CÂU CHUYỆN PHẠM DUY Ở ĐÀ NẴNG

19:19 | 24/02/2024

                                                                                  TRẦN TRUNG SÁNG 

“… Khi người ta cố giữ giọt nước mắt trong lòng hay để nó lăn dài trên má; khi người ta cười nụ nhỏ hay cất tiếng hát to; khi người ta quỵ ngã hay lúc hăng hái dấn bước trên đường…, người ta thường nhớ riêng cho mình một câu hát của Phạm Duy”. Nhà thơ Nguyễn Đình Toàn đã viết như vậy trong một tản văn khi nhắc về người nhạc sĩ tài năng mà ông yêu quý. Điều đó, quả nhiên không quá lời. Bởi với hàng ngàn ca khúc để lại cho kho tàng âm nhạc Việt Nam, Phạm Duy đã dành được vị trí độc tôn khó ai có được. Ông thực sự trở thành thần tượng của công chúng – một thần tượng với đầy đủ số phận vinh quang và bi kịch… Chính vì vậy, trong suốt quá trình hoạt động nghệ thuật của Phạm Duy đã xảy ra không ít những giai thoại thú vị.

Nhạc sĩ Phạm Duy, nhà văn Dương Nghiễm Mậu, nhà điều khắc Phạm văn Hạng bên cạnh tượng chân dung Phạm Duy

Chúng ta đã từng nghe nhà thơ Linh Phương – tác giả bài thơ “Để trả lời một câu hỏi” được Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc Ký vật cho em kể lại xì-căng-đan của báo chí Sài Gòn một thời xôn xao về tác phẩm này; nhà thơ Nguyễn Đắc Xuân tác giả bài thơ Để lại cho em (cũng do Phạm Duy phổ nhạc) vào Sài Gòn lánh nạn chính trị tại nhà người tình Phạm Duy; rồi đến ký ức lần đầu gặp Phạm Duy của Miên Đức Thắng, Vũ Hữu Định…, nhưng thú vị nhất là câu chuyện về những “xung đột” của ông với SVHS miền Nam thời kỳ trước 1975.

Vào ngày 6-6-1971, tại Trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn, phong trào Tự trị Đại học đã tổ chức buổi nói chuyện về đề tài “Phạm Duy đã chết như thế nào?” do diễn giả Nguyễn Trọng Văn trình bày ( tài liệu này cũng được in thành quyển sách cùng tên do Văn Mới ấn hành). Theo ký giả Lô- Răng, vào lúc ấy, nhiều nữ sinh viên ngang qua sân trường nhìn thấy tấm băng rôn giới thiệu chương trình này đã bĩu môi nói: “Phạm Duy sức mấy mà chết!”. Điều đó, đã thể hiện rằng: người ta vẫn yêu mến ông biết bao! Họ đã không chọn nhà thơ, nhà văn, hoạ sĩ… nào khác, mà chọn Phạm Duy, là vì ông có một chỗ đứng rất cao trong tâm trí họ. Họ muốn ông mãi mãi là một “trí thức tiêu biểu”, người “tham gia kháng chiến bên cạnh những lực lượng yêu nước khác”, hơn thế là “một niềm hãnh diện”. Cũng sau khoảng mốc thời gian đó không lâu, khi cuộc chiến tranh ngày một diễn ra với cường độ một khốc liệt, giới trẻ miền Nam đang đòi hỏi Phạm Duy cũng như lớp trí thức trên thể hiện vai trò trách nhiệm rõ rệt hơn, thì ông có chuyến viếng thăm và hát nhạc tại Đà Nẵng theo một chương trình tài trợ của Hội Việt Mỹ. Tại đây, nghe đâu đầu tiên Phạm Duy sẽ xuất hiện ở trường Trung học Phan Chu Trinh theo sự sắp xếp của Đại tá Thị trưởng Nguyễn Ngọc Khôi. Nhưng sau đó lại chuyển sang bên Nữ trung học Hồng Đức. Cuộc biểu diễn đã thu hút đông đảo lượng khán giả hâm mộ, đến mức học sinh các trường về tụ tập đứng tràn ra ngoài đường Thống nhất (Lê Duẫn bây giờ). Trong khi ông đang hào hứng hát một số bài du ca lời Anh – Việt cùng với một người Mỹ thì bất ngờ từ phía khán giả ồ ạt ném lên sân khấu loạt bom trứng gà và cà chua . Mặc dù, có hàng rào an ninh cảnh sát chìm, cảnh sát nổi, nhưng sự việc đã không xảy ra xô xát hoặc can thiệp quá đáng, bởi vì nguyên nhân được Ban tổ chức đánh giá dẫn đến từ sự bốc đồng của học sinh.

Câu chuyện gây xôn xao một thời kỳ rồi lãng quên. Điều thú vị, vào khoảng sau năm 2005, sau khi chính thức về sinh sống tại Việt Nam, trong một vài lần đầu tiên trở lại Đà Nẵng, đôi lần Phạm Duy nói với Phạm văn Hạng (người đã tạc ông bức tượng chân dung mà ông yêu thích nhất): “Đến Đà Nẵng tôi rất thích gặp lại một người: đó là cậu học trò ngày xưa đã ném trứng tôi ở trường Nữ trung học Hồng Đức”. Ông Hạng nghe qua, rồi cũng nói lại vu vơ với chúng tôi mỗi lần tán gẩu cà phê, bởi vì không biết cậu học trò ấy bây giờ ở đâu? Hơn nữa, Phạm Duy vẫn phải rất bận rộn với các buổi hát thính phòng trong thời gian ngắn hạn như vậy. Sự thực, người học trò ngày ấy tên Trung, hiện vẫn sinh sống tại Đà Nẵng bán một quán cà phê vỉa hè ở đường Hoàng Diệu. Tôi kể lại Trung nghe câu chuyện này và muốn hỏi: nếu gặp lại Phạm Duy, anh có hình dung được, ông ta và anh sẽ nói nhau điều gì? Trung cười hì hì, không hình dung được, nhưng điều chắc chắn, sẽ yêu cầu ông ta ôm đàn hát một bản tình ca…

Nhạc sĩ Phạm Duy bên cạnh tượng chân dung chính mình do Phạm văn Hạng thực hiện

Trả lời phỏng vấn báo chí trước lúc qua đời, Phạm Duy nói: “Sống rất phóng túng và nhất là sống trong một thời đại rất náo động thì – hoặc ít hay nhiều – tôi có thể đã làm nên những điều lầm lỗi. Tôi rất muốn được xin lỗi nhiều người”. Ông cũng giải thích sự trở về của mình: “Tôi về đây không phải là tôi đi tìm danh vọng, hay tôi tìm đồng tiền kinh tế. Không phải. Tôi về đây là vì tôi yêu nước thôi. Mà tôi phải về vì người già nào cũng muốn chết ở quê hương của mình, thế thôi”.  Và giờ đây, những ngày này, khi nghe tin Phạm Duy vĩnh viễn ra đi ( GC: bài viết thực hiện sau khi PD qua đời ngày 27/1/2013), hẳn rằng từ cô sinh viên trong sân trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn đến cậu học trò ném trứng ở trường Nữ Trung học Hồng Đức Đà Nẵng ngày nào…cùng những người từng say mê hoặc oán trách hờn giận ông, chỉ còn lại trong tim nỗi tiếc thương về người nhạc sĩ đã viết nên những khúc hát tuyệt vời: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi/ Mẹ hiền ru những câu xa vời/ À à ơi! Tiếng ru muôn đời/ Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui/ Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi/ Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi/ Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi” (Tình ca)./.

Box:

Nhạc sĩ Phạm Duy tên thật Phạm Duy Cẩn, sinh ngày 5/10/1921 tại Hà Nội. Ông được xem là một cây đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam với hơn bảy thập niên hoạt động âm nhạc, để lại một khối lượng đồ sộ với gần một nghìn tác phẩm âm nhạc, trong đó có rất nhiều ca khúc có giá trị rất lớn với sự phát triển của tân nhạc Việt Nam. Sau 1975, nhạc sĩ Phạm Duy định cư tại Mỹ, đến 2005, chính thức trở về Việt Nam sinh sống tại TP HCM. Tính đến nay, những ca khúc được cấp phép của nhạc sĩ Phạm Duy tại Việt Nam khoảng gần 60 bài, chưa kể những sáng tác mới của ông như 10 bài Hương ca, 10 bài phổ nhạc từ thơ Bích Khê đang trong quá trình xin giấy phép. Ông mất vào ngày 27/1/2013, ở tuổi 93.

Cùng chuyên mục

TRỊNH CÔNG SƠN – HÀ THỊ CẦU, HAI KẺ HÁT RONG VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC!

TRỊNH CÔNG SƠN – HÀ THỊ CẦU, HAI KẺ HÁT RONG VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC!

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Tượng đài N’Trang Lơng – Niềm tự hào của người dân Đắk Nông

Tượng đài N’Trang Lơng – Niềm tự hào của người dân Đắk Nông

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Ngôi làng 600 năm tuổi với 3 di sản Ký ức thế giới

Ngôi làng 600 năm tuổi với 3 di sản Ký ức thế giới

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê