Bữa cơm báo hiếu của người dân tộc Nguồn – Quảng Bình

19:53 | 15/02/2024

“Nhà nhiều tiền nhiều của không bằng có ông bà, cha mẹ sống lâu”- Đó là quan niệm về chữ hiếu của người Nguồn (thuộc nhóm dân tộc Việt – Mường) ở Minh Hóa (Quảng Bình). Nơi thâm sơn cùng cốc này, chữ hiếu luôn được đặt lên hàng đầu! Và tục “giỗ sống” ông bà, cha mẹ để tỏ lòng hiếu thảo là một nét đẹp độc đáo, là minh chứng rõ ràng nhất cho tấm lòng hiếu thảo của những người con dân tộc Nguồn ở đây.

Phong cảnh Minh Hóa – Quảng Bình

Không cần phải cao lương mỹ vị nhưng trong bữa cơm báo hiếu, ngoài những món ăn truyền thống của người Nguồn thì những món cha mẹ thích ăn hằng ngày là không thể thiếu.

Tập tục khởi nguồn từ lòng hiếu thảo

Hằng năm, cứ vào giữa tháng 11 âm lịch cho đến khoảng 25 tháng chạp, người Nguồn ở Minh Hóa (Quảng Bình) lại rộn ràng với cái Tết đặc biệt của mình. Đó là cái Tết báo hiếu mà người Nguồn gọi là “Pơng cộ Tết” (bưng cỗ Tết) hay còn gọi là tục “giỗ sống” để tỏ lòng hiếu thảo của con cháu đối với bậc sinh thành.

Xuyên qua sương lạnh của những ngày cuối năm chúng tôi tìm về với những người Nguồn ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình để được nghe kể, được tận mắt chứng kiến 1 nét đẹp văn hóa ngày tết mà không một nơi nào trên đất nước có được, đó chính là tục “giỗ sống” đấng sinh thành để tỏ lòng thảo hiếu của con cháu.

Quây quần bên bếp lửa ngày đông lạnh, chúng tôi được những người già của xứ này kể về những điều cốt lõi nhưng linh thiêng đẹp đẽ về tập tục này.

Lạ thay, ngay cả những người sống lâu nhất ở xứ này cũng không ai nhớ được việc “dâng cơm báo hiếu” hay còn gọi tục “giỗ sống”, “bưng cổ tết” có tự bao giờ. Thế nhưng, chẳng bao giờ người dân ở đây quên chuẩn bị mâm cơm báo hiếu để dâng lên bậc sinh thành ngay từ những ngày giữa tháng 12 âm lịch đến trước phút giao thừa.

Tương truyền, tục này đã có từ xa xưa, xuất phát từ câu chuyện về lòng hiếu thảo của một chàng trai người Nguồn đối với mẹ mình. Một hôm có người đàn ông lên rừng bẫy được một con lợn rừng to. Anh ta đem về chọn những miếng thịt ngon nhất để dâng mẹ già cùng với cơm được nấu từ gạo nếp mới trên nương. Một năm sau đó, cũng vào dịp Tết, mẹ anh trở bệnh nặng, ăn uống không còn cảm thấy ngon, bà bèn buột miệng: “Giá mà được ăn một bữa ngon như năm trước thì có nhắm mắt cũng thỏa lòng”. Người con dâu nghe được, liền đem chuyện kể lại cho chồng.

Hai vợ chồng thương mẹ, nhưng nhà nghèo không có tiền để mua những món ngon nên bèn đem chút thóc giống cuối cùng của nhà ra thổi cơm. Người chồng cũng không quản ngại trời rét buốt, lặn lội ra suối bắt cá. Người vợ ở nhà thì làm thịt con gà cuối cùng của gia đình, sắp sửa một bữa cơm thịnh soạn cho mẹ. Lạ thay, mẹ anh dần dần khỏi bệnh và mạnh khỏe trở lại.

Cụ ông rất vui mừng khi được con cháu dâng cơm

Năm sau đó, gia đình anh ăn nên làm ra, có của ăn của để. Một thời gian sau, dân làng biết chuyện đều nói là nhờ con cái hiếu thảo nên trời đất phù hộ. Từ đó, cứ vào dịp Tết đến là các gia đình trong vùng đều học theo anh trai làng hiếu thuận chọn thức ăn ngon nhất dâng lên cha mẹ để báo đáp bậc sinh thành.

Những người con giỏi giang phải biết chọn món cha mẹ thích ăn. Và khi mâm cơm được dâng lên, con cháu lần lượt sẽ nói với ông bà, cha mẹ những lời sám hối của mình nếu như trong năm qua khiến các bậc sinh thành phải phiền lòng. Sau đó, cả nhà cùng dùng bữa cơm báo hiếu để cầu chúc cho cha mẹ, ông bà sống lâu trăm tuổi, mong năm mới gia đình đầm ấm.

Ông Đinh Thanh Dự, một người chuyên nghiên cứu văn hoá ở huyện Minh Hoá nói: “Đã thành lệ, đã là người dân Minh Hoá thì dù giàu hay nghèo, mỗi dịp cuối năm đều phải tự tay làm một bữa cơm bưng đến nhà bố mẹ để tỏ lòng hiếu thảo. Dù ông bà, cha mẹ không đòi hỏi, nhưng bổn phận con cái khi đã có cửa nhà riêng, đã làm chủ được cuộc sống thì không thể bỏ qua lệ này. Nếu không lo nổi bữa cơm tươm tất theo tục “giỗ sống” thì cả làng sẽ chê cười, năm mới lộc tài sẽ chẳng ghé nhà”.

