Bốn cuộc cải cách vẫn ì ạch chưa làm xong sách giáo khoa

16:57 | 10/12/2021

Nền giáo dục ở bất cứ quốc gia nào cũng phải xây dựng chương trình tiên tiến, bộ sách giáo khoa chuẩn. Nước ta từ sau cách mạng tháng Tám (1945) đến nay đã trải qua 4 cuộc cải cách giáo dục, 4 lần thay đổi Chương trình-Sách giáo khoa (CT-SGK).


Ảnh minh họa.

Lần thứ nhất, trong kháng chiến chống Pháp, năm 1950 Chính phủ Cụ Hồ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 9 năm, sách giáo khoa (SGK) rất ít.

Lần thứ hai, từ năm 1956 ở miền Bắc tiến hành chương trình 10 năm, xác định “giáo dục phổ thông trở thành nền tảng văn hóa của đất nước, là sức mạnh tương lai của dân tộc”. Bộ SGK do một nhóm Giáo sư làm chỉ trong 1 năm.

Lần thứ ba, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976), Bộ Chính trị (Khóa VIII) ra Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 11/01/1979 về cải cách giáo dục theo nguyên lí “học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”. Sau khi thống nhất đất nước, miền Bắc vẫn thực hiện giáo dục phổ thông 10 năm, miền Nam tiếp tục duy trì hệ 12 năm. Nghị quyết số 14 nêu mục tiêu “làm tốt việc chăm sóc và giáo dục thế hệ trẻ ngay từ thuở ấu thơ”, đặt ra yêu cầu “Xây dựng chương trình, sách giáo khoa chuẩn” và thực hiện thống nhất trong cả nước giáo dục phổ thông hệ 12 năm. Cuộc cải cách lần này, phải làm lại toàn bộ SGK.

Lần thứ tư, ngày 9/12/2000, Quốc hội Khóa X ban hành Nghị quyết số 40/2000/QH10 về “Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông”, thực hiện giáo dục bắt buộc. Hội nghị lần thứ 8, Khóa XI BCH Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Năm sau, Quốc hội Khóa XIII ban hành Nghị quyết số 88/2014 /QH13 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục”.  CT-SGK lại phải làm mới.

Trong bốn thập kỉ (1980-2020), Đảng, Quốc hội có 4 Nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng có nhiều Nghị quyết, Nghị định, Quyết định, Chỉ thị và Bộ GD&ĐT càng có nhiều văn bản quy phạm pháp luật về cải cách giáo dục. Đi liền với các cuộc cải cách, trọng tâm là xây dựng CT-SGK cho từng cấp học.

Những năm kháng chiến chống Pháp, áp dụng SGK của Pháp cho chương trình 9 năm. Sau năm 1954, thực hiện chương trình 10 năm và sau 1980 thực hiện chương trình 12 năm ngành Giáo dục tiếp thu nội dung SGK ở một số nước có nền giáo dục tiên tiến (Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Nga), chủ yếu là các môn khoa học tự nhiên. Hồi đầu một nhóm giáo sư, trí thức biên soạn SGK phổ thông (hệ 10 năm) làm chỉ trong nửa năm, kinh phí không đáng kể, áp dụng ổn định hệ phổ thông 10 năm (từ năm học 1956-1957 cho đến năm học 1980-1981). Chương trình đó đào tạo ra một thế hệ anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Sau Nghị quyết số 14 của Bộ Chính trị và chủ trương của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), thống nhất hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm trong cả nước, cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 đầu tiên được áp dụng năm 1981, mở đầu cho SGK mới, cải tiến chữ viết. Tiếp đến, lần lượt biên soạn thay SGK cho đến lớp 12. Tuy nhiên, những năm 80 thế kỉ trước do khủng hoảng kinh tế và ảnh hưởng của chiến tranh biên giới, việc cải cách giáo dục co lại với chủ trương thay đổi CT-SGK theo cách mỗi năm thay một lớp nên kéo dài từ năm 1981 đến năm 1992. Năm 1993, Chính phủ vay của Ngân hàng Thế giới 78 triệu USD cho Dự án phát triển tiểu học, chủ yếu để làm SGK. Vậy là, SGK vừa làm xong lại bỏ để làm mới!

Sau khi Quốc hội Khóa X ban hành Luật Giáo dục (1998), đồng thời ban hành Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 9/12/2000 về “Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông” với mục tiêu: “Xây dựng nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục, sách giáo khoa mới…” thì từ đấy lại diễn ra triền miên suốt 20 năm qua chưa xong bộ SGK.

