Các nhân vật thời Tam quốc đều có ân oán tiền kiếp với nhau?

16:37 | 23/02/2022

Chúng ta không còn lạ gì với câu chuyện về ba nước Ngụy – Ngô – Thục tranh hùng, làm thành thế chân vạc, chia ba thiên hạ được miêu tả trong tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa”. Đây cũng là thời đại có thật trong lịch sử Trung Quốc. Tuy nhiên, đằng sau cục diện tam quốc lưu truyền thiên cổ này còn có mối quan hệ nhân quả, báo ứng mà ngày nay ít người biết đến…   


Các nhân vật chuyển sinh vào thời Tam quốc đều có quan hệ nhân duyên tiền kiếp với nhau. (Ảnh qua Wemp)

Nhà Phật giảng rằng: “Vạn sự trên thế gian đều có quan hệ nhân duyên”, vì vậy người xưa thường tin vào quy luật nhân quả và pháp lý thiện ác hữu báo. Trong danh tác cổ đại “Dụ thế minh ngôn” của học giả Phùng Mộng Long, có kể lại một câu chuyện về một vụ xét xử ly kỳ ở cõi Âm, mà từ đó hình thành nên cục diện Tam quốc nơi dương thế.

Giết oan công thần, phải chịu xét xử ở Âm gian

Thời Đông Hán Linh Đế, có người tú tài họ Tư Mã, vốn nổi tiếng là công bằng chính trực, một đêm nọ anh được quỷ sai mời đến điện Sâm La, thay mặt cho Diêm Vương xét xử một vụ án đã kéo dài trong 350 năm.

Đây là một vụ án giết oan trung thần. Nguyên cáo là các đại thần có công lớn vì sự thành lập của nhà Hán như Hàn Tín, Bành Việt, Anh Bố, còn bị cáo là Hán Cao Tổ Lưu Bang cùng Hoàng hậu của ông ta, Lữ Hậu.

Hàn Tín giành lấy thiên hạ cho Lưu Bang, lập được công lao to lớn, nhưng sau khi Lưu Bang có được thiên hạ, ông ta không những không ghi nhớ công lao trước đây của Hàn Tín mà còn giáng chức của ông, sau đó Lữ Hậu còn hợp mưu với Tiêu Hà, dùng kế lừa Hàn Tín vào Trường Lạc Cung để sát hại, năm đó Hàn Tín mới chỉ 32 tuổi.

Tạo hình Hàn Tín trong điện ảnh. (Ảnh qua Sohu)

Bành Việt do có vẻ ngoài đạo mạo nên được Lữ Hậu để ý. Nhân lúc Hán Cao Tổ xuất chinh, Lữ Hậu ra lệnh giải Bành Việt vào thâm cung, nhưng Bành Việt vốn là người chính trực, không muốn phá hoại lễ nghĩa và phép nước nên đã không tuân theo Lữ Hậu. Lữ Hậu nổi giận ra lệnh cho người giết chết Bành Việt và dùng xác ông chế thành nhục tương (nước chấm thịt), đồng thời vu cáo với Hán Cao Tổ rằng Bành Việt âm mưu tạo phản.

Về phần Anh Bố, cũng là vì Lữ Hậu mang nhục tương của Bành Việt tặng lại cho mình dùng mà nổi giận chém chết người lính đưa tin, nên bị Lữ Hậu ra lệnh cho người mang bảo kiếm, rượu thuốc và khăn đỏ (đây là hình thức để ép chết một ai đó trong triều đình thời xưa) bắt ép tự tử.

Như vậy, ba vị đại công thần của nhà Hán đều bị Lưu Bang và Lữ Hậu khiến cho phải chịu hàm oan mà chết, quả thật khiến ai nấy đều căm phẫn bất bình. Vị tú tài họ Tư Mã đã xét xử vụ án này như thế nào?

Hoàn trả ác nghiệp, hình thành cục diện Tam quốc

Trên điện Sâm La, vị tú tài họ Tư Mã căn cứ theo công tội của mỗi người, lần lượt định ra đời chuyển sinh tiếp theo của họ.

Đầu tiên là Hàn Tín, tú tài nói: “Hàn Tín, ông tận trung báo quốc, thay nhà Hán mà giành được hơn một nửa giang sơn, đáng tiếc là bị hàm oan mà chết, nay ta cho phép ông đầu thai tại thôn Tiều gia đình Tào Tung, họ Tào, tên Tháo, tự là Mạnh Đức. Trước là Thừa tướng, sau là Vương nước Ngụy, trấn giữ Hứa Đô, thừa hưởng một nửa giang sơn nhà Hán.”

“Khi ấy ông quyền uy khắp thế gian, sẽ tùy theo ý của ông để ông báo thù kiếp trước. Tuy nhiên, đời này của ông không được làm Hoàng đế, phải nhớ rõ ông không được có lòng phản lại nhà Hán. Sau khi con trai Tào Phi kế vị, sẽ tôn xưng ông là Vũ Đế, để báo đáp mười đại công lao của ông.”

Tào Tháo một đời gian hùng, văn võ song toàn, hóa ra là Hàn Tín chuyển sinh. (Ảnh qua Sohu).

Vị tú tài họ Tư Mã lại gọi Hán Tổ Lưu Bang đến, xử rằng: “Kiếp sau ông cũng sẽ đầu thai vào nhà Hán, được lập làm Hán Hiến Đế, nhưng cả đời sẽ bị Tào Tháo hiếp đáp, không có gan chiến đấu với nhà Ngụy, đứng ngồi không yên, ngày dài như năm. Vì kiếp trước làm Vua đã phụ các quần thần nên kiếp sau sẽ bị quần thần tương báo trở lại.”

Còn Lữ Hậu, vị tú tài phán xét: “Bà sẽ đầu thai vào nhà họ Phục, về sau cũng vẫn là vợ của Hiến Đế (tức Phục Hoàng hậu), bị Tào Tháo hành hạ đủ điều, dùng khăn đỏ thắt chết trong cung, để báo thù mối hận ở Trường Lạc Cung”.

Đối với Anh Bố, vị tú tài nói: “Ta cho phép ông đầu thai tại vùng Giang Đông nhà Tôn Kiên, họ Tôn, tên Quyền, tự là Trọng Mưu. Trước là Vương nước Ngô, sau là Hoàng đế nước Ngô, trấn giữ Giang Đông, thụ hưởng giàu sang của một nước”.

Rồi vị tú tài gọi Bành Việt lên, xét rằng: “Ông là một người chính trực, ta cho phép ông sinh ra tại nhà họ Lưu, họ Lưu, tên Bị, tự là Huyền Đức. Được ngàn người xưng là ‘nhân’, hàng vạn người xưng là ‘nghĩa’. Sau này là Hoàng đế nước Thục, có trong tay vùng đất của riêng nước Thục, cùng Tào Tháo và Tôn Quyền tạo nên thế chân vạc. Họ Tào diệt Hán, sau khi kế vị nhà Hán rồi, lúc đó ông phải tỏ rõ lòng trung nghĩa của mình”.

Hóa ra là như thế! Nhìn cách Tào Tháo “mượn danh Thiên tử để hiệu lệnh chư hầu”, làm cho một người được xem là thông minh như Hán Hiến Đế phải nuốt giận nhẫn nhịn, không còn chút thực quyền nào, lo lắng sợ hãi, các phi tần và hoàng hậu của Hán Hiến Đế vì muốn phản lại Tào Tháo mà bị Tào Tháo giết chết. Bản thân Hán Hiến Đế cuối cùng lại bị con trai Tào Phi của Tào Tháo bức ép mà phải nhường giang sơn 400 năm của họ Lưu, khóc lóc thảm thiết mà rời đi.

Giang sơn 400 năm của triều Hán bị chia ba, bề ngoài thì là giống như người đời thường nói “hợp lâu tất sẽ tan”, trên thực tế là bởi vì Lưu Bang, Lữ Hậu giết hại công thần, bản thân tất nhiên phải chịu sự báo oán này. Không chỉ thân phải chịu khổ, mà giang sơn của mình cũng phải hai tay dâng ra để xem như là hoàn trả nợ nghiệp. Suy nghĩ lại thì Lưu Bang và Lữ Hậu chắc chắn sẽ hối hận, nếu như biết được ngày hôm nay sẽ như vậy, thì lúc đó đừng làm.

Giang sơn nhà Hán bị chia ba, trên thực tế chính là quả báo của Lưu Bang và Lữ Hậu. (Ảnh qua Soha).

Điều thú vị hơn chính là, vị tú tài họ Tư Mã này do xử án một cách công bằng, phù hợp với Thiên lý “Trời đất vô tư, quả báo chẳng sai”, nên đã tích được phúc phận phú quý vô cùng, kiếp sau của ông ta, “đổi tên không đổi họ, vẫn chuyển sinh vào nhà Tư Mã, tên Ý, tự là Trọng Đạt. Cả một đời chức vụ văn võ đều rất cao, sau khi truyền ngôi lại cho con cháu, đã thôn tính lãnh thổ Tam quốc, lấy quốc hiệu là Tấn”.

Thì ra nguyên nhân nhà Tấn diệt Tam quốc, rồi sau đó là “tan lâu tất sẽ hợp”, là đến từ điều như vậy.

Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, thiên lý công bằng, chưa từng sai chệch. Đọc lịch sử để hiểu rõ hôm nay, người đời hãy làm thiện tránh ác, vì chính mình, vì con cháu mà tích phúc tích đức.

 

Theo Chanhkien.org

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình