Vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều người lựa chọn bỏ phố về quê. Họ bỏ công việc, sự nghiệp nơi đô thị về quê làm vườn, hoặc vẫn làm việc ở phố nhưng đầu tư trang trại, nhà vườn ở quê.
Dịch bệnh đang thúc đẩy sự gia tăng của xu hướng “bỏ phố về quê”. Sống ở các thành phố đông dân cư, hàng ngày phải đối mặt với ô nhiễm môi trường và dịch bệnh, nhiều người đã thực hiện cuộc “dịch chuyển” về quê.
Chưa dám “bỏ phố về quê” hẳn
Anh Phạm Vũ Ngọc (Dĩ An, Bình Dương) chia sẻ niềm đam mê về mảnh vườn nho nhỏ của mình.
“Tôi năm nay 41 tuổi, có 1 vợ và 2 con. Ba năm trước tôi mới đủ điều kiện mua một mảnh vườn nho nhỏ tại huyện Châu Đức, Bà Rịa Vũng Tàu. Vì chỉ là sở thích và mơ ước có một mảnh vườn của riêng mình sau này sử dụng, nhưng vì điều kiện cuộc sống tôi mới chỉ tạm thời bỏ phố, chưa dám về rừng”, anh Ngọc nói.
Anh Ngọc chia sẻ dự tính sau này khi hai con lớn lên và trưởng thành thì hai “vợ chồng già” sẽ về khu vườn của mình để sinh sống hẳn. Vì hiện tại bây giờ nền kinh tế, con cái còn phụ thuộc rất nhiều nơi phố thị.
Cũng như anh Ngọc, Chị Phương Hoàng cũng dịch chuyển theo dòng người bỏ phố về quê, tuy thế nhưng chị chưa chọn rời bỏ thành phố hẳn.
Chị Phương Hoàng nói: “Mình sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, vùng quê đối với mình chỉ là những lần theo mẹ về quê ngoại ở Mỹ Tho. Hồi nhỏ được về quê là thích mê luôn về vườn được tha hồ leo cây hái mận, vú sữa… được thưởng thức vị trái cây rất ngon và tự nhiên”.
Chị Phương mua khu vườn này của một chủ vườn đã già, không có sức làm nên muốn bán để về ở chung với con cái. “Thấm thoát đã 8 năm đầy thương đau trôi qua, có những lúc muốn buông nhưng vẫn phải tự nhủ thôi ráng lên, mình đổ nhiều tiền vô vườn quá rồi, không thể bỏ cuộc giữa chừng”, chị Phương tâm sự.
Theo chị Phương chia sẻ, gia đình chị vẫn đi về giữa Sài Gòn và Đồng Nai, vẫn làm công việc ở Sài Gòn để có tiền mưu sinh và chăm vườn vào cuối tuần.
“Tụi mình về vườn, nhưng không bỏ phố đâu vì bỏ phố rồi thì lấy gì mà sống?. Vườn vẫn chưa thể tự lực cánh sinh, tiền bán trái cây không đủ để trang trải các chi phí không tên sau 8 năm”, điều chị Phương nói ra cũng là nỗi niềm trăn trở của rất nhiều người lựa chọn bỏ phố về quê.
Bỏ phố về quê không phải để an nhàn
Chị Đỗ Quyên chia sẻ câu chuyện sau một năm cả gia đình chuyển về ngoại ô, cách Hà Nội 40km. Lựa chọn bỏ phố về rừng của gia đình chị nhận được rất nhiều thắc mắc từ mọi người: “Về đây thì có buồn không?”, “Sao lại lựa chọn về nghỉ hưu sớm như vậy?”. “Sao mới 30 tuổi đã bỏ phố về quê?”…
“Hai vợ chồng mình bằng tuổi, cùng thuộc thế hệ 9X đời đầu, sau hơn 10 năm học tập và làm việc tại Hà Nội, đã quyết định về quê “nuôi thêm cá và trồng thêm rau”, giữa thời điểm “nơi cả việc thở cũng làm ta lao lực”, mà anh Đen Vâu vẫn hát mỗi ngày”, chị chia sẻ lý do về lựa chọn này của gia đình.
Chị Quyên bộc bạch rằng: “Về đây có buồn chứ, chông chênh chứ, nhưng chưa khi nào nản lòng hay hoang mang. Thời điểm khó khăn nhất là quá trình xây dựng, thời điểm đầu vận hành công việc có quá nhiều vất vả, lo toan, bọn mình lại là những người chưa có kinh nghiệm, chỉ có mỗi tuổi trẻ dám nghĩ, dám làm”.
Thế nhưng, lựa chọn bỏ phố về quê không phải để sống an nhàn, “nghỉ hưu” sớm như mọi người nghĩ. “Nếu chỉ về trồng cây, nuôi gà, tận hưởng cuộc sống an nhàn, có lẽ bọn mình không lựa chọn, vì không đủ điều kiện, cũng không phải thời điểm phù hợp”, chị Quyên nói.
Lựa chọn “rời phố” của gia đình chị Quyên về quê là lao động theo một con đường mới, xây dựng cuộc sống tự chủ thời gian và tài chính. Đến khi tìm được hướng đi cho bài toán ấy gia đình chị mới thực hiện.
Có thành công, có mất mát…
Chị Hoàng Huyền sinh ra ở một miền trung du, tuổi thơ là những tháng ngày nhọc nhằn mà vui. Hơn 20 năm rời xa quê hương đến thành phố lập nghiệp, cuộc sống với những bộn bề lo toan của cơm áo gạo tiền, chị chọn Đèo Mây Farm (Đà Lạt) để dừng chân sau những chuỗi ngày dài vất vả.
Thế nhưng, theo chị Huyền, cái gì cũng có giá của nó. Cái giá của thảnh thơi là chuỗi ngày cô độc, không bạn bè, không định hướng, không dư dả tiền bạc, cũng không có kinh nghiệm để cất nhắc đúng sai. Sống ở đây “mong cầu ít đi, tự khắc thấy đời bớt bon chen, tự khắc an trú bình dị”, chị Huyền tâm sự.
Tuy nhiên, bỏ phố về rừng không phải là điều đơn giản và dễ dàng. Anh Phạm Văn Hồng chia sẻ câu chuyện về quê chưa thành công của mình: “Tôi mua đất 12 năm ở Tân Phú (Đồng Nai) mà vẫn chưa bỏ phố được. Đã xuống cây được một năm và thuê một người chăm”
“Vừa rồi lên thấy cỏ tốt hơn cây nên phải tính lại. Mỗi năm công cán phân bón cả trăm triệu, tôi thấy không ổn nên cho họ mượn đất làm để giữ đất. Nhiều khi lý tưởng thì hay nhưng còn nhiều yếu tố khác nữa nên bỏ phố về rừng không hề đơn giản…”, anh Hồng nói.
Thực tế, có không ít người gặp phải thất bại và bỏ cuộc khi thực hiện cuộc dịch chuyển “bỏ phố về quê”. Đây là cơ hội nhưng cũng sẽ là thử thách cần sự kiên trì, bản lĩnh vượt qua khó khăn của những người lựa chọn dịch chuyển.
Khi lựa chọn bỏ phố về quê, cần phải có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng, chuẩn bị tâm lý vững vàng để có thể ứng biến với các tình huống rủi ro xảy ra. Bỏ phố về quê là một giấc mộng đẹp nhưng hành trình này không bao giờ là dễ dàng.
Theo Công luận