Giai đoạn này, Bộ GD&ĐT hình thành một chức năng “rất quan trọng”, chủ yếu là tập trung mọi nỗ lực xây dựng đề án, dự án, quản lí dự án, trong đó có hơn 10 dự án lớn, tiêu tốn hàng tỉ USD. Chỉ riêng đầu tư cho thiết bị trường học (2002-2007) ngân sách chi hơn 14.000 tỉ đồng (đã xảy ra một số vụ án tham nhũng). Báo cáo của Bộ GD&ĐT trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 9/2009 có nêu: “Chính phủ đã sử dụng nguồn vốn ODA để hỗ trợ cho nguồn lực về tài chính cho việc đổi mới chương trình thông qua các chương trình, dự án”. Năm 2008 ngân sách chi 2.830 tỉ đồng để làm “Dự án đổi mới chương trình giáo dục, sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy”,v.v…

Năm 2011, Bộ GD&ĐT (do đồng tác giả là Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển) trình Quốc hội một Dự án “khổng lồ” cần 70.000 tỉ đồng (3,4 tỉ USD) cho cải cách giáo dục. GS Hồ Ngọc Đại nói trong chương trình VTC 14 ngày 28/8/2018: “Đó là số tiền một con số 7 và 13 con số không”; “Không hơn gì cái cũ đâu. Nó chỉ chia nhau tiền để nó làm tiền, không hơn gì hết. Bản chất vẫn thế!”…

Rõ ràng, thực hiện cải cách giáo dục từ năm học 1980-1981 đến nay, Bộ GD&ĐT liên tục thay đổi CT-SGK. Sách in năm nào học sinh chỉ được dùng năm ấy. Có loại SGK tiểu học phải viết trực tiếp vào là cách làm không nước nào trên thế giới làm cả! Sách tham khảo cũng độc quyền do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành gấp hàng chục lần SGK chính thức. Theo GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn (Đại học Quốc gia Hà Nội), thì: “Hàng năm, lượng in ấn sách giáo khoa và sách tham khảo chiếm khoảng 85 % sản lượng in sách của quốc gia, 200 triệu bản cho khoảng 2.500 đầu sách. Ở bậc học phổ thông, học sinh lớp 1 có tới 80 cuốn sách, còn từ lớp 2 đến lớp 12 có từ 100 đến 500 cuốn sách. Nếu chồng các cuốn sách giáo khoa, sách tham khảo của mỗi lớp thì chiều cao của chồng sách cao hơn chiều cao mỗi học sinh”.

Năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra Chỉ thị số 57/CT ngày 12/8/1981 do Phó Chủ tịch HĐBT Tố Hữu kí, chỉ đạo: “Từ năm học 1981-1982, ngành Giáo dục được thay đổi theo phương thức phân phối sách giáo khoa theo Quyết định số 41/TTg ngày 19/01/1976 của Thủ tướng Chính phủ, bằng cách tổ chức cho mượn, cho thuê và bán cho học sinh dùng riêng” là một chủ trương phù hợp thực tiễn, thực hành tiết kiệm. Tiếc rằng từ đó, Nhà xuất bản Giáo dục với cơ chế độc quyền ngày càng in nhiều sách giáo khoa, sách tham khảo, bắt buộc học sinh phải mua sách mới, sách cũ chỉ còn bán cho đồng nát. Tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV thảo luận về Luật Giáo dục (sửa đổi), Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân phải thốt lên:“Sách vở tôi học mấy năm sau em tôi vẫn dùng học lại được. Bây giờ mỗi năm một sách khác, tốn tiền Nhân dân lắm…”

Về làm CT-SGK, trong khi Bộ GD&ĐT làm đề án cần hàng nghìn tỉ đồng từ ngân sách thì những năm đầu thế kỉ XXI, một nhóm Giáo sư, các nhà khoa học giáo dục tâm huyết đề xuất xin nhận làm SGK chuẩn, chỉ cần 100 tỉ đồng, trong 1 năm xong nhưng không được cơ quan chức năng chấp nhận. Các vị rủ nhau đến gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cựu Tổng Bí thư Đỗ Mười,v.v…xin ý kiến, trình bày phương án, mong được các bậc lão thành có tiếng nói tham gia thì đều được hoan nghênh, ủng hộ nhưng các vị cũng chỉ cho ý kiến: “Cái này còn phải do Chính phủ…”. Thế rồi, ý tưởng đó không được ai đoái hoài!…

Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 8 (Khóa XI) ban hành Nghị quyết số 29-NQ-TW ngày 4/11/2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” với mục tiêu “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả,v.v…”; Sau đó, Quốc hội Khóa XIII (2011-2016) cũng ban hành Nghị quyết số 88/2014 /QH13 ngày 28/11/2014 “Về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông” gồm 2 giai đoạn: (1) Giáo dục cơ bản tiểu học, trung học cơ sở và (2) Giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT).

Sau 7 năm triển khai hai Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, ngành GD&ĐT vẫn lúng túng, ôm đồm trong việc triển khai bám chặt vào các Dự án, Đề án, Chương trình, mặc dù tỏ ra “hối hả” biên soạn SGK mới với nguồn ngân sách hàng trăm tỉ đồng/năm để mãi đến năm học 2020-2021 lớp 1 mớí có SGK mới, năm học 2021-2022 lớp 2 và lớp 6 mới có SGK mới. Các lớp còn lại chưa biết bao giờ xong?

