Một nhóm các nhà khoa học Mỹ mới đây đã khám phá ra cách thức mà các biến thể Delta và Kappa “lẩn tránh” khả năng nhận diện của kháng thể, nhờ đó vượt qua miễn dịch do vắc-xin COVID-19 tạo ra. Kết quả nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí Science hôm 9/11 vừa qua.
Các nhà khoa học thuộc Trường Y, Đại học Washington đã lấy mẫu máu từ 37 người trong độ tuổi 22 – 66. Những đối tượng này đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin của hãng Moderna hoặc Pfizer-BioNTech, hoặc 1 liều vắc-xin của hãng Johnson & Johnson. Dữ liệu phân tích chỉ ra rằng biến thể Delta, Delta Plus và Kappa có thể làm giảm khả năng vô hiệu hóa virus của kháng thể do vắc-xin tạo ra.
Biến thể Delta Plus khiến cho kháng thể suy giảm mạnh nhất, ngoài ra, mức kháng thể trên khoảng 50% người tiêm vắc-xin Johnson & Johnson đã sụt giảm hoàn toàn trước các biến thể.
Các loại vắc-xin hiện nay chủ yếu tập trung vào gai glycoprotein trên bề mặt virus corona. Gai glycoprotein trên virus chứa đầu N-terminal giúp tăng khả năng bám dính vào tế bào, cùng một đầu liên kết thụ thể giúp virus liên kết với thụ thể ACE2 trên tế bào của vật chủ.
Đa phần kháng thể tạo ra bởi vắc-xin sẽ tấn công vào một số vị trí cụ thể của 2 đầu nói trên. Do đó, với các biến thể xuất hiện đột biến ở đầu N-terminal và đầu liên kết thụ thể (như đã xảy ra trên Delta và Kappa), thì kháng thể sẽ bị vô hiệu hóa.
Thông qua việc quan sát kỹ lưỡng cấu trúc lây nhiễm chính trên các biến thể, các nhà khoa học đã xác định được một kháng thể tên là S2X303, có hiệu quả trong việc vô hiệu hóa virus với khả năng tấn công nhiều biến thể.
Bằng cách tìm ra phương thức mà kháng thể này tương tác với đầu N-terminal trên virus, các nhà khoa học có thể xác định cách thức kháng thể tiêu diệt virus.
Theo Economic Times