Bùi Minh Quốc – Dương Hương Ly lên bổng xuống trầm

8:32 | 10/10/2024

Tôi đang mê mải lo đọc tài liệu để chuẩn bị viết một tham luận cho cuộc hội thảo sắp tới về truyện ngắn Việt Nam đương đại của một công ty sách thì nhận được cú điện thoại của ông anh, nhà thơ Bùi Minh Quốc. Ông đang ở tít trên cao nguyên Lâm Đồng. U90 mà giọng vẫn sang sảng : “Biết chú đang rất bận lo thuốc thang chữa bệnh nhưng anh vẫn tin là việc này chỉ có giao cho chú là phù hợp nhất”. “Vâng, anh cứ ra lệnh”, tôi nói. “Ấy là anh đang tập hợp một tập truyện ngắn gọi là chọn lọc. Chú chịu khó đọc lại và viết. Viết về nhau, chả cần nhắc lại về truyện ngắn của anh vì anh biết, chú đã đọc. Cũng như anh, anh đọc hết những gì chú đã cho in ra, nay chú viết giới thiệu cho anh như lâu nay chú vẫn viết đều đều về sáng tác của bạn văn, thậm chí “dựng” cả chân dung họ, đọc thấy cũng có vẻ mới mẻ sinh động ha ha…Đúng là cái nhà ông anh tôi, một tài danh thơ văn nổi tiếng, nổi tiếng đến nỗi, thế hệ chúng tôi, lúc còn đầu xanh tuổi trẻ, náo nức đi công nông trường rồi sau này kéo nhau vào lính, nhắc đến Bùi Minh Quốc – Dương Hương Ly, là nhắc đến lối sống lý tưởng của thanh niên. Bài thơ “Lên miền Tây” đi khai hoang, phục hoá, xứ rừng xanh núi đỏ rất xa lạ mà được giọng thơ khích lệ tuổi trẻ của Bùi Minh Quốc cổ động rất kịp thời… LÊN MIỀN TÂY “vời vợi nghìn trùng. Hồi đó hình như Bùi Minh Quốc mới học lớp 9 thì phải. Rồi tiếp nữa, chuyển sang thời chống Mỹ, Bùi Minh Quốc cũng là một trong những nhà thơ hăng hái khích lệ lứa tuổi mười tám đôi mươi háo hức lên đường vào Nam đánh giặc. Nói đến anh không thể không nhắc đến chị, vợ anh, một nhà văn, nhà báo, một nữ anh hùng, đó là chị Dương Thị Xuân Quý, một người con gái còn rất trẻ, giống như hàng vạn nam nữ thanh niên yêu nước, say lý tưởng, đã xông vào chiến trường miền Nam giữa lúc khốc liệt nhất, theo bước chân anh, chị đã gửi con mười sáu tháng tuổi ở nhà với bà để lên đường, vào chiến trường đánh giặc. Chị đã hy sinh ở Duy Xuyên, Quảng Nam, đất miền Trung – Khu 5 thời ấy. Với đất Quảng Nam luôn được Cách mạng tuyên phong là quê hương gian lao trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ. Các bài thơ của Dương Hương Ly – Bùi Minh Quốc là tiếng lòng của cả thế hệ trẻ: “Bài thơ về Hạnh Phúc”, – “Mẹ đào hầm”- “Đất quê ta mênh mông”, “Mẹ chẳng thể nào nhớ nổi con đâu”… không mấy ai không thuộc…

Tôi nhận “nhiệm vụ” ông anh trao cho ngay tắp lự, gác tất cả các công việc đang làm, mở Email, đọc lại và ngay lập tức tập truyện ngắn chọn lọc của ông anh U90 thu hút tôi với âm hưởng của một thời xa vắng, những năm thập niên 50 – 60, thuở cuộc sống cả miền Bắc nước ta đều dưới dạng nửa tỉnh nửa quê, nửa chiến tranh, nửa hoà bình, thực ra tất cả đều là “nhà quê” rặt, cái món đặc thù ấy biểu hiện qua lối sống tất thảy đều chân đất, áo nâu, thế nhưng nhìn mặt người nào cũng sáng và háo hức, yêu chủ nghĩa xã hội, mặc dù chưa ai hiểu chủ nghĩa xã hội nó là thế nào. Tất cả đều một mực coi đó là tốt đẹp, đó là lý tưởng. Đặc biệt mọi người dân đều rất yêu thương các chú bộ đội. Lớp trẻ mới nhú lên đều đã mê được đi bộ đội. Truyện ngắn “Anh Nâu” dưới ngòi bút tả thực, không hề tô vẽ gì nhưng khiến ta cứ xốn xao thương mẹ, thương anh, thương cái anh Nâu cụ thể mà Bùi Minh Quốc dựng lại sống động, lớp lang của cái sự “mê” theo lý tưởng. Có thể nói, tác giả đã tạo dựng lại sống động cuộc sống vô tư trong trẻo của lớp thiếu nhi thời đó, rất yêu anh bộ đội, si mê từ cái bóng dáng bình dị mà oai vệ, cái mũ có ngôi sao vàng năm cánh và cặp chân chắc khoẻ trong đôi giày vải, đến cái bao đạn, khẩu súng trường, vui sướng hãnh diện được các anh đội cho chiếc mũ lưới rộng thình và dẫn đi chơi quanh xóm. Nhưng Anh Nâu lại là một trường hợp đặc biệt, không hấp dẫn được chú bé Bùi Minh Quốc .“Trước mặt tôi là một anh bộ đội, nhưng lại mặc quần đùi nâu, áo cánh đen đã bạc thếch, chân đi đất. Da anh vàng như nhuộm nghệ và đầy những mụn ghẻ lở, khiến thoạt nhìn, tôi thấy hơi sờ sợ. Tôi không tin đấy là một anh bộ đội. Chỉ có chiếc mũ lưới có đính sao trên đầu, cái bao đạn và hai quả lựu đạn đeo bên hông là bắt tôi nhận anh là một anh bộ đội”. Chỉ mãi đến khi anh Nâu hy sinh, chú bé mới yêu anh và hết sức ân hận vì đã không biết yêu anh từ ban đầu. “Tấm chăn trấn thủ được từ từ cuộn lại. Tôi thấy hiện ra một gương mặt quen thuộc. Tôi xuýt kêu lên. Người nằm đó là anh Nâu.

Buổi ra mắt Thơ tình Bùi Minh Quốc và Hồi đó ở Sa Kỳ ở Đà Nẵng

Tiếng anh chỉ huy nói với ông chủ tịch, giọng trầm hẳn xuống, nghe như từ một nơi xa vọng về : “Đồng chí ấy ở lại chặn địch cho đơn vị rút. Bắn giỏi nhất, diệt hết bọn phản kích. Trận hôm nay chỉ có mình cậu ấy bị”. Tiếng mẹ tôi nghẹn ngào : “Khốn nạn thân, người đâu chịu thương chịu khó ! Dần, sàng khéo như con gái. Hôm đi, đưa gì cũng không lấy, chỉ cầm có nắm cơm khoai…”

Tôi nghĩ tới những viên đạn anh đã bắn hết. Bất giác, một nỗi ân hận ập đến dày vò trái tim bé nhỏ của tôi. Trời ơi, tôi đã không biết yêu anh từ những ngày nào. Giờ đây, tôi vừa biết yêu anh thì anh không còn nữa.

