Theo PGS.TS Bùi Hiền, cách đọc chữ công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại có đôi phần giống với cách đọc chữ cải tiến mà ông đề xuất mới đây.
Trên mạng xã hội những giờ qua đang trở nên ‘nóng’ bởi sự xuất hiện một clip được cho là cô giáo tiểu học dạy cách đánh vần Tiếng Việt theo công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Theo đó, cách đọc một số chữ như “Ki” đọc là: Cờ – i – ki; “Uôn” đọc là: Ua – nờ – uô; “Qua” đọc là: Cờ – oa – qua. Rất nhiều phụ huynh bày tỏ sự lo lắng vì sẽ rất khó dạy thêm con em mình ở nhà với kiểu đọc chữ này.
Bảng ghi âm và chữ Tiếng Việt theo công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Hiền – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Ông cũng chính là tác giả đưa ra đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ cách đây gần một năm cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận xã hội.
– Thưa PGS, về mặt cảm quan ông có nhận định như thế nào về cách đọc chữ cái Tiếng Việt theo công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại vốn được bàn luận nhiều giờ qua trên mạng xã hội?
Trước hết, về hệ thống âm vị của GS Hồ Ngọc Đại là hoàn toàn chính xác, đặc biệt là âm vị của người Hà Nội. Nghĩa là âm ‘a’ đọc là ‘a’; ‘ư’ thì đọc là ‘ư’; ‘ơ’ đọc là ‘ơ’; ‘k’ đọc là ‘ca’… Tức âm thì vẫn giữ nguyên như thế và ghi cũng tương tự như vậy.
Về chữ, thầy Đại vẫn không hề thay đổi chữ nào cả mà vẫn giữ nguyên hệ thống chữ để ghi các âm đó. Chỉ duy nhất có ‘bộ 3’ đang gây tranh luận là âm ‘cờ’. Trong chữ quốc ngữ hiện tại gồm chữ ‘c’, ‘k’ và ‘qu’ đều được đọc thành âm ‘cờ’.
Tức là 3 âm ‘c’, ‘k’, ‘qu’ giờ không đọc theo kiểu cũ nữa mà đọc theo cách mới là âm ‘cờ’. Đây là cách đọc hoàn toàn chính xác. Nhưng nếu để như thế thì 3 chữ này thành đồng âm.
GS Hồ Ngọc Đại chỉ thay đổi cách đọc 3 chữ này thôi chứ không bỏ đi chữ nào cả. Khi đó, những chữ kia đọc khác đi và đập ngay vào tai của những người quen đọc chữ cũ thì rất trái tai, thậm chí chối tai nên người ta không chấp nhận điều này.
PGS.TS Bùi Hiền cho rằng cách đọc chữ Tiếng Việt công nghệ giáo dục là chính xác. Ảnh: Đình Tuệ.
– Nguyên nhân sâu xa để không ít người dân hoang mang trước cách đọc này là vì đâu thưa ông, có giống với việc tiếp nhận khi ông đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ trước đây?
Tôi cho rằng, khi nhiều người không chấp nhận cách đọc này cũng một phần bởi tâm lý bảo thủ của ý thức. Khi có thói quen thành thạo đó rồi thì không ai muốn thay đổi thói quen đó cả. Thói quen đó vẫn hình thành và phát huy trong hoạt động của người ta.
Khi nhiều người phản ứng như vậy tôi cho là điều bình thường. Nếu như các nhà trường dạy học sinh đọc theo kiểu này, cũng nên làm thế nào đó để hướng dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp để thực hiện việc này, tránh trường hợp khi học sinh về hỏi phụ huynh về cách đọc mà bố mẹ vẫn băn khoăn rằng mình học kiểu khác thì không thể dạy con đọc theo cách đó được.
– Sự khác nhau giữa chữ cải tiến của ông đề xuất trước đây với chữ công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại là gì thưa ông?
Theo tôi, cách đọc chữ Tiếng Việt công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại gần như không làm thay đổi số lượng chữ cái của bảng chữ cái Tiếng Việt hiện hành. Có chăng, những phản ứng của một bộ phận dư luận khi thấy cách đọc được đổi mới thì đều khá gay gắt.
Bảng chữ cái Tiếng Việt gồm 33 đơn vị và cách đọc theo đề xuất cải tiến của PGS Bùi Hiền.
Trong bảng chữ cái đọc theo kiểu mới mà tôi đã đề xuất vẫn giữ nguyên trật tự a – b – c. Những chữ cái in đậm trong bảng trên để lưu ý rằng, đó là những chữ đã mang giá trị âm vị mới (đọc kiểu cải tiến) thay cho những chữ cái đọc theo bảng chữ quốc ngữ cũ. Một số chữ cái sẽ hoàn toàn thay đổi về cách đọc như: C (chờ), f (phờ), j (jờ), k (cờ), q (thờ), w (ngờ), x (khờ), z (dờ).
Việc cải tiến chữ quốc ngữ chỉ nhằm mục đích điều chỉnh bảng chữ cái hiện hành dựa trên hệ thống ngữ âm cho tiếng thủ đô Hà Nội, chứ không tác động vào hệ thống âm vị làm tiếng nói khác đi, dẫn đến ý nghĩa khác đi như một số lời đồn thổi trong thời gian vừa qua.
Theo Đời sống và Pháp ly