Nhiều du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là các bạn trẻ đã lựa chọn các điểm di tích của lực lượng Biệt động Sài Gòn tại TP HCM để tham quan trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Theo đó, có thể kể đến là những địa điểm di tích như: Bảo tàng Tình báo – Biệt động Sài Gòn – Gia Định (145 Trần Quang Khải, Quận 1), Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn (113A Đặng Dung, Quận 1), Gió Lộng Biệt động Sài Gòn (166/8 Tắc Xuất, thị trấn Cần Thạnh, Cần Giờ), Hầm chứa vũ khí bí mật của Biệt động Sài Gòn (287/70-72 Nguyễn Đình Chiểu hoặc 270 Võ Văn Tần, Quận 3). Trong đó, Hầm chứa vũ khí bí mật đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Ngoài ra, một số địa điểm như Garage Citroen Biệt động Sài Gòn (499/20 Cách Mạng Tháng Tám, Quận 10), Biệt thự thi công nội thất Dinh Độc Lập với hệ thống hầm ngầm bí mật dưới lòng biệt thự chứa vũ khí và nuôi giấu cán bộ cách mạng hoạt động trong lòng địch trước 1975 (số 8 Nguyễn Thị Huỳnh, quận Phú Nhuận), Hiệu vàng lá Phú Xuân – Vĩnh Xuân (368 Hai Bà Trưng, Tân Định, Quận 1),… là những công trình đang trong giai đoạn được phục dựng, xây dựng hồ sơ đề xuất xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa theo quy định, dự kiến sẽ mở cửa phục vụ khách tham quan trong thời gian tới.
Các bạn đoàn viên tham quan Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn trong “Hành trình đến với Thành phố Anh hùng” vào hôm nay 30/4/2023
Ông Trần Vũ Bình, con trai chiến sĩ Biệt động Sài Gòn – Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (AHLLVT) Trần Văn Lai (tự Mai Hồng Quế), thành viên Đơn vị 159 Biệt động Quân khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, suốt 30 năm qua đã lưu giữ lịch sử liên quan đến cha mình, đến lực lượng Biệt động Sài Gòn bằng việc phục dựng và phát huy hệ thống di tích này. Đến nay, đây là những địa điểm quen thuộc của du khách và nhiều ban ngành, đoàn thể, nhất là học sinh, sinh viên, thanh niên đến tham quan, tìm hiểu, học tập.
Theo đó, về Hộp thư Tình báo và Hầm nổi của Biệt động Sài Gòn tại số 113A Đặng Dung, từ những năm 1965, khi lực lượng Quốc quân Đại Hàn Dân Quốc tham gia chiến tranh Việt Nam và triển khai đóng quân tại nhiều khu vực, trong đó có đơn vị ở tại một Cư xá đối diện với quán cà phê, cơm tấm Đỗ-Phủ. Quán cà phê, cơm tấm này là của ông Đỗ Miễn và bà Sự (cộng sự của ông Trần Văn Lai) xây dựng từ những năm 40 của thế kỷ trước.
Trong căn nhà có các khu như: Hộp thư tình báo từng được các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn trao đổi thư từ, vàng, thuốc, tiền,… giữa nội đô Sài Gòn và chiến khu. Hầm nổi dưới ngụy trang tủ quần áo, giúp các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn có thể thoát nhanh khi bị phát hiện. Hộp thư bí mật ngụy trang dưới chân cột trong bếp ẩn chứa thư từ, vũ khí…
Về giá trị văn hóa, tiệm cơm tấm ở 113A Đặng Dung là sự pha trộn giữa cơm tấm Việt Nam cùng kim chi Hàn Quốc tạo nên sự mới lạ về hương vị. Món bánh quẩy gắn liền với cuộc sống mưu sinh tất bật của người lao động và giới trí thức Sài Gòn một thời chuộng quẩy chấm cà phê. Kiến trúc cổ kính của một căn nhà gỗ, có treo lá cờ hai mẫu xanh, đỏ cùng ngôi sao vàng 5 cánh đang tung bay phấp phới – lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam…
Nhiều bạn trẻ đến địa chỉ Hộp thư Tình báo và Hầm nổi của Biệt động Sài Gòn tại số 113A Đặng Dung, TP HCM
Một số hình ảnh, tư liệu trưng bày tại Bảo tàng Tình báo – Biệt động Sài Gòn – Gia Định
Du khách quốc tế tham quan, trải nghiệm Hầm chứa vũ khí bí mật của Biệt động Sài Gòn
Và nhà số 145 Trần Quang Khải, là cơ sở Nghiệp đoàn Ngọc Quế có hầm nổi tại phòng khách phía sau tầng thượng, là nơi bảo dưỡng, sửa chữa, thiết kế thùng xe để chở vũ khí, tài liệu, chất nổ từ chiến khu ra vào nội thành Sài Gòn. Hiện cơ sở này là Bảo tàng Tình báo – Biệt động Sài Gòn – Gia Định.
Theo đại diện chủ sở hữu, Bảo tàng nằm trong căn nhà xây dựng năm 1963 trên đường Trần Quang Khải, Quận 1. Đây từng là nơi hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động 159 Quân khu Sài Gòn – Chợ lớn – Gia Định gắn liền với hoạt động và chiến tích của lực lượng Biệt động Sài Gòn (Bảo tàng nằm ở tầng hai).
Ngôi nhà ban đầu là cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn dưới sự quản lý của ông Trần Văn Lai. Cửa thang máy làm bằng sắt với những hoa văn tinh xảo, thùng thang bằng gỗ, khắc nhiều họa tiết bên trong. Chiếc thang máy cổ có từ khi căn nhà được xây dựng. Bảo tàng là nơi trưng bày hơn 1.000 hiện vật, hàng trăm cổ vật quý hiếm, tranh ảnh, huy chương, giấy khen của lực lượng Biệt động Sài Gòn trong những năm tháng chiến đấu giữa lòng địch. Ngoài ra, Bảo tàng thông minh với các ứng dụng công nghệ tương tác hình ảnh, xem phim về lực lượng Tình báo – Biệt động Sài Gòn.
Nhà số 368 Hai Bà Trưng là bình phong mang tên Hiệu vàng Phú Xuân – Vĩnh Xuân, có từ 1930, cơ sở giao liên tình báo, đóng góp tài chính cho Biệt động Sài Gòn còn nguyên hầm ngầm và hầm đứng chứa tài liệu, tiền vàng và che giấu cán bộ, phục vụ trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, từ thời kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ cứu nước, của gia đình liệt sĩ Phạm Thị Chinh (hay Phạm Thị Phan Chính) vợ Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Lai.
Những di tích nói trên đã trở thành điểm đến mới và dần quen thuộc đối với các đoàn cán bộ cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân, các hội, đoàn, sinh viên, học sinh, giới trẻ… đến tham quan, học tập kiến thức lịch sử, văn hóa và ôn lại truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước của thế hệ cha anh. Các di tích lịch sử này cũng là điểm đến yêu thích của nhiều du khách nước ngoài, những người quan tâm đến lịch sử, văn hoá và con người Việt Nam. Được biết, các địa chỉ đỏ nói trên mở cửa miễn phí phục vụ khách tham quan xuyên suốt dịp lễ.
Duy Khánh
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/cac-diem-di-tich-cua-biet-dong-sai-gon-thu-hut-khach-tham-quan-dip-le-30-4-va-1-5-post245931.html#p-3