Mỗi lần có dịp ngang qua biệt thự 75 Phù Đổng Thiên Vương, Đà Lạt tôi đều dừng lại xem Phượng trắng thế nào. Đây là cây Phượng trắng duy nhất ở Việt Nam nở hoa. Cây này, do nữ tiến sĩ Hà Ngọc Mai mang từ Úc về trồng năm 1998, sau 10 năm thì nở hoa tuyệt đẹp. Phượng trắng nở giữa đại ngàn thông xanh, luôn làm ngất ngây người dân và du khách, bởi sức hút kỳ lạ, vẻ đẹp tinh khôi, sang trọng và độc đáo.
Tuần trước, bạn tôi ở Hải Phòng điện thoại vào bảo: “Mua giúp chục quả Phượng trắng gửi cho mình. Ngoài này rợp trời hoa Phượng đỏ, có thêm Phượng trắng sẽ thú vị lắm”. Hôm qua, tôi đến thăm gia đình TS Hà Ngọc Mai, nhưng chị đi vắng, chỉ gặp TSKH Trần Hà Anh – cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội. Tôi hỏi, chị Mai còn nhiều quả Phượng trắng không anh?
TS Hà Anh bảo, lát nữa nhà tôi về anh hỏi xem sao. Tôi quen TS Trần Hà Anh từ năm 1991, khi anh làm Viện trưởng Viện nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, trong một dịp giao lưu thể thao. Không ngờ, Nhà khoa học nổi tiếng ngành Hạt nhân này, chơi bóng bàn rất điệu nghệ và ấn tượng. Lối chơi của anh đậm phong cách Pháp lịch lãm và hoa mỹ. Nói chuyện một hồi, tôi xin phép ra chụp Phượng trắng, năm nay nở rất “sung”. Đang mải mê chụp ảnh, thì TS Ngọc Mai về. Tôi liền bảo, trời nắng đẹp mời chị chụp với Phượng trắng nghen?
Đó là người phụ nữ tóc bạc, phúc hậu, thông minh, cởi mở và thân thiện. Chúng tôi vừa chụp ảnh, vừa trò chuyện như người thân trong nhà. Tôi hỏi, nghe nói chị đi du học, rồi bén duyên với hoa và cao su? Bằng chất giọng Nam bộ trầm ấm, TS Ngọc Mai tâm sự, quê tôi ở Tiền Giang, từ nhỏ tôi đã yêu cây lúa và hoa trái quê mình. Năm 1954, được ba cho du học bên Pháp, từ lớp 6 đến cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ở Paris. Năm 1978, về nước cùng chồng là TS Trần Hà Anh.
Chúng tôi muốn mang kiến thức học được để góp phần dựng xây đất nước. Tôi làm việc ở Viện nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt (từ 1978 đến 1983), đã kêu gọi bạn bè ở nước ngoài giúp đỡ, để xây dựng Phòng nuôi cấy mô, nhân giống nhiều loài hoa Địa lan quý hiếm cho Đà Lạt, bằng công nghệ Invitro. Rất vui, vì người dân Đà Lạt đã đặt tên một loài địa lan tôi mang từ nước ngoài về, và nhân giống thành công là “Lan đỏ Ngọc Mai”.
Sau này vì hoàn cảnh gia đình, tôi xin chuyển về Viện Nghiên cứu Cao su Miền Nam. Hơn 10 năm ở đó, tôi đã nhân giống một số loài cao su năng suất cao, kháng bệnh tốt, thích hợp với khí hậu thổ nhưỡng Việt Nam. Chắc chị đào tạo nhiều trò giỏi – tôi tò mò? Chị bảo, tôi hướng dẫn thực tập cho nhiều sinh viên về nuôi cấy mô. Trong đó, người đầu tiên là TS Nguyễn Tiến Thịnh, người cuối cùng là GS.TS Dương Tấn Nhựt – hiện là Viện phó Viện Sinh học Tây Nguyên. Chị là tác giả Phượng tím thế hệ 9X à – tôi hỏi tiếp? TS Ngọc Mai bày tỏ, tôi yêu Đà Lạt và nặng nợ với thành phố này.