Thực tế, sau khi SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6 phát hành lại gây ra nhiều tranh cãi, nhất là về sách Tiếng Việt, môn Văn lớp 6, sách tham khảo, sách về thể chất và cách cải tiến hình thức, thay đổi khổ sách và giá bán. Một số ý kiến cho rằng môn tiếng Việt có những bài phản cảm, dạy cho học sinh tham lam, ích kỉ, bạo lực, an phận, láu cá, định kiến về giới,v.v…SGK hiện hành khổ 14 cm x 24 cm, SGK mới khổ 19 cm x 26,5 cm; SGK hiện hành in 2-4 màu, SGK mới in toàn bộ 4 màu; bộ SGK hiện hành lớp 2 có 6 cuốn giá 55.000 đồng, bộ SGK mới có 11 cuốn, giá 185.000 đồng; bộ SGK lớp 6 hiện hành giá 99.000 đồng, bộ SGK mới giá 245.000 đồng, chưa kể sách tiếng Anh (3 loại có giá: 52.000 đồng, 79.000 đồng và 89.000 đồng/cuốn). Năm 2008, Bộ GD&ĐT có “Đề án quốc gia” (ngân sách chi hàng nghìn tỉ đồng) trong đó có danh mục làm sách Tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 12 (phát không) nhưng nhiều năm qua sách tiếng Anh học sinh đều phải mua giá cao. Nỗi khổ của trẻ lớp 1, lớp 2 là phải cõng chiếc ba lô triũ nặng bởi quá nhiều sách, nhiều đồ dùng học tập, nay SGK mởi khổ to hơn, giấy dày, ba lô càng nặng hơn…

Từ khi triển khai cuộc cải cách Giáo dục lần thứ tư (bắt đầu năm 2000) trong 20 năm có nhiều quyết sách của Đảng, Nhà nước, song Bộ GD&ĐT làm SGK rất ì ạch mà vẫn có nhiều sai sót. Trong khi đó, ngân sách hầu hết vay vốn ODA chi cho sự nghiệp này vô cùng lớn. SGK, sách tham khảo lâu nay do Nhà xuất bản Giáo dục độc quyền, bắt buộc học sinh phải mua hàng năm mà đối với nông thôn “một bộ sách tiểu học là một tạ thóc” (SGK mới thì không phải 1 tạ thóc) mới càng thấy “tốn tiền của Nhân dân lắm!…”

Theo tính toán của GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn (Đại học Quốc gia Hà Nội), 42 năm qua (1979-2021), đầu tư của Nhà nước và người dân hàng chục tỉ USD cho ngành GD&ĐT chủ yếu là làm SGK và người dân mua SGK. Do độc quyền kinh doanh mà Nhà xuất bản Giáo dục và những người viết, phát hành năm nào cũng “lãi khủng”: Chỉ riêng sách Tiếng Việt lớp 1 năm 2002 in cho 1,7 triệu học sinh (2 tập giá 19.600 đồng) số tiền thu 33, 2 tỉ đồng, trừ mọi chi phí còn thu lãi 2 triệu USD. Năm 2020 cũng sách tiếng Việt lớp 1 với 1,72 triệu học sinh (2 tập giá 60.000 đồng), doanh thu 103 tỉ đồng (23.000 đồng/USD) khấu trừ mọi chi phí còn lãi cũng tính bằng triệu USD.v.v…Đó mới chỉ đề cập một loại sách Tiếng Việt lớp 1, nếu tinh toán toàn bộ SGK các lớp trong cả nước mỗi năm thì lợi nhuận xuất bản vô cùng lớn. Chỉ tính riêng năm 2020, số tiền người dân bỏ ra mua SGK lên tới 939,2 triệu USD.

Việc thẩm định CT-SGK, Bộ GD&ĐT huy động một bộ máy “khổng lồ”: Khoảng 500 cán bộ của 3 cơ quan Trung ương, một trường đại học và 2.883 cán bộ quản lí các cấp thuộc 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 6.620 phụ huynh, học sinh, tổ chức hàng trăm cuộc họp, hội thảo trong nhiều năm mà SGK vẫn chưa xong. Một số sách vừa phát hành đã bộc lộ sai sót, gây tranh cãi.

Rõ ràng, từ năm học 1980-1981 đến nay (2020-2021), sau 4 thập kỉ tiếp diễn các cuộc cải cách giáo dục, nhiều nhiệm kì Chính phủ, nhiều đời Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (Nguyễn Thị Bình, Phạm Minh Hạc, Trần Hồng Quân, Nguyễn Minh Hiển, Nguyễn Thiện Nhân, Phạm Vũ Luận, Phùng Xuân Nhạ, nay là Nguyễn Kim Sơn), Việt Nam vẫn chưa có Chương trình giáo dục thật chuẩn, chưa làm xong SGK chuẩn từ cấp Tiểu học đến Trung học phổ thông?…

 

KIM QUỐC HOA/VHVN

 

Video hay

Cùng chuyên mục

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Từ “Giám đốc mê ca hát” đến sự nghiệp giảng dạy

Từ “Giám đốc mê ca hát” đến sự nghiệp giảng dạy

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Vụ nữ Chủ tịch UBND huyện bị lừa đảo: Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc

Vụ nữ Chủ tịch UBND huyện bị lừa đảo: Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc