Cục An toàn thực phẩm vừa đưa ra cảnh báo người dân cẩn trọng trước việc nhiều website, trang mạng xã hội quảng cáo và bán các sản phẩm tự quảng cáo là Thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe hậu Covid-19.
Qua công tác hậu kiểm của Cục An toàn thực phẩm và phản ánh của một số cơ quan báo chí, hiện nay, lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân về các vấn đề hậu Covid-19, nhiều website, trang mạng xã hội quảng cáo và bán các sản phẩm tự quảng cáo là thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Cụ thể như theo thông tin báo chí phản ánh, thời gian gần đây có “nhiều thực phẩm chức năng được quảng cáo phòng, hỗ trợ COVID-19 như tăng sức đề kháng, tăng miễn dịch, thải virus, bổ phổi,… thực phẩm chức năng “thanh lọc phổi” của Nhật, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nga,… được giao bán trên các chợ thuốc online có giá từ vài trăm nghìn đến tiền triệu.
Các rao bán này đều quảng cáo thực phẩm chức năng bổ phổi, thải độc phổi “thần thánh” như thuốc chữa bệnh: Chữa xơ phổi, xẹp phổi, giãn phế quản, liệu trình có một không hai giúp tăng cường hệ miễn dịch…”.
Trước thực trạng trên, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tránh mua, sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc, không có tổ chức, cá nhân công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm tại Việt Nam, không tuân thủ pháp luật Việt nam. Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân trước khi mua và sử dụng thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe cần chú ý:
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.
Theo Cục An toàn thực phẩm , Người tiêu dùng phải tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ: https://congkhaiyte.moh.gov.vn/, https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ và http://xacnhanquangcao.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm;
Người tiêu dùng cũng được khuyến cáo cần đọc kỹ nhãn sản phẩm. Trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có dòng chữ: “thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng, đối tượng, liều dùng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe;
Người tiêu dùng hãy chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng. Khi mua mua sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên.
Theo Công luận
https://congluan.vn/canh-bao-ve-quang-cao-thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-thuc-pham-chuc-nang-hau-covid-19-post194193.html