Dâng cơm cho người sống, mâm cỗ gắn kết gia đình

Là người Nguồn thì dù là giàu hay nghèo, năm hết tết đến mỗi gia đình đều tự tay làm một mâm cơm bưng đến dâng lên cha mẹ tỏ rõ lòng hiếu thảo, báo đáp ơn nghĩa sinh thành.

Trước đây, trong nhà có bao nhiêu người con có gia đình riêng thì sẽ có ngần ấy mâm cơm dâng lên báo hiếu cha mẹ. Để không làm trùng nhau, các con phải họp bàn từ trước. Ngày nay, để tiện cho công tác của các con nên bữa cơm báo hiếu thường được các gia đình làm chung một lần.

Sau lễ dâng cơm, cả gia đình đoàn tụ sum vầy 

Bà Đinh Thị Hựu (SN 1953) ở Tiểu khu 6, thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa có tất cả 7 người con và đều đã lập gia đình, có người ở gần nhưng cũng có người ở xa.Thường thì khoảng từ đầu tháng Chạp, các con của bà đã bắt đầu lên kế hoạch để họp lại một bữa, làm cơm dâng lên cha mẹ và ông bà.

Theo anh Đinh Xuân Vương (SN 1986) con trai thứ 5 của bà Hựu thì mâm cơm báo hiếu không đòi hỏi nhiều ít hay cao lương mỹ vị mà quan trọng là tình cảm của con cháu giành cho ông bà cha mẹ mình.

Tuy nhiên, ngoài những món ăn truyền thống của người Nguồn trong bữa cơm như bánh chưng, cá khe, rau tớn xào tôm, gà thì các con còn làm những món mà cha mẹ thích ăn nhất.

Vừa đổ nước vào nồi lóng, chị Đinh Thị Thúy Nga (SN 1988), con gái bà Hựu cho biết: “Lóng hầm xương là món mà mẹ tôi rất thích ăn. Món này được nấu từ ruột cây chuối rừng bằm nhỏ hầm với xương heo và gia vị. Thời gian hầm càng lâu càng ngon. Hôm nay tôi và các chị dâu đi chợ sớm, tìm mua được cây chuối rừng ngon nên nấu để dâng lên mẹ. Sau khi chuẩn bị xong, chúng tôi sẽ bày riêng ra một mâm để mẹ bưng sang mời ông ngoại (bố đẻ bà Hựu) và một mâm để đặt lên bàn thờ cho ba. Thắp hương cúng ba xong, con cháu mới bày mâm để mời mẹ và các bác”.

Bữa cơm được dọn ra, các con, cháu lần lượt dành những lời cầu chúc cho bố mẹ, ông bà sống lâu trăm tuổi để hưởng phúc vui cùng con cháu. Bên cạnh đó, nếu có ai phạm phải những điều làm ông bà cha mẹ buồn lòng trong năm qua thì đây cũng là dịp để nói lời sám hối.

Bắt ốc khe đá, một nét đẹp truyền thống của người Nguồn ở Minh Hóa

Đáp lại tình cảm của con cái, bậc sinh thành sẽ dặn dò, cầu chúc con cháu những điều tốt đẹp nhất. “Mẹ cảm ơn các con, mẹ nay ăn không được nhiều nhưng các con đã đoàn kết, anh em tập trung đến đây bố mừng lắm. Mẹ mong các con luôn đoàn kết trong khó khăn hoạn nạn cũng như lúc vui vẻ sum vầy. Sang năm mới mẹ chúc con sức khỏe, làm ăn tấn tới, mong các con thường xuyên lui tới thăm để mẹ được vui vẻ lúc tuổi già”… Bà Hựu xúc động căn dặn con cái bên mâm cơm được dâng lên.

Ngày nay, dẫu cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng mâm cơm báo hiếu vẫn còn nguyên giá trị văn hóa. Dù đi đâu về đâu, người Nguồn cũng luôn nhớ và thực hiện phong tục tốt đẹp này.

Trần Hoàng – Phan Thạch  (PV Văn hiến Việt Nam tại Miền trung – Tây nguyên)

Cùng chuyên mục

TRỊNH CÔNG SƠN – HÀ THỊ CẦU, HAI KẺ HÁT RONG VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC!

TRỊNH CÔNG SƠN – HÀ THỊ CẦU, HAI KẺ HÁT RONG VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC!

Tượng đài N’Trang Lơng – Niềm tự hào của người dân Đắk Nông

Tượng đài N’Trang Lơng – Niềm tự hào của người dân Đắk Nông

Ngôi làng 600 năm tuổi với 3 di sản Ký ức thế giới

Ngôi làng 600 năm tuổi với 3 di sản Ký ức thế giới

Đặc sắc Lễ hội làng cổ Siêu Quần

Đặc sắc Lễ hội làng cổ Siêu Quần

NGHỆ AN: Du khách nô nức tham dự Khai hội Đền Cuông 2024

NGHỆ AN: Du khách nô nức tham dự Khai hội Đền Cuông 2024

Quảng Bình đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Kiều

Quảng Bình đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Kiều

Đồng hồ đeo tay và câu chuyện lịch sử

Đồng hồ đeo tay và câu chuyện lịch sử

Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế: Tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc

Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế: Tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc

Thượng thư Đào Hữu Ích – Bậc đại “Trí” của vương triều Nguyễn

Thượng thư Đào Hữu Ích – Bậc đại “Trí” của vương triều Nguyễn