Bút tích của một thiên tài

16:00 | 14/01/2022

Ngày 11/11/1994, tại một phiên đấu giá tại New York của nhà Christie’s, một tập bản thảo viết tay gồm 72 trang của Leonardo da Vinci đã được bán cho tỷ phú Bill Gates với giá 30.802.500 USD.


Cuốn sổ tay của Leonardo da Vinci.

Bộ óc của con người sinh ra không phải để ghi nhớ mà để làm điều quan trọng hơn là tư duy, sáng tạo. Bắt bộ óc phải nhớ quá nhiều thứ chính là sử dụng sai mục đích một cách đáng tiếc, bởi như người ta vẫn nói: “Một cái bút chì và một tập sổ tốt hơn trí nhớ tốt nhất trên đời”.

Vậy loài người đã làm thế nào để giải phóng cho bộ óc quý giá của mình khỏi phải làm nhiệm vụ của bộ nhớ? Trong phần lớn thời gian của lịch sử loài người cho tới tận khi công nghệ thông tin xuất hiện và thậm chí ngay cả khi công nghệ thông tin đã hiện hữu, tổ tiên chúng ta và chúng ta đã đặt niềm tin vào cây bút và những quyển sổ. Với hai loại công cụ này, vô vàn thông tin đã được con người ghi lại. Sự ghi chép này có một vai trò vô cùng quan trọng trong sự tiến bộ của nhân loại.

Bởi quá trình tư duy diễn ra thường tức thời, những ý tưởng, nhất là ý tưởng có tính đột phá, đôi khi chỉ tới trong giây lát, nếu không được ghi chép lại ngay thì chỉ một thời gian ngắn sau là chính chúng ta sẽ quên mất. Bởi vậy, ghi chép đều đặn sẽ giúp cho con người phát triển ý tưởng rời rạc thành những chỉnh thể hoàn thiện, rồi tinh chỉnh, phát triển thêm những ý tưởng mới dựa trên nền tảng đã được thiết lập chắc chắn dưới dạng văn bản, điều chúng ta không bao giờ có thể đạt được chỉ bằng những ý nghĩ ngẫu nhiên.

Bởi thế, mỗi con người vĩ đại trong lịch sử nhân loại đều đã từng viết rất nhiều để phác thảo, xây dựng, hoàn thiện các ý tưởng, phát kiến, tư tưởng của mình, từ khi chúng còn manh nha ở hình thức thô sơ nhất cho đến lúc chúng trở thành “thành phẩm” chính thức. Đọc qua những bản thảo, những tập sổ ghi chép như thế của các vĩ nhân chắc chắn sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời. Đó là cuộc hành trình cho phép người đọc được hồi cứu lại cuộc hành trình tư duy của tác giả trong từng bước một, những bước định hình, những điểm đột phá, thậm chí cả những ngõ cụt về ý tưởng nơi bất cứ ai, kể cả những bộ óc xuất chúng nhất, cũng phải chấp nhận gặp gỡ vị đắng của thất bại để rồi làm lại từ đầu.

Cũng như mọi thứ vật chất trên thế giới, các bản thảo, ghi chép từng định hình dưới ngòi bút vĩ nhân trong quá khứ không tránh khỏi thử thách của thời gian. Đủ mọi biến cố có thể dễ dàng khiến những bản thảo ấy bị thất lạc, hủy hoại, nhiều khi là mãi mãi. Chính vì thế, những gì thoát khỏi sức tàn phá của thời gian đều trở thành những báu vật đích thực với giá trị không ngừng tăng lên theo thời gian.

Ngày 11/11/1994, tại một phiên đấu giá tại New York của nhà Christie’s, một tập bản thảo viết tay gồm 72 trang của Leonardo da Vinci, được biết đến dưới tên gọi Codex Leicester, đã được bán cho tỷ phú Bill Gates với giá 30.802.500 USD, cái giá cao thứ 5 từng được trả cho một bản thảo hay sách cổ từ trước tới nay. Đây mới chỉ là một phần trong khoảng 4.000 trang bản thảo còn lưu lại được của Leonardo da Vinci hiện đang được bảo quản trên khắp thế giới.

Tại sao những trang bản thảo của ông lại quý giá như vậy? Trước hết, không thể không nhắc tới tác giả. Trong 5 thế kỷ vừa qua, Leonardo da Vinci đã được nhất trí thừa nhận là một trong những kỳ tài lạ lùng nhất từng xuất hiện trong lịch sử nhân loại, là người khổng lồ nổi bật nhất của thời kỳ Phục Hưng. Cả cuộc đời mình, Leonardo không ngừng tìm hiểu, khám phá những hiểu biết mới, với tinh thần “dám biết” không mệt mỏi mà sau này Immanuel Kant đã dùng để tóm lược lại đặc trưng của trào lưu Khai sáng tại châu Âu vào thế kỷ 18.

Thật khó để liệt kê ra đầy đủ những lĩnh vực Leonardo da Vinci quan tâm đến. Đương nhiên, trước hết phần lớn chúng ta biết tới ông trong vai trò một danh họa, tác giả của kiệt tác Mona Lisa nổi tiếng. Ngoài ra, trong vai trò họa sĩ, ông còn là tác giả của nhiều bức họa nổi tiếng khác, như bức bích họa nổi tiếng Bữa tối cuối cùng đã được tiểu thuyết gia Dan Brown mượn cho các tình tiết trong tiểu thuyết nổi tiếng Mật mã Da Vinci của mình.

Bên cạnh hội họa, Leonardo da Vinci còn là một nghệ sĩ tài năng trong điêu khắc, một kiến trúc sư xuất chúng. Cũng không sai nếu gọi ông là một kỹ sư luôn say mê sáng chế đủ loại công cụ, máy móc, từ những thứ đã được chế tạo và vận hành thực sự cho tới những thiết kế mới chỉ dừng trên giấy và không bao giờ được kiểm chứng tính khả thi, hoặc phải rất lâu sau mới được thử nghiệm và chứng tỏ sự hợp lý, như chiếc dù do ông thiết kế mãi tới năm 2000 mới được anh chàng liều lĩnh Adrian Nicholas dùng để nhảy từ trên một khí cầu ở độ cao 3.000m xuống đất.

Leonardo da Vinci còn nghiên cứu rất sâu về các hiện tượng vật lý, nhất là quang học, cũng như cấu tạo giải phẫu cơ thể người. Và tất cả những nghiên cứu này đều được ông ghi chép, phác thảo lại trong các bản thảo của mình, trong đó phần bản thảo còn lưu lại đến ngày nay chính là nguồn tư liệu gốc cho phép hậu thế hiểu biết rõ về sự nghiệp và những mối quan tâm đa dạng của kỳ nhân lạ lùng này.

Lạ lùng hơn nữa là Leonardo da Vinci thuận tay trái, và các bản thảo viết tay của ông đều viết ngược với cách viết bình thường, tức là người ta chỉ đọc được nội dung theo chiều xuôi khi nhìn vào ảnh của các bản thảo đó phản chiếu trong gương. Thêm một chi tiết thú vị nữa góp thêm phần kích thích cho việc tự thân trải nghiệm chúng tận mắt. Lẽ dĩ nhiên, tiếp cận tận tay những bản thảo gốc quý giá này là việc rất khó khăn, và không có nhiều người có thể chơi sang như Bill Gates để thỏa mãn đam mê sở hữu những dòng chữ, hình vẽ do chính tay Leonardo da Vinci viết, vẽ ra. Nhưng chí ít bất cứ độc giả nào quan tâm cũng có thể tìm hiểu về các bản thảo của nhân vật truyền kỳ này thông qua ấn bản The Notebooks of Leonardo da Vinci do nhà xuất bản Arcturus Publishing Ltd (APL) ấn hành.

Cuốn sách gọn nhẹ cầm rất vừa tay kết hợp những nội dung được cẩn thận lựa chọn từ các trang bản thảo gốc của Leonardo da Vinci đã được chuyển ngữ sang ngôn ngữ hiện đại và dễ đọc với ảnh chụp các trang bản thảo gốc mà bạn đọc có thể đưa lại gần bất cứ chiếc gương nào để có trải nghiệm “gần như trên nguyên bản”. Đồng thời, ấn phẩm này cũng dành ra phần thời lượng vừa phải để giới thiệu tới bạn đọc sự nghiệp và những tác phẩm hội họa nổi tiếng nhất của Leonardo da Vinci được kết hợp hài hòa, cân đối với các trang bản thảo.

Ấn bản tiếng Việt mang tên Những cuốn sổ tay của Leonardo da Vinci chỉ khác biệt duy nhất với ấn bản gốc của APL ở phần nội dung tiếng Anh đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sự tiếp cận của độc giả Việt, còn toàn bộ format, cấu trúc đều giữ nguyên gốc.

Theo Vietnamnet

 

Cùng chuyên mục

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Thủ tướng: Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại

Thủ tướng: Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần ‘5 quyết tâm’, ‘5 bảo đảm’, ‘5 đẩy mạnh’

Quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần ‘5 quyết tâm’, ‘5 bảo đảm’, ‘5 đẩy mạnh’

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo chống hạn, mặn ở ĐBSCL

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo chống hạn, mặn ở ĐBSCL

Thủ tướng khảo sát, dự lễ khởi công, khánh thành 4 dự án trọng điểm tại Thừa Thiên Huế

Thủ tướng khảo sát, dự lễ khởi công, khánh thành 4 dự án trọng điểm tại Thừa Thiên Huế