“Yêu cầu làm rõ và giải trình nghiêm túc tại sao tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi trị giá 34.000 tỉ vừa làm xong đã xuống cấp. Từ lâu, tình trạng dự án làm rất lâu xuống cấp quá nhanh đã là nỗi ám ảnh không chỉ với dân chúng…”- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bà Lê Thị Nga lên tiếng.
Thứ trưởng Giao thông chê cao tốc 34.000 tỷ làm ‘không đến nơi đến chốn’
Cao tốc 34.500 tỷ Đà Nẵng – Quảng Ngãi vừa vá xong lại thủng
Cao tốc: Làm thì quá lâu, xuống cấp thì quá nhanh
Từ lâu, không chỉ cao tốc này mà nhiều công trình hạ tầng, dự án khác đã gặp phải những điều tồi tệ tương tự. Có nơi chưa làm xong đã phải sửa hoặc không sử dụng được và những đống tiền từ mồ hôi nước mắt của người dân xem như bỏ đi! Hàng ngàn tỉ đồng, thậm chí hơn gấp nhiều lần như thế cuối cùng chỉ đổi lại sự bức xúc và cả phẫn nộ.
Làm sao có thể im lặng khi cao tốc hơn 1,6 tỉ USD, trong đó vốn vay nước ngoài gần một nửa lại có thể “ hỏng do trời mưa”? Điều gì khiến dư luận bình tĩnh lúc người ta mặc quần đùi, xỏ dép tổ ong cầm búa vá mặt đường như sửa sân chơi ở nhà?
Cần có thái độ xem xây dựng công trình công cộng phải như làm nhà mình, tiền thuế của dân cũng là tiền túi, dự án ấy nếu có sự cố thì tai nạn có thể rơi vào chính những kẻ làm ẩu, ăn bớt… thì mới giảm thiểu được hư hỏng và “ làm nhanh nhưng rất lâu xuống cấp. Một khi quá hiếm người tự giác với tư duy trên, có lẽ chế tài, quy trách nhiệm và xử lý đến nơi đến chốn sẽ bớt dần những quanh co, biện hộ hay chối tội.
Bà Nga đề nghị Chính phủ cần làm rõ chất lượng các công trình hạ tầng nói chung, và các công trình giao thông nói riêng. Đặc biệt, hiện có nhiều công trình, trong đó có các công trình giao thông xuống cấp rất nhanh. Bà đặt câu hỏi tại sao công trình “làm thì lâu mà xuống cấp rất là nhanh”?
Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang ở TPHCM từ 60 tỉ đội vốn lên 132 tỉ và giờ đây không thể dùng được vì những lỗi cực kì khó chấp nhận như thiết kế sai, thi công không đúng, nhiều hạng mục không phù hợp là một ví dụ điển hình.
Câu chuyện trên là vấn đề nhức nhối lâu này không chỉ của nhiều ĐBQH, các cấp lãnh đạo mà cả đại đa số người dân. Tiền Nhà nước phải được xem trọng, chắt chiu của dân cần được trân quý và nhất là kỷ cương, phép nước trong xây dựng hạ tầng, đầu tư công bắt buộc phải lặp lại, giữ vững.
Điều đó phải làm càng sớm càng tốt, càng nhanh và rốt ráo càng đáng mừng vì không thể cứ trêu ngươi mãi với những ngôn từ “năng lực yếu, chưa có kinh nghiệm, tại thời tiết, do biến đổi khí hậu, vì mưa bão…”. Tư duy này chẳng riêng với xây dựng hạ tầng, làm dự án mà nhiều lĩnh vực khác nếu vẫn không thay đổi thì mọi thứ sẽ xuống cấp rất nhanh, kể cả lòng tin…
ANH ĐÀO/Báo LĐ