Cha mẹ sinh thân, thầy tạo linh hồn

17:28 | 27/10/2021

Con người có 3 sinh mệnh, một là sinh mệnh do cha mẹ sinh ra, hai là sinh mệnh do người thầy tạo ra, ba là sinh mệnh do tự mình lập nên. Cha mẹ sinh thân này, thầy cô tạo linh hồn này, sau đó tự mình lập mệnh này. Cho nên người làm thầy chẳng khác nào cha mẹ tái sinh, một ngày làm thầy cả đời làm cha. Vậy nên thời xưa mới gọi thầy là Sư phụ (thầy cha).


Trong chữ “Sư 師” (thầy) thì có chữ “Soái 帥”. Chữ Soái bên trái là binh phù, một tín vật thời xưa để kiểm nghiệm binh quyền và quyền điều binh khiển tướng thật giả, đúng sai. Một người hai tay cầm bảo kiếm, có binh phù, biểu thị là bậc quan võ tối cao. Chữ Soái mà thêm một thanh ngang “一” thì thành chữ “Sư 師” (thầy). Ý nghĩa của chữ Sư biểu thị rằng đối với học trò thì địa vị của người Thầy còn cao hơn cả vị thống soái tối cao nhất.

Người làm thầy là người truyền đạo, truyền nghề và hoá giải những điều còn mê hoặc cho học trò. Bởi lẽ thầy luôn là người đức độ, lấy mình làm gương để cảm hoá và giáo dục học trò, giáo hóa vạn dân.

Trong cuốn “Thượng Thư Chính Nghĩa – Thái Thệ” chép rằng: Người trị vì bách tính được gọi là “Quân” (quân vương), người giáo hoá vạn dân, truyền đạo, hoá giải mê hoặc được gọi là “Sư” (thầy). Trong vương triều ngay cả bậc quân vương cũng vẫn có thầy. Mục đích lập quân vương, lập thầy giáo là để thuận theo thiên ý, trợ giúp thiên thượng bảo vệ, chăm sóc cho lê dân bách tính trong thiên hạ.

Những người làm thầy trong thiên hạ cần quản thúc việc truyền dạy đạo lý của mình theo tiêu chí: “Vì trời đất mà lập tâm, vì dân sinh mà lập mệnh, vì thánh nhân xưa mà kế tục tuyệt học, vì vạn đại mà khai mở thái bình”. Học trò hiền đức khắp thiên hạ cũng là đại công đại đức của người làm thầy vậy.

Một trong những người thầy đúng nghĩa phải kể tới ở nước ta là thầy Chu Văn An. Thầy đã dày công truyền bá, giáo dục học trò cho đất nước. Vì tài năng và đức độ của thầy, vua Trần Minh Tông đã mời thầy ra làm Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám và dạy học cho thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông tương lai.

(Ảnh: Davidhealy, Wikipedia, CC BY-SA 1.0)

Học trò của thầy Chu Văn An có rất nhiều người làm quan to trong triều, vô cùng vinh hiển như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát… Tuy làm đại quan nhưng học trò của thầy đều biết đạo nghĩa, không vì danh cao lộc hậu mà khinh mạn, vẫn giữ lễ, khi đến thăm thầy thì lạy, được tiếp chuyện với thầy thì lấy làm vui mừng. Kẻ học trò nào xấu thì thầy nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào. Thầy là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt.

Sau khi thượng hoàng Trần Minh Tông mất, đất nước bắt đầu rối ren. Trong triều, gian thần lộng hành, kéo bè kết đảng. Vua Trần Dụ Tông thì “suốt ngày lo rượu chè, chơi bời, xây cung điện, đào hồ, đắp núi, rồi lại cho người giàu vào cung đánh bạc” (Việt Nam sử lược).

Lo lắng trước vận mệnh nước nhà, cảm thương cho muôn dân, thầy đã nhiều lần khuyên ngăn và dâng sớ chém 7 nịnh thần. Việc bất thành thầy cáo quan về quê dạy học, viết sách cho tới khi tạ thế.

Thầy được người đời sau ca ngợi như sao Đấu, sao Khuê.

Cao Bá Quát làm thơ về thầy Chu Văn An rằng:

Thất trảm yêu ma phải rợn lòng
Trời đất soi chung vầng hào khí
Nước non còn mãi nếp cao phong

Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng:

Những nhà nho nước Việt ta được dùng ở đời không phải không nhiều, nhưng kẻ thì chỉ nghĩ đến công danh, kẻ thì chuyên lo về phú quý, kẻ lại a dua với đời1, kẻ chỉ cốt ăn lộc giữ thân, chưa có ai chịu để tâm đến đạo đức, suy nghĩ tới việc giúp vua nêu đức tốt, cho dân được nhờ ơn. Như Tô Hiến Thành đời Lý, Chu Văn Trinh đời Trần, có lẽ gần được như thế. Nhưng Hiến Thành gặp được vua (sáng suốt) cho nên công danh, sự nghiệp được thấy ngay đương thời. Văn Trinh không gặp vua (anh minh) nên chính học của ông, đời sau mới thấy được. Hãy lấy Văn Trinh mà nói, thờ vua tất thẳng thắn can ngăn, xuất xử thì làm theo nghĩa lý, đào tạo nhân tài thì công khanh đều ở cửa ông mà ra, tiết tháo cao thượng thì thiên tử cũng không thể bắt làm tôi được. Huống chi tư thế đường hoàng mà đạo làm thầy được nghiêm, giọng nói lẫm liệt mà bọn nịnh hót phải sợ. Ngàn năm về sau, nghe phong độ của ông, há không làm cho kẻ điêu ngoa thành liêm chính, người yếu hèn biết tự lập được hay sao? Nếu không tìm hiểu nguyên cớ, thì ai biết thụy hiệu của ông xứng đáng với con người của ông. Ông thực đáng được coi là ông tổ của các nhà nho nước Việt ta mà thờ vào Văn Miếu.

Qua đó có thể thấy rằng người làm thầy, vai mang trọng trách, là rường cột, nguyên khí của quốc gia. Thầy tốt thì trò giỏi, thầy bất lương sẽ khiến đạo đức của xã hội bị trượt dốc, băng hoại, bởi cha mẹ sinh thân, thầy tạo linh hồn.

 

Theo VisionTimes

Video hay

Cùng chuyên mục

Từ “Giám đốc mê ca hát” đến sự nghiệp giảng dạy

Từ “Giám đốc mê ca hát” đến sự nghiệp giảng dạy

Vụ nữ Chủ tịch UBND huyện bị lừa đảo: Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc

Vụ nữ Chủ tịch UBND huyện bị lừa đảo: Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc

“Troussier Out!”

“Troussier Out!”

HÀ TĨNH: Việc “phát hiện” và di chuyển 41 sắc phong ra khỏi Chùa Am đã “hé lộ” nhiều vấn đề bất cập

HÀ TĨNH: Việc “phát hiện” và di chuyển 41 sắc phong ra khỏi Chùa Am đã “hé lộ” nhiều vấn đề bất cập

Chuyện về phát hiện 41 sắc phong ở Hà Tĩnh

Chuyện về phát hiện 41 sắc phong ở Hà Tĩnh

‘2 Phải 4 Không’ để phòng lừa đảo trực tuyến

‘2 Phải 4 Không’ để phòng lừa đảo trực tuyến

Lợi nhuận ‘khủng’ của cơ sở sản xuất sữa giả, bán online

Lợi nhuận ‘khủng’ của cơ sở sản xuất sữa giả, bán online

Ngài GURUJI SAGARRUMAGARMATHA

Ngài GURUJI SAGARRUMAGARMATHA

NGUỒN CỘI HÓA NHÂN

NGUỒN CỘI HÓA NHÂN