Trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước được cả xã hội quan tâm, bởi vậy, bất cứ hành vi nào gây nguy hại cho các em phải xử lý nghiêm minh, đủ tính răn đe.
Từ ngày 18/3, Bắc Ninh bắt đầu tổ chức lấy mẫu máu xét nghiệm sán lợn tại địa phương cho trẻ theo học tại 19 trường mầm non và tiểu học đóng trên địa bàn 18 xã, thị trấn tại huyện Thuận Thành.
Tuy nhiên, một phụ huynh đến từ xã Song Hồ (huyện Thuận Thành) cho phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam biết, ngày 20/3 vẫn có nhiều phụ huynh đưa con đến Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương làm xét nghiệm tìm sán lợn.
Chính phụ huynh này cho con đến viện làm xét nghiệm lại sau khi được bác sĩ cho về nhà sau 2 tuần quay lại, nhưng vì quá lo lắng trước việc con ăn gì cũng nôn, chị H. phải bỏ công bỏ việc đưa con đi làm xét nghiệm lại.
Đến cuối ngày 20/3, chị H. nhận được kết quả con không chỉ nhiễm sán lợn mà còn nhiễm sán dây chó.
Gia đình muốn cho con nhập viện, nhưng viện không còn chỗ nên phải về nhà. Chị H. cho biết, ngày 21/3 lại đưa con sang viện khác với mong muốn được nhập viện vì quá lo lắng.
Tính đến nay đã hơn 200 trẻ có kết quả dương tính với sán lợn gạo, trong số những gia đình đưa trẻ đến làm xét nghiệm có một số trẻ bị nhiễm sán dây chó như ở xã Mão Điền (huyện Thuận Thành).
Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh và Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, cho biết:
2 cơ sở mà Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư tài chính Hương Thành nhập thịt được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm.
Thực tế vấn đề dư luận quan tâm đó chính là hai mẫu thịt ngày 14/2 và ngày 20/2 chỉ nhìn bằng mắt thường đã rùng mình lại không còn mẫu để kiểm nghiệm. Bởi vậy, không có cơ sở xét nghiệm số thịt lợn từ video được phát tán trên mạng xã hội ngày 22/2 vì lý do không còn mẫu.
Ngày 19/3, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng bày tỏ sự bức xúc nếu trẻ em – thế hệ tương lai của đất nước phải ăn thực phẩm bẩn, thực phẩm nhiễm sán lợn gạo như các phương tiện truyền thông đăng tải.
Ông Phạm Tất Thắng nhấn mạnh: “Vấn đề không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là một vấn nạn của xã hội trong thời gian qua. Chính vì vậy, Quốc hội có một chuyên đề giám sát tối cao cũng như có nghị quyết về nội dung này.
Qua vụ việc nhiều trẻ em tại nhiều trường khác nhau của huyện Thuận Thành bị nhiễm sán lợn nghi do nguồn thực phẩm không đảm bảo khiến dư luận hết sức bức xúc, bất bình.
Đối với lứa tuổi mầm non, thế hệ tương lai của đất nước thì việc chăm sóc mọi mặt cho các cháu, trong đó có mặt thể chất là trách nhiệm của xã hội, gia đình. Việc này cũng được các ban ngành rất quan tâm”.
Ông Phạm Tất Thắng chỉ ra: “Ở lứa tuổi mầm non các cháu chưa thể nhận thức những mối nguy hại đến sức khỏe từ bên ngoài, các cháu phụ thuộc hoàn toàn vào người lớn, vào nhà trường, xã hội.
Các cháu là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, bởi vậy các cháu sử dụng các nguồn thực phẩm không đảm dẫn đến nhiễm sán lợn gạo là điều rất đáng buồn.
Dư luận rất quan tâm và dõi theo vụ việc. Qua đó cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề an toàn thực phẩm nói chung, tại các bếp ăn nhà trường nói riêng”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội – ông Phạm Tất Thắng thẳng thắn cho rằng:
“Kết quả của vụ việc này như thế nào cơ quan chức năng sẽ vào cuộc làm rõ, tiêu cực hay không, vi phạm như thế nào các cơ quan cũng nên nhanh chóng kết luận để trả lời dư luận.
Tuy nhiên, không loại trừ có tiêu cực bởi đơn vị cung cấp thực phẩm cho 19 trường trên địa bàn mà nguồn gốc không đảm bảo trong đó thịt lợn nhiễm sán mà vẫn vào được bếp ăn của nhà trường cần phải làm rõ.
Trách nhiệm trước tiên, trực tiếp là của đơn vị cung cấp thực phẩm. Nếu quy được trách nhiệm đến mức độ nào sẽ phải xử lý thật nghiêm khắc để đủ sức răn đe”.
Cũng theo ông Phạm Tất Thắng, với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thực phẩm thì yêu cầu đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng đặt lên hàng đầu.
Đặc biệt, thực phẩm cung cấp cho bếp ăn của trường học phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ban giám hiệu cũng có trách nhiệm trong vụ việc này vì lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm. Hơn nữa, ban giám hiệu cũng phải giám sát nguồn thực phẩm đưa vào hàng ngày.
Nhà trường cũng liên đới trách nhiệm, về nguyên tắc nhà trường phải thường xuyên kiểm tra, không phải đơn vị cung cấp thực phẩm họ cung cấp thực phẩm kém chất lượng vẫn nhập.
Theo GDVN