vọng quá lớn trong cầu tài, cầu lộc. Bên cạnh đó, nhiều người do ham mê cờ bạc, muốn làm giàu nhanh, cho nên đã sa đà vào các trò chơi dân gian bị biến tượng như chọi gà, chọi chim… tại các lễ hội. Về việc thu tiền vé của những người vào lễ chùa Bà Ðanh (Kim Bảng, Hà Nam); chùa Ðồng, ở Khu di tích Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh)… có nguyên nhân từ vụ lợi cá nhân để bắt chẹt người đi lễ chùa.
Cũng theo PGS, TS Bùi Xuân Ðính, để khắc phục những hiện tượng nêu trên, trước hết, những người am hiểu về văn hóa, tín ngưỡng dân gian trong các gia đình, các dòng họ cần tăng cường tuyên truyền, giải thích cho người thân về ý nghĩa của việc cầu cúng tại các di tích, trong lễ hội. Ðồng thời, mỗi du khách khi tham quan di tích và lễ hội phải có một tâm thế, một tư cách đàng hoàng, đúng mực và đúng nghi thức.
Chính quyền các địa phương có di tích, lễ hội cần đẩy mạnh tuyên truyền về quy định tham quan, lễ bái tại di tích, nhất là các hành vi bị cấm, bằng nhiều hình thức: Phát loa, tờ rơi; có quy chế phạt và thực hiện nghiêm việc xử phạt đối với những hành vi nhét tiền vào tay, chân tượng Phật; tổ chức các trò chơi cờ bạc trong lễ hội… Bởi, nếu không xử phạt nghiêm thì không thể ngăn chặn những hành vi phản cảm.
Theo Nhandan