Giữa bao nhiêu tác phẩm văn học miêu tả anh bộ đội thời đánh Pháp, hình tượng nhân vật “Anh Nâu” của Bùi Minh Quốc rất chân thực và giữ một vị trí riêng khá độc đáo.

Truyện ngắn “Kỷ niệm” tái hiện chân thật hình ảnh các cô các cậu học sinh lớp tám lớp chín Hà Nội, đi lao động vào dịp hè vừa để có tiền ăn học, vừa để góp công góp sức xây dựng thủ đô. Tác giả đưa ta trở về nguyên vẹn cái không khí thời ấy của lớp thanh niên mới lớn với cái chất hăng hái hồ hởi rất đáng yêu, ở đây tiêu biểu là nhân vật “Cô Ta”. “Tôi đang khiêng nứa, chuyển gỗ cho mậu dịch ở ngoài Phà Đen-Cầu Đất bên bờ sông Hồng, mỗi ngày được nghìn tám, hai nghìn, và thỉnh thoảng gặp những món bở, được đến bốn năm nghìn (tiền cũ), thì một buổi tối, cô ta hớt hải chạy sang nhà tôi, rủ: – Này, đằng ấy này (cô ta vẫn cứ gọi tôi bằng hai tiếng “đằng ấy” như hồi bé cùng đi nhặt rác mà đáng lẽ chỉ riêng con trai gọi con trai hoặc con gái gọi con gái thì mới dùng). Cô ta giật giật cánh tay tôi, nói hổn hển như sợ quên mất : – Này, đằng ấy này, đừng làm ở Phà Đen nữa. Về đây đào cống với chúng tớ. Đào cống thông từ hồ Thiền Quang sang hồ Bảy Mẫu đấy. Nay mai sẽ mở vườn hoa ở bãi rác này đấy. Lúc ấy cả cái xóm này của chúng mình sẽ dời đi hết. Chỉ còn toàn vườn hoa, toàn vườn hoa thôi…

Cô ta vừa nói vừa khoa tay trên những mái nhà lụp xụp, những chòm cây xơ xác, tưởng chừng chỉ sau cái khoa tay của cô ta là cả cái xóm tồi tàn này sẽ biến đi ngay tức khắc, cả một vườn hoa lộng lẫy sẽ hiện ra.

Cô ta nói say sưa đến nỗi tôi vốn là người quen nhìn việc đời một cách thiết thực, xưa nay ít tin vào những chuyện mà tôi cho là xa xôi ấy, trong phút chốc cũng cảm thấy cao hứng, và sau đó quyết định rời Phà Đen về làm ở bãi rác “quê hương”.

Nhưng rồi cái cao hứng ban đầu mau chóng xẹp dần.

“Thật là lạ. Tôi đã cố gắng để cùng “Nó” nhìn thấy cái vườn hoa đó với mùi hương bất diệt đó, nhưng tôi đành chịu. Đối với tôi, chuyện ấy còn xa xôi quá. Tôi tính toán: nên tiếp tục làm ở đây, hay lại trở về Phà Đen? Đã mấy hôm rày, một thằng bạn làm ngoài Phà Đen luôn sỉ mắng tôi là đồ ngu ngốc, là bốc đồng và ra lệnh cho tôi phải mau mau trở về đằng ấy ngay. Dạo đó, ở Phà Đen có những ông cán bộ mậu dịch vừa lười biếng vừa quan liêu, khi khoán việc khuân gỗ, vác nứa thì cứ khoán vống lên, nên bọn bốc vác tự do chúng tôi đến là bở. Một vài thằng còn dùng yêu thuật nịnh khéo các ông ấy để tăng giá khoán lên. Chúng tôi sướng rơn (bây giờ nghĩ lại, không gì nhục nhã bằng cái thứ sung sướng ấy). Vâng, tôi thú thật, những ý nghĩ kiếm sống kiểu đó đã sớm làm cằn cỗi trái tim tôi. Suốt ngày, tôi chỉ quanh quẩn với một điều: trở về Phà Đen quách đi! Ít ra cũng vớ bốn năm thiên (bốn năm nghìn) một ngày. Ở đây, ngày được nghìn bơ năm choạc (nghìn ba năm chục), ra cái cóc khô gì!

Sở dĩ tôi còn phân vân chưa quyết cũng chỉ vì… có lẽ các bạn cũng đoán ra, vì “Cô Ta”. Hoàn cảnh gia đình cô ta cũng khó khăn, mà khó hơn gia đình tôi nữa kia. Mẹ cô sức yếu, chị cô lương ít, lại ba đứa em nhỏ. Thế sao cô ta không tìm đến những nơi kiếm được nhiều tiền hơn?

Nhưng khi công việc càng trở nên gian khổ thì cái ý định trở về Phà Đen càng dồn ép tôi mạnh mẽ. Con mương chúng tôi đào mỗi ngày một sâu thêm. Đến lớp đất mùn thì nước ngoài hồ ngấm vào, duềnh lên. Nước ngào với đất mùn thành một thứ bùn lõng bõng và đen sịt luôn lùng nhùng dưới lòng mương khiến chúng tôi rất khó đào. Chúng tôi phải ngâm mình nửa người trong bùn. Trên đầu, nắng đốt ngùn ngụt. Ở dưới, bùn nước bị đun lên, không biết nóng bao nhiêu độ, nhưng chiều đến khi chúng tôi cọ rửa chân tay thì thấy da thịt người nào cũng đỏ bầm. Hơi bùn bốc lên làm choáng váng. Và thêm nữa, cơ man là mảnh sành mảnh chai lạo xạo dưới chân. Bị thương dễ như bỡn.

Buổi trưa, chúng tôi ngồi ăn cơm nắm mang ở nhà đi rồi nằm lăn ra nghỉ trong những chiếc lều vải bạt dựng tạm ngay bên bờ mương. Giấc ngủ chập chờn, nặng nề. Ngoài kia, bãi rác bốc lên một thứ hơi khăn khẳn, nồng nặc. Có thể nhìn thấy từng làn hơi bay vật vờ trong nắng qua con mắt nửa nhắm nửa mở cay sè. Rồi thì cũng thiếp đi chốc lát.

Bùi Minh Quốc và bia đá nơi nhà văn Dương Thị Xuân Quý hy sinh ở Duy Xuyên, Quảng Nam.

Chính trong một buổi trưa như thế, khi tiếng kẻng báo tầm chiều gióng giả thúc vào tai, tôi giật mình tỉnh dậy, hấp háy mắt nhìn ra ngoài nắng, bỗng cảm thấy mình không thể nào đủ can đảm mà bước xuống cái lòng mương lõng bõng bùn thối và nóng đến cực độ kia nữa. Và lại cảm thấy mình ngu ngốc đã đâm đầu đến đây – như lời thằng bạn Phà Đen sỉ mắng. Tôi quyết định tức khắc: trở lại Phà Đen! Tôi bảo cô ta:
– Chiều nay tớ nghỉ. Nhức đầu quá!

Rồi tôi đi. Và đi hẳn. Tôi lại ra làm ở Phà Đen. Tôi muốn mời các bạn đọc yêu quý của nhà văn Bùi Minh Quốc tiếp tục đọc các truyện ngắn thời hậu chiến, khi Bùi Minh Quốc không còn trẻ, với độ lùi thời gian, viết về thời chiến tranh đánh Mỹ, đánh Pôn Pốt của ông. Loạt truyện ngắn này ông không có ý định phân khúc hay phân đoạn từng khoảng thời gian mà theo diễn biến của cuộc đời lên bổng xuống trầm, phần nhiều là đầy cam go ác liệt, kể cả thời chiến cũng như thời bình, lắm khi tưởng như không thể vượt qua nổi, nhưng rồi vẫn vượt qua, không phải chỉ do cố gắng phấn đấu, mà đa phần do “thói quen tự thân nỗ lực” mà cuộc sống đã tạo nên, tạo nên cái tính cách cực đoan căng cứng mạnh mẽ từ niên thiếu đến lúc đã trưởng thành vào chiến trường Khu 5, ông vẫn không có cái mềm dẻo nhu mì hay toan tính theo kiểu dĩ hoà vi quý. Ông viết văn làm thơ, đều theo cái khí phách của riêng mình. Thơ văn của ông đều là thơ văn chiến đấu, hay nói đúng hơn, ông luôn đứng trên tuyến đầu của lớp nhà văn nhà thơ chiến sĩ. Bạn hãy đọc các truyện ngắn “Người chụp ảnh của tờ tin sư đoàn” hay “Cô gái đến biệt thự”. Đọc xong bạn sẽ bị ám ảnh nhiều thời gian sau với nhân vật Nguyễn Lương, một chiến sĩ, một tay máy chụp ảnh xông xáo, chủ yếu tìm đón ghi cho được hình ảnh các đồng đội ở nơi đối diện với cái chết, đó là cửa mở. Vâng, cửa mở là cái do các anh, những người lính “xé rào thép gai” để xông vào đồn địch! Anh Lương hy sinh trước cửa mở, nhưng bức ảnh anh chụp đồng đội ở cửa mở ấy, của trận đánh ấy, nó còn sống mãi với chúng ta. Đọc văn Bùi Minh Quốc không hề thấy ông “làm văn”. Trong tập truyện ngắn chọn lọc này tất cả đều được tác giả “nhặt” ra trong những truyện ngắn viết “kịp thời”, viết một cách chân thật, tôi nghĩ gần như các nhân vật truyện ngắn của ông đều xuất phát từ những nguyên mẫu có thật. Chẳng hạn cô chiến sĩ vận tải trên đường gùi đạn và anh chiến sĩ đặc công trên đường ra trận tình cờ gặp nhau, khi hết truyện, cả hai đều chưa kịp biết tên nhau, vậy mà trong khoảnh khắc hiếm hoi, kỳ lạ của chiến tranh đã cho họ một sự dâng hiến, một niềm đam mê, hưởng thụ mà sự nồng nàn trai gái không hề có được với sự chuẩn bị thông thường như tìm hiểu, như nghe ngóng, với đủ các “cung đoạn” của tình yêu. Đó là truyện ngắn đặc sắc “Đêm Trên Thác Bờm Ngựa”. Hai người trai, gái, đều chưa một lần yêu, họ là những người lính trẻ. Họ chưa có, hay không có cả thời gian gần gũi. Họ gặp nhau trong một tình huống rất đặc biệt và cũng vì thế hai cơ thể trẻ trung, đẹp như thiên thần, đã ập vào nhau như là cái khoảnh khắc độc đáo ấy mà ông giời chỉ dành riêng cho họ. Giây phút chớp nhoáng mà sâu đậm ấy, giời đất chỉ ban cho họ giữa hai trận đánh, giữa hai cuộc đi về của nhiệm vụ, để vào trận. Bùi Minh Quốc không cố tình “dựng lại” cuộc tình “ập vào nhau” ngắn ngủi nhưng sâu nặng ấy, chỉ có thể diễn ra giữa cuộc chiến. Đẹp đến nao lòng. Buồn đến nao lòng.

Tôi may mắn được sống gần gũi với ông anh Bùi Minh Quốc và các anh ở trại viết Khu 5 từ hồi ở trên rừng, nhất là khi “ra đến biển”. Cơ quan chúng tôi nhỏ bé có mười mấy con người ta. Nhưng cái bé nhỏ ấy lại rất “đặc thù”, từ những người lãnh đạo đến các nhân viên đều là đồng nghiệp, rất thuộc bản tính nhau. Mỗi người một tính cách. Mỗi người một hoàn cảnh, một tính nết, mỗi người một vùng miền, đậm đặc chất vùng miền! Và khi về cuối chặng đường đời, mỗi người mang một số phận. Tôi phải nói thêm chi tiết này, hồi đấy gọi là “Trại” nhưng thực chất nó cũng là một cơ quan văn nghệ, một đầu mối của Quân Khu và Khu uỷ. Các thành viên hồi trên rừng, đều tay súng, tay bút, bám sát từng ngày từng giờ với địa bàn và chiến sự. Hoà bình thì cũng vẫn được ông trại trưởng, nhà văn Nguyễn Chí Trung, giữ y nguyên cái máu khắc khổ của của một sĩ quan nổi tiếng đi cơ sở làm phái viên nắm tình hình cho cấp trên. Bản tính ông đầy “chất lính”, tức là anh em phải luôn bám sát dân và bám sát nhiệm vụ của đảng phân công. Nhà văn Nguyễn Chí Trung chia số quân ít ỏi của mình ra thành mấy nhóm, một nhóm bám sát vùng duyên hải, một nhóm bám sát các tỉnh Tây Nguyên, và một số thuộc diện cơ động. Công việc, ngoài sáng tác ra, lúc nào cũng sôi động. Về thu nhập, ngoài tiền lương của từng người, cơ quan có nuôi mấy trăm con gà công nghiệp mỗi ngày có thu nhập thêm vài chục quả trứng hồng đưa vào bữa ăn trưa cải thiện. Có thể nói “Trại viết” của chúng tôi là một “trung tâm” văn học cả nước. Các nhà văn từ ngoài Bắc vào thăm miền Nam và các nhà văn từ miền Nam ra thăm miền Bắc đều đi qua khu 5, đều ghé qua Trại viết của chúng tôi ở Đà Nẵng. Tất cả các nhà văn nhà thơ của cái trại nhỏ bé này đều là các cây bút nổi tiếng. Rất nổi tiếng. Nói đến tên các anh thì dân cả hai ba miền đều biết, đều ngưỡng mộ như Nguyên Ngọc, Phan Tứ, Nguyễn Chí Trung, Dương Hương Ly-Bùi Minh Quốc, Thái Bá Lợi, Cao Duy Thảo, Nguyễn Trí Huân, Trần Vũ Mai, Nguyễn Khắc Phục, Ngân Vịnh, Nguyễn Bảo… Nhờ được về trại viết mà tôi quen gần như hết các nhà văn nổi tiếng cả ba miền. Thậm chí thân thiết với nhiều anh chị cho mãi tới bây giờ. Những năm được làm việc ở “trại” tôi nhận ra chúng tôi có ba nhà văn nhà thơ năng nổ nhất, hay nói chính xác hơn, các anh có đức tính trung thực nhất, những người thẳng thắn, thật thà, bộc trực, yêu chế độ, yêu đảng hết lòng nhất! Đó là 3 đảng viên Nguyên Ngọc, Bùi Minh Quốc và Nguyễn Chí Trung. Mỗi anh yêu đảng theo cách của riêng mình, nhưng về bản tính, họ thấm đẫm chất “Quảng” trong lối sống và lối yêu. Nếu được “bầu” một trong ba đảng viên yêu đảng của trại chúng tôi thì tôi “bầu” anh Nguyên Ngọc là thứ nhất, anh Bùi Minh Quốc thứ nhì và anh Nguyễn Chí Trung chỉ đứng thứ ba thôi, mặc dù sau này anh lên đến cấp tướng, làm trợ lý tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Tôi phải nói thêm về cái sự “bầu bán ba lơn” của tôi. Sở dĩ tôi đánh giá cao anh Nguyên Ngọc và anh Bùi Minh Quốc hơn anh Nguyễn Chí Trung (ở điểm này thôi nhé!), bởi trong quá trình làm nhiệm vụ một đảng viên của các anh đều là những nhà văn chiến sĩ rất xuất sắc, thời chiến cũng như thời thời bình. Tuy nhiên sau thời kỳ đổi mới, anh Nguyên Ngọc, anh Bùi Minh Quốc có sự thay đổi trong cả lối nghĩ, lối tư duy, nhất là lối ứng xử có vẻ khác đi, hơi gay gắt một tí nhưng thực chất họ vẫn là một đảng viên kiên trung, người tin yêu đảng nhất mực. Vì tin yêu đảng, chân thành nghiêm túc thực hiện nghị quyết đảng “Nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng nói rõ sự thật” nên mới hay có những ý kiến đóng góp thẳng thắn, mạnh mẽ, thậm chí hơi bị sốt ruột quá nên dễ bị nhìn nhận sai, bị hiểu lầm. . . Các anh luôn luôn là người của phái tích cực, yêu đảng thái quá, “vượt chỉ tiêu”. Có hồi các anh bị công an nhắc nhở liên tục, người ta cho rằng các anh là những đảng viên có sự chao đảo, dễ bị các thế lực phản động tranh thủ. Sự hiểu không đúng về các anh cũng “vượt chỉ tiêu luôn!” dẫn đến các sự va chạm liên tục với cán bộ đảng, thậm chí các anh bị công an theo dõi như là một thành phần xấu, thành phần chống đối. Và họ luôn mong các các ông nhận mình sai, bằng cả các loại áp lực ngoài đời. Những người hiểu sai, hoặc cố tình hiểu sai về anh Ngọc, anh Quốc luôn kỳ vọng các ông này sẽ phải nhận lỗi. Thực chất mỗi ông mỗi khác, mỗi ông một kiểu, nhưng cả hai đều không chịu cúi đầu nhận sai, nhận lỗi (một cách vô lý), bởi lý lẽ và tình cảm của các ông vẫn một mực nghĩ tốt cho đảng. Có một số người không hiểu thực lòng của hai ông, đã nhân cơ hội nói xấu cá nhân rất vô văn hoá. Bùi Minh Quốc lên nhận công tác tại Đà Lạt và cũng bị công an “sờ gáy” nhiều lần, nhưng cái tính cương trực của một nhà văn chiến sĩ luôn có ý thức chiến đấu cho lẽ phải, và anh vẫn như hồi nào, không suy suyển. Nhiều năm sống chiến đấu với quân với dân Quảng Nam – Đà Nẵng, cái tính thẳng thắn của xứ Quảng đã thấm vào máu anh từ hồi nào.

*
*     *

Bùi Minh Quốc viết truyện ngắn như là viết chỉ bằng hồi ức của thời ác liệt. Tất cả các truyện ngắn của ông được xây dựng bằng vốn sống, bằng những kỷ niệm. nó thật đến nỗi đọc truyện nào cũng thấy tác giả không có chút thơ mộng của tâm hồn nhà thơ. Ông là nhà văn hiện thực chân thành, nghiêm nhặt. Cái tính chân thực sống và chân thực viết thuyết phục tôi. Hồi đấy, tôi đi theo các anh về “Trại viết” cũng thật thà, tự biết mình thuộc diện em út, tuổi đời ít, tuổi văn càng ít. Tôi là lính trận từ tỉnh đội Gia Lai – Kon Tum được về dự từ 1972 mấy tháng hồi trên núi Tây Quảng Đà, mãi đến sau ngày Bắc Nam thống nhất, khi vẫn còn đang là lính ngày Bắc Nam thống nhất, khi vẫn còn đang là lính tỉnh đội, cuối năm 1976, đầu năm 1977, hết chiến tranh, tôi được điều về làm đội trưởng đội chiếu bóng của tỉnh đội, lý do chính là tôi có thể thuyết minh từ phim tiếng kinh ra tiếng BahNar và tiếng Jrai cho đồng bào nghe. Đang đi chiếu bóng lưu động dưới các buôn làng về, được anh em đơn vị thông báo có hai nhà thơ Thu Bồn và Bùi Minh Quốc thân chinh đến tỉnh đội “xin” cho tôi về trại viết của Quân Khu 5. Tôi tiếc đến run người, nhưng nghĩ cái số mình vô duyên nên không gặp! Một năm sau, tôi được Quân khu triệu tập ra Đà Nẵng học trường Cao đẳng thư viện do nhà văn hoá Hoàng Châu Ký làm hiệu trưởng. Cái duyên được về dự trại của tôi mới bắt đầu từ đây. Bác Hoàng Châu Ký rất thân với các anh Nguyễn Chí Trung, Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc). Và chính bác Hoàng Châu Ký đã giới thiệu tôi với các anh. Bác còn đem mấy cái trường ca viết về Tây Nguyên mà tôi đã khoe với bác cho các anh đọc. Tất nhiên là tôi được nhận về ngay. Ở cùng cơ quan, anh Quốc luôn luôn được các anh lãnh đạo “Trại” coi là người quan trọng hàng đầu, một đảng viên cựu trào, một nhà thơ nổi tiếng hàng đầu. Về đây tôi được làm thân với các anh Thái Bá Lợi, Thanh Thảo, Ngô Thế Oanh (mới về trại tôi thấy anh Trần Vũ Mai là cấp uỷ, tính khí rất nghiêm, rất “lập trường”, chưa rượu chưa nhậu nhẹt…Còn anh Công (tức nhà thơ Thanh Thảo) và Nhà thơ Ngô Thế Oanh lại không phải là đảng viên khiến tôi khá bất ngờ, rất ngỡ ngàng!). Nhà văn Nguyễn Chí Trung trại trưởng còn dọa tôi, về đây em không được chơi với các anh Thái Bá Lợi, Thanh Thảo, rượu chè nhậu nhẹt là anh sẽ trả về Gia Lai!

Thực ra càng sống với nhau, tôi càng mê cách sống của các anh Thái Bá Lợi và Thanh Thảo hơn mà cứ ngài ngại với anh Bùi Minh Quốc, mặc dù rất mê thơ của anh. Trong nhiều cuộc họp chi bộ, anh Thái Bá lợi bị kiểm điểm, bị phê phán và bị yêu cầu… “treo bút” (có lẽ đây là hình thức kỷ luật chỉ có ở cái “trại” độc đáo này, và hình như không thấy có ai phản ứng, tuy nhiên sau đó mọi chuyện “vũ như cẫn” he he). Tôi hay rượu vì tôi là lính địa phương, sống và chiến đấu, làm việc đều cùng chung với đồng bào dân tộc. Mà đồng bào thì… không khi nào không có rượu, kể cả ở phía trước, sau mỗi trận đánh. Vậy mà ở đây, không thấy ai “bênh” anh Lợi, trong khi đó, chúng tôi phát giác thấy anh Phan Tứ là người gần như lúc nào cũng “thơm” mùi rượu. Anh Bùi Minh Quốc không rượu chè đàn đúm, làm gì cũng nghiêm túc, bài bản. Tôi thấy anh Quốc thân nhất với hai anh là Nguyễn Trí Huân và Nguyễn Chí Trung. Nguyễn Trí Huân người hiền và cần mẫn, viết khá hay và đúng, luôn được thủ trưởng biểu dương. Anh Huân chịu khó đi xuống cơ sở và có bài kịp thời. Tôi mới về cơ quan, rất ngưỡng mộ các anh và chịu khó quan sát cách làm việc, cách sống, và cả “cách chơi” của từng người. Tôi hoàn toàn là một kẻ vô danh còn các anh đều đã và đang rất nổi tiếng, không phải chỉ có trong văn đàn, mà nổi tiếng lớn trong và ngoài nước. Hồi ấy ở trại viết, anh Quốc được phân nhà riêng với vợ, cô Mai Nhung, sau trở thành một nhà báo – tổng biên tập rất nổi tiếng cả về năng lực lẫn nhan sắc (vốn nổi tiếng từ hồi ở rừng), cùng cậu con trai kháu khỉnh. Anh Quốc là một ông anh rất chu đáo, nhất là đối với loại tép riu như tôi. Mỗi lần tôi sang nhà anh chơi là thế nào cũng được anh cho uống rượu mặc dù anh không uống, trong khi đó tôi, thằng em đã quen uống. Với tôi hồi ấy uống rượu cũng chỉ là uống thứ rượu nhạt như rượu cần. Nói chuyện với ông anh Bùi Minh Quốc quanh đi quẩn lại cũng là chuyện cơ quan, chuyện thế sự, và chuyện viết lách. Không mấy khi anh chuyện trò theo kiểu tào lao nhăng nhít linh tinh như của cánh lính chúng tôi. Cái cá tính nghiêm chỉnh hay gọi đúng tên là nghiêm trọng hóa mọi chuyện đã ngấm vào anh. Ít khi thấy anh vui đùa, càng ít khi thấy anh nói…tục. Tôi rất phục anh hồi anh in mấy cuốn sách ở Nhà xuất bản Kim Đồng, nhất là cuốn “Hồi đó ở Sa Kỳ”, một cuốn truyện hay, đọc khá hấp dẫn, tôi thường nói đùa, một tiểu thuyết mang nhiều yếu tố của ký, song rất hấp dẫn và lý thú.

Sau này đọc các truyện ngắn, hay thực ra là một sê-ri truyện về chiến tranh nhưng viết trong thời hậu chiến, nhất là các truyện viết về đồng chí, đồng đội hồi ác liệt nhất. Khủng khiếp nhất là khi đọc xong các truyện ngắn “Tây Nam” , “Chiều buốt gió” hay “Nước chảy qua cầu”….rồi đến các truyện “ Người cha” và truyện “giấc chiêm bao cuối cùng”, truyện “Ngày đẹp trời bi thảm”. Những lúc ta khó khăn nhất, có hàng loạt cán bộ hoang mang, nhụt chí, để mất cơ sở, có cả huyện uỷ, thường vụ huyện uỷ đi chiêu hồi, làm tay sai, chỉ điểm cho giặc. Và cũng trong cùng một cảnh ngộ đen tối ấy, cái ranh giới giữa sống và chết gang tấc ấy, sự giằng co vô cùng cam go đến với từng người. Cái chết như cơm bữa ấy, lại vẫn có những người trụ được một cách lì lợm, nhất là các bà mẹ làm cơ sở. Truyện ngắn “Một lúc một đời” là truyện điển hình.

Nhà thơ viết truyện ngắn có cái thế mạnh của ông, như nhà thơ Bùi Minh Quốc, thế mạnh khi viết truyện ngắn của ông là vốn sống về bối cảnh nào cũng đầy ắp, lúc nào cũng tự nó tuôn trào. Những truyện ngắn của nhà văn Bùi Minh Quốc viết về chiến tranh rất tự nhiên, ông luôn luôn viết về các mẹ, các chị, các em, các cháu nữ du kích với một sự trân trọng ưu ái đặc biệt. Họ là những nhân vật có thật ngoài đời, và khi vào trang sách, qua ngòi bút của nhà văn Bùi Minh Quốc, họ một lần nữa được tái hiện giản dị và trân quý.

*
*     *

Tôi phải thành thực tự thú với ông anh Bùi Minh Quốc rằng, sau nhiều năm sống chung với nhau cùng một cơ quan, trải bao sự đời, vậy mà ít khi có những cuộc trò chuyện riêng tư kể về nhau, do cá tính mỗi người mỗi khác, chí hướng mỗi người một kiểu, dù đều tự biết và tôn trọng nhau, đủ để không bị trở thành trái chiều. Tôi thích thơ của anh từ hồi học cấp hai cho mãi tới bây giờ. Anh thì từ khi quen biết đến lúc được về ở cùng cơ quan, tôi dưới con mắt Bùi Minh Quốc lúc nào cũng quý quý, bình thường. Đôi khi có sự cố gì đó trong làng văn chuyển biến mỗi khi mỗi khác thì cách nhìn nhận của từng người cũng khác đi nhưng không phải do tuổi tác lệch đến mức khác thế hệ. Anh em chúng tôi cách nhau chừng một con giáp! Một con giáp rất dễ thương, đủ có quan hệ suồng sã, nếu thân thiết có lúc anh anh tôi tôi, có khi chú chú cậu cậu. Nhưng dù sao đó cũng là một khoảng cách, khoảng cách không xa quá, cũng không gần quá, tạo nên mối quan hệ giữa chúng tôi lúc nào cũng thấy có một cái gì đó rất…“gì đó”. Cuộc sống nửa công chức, nửa viên chức, nửa quân đội, nửa dân sự ở cơ quan văn nghệ đưa đẩy lên bổng xuống trầm, dù đúng dù sai, thậm chí dở hơi, tôi vẫn luôn một mực là thằng em, anh vẫn kiên định là một “ông anh”! Một ông anh chí tình dù khi thời tiết xã hội lúc nóng lúc lạnh, lúc lặng im, khi sôi sùng sục, bây giờ tôi U80, anh U90, nghĩ lại cả hai đều thấy nhiều cái rất chi mắc cười. Có chuyện nhỏ xíu mà biến thành to, có chuyện to “oạch” mà vo lại thành bé xíu! Thế nên, xét đến cùng, con người ta, cá tính hay đức tính hình thành nó được xuất phát ngay từ khi còn trong lòng mẹ, từ hồi thơ bé do hoàn cảnh sinh thành với điều kiện sống của mỗi người. Hai anh em tôi sinh ra cùng thời, cùng nhiều thứ, nhưng mà không cùng lối đi vào nhập cuộc với thời thế. Tôi vốn dĩ là con nhà quê gốc, thầy tôi, một ông thợ vẽ tranh dân gian, một ông đồ nho chuyên nghề “bảo học” ở miền châu thổ sông Hồng xa lắc và heo hút. Thầy tôi được dân làng gọi là “ông khoá”, là bác “Khoá Yên”, có lúc gọi là ông đồ nho, ông thợ kẻ vẽ. Còn anh Bùi Minh Quốc lớn lên là dân kẻ chợ, hay ít ra cũng là dân vùng ven thủ đô, vùng ánh sáng, không gian văn hoá rộng, nhịp sống nhanh hơn, va chạm nhiều và sở học luôn luôn được quan tâm, hối thúc. Nói như thế để các bạn hiểu hơn (một chút) về cái sự hiểu muộn của tôi về ông anh rất “cá tính” này. Có phải là do cái duyên cái số không mà bấy lâu nay, nếu đoạn cuối cuộc dời này, tôi không đọc một cách nghiêm túc phần văn xuôi, nhất là những ghi chép, những tản văn về thởi lửa đạn chiến tranh tàn khốc nhất, những mẩu chuyện ngắn, rất ngắn của Bùi Minh Quốc thì cái thằng em hư này chỉ hiểu về ông anh một nửa bề nổi rất nhỏ có phần thiên lệch, mà ở cuốn sách này anh gọi một cách tối giản là “Miền Thẳm”. Anh là một nhà thơ, vâng.Thời chiến tranh chống Mỹ thơ của Bùi Minh Quốc luôn luôn nổi trội đứng ở hàng đầu trên văn đàn với bút danh Dương Hương Ly. Phẩn văn xuôi như là cái bóng chỉ đóng vai phụ trợ cho cái vóc dáng vạm vỡ linh hoạt của thơ luôn luôn được các đồng nghiệp và độc giả, nhất là các vị độc giả cán bộ cao cấp đương thời đề cao với những khám phá khai mở của dòng thơ “cổ động”. Một dòng thơ gần như độc nhất vô nhị để phục vụ cấp thời cho kháng chiến, cho cách mạng. Đó là một thể thơ chủ soái của nền văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa với chức năng tuyên truyền. Có thể nói đấy là kim chỉ nam cho mọi sáng tác của các nhà văn nhà chơ chiến sĩ. Giữa những đau thương lớn của đất nước, thơ và văn xuôi dường như được anh ngào trộn không kể đó là thể loại gì mà đó là nhiệm vụ cách mạng được trên giao phó! Trong văn xuôi Bùi Minh Quốc là một ngòi bút rất chân thực, hay nói đúng hơn, rất thật thà. Cái thật thà này do cuộc sống ngặt nghèo, quá sức chịu đựng của các nhân vật và chính cả tác giả nữa.. Cái sự sống còn trong gang tấc ấy khiến những người trong cuộc có một tầm vóc lớn hơn chính mình mà nó luôn được khoác lên vai các nhà văn nghệ sĩ, những người cầm bút, những người lính quên mình của lứa các anh, tạo nên các tên tuổi: Nguyên Ngọc, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Thu Bồn, Vương Linh, Phan Huỳnh Điểu…. Tôi là lớp đi sau các anh nên có quan niệm khác đi một chút, đã có lần tôi nói với anh, sáng tác văn học thì ở thể loại nào, trong hoàn cảnh nào người viết cũng cần phải có khả năng tưởng ượng, tức là hư cấu. Hư cấu và hư cấu. Bùi Minh Quốc cười nhẹ, nếu đưa vào tác phẩm “một trăm phần trăm” sự thật của đời sống thì tất nhiên sao còn gọi là sáng tạo. Nhưng đời sống lớn lao quá, phức tạp và sinh động quá, nó vượt xa ra khỏi khả năng tưởng tượng của con người, nên chỉ cần ghi lại trung thực đã vĩ đại rồi. Vâng, anh viết văn xuôi, hay gọi cho đúng, nhà thơ Bùi Minh Quốc viết văn xuôi, ở tập sách “Miền thẳm” này, anh gọi đây là những ghi chép về những người thực việc thực, có tên họ, có địa chỉ, có uổi tác, tức nó sự thực “một trăm phần trăm”.

*
*     *

Tôi dành hơn hai tháng để đọc lại tập “MIỀN THẲM” này của anh, cùng sống với các nhân vật MẸ PHẠM THỊ MUA, NGƯỜI MẸ ĐÀO HẦM TỪ THUỞ TÓC CÒN XANH đến những trang ghi chép tỷ mẩn và sâu lắng, nặng nề không kém phần đau xót trước những mất mát hy sinh của bà con anh em đồng chí đồng đội. Những trang ghi chép về anh SÁU HƯNG, một cán bộ cơ sở điển hình trong thời gian khó, ác liệt cũng điển hình của đất Quảng Nam và Đà Nẵng. Thực ra tất cả các cái gọi là ghi chép trong “Miền Thẳm” về các nhân vật mà tác giả trân trọng, tôi nhận ra một điều cao hơn của người viết, ấy là, nhân vật nào được anh viết lại đều là một người đặc biệt điển hình của thời cuộc điển hình. Các nhân vật không còn là nhân vật của người viết nữa, mà họ đã là người thân yêu gắn bó máu thịt trong cuộc sống cá nhân của tác giả. Suốt cả những trang viết về cuộc hành trình theo cách mạng của anh Sáu Hưng, của các nhân vật mà anh Sáu Hưng kể lại với các cuộc di chuyển của cơ quan Tỉnh ủy, của các cán bộ nằm vùng hết từ làng nọ sang làng kia, từ hầm nọ sang hầm kia, từ nhà nọ sang nhà kia, và cả những cuộc sống dưới hầm bị địch xăm hầm, có những cuộc này nọ bị lộ do địch phát hiện, do các đồng chí bị bắt, bị tra khảo dã man không chịu nổi đã khai báo v.v…

Thêm nữa, trong các ghi chép của Bùi Minh Quốc viết về các anh chị đồng nghiệp văn nghệ sĩ khu Năm bám trụ với cơ quan, bám đất, bám dân và “bám nhau” vượt qua những cuộc bố ráp, vượt qua những thử thách tạo nên một đội ngũ những người viết anh hùng. Xin mời các bạn đọc một đoạn trích ghi chép của Bùi Minh Quốc, anh ghi lại về cuộc họp của các anh sau một chuyến đi xuống vùng địch về, mất mát lớn quá, cái chết của một vài anh chị em: “Tháng 8-1968, tôi đi chiến dịch X2 ở Quảng Đà.

Trong khi đó, ở nhà mọi người lại được lệnh chuyển dần đồ đạc gạo muối lên căn cứ mới ở vùng sông Thanh. Hạ tuần tháng 12-1968, Tiểu ban Văn Nghệ tổ chức hội nghị sáng tác tại A7. Họp chung cả lực lượng bên Quân khu và Khu uỷ. Bên Quân khu sang có các anh Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung, Thu Bồn, Cao Phương và một số anh chị ở đoàn văn công Quân khu. Có cả anh Hà Mâu Nhai phụ trách nhóm làm phim của xưởng phim Giải Phóng vừa đi quay ở Quảng Đà về. Bên Tiểu ban văn nghệ có các anh chị Vương Linh, Phan Huỳnh Điểu, Chu Cẩm Phong, Cao Duy Thảo, Bùi Minh Quốc, Dương thị Xuân Qúy, Trần Thăng Giai, Trần Hữu Chất, Phương Anh, Thanh Đính… Suốt cả 1968, chúng tôi người thì đi chiến dịch, người thì lo gùi cõng di chuyển cơ quan liên miên, nên tổ chức được một hội nghị như thế này là công phu lắm. Và vui lắm. Trước hết là vui vì được gặp nhau, thấy nhau còn sống.

Ngồi họp trong một chiếc lán lợp lá dong. Máy bay địch quần thảo liên tục, ném bom ầm xoà đâu đó, thỉnh thoảng lại choảng một loạt khá gần. Nhiều lúc, người phát biểu phải nói thật to như quát giữa tiếng máy bay và tiếng bom gầm.

Hội nghị sáng tác chỉ bàn về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tôi nhớ mãi, nhà văn Nguyên Ngọc (trong bộ phận lãnh đạo) nêu rõ: nhân vật trung tâm của văn học cách mạng bây giờ là, và phải là người anh hùng mới của ngày hôm nay, của cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt và rất đỗi hào hùng này, nhà văn phải huy động hết cả tâm huyết và năng lực để làm sao nhận rõ được cái phẩm chất mới, cái diện mạo mới của người anh hùng đó và biểu hiện trong tác phẩm bằng sức mạnh riêng của nghệ thuật. Anh còn nhấn mạnh để có thể nhận rõ và miêu tả chân thực những người anh hùng bình thường mà vĩ đại ấy, thì bản thân nhà văn cũng phải vươn lên sống ngang tầm những người anh hùng. Ý kiến của Nguyên Ngọc được mọi người nhiệt liệt tán thành và nêu thêm nhiều dẫn chứng thực tế mà mỗi người đã tự trải nghiệm, đã trực tiếp chứng kiến trong đời sống hàng ngày ở căn cứ, ở chiến trường đồng bằng và vùng ven thành thị.

Có ai đó nêu lên một ý hơi khang khác, cho rằng cái việc “vươn lên sống ngang tầm những người anh hùng” đã diễn ra rồi, sự thực thì không ít văn nghệ sĩ ở chiến trường đang sống có khác gì những anh hùng, họ hoàn toàn có thể tự hào sánh ngang với những anh hùng đang ngày đêm chiến đấu, chẳng những trên bàn viết mà ngay cả trên chiến hào. Chúng tôi đều nhắc đến Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn) như một mẫu mực. Nhắc đến Hoàng Việt, Lê Anh Xuân… Và mới đây nhất, trong tháng 8-1968, Nguyễn Trọng Định, một nhà báo, nhà thơ trẻ vừa hy sinh trong chiến dịch X2 ở Điện Bàn. Lúc mới nghe cái ý kiến trên, tuy trong bụng tôi rất đồng tình nhưng cũng chột dạ: liệu có bị cho là chủ quan, thiếu khiêm tốn trước công nông hay không? Chẳng ngờ chính Nguyên Ngọc lại tán thành ý kiến đó, thậm chí anh còn cho đây là một ý kiến có tính phát hiện nữa.

Chủ nghĩa anh hùng cách mạng chẳng những đã là một đường hướng sáng tác mà thực tế đã là phong cách sống bình thường của người nghệ sĩ chiến sĩ tại chiến trường. Và đó là sự lựa chọn duy nhất đúng của thời ấy, khi vận mệnh cả dân tộc đang trong cơn thử thách ghê gớm nhất, lâu dài nhất trong lịch sử. Nếu không thế, anh chỉ còn con đường hoặc đầu hàng, hoặc quay lui về hậu phương tìm nơi yên ổn (mà liệu có nơi nào yên ổn), hoặc khôn khéo né tránh những gian khổ, những ác liệt, nương tựa trên sự gánh vác hy sinh của đồng đội đồng nghiệp mà tồn tại qua ngày. Suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Khu Năm, trong lực lượng văn nghệ chỉ có một trường hợp đầu hàng duy nhất là trường hợp một đạo diễn điện ảnh. Trong khi đó, các nghệ sĩ bị giặc bắt như Võ Sĩ Thừa, Lâm Hồng Ân… đã luôn giữ vững khí tiết cho tới ngày được trao trả. Ngay sau hội nghị sáng tác, Chu Cẩm Phong, Dương thị Xuân Quý đi Quảng Đà, Trần Đăng Giai, Trần Hữu Chất đi Tây Nguyên. Toàn bộ cơ quan Tuyên huấn và cả cơ quan Khu uỷ di chuyển khỏi A7 lên vùng sông Thanh. Ba ngày sau, địch đổ quân xuống A7…

Đêm 8-3-1969, Dương thị Xuân Quý hy sinh ở thôn 2 xã Xuyên Tân (nay là Duy Thành) Duy Xuyên Quảng Đà khi cùng các chiến sĩ du kích lên khỏi hầm bí mật cố vượt thoát khỏi vòng càn quét của giặc Nam Triều Tiên. Trong đoạn đời sáng tác quá ngắn ngủi ở chiến trường giữa hồi gian khổ nhất, ác liệt nhất, Dương thị Xuân Quý cũng đã kịp để lại truyện ngắn “Hoa rừng” và các bút ký “Tiếng hát trong hang đá”, “Niềm vui thầm lặng”, “Gương mặt thách thức”. Rất chịu khó, chịu cực, rất xông xáo trong thâm nhập thực tế, luôn tìm đến những mũi nhọn của cuộc chiến đấu và hầu như không lúc nào rời khỏi vũ-khí-cây-bút, Duơng Thị Xuân Quý tranh thủ viết giữa hai chuyến cõng gạo, giữa hai cơn sốt rét, viết ngay cả trong những ngày lăn lộn ở đồng bằng bom pháo tơi bời vì càn quét liên miên. Chi bộ Văn Nghệ đánh giá Dương thị Xuân Quý đã nêu cao gương sáng của một nhà văn- chiến sĩ và quyết định kết nạp chị vào Đảng trong hội nghị chi bộ tháng 6-1969 tại Đăk Bui. Rất tiếc, đảng uỷ cấp trên đã không chấp thuận quyết định của chi bộ.

Trong khi Dương Thị Xuân Quý hy sinh thì Chu Cẩm Phong suýt chết trên đường ra Hòa Hải, ven Đà Nẵng. Các em gái giao liên đã liều mình chịu chết để cứu mạng cho Chu Cẩm Phong và Thông phóng viên quay phim, Hy phóng viên ảnh. Hôm đó Trạm giao liên tổ chức cho các anh cải trang đi hợp pháp giữa ban ngày qua vùng cát Điện Bình, gần chốt Mỹ. Thông, Hy giả ông già nông dân. Chu Cẩm Phong mảnh mai trắng trẻo giả phụ nữ. Anh mặc chiếc áo cánh của em Cúc nữ giao liên và chiếc quần đen của chị Nga cán bộ phụ nữ tỉnh, đội nón lá, bên hông cắp chiếc thúng đựng xắc tài liệu, chiếc thắt lưng có khẩu súng ngắn. Cúc, Hường, hai em gái giao liên đi trước một quãng, các anh theo sau. Chẳng ngờ có một ổ phục kích của tụi Mỹ đã phục sẵn sau cồn cát. Khi chạm địch, hai em nói lớn “Chào du! Chào du”, dậm chân ném nón xuống cát để làm hiệu. Các anh quay đầu chạy thoát dưới làn đạn, giặc bắn đuổi. Chúng bắt hai em gái giao liên ra tra khảo, hãm hiếp và giết chết ngay tại chỗ một cách hết sức man rợ. Cả hai nữ giao liên tên là Anh và Dũng từ trạm dưới lên đón các anh cũng bị chúng bắt luôn và chịu chung thảm họa. Nhà thơ Nguyễn Mỹ đã làm một bài thơ về cái chết của các em gái giao liên, anh có đọc cho chúng tôi nghe, nhưng tiếc thay bài thơ chưa kịp in thì Nguyễn Mỹ bị giặc bắn, chúng lấy mất ba lô trong đựng bản thảo, có lẽ bài thơ cũng mất theo.

Cuối năm 1969 đầu năm 1970, các hoạ sĩ Trần Hữu Chất rồi tiếp đến hoạ sĩ Trần Thăng Giai, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ra Bắc, Tiểu ban được bổ sung lực lượng từ miền Bắc vào: các họa sĩ Hà Xuân Phong, Giang Nguyên Thái, nhà thơ Thanh Quế, các biên đạo múa Hiền Minh, Văn Phước, các nghệ sĩ tuồng Xuân Viên, Phương Cơ, Nhường, Ân, Cựu, Nông, Sơn, Ngoan…

Cao Duy Thảo từ Bình Định về sau một chuyến đi khá dài, lặn xuống tận vùng sâu Phù Mỹ, Phù Cát. Cao Duy Thảo thở ra: làm sao viết đây? Làm sao viết đây?…

Đấy cũng là nỗi dày vò thường trực của tất cả chúng tôi.

Nhưng phải lo có cái ăn trước đã. Địch đánh phá ngày càng ác liệt lên vùng căn cứ. Chất độc hóa học rải tùm lum. Cái đói vốn triền miên càng trở nên vô cùng gay gắt. Cả tiểu ban lao vào phát mấy cái rẫy rừng non bên bờ sông Đăk Bui. Bữa ăn hàng ngày chỉ có chút sắn ngấm chất độc sượng trân, trộn với cây dớn, củ nưa (còn gọi củ móng ngựa) thái nhỏ thành sợi. Ngày đi phát rẫy, đêm về thái củ nưa ninh sùng sục trên đống lửa, bụng sôi òng ọc vì sắn ngấm chất độc, vì cái thứ cây dớn củ nưa chỉ toàn xen-luy-lô, ăn vào để đánh lừa dạ dày mà cũng chẳng đánh lừa nổi, nước miếng trong cứ ứa ra. Thế mà cứ vừa canh bếp vừa bàn chuyện văn chương nghệ thuật hoặc chong cây đèn tự tạo bằng ve dầu măng nhỏ xíu treo trên đầu võng mà cặm cụi viết. Cao Duy Thảo, Chu Cẩm Phong thay nhau khòm lưng ngồi gõ máy chữ lóc có, lóc cóc như hai con cò hương lặn lội tìm mồi, hai cái lưng lòng khòng, lỏng khỏng như càng khọm hơn. Chúng tôi quyết giữ tờ tạp chí Văn Nghệ Giải Phóng trung Trung Bộ không để cái đói dìm đứt mối với bạn đọc. Những đận nhà in chưa có giấy, bản thảo lên ma-két rồi phải nằm chờ, chúng tôi đề nghị cứ điện minh ngữ ra Đài Giải Phóng cho Đài dủng và giới thiệu bài vở rút ra từ tạp chí Văn Nghệ Giải Phóng trung Trung Bộ số mấy, số mấy. Truyện ngắn, bút ký của Dương thị Xuân Quý, Cao Duy Thảo, Chu Cẩm Phong… Thơ của Hải Lê (Vương Linh), Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc), nhạc của Huy Quang (Phan Huỳnh Điểu)… Năm ấy tạp chí phải in số thì bằng giấy vở học trò, số thì bằng thứ giấy “bình dân” đen xỉn làm từ bột nứa nghiền chưa kỹ. Tập 1 cuốn tiểu thuyết “Đất Quảng” của Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc) cũng in trong năm ấy bằng chính thứ giấy như thế. Ở một số trạm giao liên, người ta treo các tờ tạp chí Văn Nghệ Giải Phóng trung Trung Bộ, Văn Nghệ Giải Phóng Quân Khu Năm, tiểu thuyết “Đất Quảng” và tập ca dao động viên sản xuất của Nguyễn Mỹ lên dây quanh vách trạm, khách dừng chân có thể mượn đọc rồi treo lại chỗ cũ. Ngành giao bưu còn cho đánh máy nhiều bản bài thơ “Người đi dép một chân” viết về người nữ giao liên vùng sâu của Dương Hương Ly phát cho cán bộ chiến sĩ trong ngành, vì tạp chí quá ít….’’.

Tôi phải xin lỗi các bạn đọc vì “trích” hơi dài mà với tôi,vẫn chưa lấy làm thoả mãn. Nhà văn, nhà thơ Bùi Minh Quốc cùng các anh chị em văn nghệ sĩ Khu Năm thời chống Mỹ đã một lòng một dạ sống và chiến đấu với nhân dân, tay súng, tay bút như vậy và cho tới hôm nay, tôi vẫn thấy các anh Nguyên Ngọc, Bùi Minh Quốc vẫn sống như hồi nào, vẫn kiên trung, thẳng thắn và dũng cảm.


TRUNG TRUNG ĐỈNH

Cùng chuyên mục

Bài thơ kính đề Nam thiên đệ lục động của Giáo thụ Trần Hữu Đáp

Bài thơ kính đề Nam thiên đệ lục động của Giáo thụ Trần Hữu Đáp

Ngô Thì Nhậm bàn về thế sự qua một bài thơ

Ngô Thì Nhậm bàn về thế sự qua một bài thơ

Hợp tác sân khấu quốc tế trong thời đại mới

Hợp tác sân khấu quốc tế trong thời đại mới

Truyện lịch sử: Người vợ của đảng trưởng

Truyện lịch sử: Người vợ của đảng trưởng

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Người rời thành phố vào sáng sớm

Người rời thành phố vào sáng sớm

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Phó Đức Phương và khát vọng sử ca

Phó Đức Phương và khát vọng sử ca