Được biết, năm 1962 Kỹ sư Lương Văn Sáu người Đà Lạt (tốt nghiệp tại Pháp) nhờ bạn nước ngoài gửi về mấy quả Phượng tím. Ông ươm trồng và sống được 3 cây (chợ Đà Lạt, Thủy Tạ và Bích Câu) nở hoa rất đẹp, nhưng không đậu quả và khó nhân giống. Tôi trăn trở hoài. Năm 1995 sau khi nghỉ hưu, tôi sang Úc thăm con gái, thấy nhiều đường phố, công viên Phượng tím nở đẹp vô cùng. Tôi liền xin cán bộ sở tại, một số quả Phượng tím mang về Đà Lạt ươm được hơn 3.000 cây “phủ sóng” toàn thành phố. Không ngờ, 5 năm sau Phượng tím nở tím trời Đà Lạt, đẹp nao lòng. Điều đặc biệt là, do số lượng nhiều, trồng sát nhau, được lai chéo nên Phượng tím Đà Lạt (thế hệ 9X và cả 6X) đều đậu quả. Khi quả chín vỏ khô giòn mới thu hoạch, tách lấy hạt ươm-trồng, cây con khỏe mạnh, lớn nhanh, khoảng 5 tuổi thì nở hoa đồng loạt.
Còn sự tích cây Phượng trắng – thưa chị? Với niềm vui không giấu nổi, chị tâm sự, năm 1998 tôi sang Úc du lịch và thăm cháu ngoại mới sanh. Ngày gần về, tôi đến thăm vườn ươm một người Úc, tôi hỏi anh ta, có cây gì lạ, quý hiếm không? Anh ta bảo, có cây Phượng trắng này quý lắm, mọc hoang trong rừng, cao 30cm, chưa có hoa. Tôi bán tín bán nghi, đành liều mua với giá 25 đôla, hy vọng “nó” sẽ nở hoa trắng như anh ta nói.
Bay về Sài gòn lúc nửa đêm, tôi liền bắt xe lên Đà Lạt ngay, để hôm sau trồng Phượng trắng, vì sợ “nó” chết. Trồng, chăm sóc, nâng niu, theo dõi, ghi chép Phượng trắng như chăm con nít. Chờ đợi, hy vọng mãi, đến năm thứ 5 thì “nó” nở 1 chùm bé tẹo mầu trắng. Chúng tôi mừng rỡ như trúng số độc đắc. Lại chăm sóc, chờ đợi, kiểm chứng. Năm thứ 6 trở đi, mỗi năm “nó” nở càng nhiều chùm hoa trắng muốt, tinh khôi như áo trắng học trò.
Đặc biệt, từ năm thứ 10 đến nay “nó” nở sung lắm, luôn làm ngạc nhiên, thích thú những ai nhìn thấy. Tôi gom hết từng quả (được ít lắm), ươm trồng thêm và tặng bạn bè cho “nó” con đàn cháu đống. Nhưng đến nay, “Phượng trắng con” chưa chịu ra hoa. Tôi đang nhờ TS Nguyễn Thành Mến ở Viện Lâm nghiệp Tây Nguyên, tìm cách nhân giống bằng kỹ thuật ghép từ “Phượng trắng mẹ” này. Phượng trắng (tên khoa học White Jacaranda) là loài cây thân gỗ, trồng bằng hạt, 10 tuổi cao khoảng 10m, tán lá rộng 5m, thường nở hoa vào mùa xuân (từ tháng 1 đến tháng 4), hoa hình ống dài 5cm, nở từng chùm màu trắng muốt, chi chít hoa thật dễ thương. Khi hoa rụng, trên mặt đất tạo thành một thảm hoa trắng rất bắt mắt.
Lúc chia tay, lòng tôi trào dâng niềm tự hào và khâm phục, bởi tình yêu của gia đình TS Hà Ngọc Mai với quê hương, đất nước thật sâu nặng. Tôi càng xúc động hơn, khi chị tặng 2 cây “Phượng trắng con” với lời nhắn, về trồng 1 cây ở vườn nhà, còn 1 cây gởi tặng bạn ở Hải Phòng nha. Cùng với muôn loài hoa khác, Phượng tím và Phượng trắng đã làm nên thương hiệu “Đà Lạt – Thành phố Festival Hoa Việt Nam”! (đính kèm 8 ảnh)
—
Hà Hữu Nết